13:12 30/11/2023

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt Đoàn đại biểu Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Tâm An

Sáng nay 30/11, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã có buổi gặp mặt thân mật 100 đại biểu đại diện cho gần 300 đại biểu dự Đại hội Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam lần thứ IV.

Hung4
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự Đại hội Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam lần thứ IV (Ảnh: Phạm Hùng).

Tại buổi gặp mặt, báo cáo với Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa – Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã trình bày tóm tắt về hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ 2018-2023.

Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, đến nay Hội đã có 27 Hội cấp tỉnh/TP, 27 Chi hội và trung tâm, đơn vị trực thuộc; tổng số 110.000 hội viên. Mô hình tổ chức rất đa dạng: Hội Bảo vệ quyền trẻ em, Hội bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em, Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em... (5 năm qua đã phát triển được thêm 13 Hội địa phương và chi Hội trực thuộc). Một số hội địa phương đã phát triển tổ chức Hội đến xã/phường.

hung2
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đánh giá cao những kết quả, thành tích mà Hội Bảo vệ quyền trẻ em đạt được trong những năm qua (Ảnh: Phạm Hùng).

Trong nhiệm kỳ qua, Hội đã có nhiều hình thức để kết nối, thu thập thông tin của trẻ em như tiến hành nghiên cứu, khảo sát xã hội học, hội thảo, diễn đàn và đã có gần 40 tổ chức xã hội được lấy ý kiến với gần 7000 lượt người, trong đó có trên 200 ý kiến góp ý cho hơn 50 dự án luật, nghị quyết, nghị định, thông tư, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hành động quốc gia, đề án quốc gia, các văn bản về chế độ, chính sách liên quan tới trẻ em.

Đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã ứng dụng công nghệ số để lấy ý kiến của gần 3.000 người lớn và trẻ em về “Ảnh hưởng dịch Covid -19 đến cuộc sống của trẻ em và người chăm sóc”.

lan2
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam báo cáo tóm tắt hoạt động của Hội nhiệm kỳ vừa qua.

Về giám sát, tham gia giám sát thực hiện quyền trẻ em, theo Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Hội đã tham gia với các đoàn giám sát của Uỷ ban quốc gia về trẻ em, các Bộ, ngành, đoàn thể, các Uỷ ban của Quốc hội và tổ chức giám sát định kỳ hàng năm hoạt động trong hệ thống Hội các cấp…

Đặc biệt, năm 2019, Hội đã tham gia vào Đoàn giám sát của Quốc hội chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” tại 12/17 tỉnh, thành phố; Hội tiến hành giám sát, tham gia giám sát thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng (thông qua báo, đài, trang thông tin điện tử…); Thông qua các hội nghị, hội thảo, các ý kiến tham gia, phát hiện của các tổ chức, cá nhân về các vụ việc xâm hại trẻ em, Hội thu thập ý kiến, kiến nghị để thực hiện quyền giám sát, tham gia giám sát, tổng hợp ý kiến phản ảnh về Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các cơ quan hữu quan.

ại hội
Các đại biểu tham dự buổi lễ.

Trong việc phát biểu chính kiến và kiến nghị của Hội đối với các cơ quan nhà nước có liên quan về các vấn đề về trẻ em và việc vi phạm pháp luật về trẻ em, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa cho biết, trong 5 năm qua, Hội đã tham gia gần 300 lượt trả lời, phát biểu chính kiến về các vụ việc vi phạm quyền trẻ em như trẻ bị bạo hành, trẻ bị xâm hại, trẻ bị bỏ rơi, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, lao động trẻ em, những kỹ năng cha mẹ cần biết để bảo vệ và hỗ trợ cho trẻ trước nguy cơ bị xâm hại.

Hội đã tiếp nhận và xử lý hơn 100 đơn thư, vụ việc phản ánh của công dân từ nhiều nguồn tin và tham gia tư vấn trực tiếp, hỗ trợ cho gần 300 trường hợp trẻ em bị hại, trong đó có gần 40 trường hợp Hội cử luật sư hỗ trợ pháp lý cho nạn nhân và người nhà nạn nhân.

Hầu hết các ý kiến đều được các cơ quan có thẩm quyền phản hồi, đánh giá cao và tiếp thu đưa vào các văn bản pháp luật chính sách liên quan, đồng thời giải quyết xử lý kịp thời các vụ việc xâm hại quyền trẻ em, tạo niềm tin cho nhân dân.

Hội cũng đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức, hội địa phương tổ chức thường niên 2 sự kiện truyền thông là Tết ấm cho em và Thắp sáng những nước mơ và nhiệm kỳ vừa qua đã vận động hơn 400 tỷ đồng bao gồm học bổng (tiền mặt, sổ tiết kiệm) và hiện vật (xe đạp, đồ dùng học tập, đồ dùng sinh hoạt, thực phẩm…) cho khoảng 1,8 triệu trẻ em được hưởng lợi.

Tại buổi gặp mặt, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa thay mặt Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đề nghị Phó Chủ tịch nước quan tâm có ý kiến với Đảng, Nhà nước xem xét để có cơ chế, tạo điều kiện cho Hội thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Luật và văn bản pháp luật Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, để nâng tầm vị thế của Hội, có nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm của Hội.

Phó Chủ tịch nưo?
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tặng quà lưu niệm Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.

Tại buổi gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đánh giá cao, nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những kết quả, thành tích mà Hội bảo vệ quyền trẻ em đạt được trong những năm qua.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo mọi điều kiện tốt nhất để trẻ em được phát triển toàn diện, có môi trường sống an toàn, lành mạnh; coi đây là vấn đề vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược, lâu dài.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, phát triển toàn diện và bảo đảm quyền của trẻ em; dành những điều kiện tốt nhất, sự chăm lo chu đáo nhất cho trẻ em - tương lai của đất nước”.

Phó Chủ tịch nước cho biết, trong những năm qua, công tác giáo dục, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em được cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức xã hội, đoàn thể và nhân dân chăm lo. Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ ấn tượng trong thực hiện Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em và các công ước, điều ước quốc tế có liên quan, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

lan4
Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tặng hoa cảm ơn Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tại buổi gặp mặt.

"Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ mức 39,6% năm 2001 xuống 18,9% năm 2022; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm từ 13,8% năm 2016 xuống còn 10,8% năm 2022; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được chăm sóc phát triển phù hợp về sức khỏe, học tập và tâm lý xã hội đạt trên 90%; năm 2022, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin năm là 94% (với 10 loại vắc-xin); tỷ lệ lao động trẻ em giảm từ 9,6% năm 2012 xuống 6,6% năm 2021...”, Phó Chủ tịch nước cho biết.

Theo Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (như: trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật, mồ côi, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh v.v...) được ưu tiên thực hiện, với nhiều chính sách như: trợ cấp xã hội, trợ giúp tiếp cận y tế, giáo dục, học nghề, phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng, miễn giảm học phí, trợ giúp pháp lý miễn phí...

Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đến cuối năm 2020 giảm còn khoảng 7%, trẻ em dưới 6 tuổi đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế; trẻ em bị tai nạn, thương tích, đuối nước đã được giảm thiểu. Trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid đã được hỗ trợ rất kịp thời. Có 100% tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi.

"Dù đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận nhưng công tác giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ em vẫn còn những khó khăn, thách thức. Tình trạng trẻ em bị bạo hành, xâm hại, trầm cảm, tai nạn, nhất là đuối nước vẫn còn xảy ra trong xã hội; vẫn còn có trẻ em phải đối mặt với nghịch cảnh của cuộc sống”, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.

hung5
100 đại biểu đại diện cho gần 300 đại biểu dự Đại hội Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam lần thứ IV tại buổi gặp mặt (Ảnh: Phạm Hùng).

Để bảo vệ, chăm lo tốt nhất cho trẻ em, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho công tác trẻ em; tiếp tục cụ thể hóa, triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trẻ em; kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, tạo điều kiện tốt nhất cho việc dạy học, bồi dưỡng kiến thức cho trẻ em; chú trọng đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho các em để đối phó với nghịch cảnh hay các tình huống nguy hiểm như trẻ em bị bạo hành, xâm hại, đuối nước. Chăm sóc, bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho trẻ em được phát triển chính là sự đầu tư cho tương lai, chính là phát triển bền vững.

Theo Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, trong nhiệm kỳ tới, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cần chú trọng nâng tầm về tổ chức và hoạt động của Hội theo hướng chuyên nghiệp hóa; kiện toàn bộ máy; đổi mới cách thức hỗ trợ bảo vệ trẻ em; phối hợp tốt với các tổ chức khác để bảo vệ trẻ em tốt hơn, vận động ngày càng nhiều các cộng tác viên làm công tác bảo vệ trẻ em; xây dựng tổ Hội vững mạnh, nâng cao năng lực nghiên cứu, tư vấn, kỹ năng, nghiệp vụ công tác hội về bảo vệ quyền trẻ em cho đội ngũ cán bộ và các cộng tác viên.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận