14:47 23/02/2024

Sơ cứu khi trẻ bị bỏng nhiệt và chăm sóc vết thương đúng cách

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Tâm An

Việc xử trí đúng ngay sau bỏng làm giảm diện tích, độ sâu bỏng, làm diễn tiến bệnh nhẹ hơn, giảm tỷ lệ tử vong, hạn chế di chứng.

Mới đây, bệnh nhi N.K.H., (nữ, sinh năm 2019, trú tại tỉnh Đồng Nai) nhập viện trong tình trạng sốc, bỏng nặng vùng đầu, ngực, đùi, mông và hai tay.

Theo gia đình, thời điểm xảy ra sự cố, bệnh nhi đang chơi với bạn ở sau nhà. Do không chứng kiến trẻ nghịch cồn nên bệnh nhi chỉ được người thân phát hiện và dập lửa tại chỗ khi bị lửa bén vào người.

bong
Bỏng là tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ từ 3 - 10 tuổi

Bỏng là tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ từ 3 - 10 tuổi bởi đây là lứa tuổi rất hiếu động, thích khám phá nhưng lại chưa nhận thức được về sự nguy hiểm mà các hành động mà mình có thể gây ra.

Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên từng tiếp nhận bệnh nhi 7 tháng tuổi (ở buôn Ju, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) trong tình trạng sốt cao, quấy khóc suốt đêm vì đau đớn. Nguyên nhân gia đình cho biết, khi đang nấu ăn, do bất cẩn không để ý nên bệnh nhi quơ tay làm đổ bình nước sôi bên cạnh khiến 2 chân bị bỏng nặng.

Trường hợp bé gái V.H.G. 10 tháng tuổi, ngụ ở Tiền Giang, trong khi tập đi trong xe tập thì chồm người tới bàn có bình đun nước sôi siêu tốc, kéo dây điện xuống. Bình nước sôi đổ lên người bé, gây bỏng mặt, ngực, tay, chân phải.

Bỏng ở trẻ em dù diện tích nhỏ cũng gây mất nước, muối, huyết tương có thể dẫn tới sốc, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, suy kiệt có thể gây tử vong. Bỏng gây đau đớn cho trẻ nhỏ, làm cho trẻ dễ hoảng sợ và có thể bị sốc. Ngoài ra bỏng còn ảnh hưởng tới tâm sinh lý, sự phát triển tâm hồn và thể chất của trẻ. Bỏng sâu thường để lại sẹo sẽ ảnh hưởng tới tâm lý, thẩm mỹ, chức năng của trẻ. Việc xử trí đúng ngay sau bỏng làm giảm diện tích, độ sâu bỏng, làm diễn tiến bệnh nhẹ hơn, giảm tỷ lệ tử vong, hạn chế di chứng.

Theo Bộ Y tế, tùy vào nguyên nhân gây ra bỏng, cách xử lý vết bỏng sẽ khác nhau.

Bé bị bỏng pô xe máy:

Khi bé bị bỏng pô xe máy, ngay lập tức, làm mát vùng da bị bỏng, bằng cách đặt vết bỏng dưới vòi nước (hoặc dội nhiều nước sạch lên vết bỏng), trong vài phút.

Nếu có sẵn, nên bôi phủ vết bỏng bằng thuốc mỡ đặc trị để làm dịu và giúp vết bỏng mau lành. Băng lại bằng gạc sạch. Thoa thuốc bôi vào bông băng trước khi băng sẽ giúp bé đỡ đau hơn.

Thay băng sau 24 giờ và sau đó mỗi 2–3 ngày. Rửa vết thương bằng nước muối, bôi thuốc mỡ đặc trị phủ kín vết bỏng và băng lại bằng gạc sạch.

Không nên chọc vỡ bóng nước, bôi đắp các loại thuốc không rõ (vì sẽ làm chậm lành vết thương và thêm nguy cơ nhiễm trùng).

Đưa bé đến cơ sở y tế, nếu trong quá trình chăm sóc tại nhà có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm trùng, như da bị đỏ lên hoặc mất màu ở vùng da bình thường quanh vết bỏng, vết bỏng có mùi hôi làm bé đau hơn, vết bỏng sưng nhiều, bé sốt hoặc kèm ớn lạnh.

bongboxe

Bỏng lửa, nước sôi:

Khi trẻ không may bị bỏng lửa, nước sôi, cha mẹ và người thân cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nguồn gây bỏng và thực hiện các bước sau:

– Làm mát vết bỏng, tránh cho da khỏi bị rộp bằng cách mở vòi nước cho chảy chầm chậm lên vết bỏng khoảng 15 – 20 phút. Nước sạch vừa có tác dụng giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm, giảm độ sâu của vết thương. Không dùng nước lạnh, nước đá (trong tủ lạnh) để làm mát da cho trẻ.

– Nhẹ nhàng tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giầy, dép, vòng trước khi vết bỏng sưng nề.

– Che phủ vùng bỏng bằng gạc vô khuẩn. Nếu không có gạc có thể dùng vải sạch.

– An ủi trẻ, cho uống nước và đặt trẻ ở tư thế nằm.

– Nếu vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ, tổn thương có thể tự liền nhờ quá trình biểu mô hóa thì sau khi sơ cứu có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu nặng hơn thì ngay sau khi sơ cứu cần chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ điều trị kịp thời.

Bỏng do điện giật:

Bỏng do dòng điện chia thành 2 nhóm: do luồng điện có hiệu điện thế thông dụng (1000V). Sét đánh cũng gây bỏng do luồng điện có hiệu điện thế cao.

Cha mẹ phải cắt ngay nguồn điện, dùng cây gỗ để gạt bỏ dây điện, kéo bé ra xa nguồn điện.

1. Nếu bé bất tỉnh, khai thông đường thở và chuẩn bị hô hấp nhân tạo theo từng độ tuổi.

2. Làm mát vết bỏng bằng cách giữ vùng bị thương ít nhất 10 phút dưới nước lạnh đang chảy.

3. Đắp lên vết thương bằng vải sạch không đổ lông hoặc một túi nilon sạch, rồi dán yên vị nó.

Lưu ý ngăn ngừa các tai nạn về điện

· Đậy các ổ cắm thật an toàn và kiểm tra dây, thay cầu chì thích hợp.

· Kiểm tra để thay dổ điện bị hư mòn và đảm bảo lõi đồng không bị hở ra ngoài.

· Lắp nắp đậy vào những ổ cắm không dùng nữa.

· Không kéo dây điện ở những nơi trẻ có thể với tới hoặc ngã vào.

· Lắp thiết bị ngắt mạch.

· Hãy dạy trẻ không nên nghịch ngợm hay sờ mó dây điện hoặc các ổ điện…

Bỏng nắng

Da trẻ rất nhạy cảm với các tia cực tím có hại, phơi nắng quá nhiều lúc còn nhỏ làm tăng nguy cơ ung thư da về sau. Bỏng nắng trên vùng rộng có thể nguy hiểm.

- Đưa bé vào chỗ râm mát hoặc phòng lạnh. Cho bé uống nước mát.

- Làm dịu những vùng da bị bỏng đỏ bằng thuốc bôi ngoài da calamine hoặc kem thoa sau khi đi nắng.

- Không để bé tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp ít nhất 48 tiếng.

- Nếu bé bị rộp da hoặc có dấu hiệu say nắng hãy gọi bác sĩ.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận