10:06 14/12/2024

Người thầy đặc biệt giúp cô học trò nhút nhát tin vào bản thân, giành giải Ấn tượng

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lại Cường

“Con lớn lên với hai từ rụt rè và nhút nhát in đậm trong mỗi tờ nhận xét của giáo viên... Nhờ thầy mà con mới bắt đầu tự tin hơn vào bản thân và khả năng của mình. Con cảm ơn thầy", đó là lá thư giàu cảm xúc và nỗi nhớ của Nguyễn Linh Ngọc, học sinh lớp 11AB4 - Trường THPT Wellspring Hà Nội gửi người thầy của mình.

Bài viết này thuộc chuyên đề Trường học hạnh phúc

Xem thêm

Trong bài dự thi Cuộc thi viết và bình chọn "Trường học hạnh phúc" - năm 2024 do Tạp chí Trẻ em Việt Nam tổ chức, em Nguyễn Linh Ngọc, học sinh lớp 11AB4 - Trường THPT Wellspring Hà Nội đã có lá thư xúc động gửi người thầy trong những năm tuổi thơ của mình. Bài dự thi lọt Top 10 tác phẩm ấn tượng nhất và đã được vinh danh vào ngày 17/11 vừa qua.

Lá thư của Nguyễn Linh Ngọc gửi đến người thầy cũ đưa người đọc sống lại từng khoảnh khắc quý giá. Mỗi câu từ mang sức mạnh của ký ức và tình cảm chân thành.

Ngọc mở đầu bức thư với lời nhắc nhở yêu thương: “Nếu con có chuyển trường, thầy sẽ nghỉ làm”. Câu nói vui của thầy Brian năm Ngọc học lớp 7 đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng cô bé. Nhưng giờ đây, thầy đã rời trường, còn Ngọc thì đã trưởng thành hơn, đang đứng giữa những năm tháng cuối cấp.

Ngọc hồi tưởng lại bài văn đầu tiên viết cho thầy năm lớp 6, bài viết tưởng chừng lan man về một nỗi băn khoăn nhỏ bé: Chọn giữa hai hệ học, AD và MT: “Con đã kể lan man suốt hai trang giấy... nhưng thầy đã chấm bài của con 96 điểm".

Cô bé không tin vào mắt mình khi nhìn thấy số điểm được viết bằng mực đỏ: “Đối với thầy, đó chỉ là thêm một bài văn mà thầy cần phải chấm, nhưng đối với con, nó là một lời động viên và tin tưởng rằng, con có thể viết tốt, thậm chí hay hơn con từng tưởng tượng".

Ngọc tự nhận mình từng là một cô học trò “rụt r蔓nhút nhát”, luôn sống trong những lời nhận xét quen thuộc của thầy cô. Nhưng thầy Brian đã thay đổi điều đó. Những tiết học ELA (Ngữ văn Anh) dưới sự hướng dẫn của thầy không chỉ là giờ học kiến thức, mà còn là nơi cô bé được thách thức tư duy và bày tỏ cảm xúc chân thật của mình: “Trong lớp của thầy, con có thể thực sự là chính mình và tự do bày tỏ suy nghĩ”.

nh 4
Tác giả bức thư, em Nguyễn Linh Ngọc. Ảnh: Hương Giang

Ngọc không chỉ yêu thích các bài học phân tích tác phẩm như “Giết con chim nhại” hay “Romeo và Juliet”, mà còn cảm thấy bản thân được truyền cảm hứng mạnh mẽ: “Nhờ thầy mà giờ đây, con có thể tận hưởng được vẻ đẹp của ngôn ngữ Tiếng Anh... chiêm ngưỡng và hòa mình vào thế giới văn học ẩn nấp đằng sau những trang sách đơn thuần, giản dị".

Dù đôi khi bị điểm thấp và mắc sai sót, Ngọc chưa từng cảm thấy thất vọng về bản thân. Chính sự kiên nhẫn của thầy đã giúp cô tin rằng, mình có thể làm tốt hơn: “Kể cả bây giờ khi con không còn được học ELA nữa, con vẫn tiếp tục đọc sách và thúc đẩy bản thân phân tích những biện pháp tu từ nổi bật và ý nghĩa sâu xa của những văn bản đó".

VVT_8384
Tác giả cùng Ban Tổ chức và các thầy cô giáo Trường THPT Wellspring Hà Nội trong Lễ vinh danh. Ảnh: HG

Trong bức thư, Ngọc nhắc đến một câu nói nổi tiếng từ cuốn sách “Khi hơi thở hóa thinh không” của Paul Kalanithi: “Chúng ta sinh sống và tồn tại nhờ có sự kết nối và những mối quan hệ trong cuộc sống”. Trước đây, cô bé từng không đồng tình với quan điểm này. Nhưng sau khi trải qua những giờ học cùng thầy Brian, Ngọc đã thay đổi suy nghĩ.

“Con nhận ra rằng, trước đây, con thích đến trường không phải vì con muốn học... Con thích đến trường bởi trong giờ ELA, con cảm thấy được trân trọng, cảm thấy rằng, mình có một vị trí và thuộc về nơi này".

11
22
33
Thư gửi thầy Brian của Ngọc. Ảnh chụp tác phẩm

Thầy Brian đã gieo niềm tin và tình yêu cuộc sống trong lòng học sinh, giúp Ngọc nhận ra giá trị của những mối quan hệ, nơi mỗi người được lắng nghe, được thấu hiểu và được trân trọng.

Kết thúc lá thư, Ngọc viết: “Từ trước tới giờ, con đã được học kha khá các thầy cô dạy Tiếng Anh... nhưng con chưa từng tin họ, cho đến khi con gặp thầy”... “Nhờ thầy mà con mới bắt đầu tự tin hơn vào bản thân và khả năng của mình. Con cảm ơn thầy".

Lá thư của Ngọc không chỉ là một lời cảm ơn đơn thuần, mà còn là minh chứng cho sức mạnh mà tình thầy trò có thể mang lại. Đó là sức mạnh giúp một cô bé nhút nhát trở nên tự tin, giúp một học sinh tìm được niềm đam mê thực sự trong học tập, và giúp những giá trị nhân văn lan tỏa.

Sự trân trọng mà Ngọc dành cho thầy Brian nhắc nhở chúng ta rằng, đôi khi, điều đẹp đẽ nhất mà một người thầy có thể làm là tin tưởng vào học trò của mình, ngay cả khi các em chưa tin vào chính mình.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận