10:51 29/04/2023

Mẹ đơn thân chật vật nuôi hai con động kinh, bại não

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hà Chi

Là người mẹ đơn thân một mình nuôi hai con, một cháu mắc bệnh động kinh, một cháu bị bại não, đã có những lúc chị Đỗ Thị Kim Định (xã Đỗ Xuyên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) tưởng chừng tuyệt vọng không thể vượt qua. Người mẹ chỉ mong có thể mua cho con một chiếc xe đẩy đi tắm và một chiếc bàn tập đứng hỗ trợ con trong quá trình trị liệu.

Một buổi sáng tại Khoa Nhi - Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội, chị Đỗ Thị Kim Định tất tả, vội vàng lên đón con trai, cháu Hoàng Đỗ Đồng Anh (10 tuổi) sau 30 phút tập trị liệu. 

Cậu con trai đang lớn lên từng ngày nhưng không thể tự chủ trong hầu hết mọi vận động thường ngày. Chị Định khá vất vả khi bế con xuống lại căn phòng mà hai mẹ con đang ở tại bệnh viện. 

hai-me-con-dong-anh-103424
Đồng Anh hiện đang được điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội. Cuộc sống còn khó khăn, vất vả, chị Định vẫn luôn cố gắng đồng hành cùng con trong hành trình chữa bệnh (Ảnh: Hà Chi).

CUỘC SỐNG BẤP BÊNH CỦA MẸ ĐƠN THÂN
NUÔI HAI CON BỆNH TẬT, PHẢI ĐI VAY NỢ, Ở NHỜ

Từ khi mới 9 tháng tuổi, cậu con trai thứ hai của chị Định là cháu Hoàng Đỗ Đồng Anh được chẩn đoán mắc bại não liệt tứ chi co cứng. 9 tuổi, Đồng Anh mới biết bập bẹ gọi "mẹ".  

Tuổi thơ của cậu bé là những lần chữa trị tại khắp các bệnh viện khác nhau như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và hiện nay Đồng Anh đang được điều trị tại Khoa Nhi - Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội.

Dù đã lên 10 tuổi nhưng Đồng Anh vẫn chưa thể tự bước đi trên chính đôi chân của mình, mẹ vẫn phải khó nhọc từng bước bế cháu để thực hiện mọi sinh hoạt như: Đi tắm, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân... 

Lúc biết Đồng Anh mắc chứng bại não, chị chỉ còn hy vọng vào anh trai của bé là cháu Hoàng Mạnh Hùng (12 tuổi), chị mong anh trai nay mai sẽ đỡ mẹ chăm sóc em. Tuy nhiên, niềm hy vọng ấy cũng vụt tắt. Lên 5 tuổi, chị Định đưa con đi khám do cháu có biểu hiện tay nắm chặt, co giật, sùi bọt mép. Bác sĩ chuẩn đoán Hùng mắc bệnh động kinh. 

Chị Định một mình nuôi hai con bệnh tật
Chị Định một mình nuôi hai con bệnh tật: cháu Mạnh Hùng (áo vàng), Đồng Anh. 3 mẹ con không có nhà riêng, phải đi ở nhờ (Ảnh: NVCC).

“Khi đi đường, tôi chỉ biết khóc, cảm thấy bản thân rơi vào tận cùng của tuyệt vọng. Nhiều đêm tôi không thể ngủ được. Khi nghĩ về hai đứa con tôi chỉ biết khóc một mình, có những lúc tôi đã nghĩ quẩn mình sẽ tự tử nhưng lại nghĩ nếu mình mất đi, hai con sẽ rất khổ nên tôi chỉ còn cách cố gắng vượt qua”, chị Định nghẹn ngào.

3 mẹ con không có đất, không có ngôi nhà của riêng mình. Hiện nay, 3 mẹ con chị đang ở nhờ nhà của một người họ hàng. Cuộc sống của 3 mẹ con chị Định bấp bênh, khó khăn, vất vả.

Ngôi nhà cho đến thời điểm hiện tại cũng đã xuống cấp, khi thời tiết nắng ráo còn có thể ở được nhưng những hôm mưa gió thì 3 mẹ con phải qua ông bà ngoại vì nhà cũ dột. Nếu mưa bão lớn còn có thể đổ bất cứ lúc nào. Khi chị Định đưa Đồng Anh lên Hà Nội chữa bệnh thì ông bà ngoại đón cháu Hùng về ở cùng để tiện chăm sóc. 

Trong khoảng thời gian còn ở nhà, chị Định cũng chưa có công việc ổn định, không đủ tiền sữa, tiền thuốc cho các con. Khi đưa Đồng Anh lên Hà Nội chữa bệnh, bà ngoại đi cùng phụ chị trông cháu. 

"Gia đình chị Định là người dân địa phương, có hoàn cảnh khó khăn, hai vợ chồng anh chị không còn chung sống với nhau. Hai con hiện đang phải điều trị bệnh, ba mẹ con chị Định vẫn phải ở nhờ nhà họ hàng, bố mẹ chị Định cũng đã có tuổi.

Chị Định đi chữa bệnh cho con nên chưa có công việc ổn định, gia đình thuộc hộ nghèo", ông Lê Ngọc Hà, Cán bộ Phòng Lao động, Thương binh & Xã hội xã Đỗ Xuyên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ xác nhận với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam.

Để trang trải cho cuộc sống cho 3 mẹ con, khi Đồng Anh điều trị tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, chị Định đi làm giúp việc. Đến khi Đồng Anh điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, do không ở cố định một nơi, không có sự trợ giúp của bà ngoại nên hai mẹ con chị Định tự xoay xở cuộc sống. Những giờ Đồng Anh đi tập, chị Định tranh thủ đi rửa bát thuê, làm thêm những công việc khác. Đôi khi không nhờ người trông con được, chị Định đưa con đi làm cùng mình. 

Hiện nay, Đồng Anh đang được điều trị nội trú tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội. Bệnh viện quy định chỉ có mẹ có thể ra ngoài, còn con cần ở lại bệnh viện điều trị. Vì không có người thân đỡ đần chăm sóc con nên chị Định không thể đi làm thêm ở ngoài được. Chị phải vay mượn sống qua ngày.

“Vì tôi đã đi vay quá nhiều nên ông bà ngoại cũng phải vay giúp tôi có tiền trang trải cuộc sống, lo cho hai cháu. Gia đình nhà nội không hỗ trợ gì thêm cho 3 mẹ con”, chị Định ngậm ngùi nói.

Nếu như trước khi tới Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội chữa trị, Đồng Anh chỉ có thể đặt ngồi và được một lúc sẽ bị gù xuống, chân tay rất cứng thì giờ đây cháu đã có thể ngồi cứng hơn, tay phải bắt đầu thực hiện được những động tác cơ bản. 

Cháu đang tập tự xúc ăn, có những hôm có thể tự xúc ăn hết cả suất ăn của mình, nếu khó khăn mẹ sẽ hỗ trợ. Chị Định cho biết: “Tôi chỉ mong muốn, Đồng Anh có thể tự đi lại bằng chính đôi chân của mình, tự sinh hoạt. Bác sĩ Trưởng khoa Nhi cho biết, các y bác sĩ sẽ cố gắng để con có thể tự xúc ăn, tự di chuyển được. Nghe bác sĩ nói vậy, tôi cũng vui mừng, có thêm niềm tin”. 

Đồng Anh là một bạn nhỏ hiểu chuyện và vui tính
Đồng Anh là một bạn nhỏ hiểu chuyện và vui tính (Ảnh: Hà Chi).

"QUÁ TRÌNH ĐIỀU TRỊ CHO ĐỒNG ANH
CẦN THỜI GIAN LÂU DÀI"

Một ngày tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội, Đồng Anh được tập hai buổi, buổi sáng tập vận động ngôn ngữ, trị điện và buổi chiều tập vận động, mỗi buổi 30 phút.

Chị Định chia sẻ, do điều kiện kinh tế hạn chế nên Đồng Anh chỉ có thể tập theo chế độ bảo hiểm. Có những phương pháp chị Định muốn con được trị liệu nhưng bảo hiểm không chi trả được hết. Chị đang cố gắng để Đồng Anh có thể tập thêm được 30 phút, mong con tiến triển nhanh hơn.

Để có được tinh thần lạc quan, chị Định cố gắng quên hết những chuyện buồn và chỉ sống vì con.

“Nhìn thấy con không được như các bạn, tôi rất thương. Đồng Anh hiểu chuyện, khi mẹ buồn cháu biết, mỗi khi ăn cơm, biết xúc thức ăn bón cho mẹ. Khi về nhà nhìn hai anh em quấn quýt chơi với nhau tôi cũng nhẹ lòng. Cả hai con đều thương mẹ”, chị Định xúc động, lau vội giọt nước mắt khi kể về hành trình chữa bệnh cùng con. 

Chị Định tâm sự: “Đồng Anh ham học, nửa năm trước tôi biết đến “Lớp học siêu nhân” dành cho các bạn nhỏ như Đồng Anh do các bà mẹ “siêu nhân” tổ chức và đăng kí cho cháu đến giao lưu cùng các bạn, Đồng Anh rất thích. 

Khi tới trường mầm non chơi, Đồng Anh không muốn về. Cháu cũng rất thích vẽ dù chỉ là những nét vẽ nguệch ngoạc”.

Bác sĩ Khoa Nhi Hoàng Thị Hương Giang - người trực tiếp điều trị cho Đồng Anh cho hay, cháu được chẩn đoán liệt tứ chi co cứng, di chứng do không được tập phục hồi chức năng sớm khá nặng nề. Mức độ vận động của Đồng Anh trên trẻ bại não như vậy là khá chậm.

Sau một đợt điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội, bên cạnh tập phục hồi chức năng thì bác sĩ cũng kê thêm thuốc giãn cơ và Đồng Anh có những tiến triển. 

“Khi mới tới Bệnh viện, Đồng Anh chưa thể tự ngồi dậy được, nhưng bây giờ cháu có thể chống tay ngồi dậy, đó là tiến triển tốt. Khả năng đi lại độc lập với Đồng Anh sẽ rất khó vì gần 10 năm không can thiệp nên gân cơ bị co rút nhiều, biến dạng khớp. Sau này Đồng Anh cũng có thể tự di chuyển nhưng phải cần đến các dụng cụ trợ giúp như nẹp, khung tập đi,...

Theo như kinh nghiệm và kiến thức của bác sĩ thì trường hợp đi lại độc lập, không cần tới trợ giúp của Đồng Anh là điều khó khăn, thậm chí là không thể”, bác sĩ Giang nhận định.

Trong quá trình tập luyện, Đồng Anh rất ngoan và hợp tác cùng các bác sĩ. Nhận thức của Đồng Anh khá tốt. Các bài tập giai đoạn đầu như tập đứng rất khó chịu nhưng Đồng Anh cũng đã nỗ lực vượt qua. Chị Định chịu khó tìm phương pháp điều trị cho con, tuy nhiên kinh tế còn hạn chế. 

Ngoài vận động trị liệu, các bác sĩ cũng can thiệp toàn diện cho cháu cả về ngôn ngữ và hoạt động trị liệu. Hiện nay, tay của Đồng Anh vận động khá kém nên cần tập các chức năng của bàn tay trước sau đó mới đến kỹ năng sinh hoạt.

Theo bác sĩ Giang, quá trình điều trị cho Đồng Anh cần thời gian lâu dài, dựa vào mục tiêu đề ra. Các bác sĩ cũng khó ước lượng được khoảng thời gian chính xác Đồng Anh có thể tự đi lại được. 

"CHỈ MONG CON CÓ
MỘT CHIẾC BÀN TẬP ĐỨNG, CHIẾC XE ĐẨY"

“Mỗi ngày nhìn con có thêm những tiến triển mới bản thân tôi rất vui và có thêm động lực. Lúc nào cũng chỉ muốn cố gắng để con được chữa bệnh và có thể đi được trên chính đôi chân của mình”, chị Định tâm sự. 

Hiện tại, chị Định hy vọng có thể sắm được cho Đồng Anh một chiếc xe đẩy cứng cáp dùng được tới năm Đồng Anh 15 tuổi để cháu đi tắm, đi vệ sinh và một chiếc bàn tập đứng phục vụ cho việc trị liệu.

Về lưu ý về bàn tập đứng cho Đồng Anh, bác sĩ Giang tư vấn nên có điều chỉnh độ cao để cháu có thể sử dụng lâu dài. Đây là một công cụ quan trọng để giúp cháu sử dụng được đôi chân, giúp đôi chân chịu trọng lực, các khớp sẽ được vận động. 

Chia sẻ về dự định và mong ước trong tương lai, chị Định hy vọng bản thân có thể làm việc để có thêm thu nhập, chữa trị cho con, để Đồng Anh có thể biết đi, biết tự sinh hoạt. Chị cũng ước mơ có một căn nhà, để 3 mẹ con không phải đi ăn nhờ, ở đậu.

Mẫu bàn tập đứng hỗ trợ Đồng Anh trong công việc trị liệu
Mẫu bàn tập đứng hỗ trợ Đồng Anh trong công việc trị liệu (Ảnh: Hà Chi).
ơn xin giúp đỡ
Chị Định mong nhận được sự giúp đỡ để con có một chiếc xe đẩy đi tắm và một chiếc bàn tập đứng (Ảnh: Tạp chí Trẻ em Việt Nam).
z4294333941137_00cfd4e3391f7470dd94372fa68ceff4
Gia đình chị Định thuộc diện hộ nghèo (Ảnh: Tạp chí Trẻ em Việt Nam).
z4294360348957_c0392c06a516cf7f423cd4fd239654a7
Đồng Anh hiện đang điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội (Tạp chí Trẻ em Việt Nam, lưu ý: Thông tin riêng tư đã được làm mờ).
z4294360346930_b20f4be0909f8b75440edefc69e244e6
Giấy xác nhận thông tin cư trú tại địa phương (Tạp chí Trẻ em Việt Nam, lưu ý: Thông tin riêng tư đã được làm mờ).

 Mọi sự hỗ trợ, giúp đỡ mã số TEVN0002, Quý độc giả vui lòng liên hệ:

Chị Đỗ Thị Kim Định

Điện thoại: 0976.033.149

Số tài khoản: 19039283173016, Techcombank - Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam

Hoặc Tạp chí Trẻ em Việt Nam

Điện thoại: 0816.221.166

Email: toasoantevn@gmail.com

Tầng 5 Cung Trí thức thành phố, số 1 Tôn Thất Thuyết, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.

LƯU Ý: Tạp chí Trẻ em Việt Nam không nhận trực tiếp tiền mặt, hiện vật. Quý độc giả có tấm lòng thiện tâm, vui lòng liên hệ, Tạp chí Trẻ em Việt Nam sẽ làm cầu nối để quý độc giả trực tiếp trao tiền hỗ trợ hoặc hiện vật đến gia đình. 

CẬP NHẬT THÔNG TIN

Sáng 12/05, thay mặt các nhà hảo tâm, bà Nguyễn Phương Nhung - Thư ký Tòa soạn Tạp chí Trẻ em Việt Nam cùng các PV của Tạp chí đã tới trao tặng xe đẩy, bàn tập đứng cho cháu Hoàng Đỗ Đồng Anh tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội.

trao quà nhân ái -
Chiếc bàn tập đứng trị giá 2 triệu 500 nghìn đồng được một nhà hảo tâm xin được giấu tên cùng chiếc xe đẩy có giá 2 triệu 350 nghìn đồng do chị Thùy Linh và chị Bích Phương gửi tặng bé Đồng Anh với hy vọng, cuộc sống của ba mẹ con sẽ bớt cơ cực, tương lai sẽ tươi sáng hơn.
bé bại não
Một thế giới mới đã dần mở ra với Đồng Anh, hy vọng trong tương lai nhờ có sự đồng hành của chiếc xe đẩy và bàn tập đứng, Đồng Anh sẽ có thể tự bước đi bằng chính đôi chân của mình.
món quà
Chị Định thông tin thêm, sau khi bài viết về hoàn cảnh gia đình chị được Tạp chí Trẻ em Việt Nam đăng tải, một số nhà hảo tâm đã gửi những phần quà hỗ trợ qua số tài khoản cá nhân của chị. Chị Định cảm thấy ấm lòng và nắn nót ghi lại trong cuốn số, nâng niu, trân quý từng sự giúp đỡ của mọi người.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận