Sợ hãi lối tư duy văn mẫu, tôi chẳng ham con trở thành Tiến sĩ robot không cảm xúc
Một đề văn cô giao, về nhà các cháu tự làm soạn bài vào một quyển vở, hôm sau đến lớp cô sửa bắt viết lại một lần nữa để chữ cho đẹp và nhớ thêm ý cô cho, rồi mới được viết vào vở Ngữ văn. Nghĩ mà thương con, viết đi viết lại 3 lần, gò tay, gò đầu, gò cổ, sớm muộn gì cũng đầu to mắt cận.
Trên các trang mạng xã hội, có người cho rằng “lối tư duy văn mẫu khiến học sinh thụ động, thui chột tính sáng tạo”. Ý kiến này nhận được sự đồng thuận của nhiều người. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa tất cả mọi người đều tư duy cùng quan điểm đó, có người đi ngược lại, cho rằng, văn mẫu vẫn có những điều để học.
Là một phụ huynh có con đang đi học, tôi không phán xét quy chụp ý kiến nào là đúng, ý kiến nào là sai. Bởi, trước cùng một vấn đề, mỗi người sẽ có cách nhìn nhận khác nhau. Tôi chỉ xin kể câu chuyện đang diễn ra hằng ngày ở gia đình mình. Và biết đâu ai đó sẽ cảm thấy đồng cảm, nhận ra câu chuyện của chính con cái mình ở trong đó.
Một đề văn cô giao, về nhà các cháu tự làm soạn bài vào một quyển vở, hôm sau đến lớp cô sửa bắt viết lại một lần nữa để... chữ cho đẹp và nhớ thêm ý cô cho, rồi mới được viết vào vở Ngữ văn. Nghĩ mà thương con, viết đi viết lại 3 lần, gò tay, gò đầu, gò cổ, sớm muộn gì cũng đầu to mắt cận.
Ông bà ngoại cứ trách tôi rằng, sao để con học lắm thế? Nhưng thực tâm, tôi không còn cách nào khác. Con tôi kể, khi học Ngữ văn trên lớp, cô thường chỉ giảng thật nhanh, rồi đọc cho học sinh chép bài giảng của thầy cô vào vở.
Nhưng đôi khi con còn không chép kịp những gì cô đọc vì cô đọc nhanh quá. Con luôn bị căng thẳng khi vừa chép vừa phải tìm cách hiểu bài.
Tôi nghĩ, điều này xảy ra do khối lượng thông tin phải trao cho các em quá nhiều, thầy cô giáo thường không đủ thời gian để tiến hành bài giảng theo cách khác hơn, ngoài cách dạy học truyền thống nêu trên.
Tôi băn khoăn tự hỏi, nếu con tôi cứ học vẹt như thế này, liệu cháu có trở thành robot cảm thụ không? Có hiểu, có cảm, có rung động, biết gọi tên trước một sự vật, sự việc, cảm xúc. Nhưng con tôi thì lúc nào cũng lo lắng rằng, bài văn viết không đủ ý mà cô giáo đã lên khung thì coi như chưa đạt.
Trước mỗi kỳ thi hoặc kiểm tra là con áp lực kinh khủng. Tôi nhỏ nhẹ góp ý học chỉ cần đạt điểm để lên lớp thôi cũng được. Vậy mà con tôi vẫn tự gây áp lực cho chính mình. Riết rồi tôi giận nói với con dù là con học giỏi có trở thành Tiến sĩ mẹ cũng không ham.
Khổ thân con là vậy. Vậy mà khi không thể thuộc lòng hết các ý phân tích cao siêu của cô. Kết quả, ngay hôm sau, tôi nhận được tin nhắn của giáo viên gửi về với nội dung: “Con không học bài, không hiểu tiếng Việt, chưa biết cách làm…”.
Nghe những lời nhận xét đó, cùng với cách con đánh vật mỗi tối với môn Văn, tôi thấy thật buồn với cách dạy, học Văn ngày nay. Một cách vô tình, các em bị tước mất khả năng tự đặt vấn đề mà chỉ biết cắm cúi tiếp nhận kiến thức, không có cả điều kiện nghi ngờ, tranh luận hay phản biện. Đây rõ ràng là một cách học chưa đầy đủ.
Có lần tôi hỏi: “Con có thích học Văn không?”. Con nói: “Học văn rất thú vị nhưng tại sao con luôn phải nói những gì mình không nghĩ, sao con không được nói cảm nhận của mình?”.
Đó là những gì một học sinh nghĩ về môn Văn ở bậc trung học. Và tôi tin, đó cũng là cảm nhận chung của nhiều học sinh cũng như phụ huynh khác với cách dạy và học ở ta hiện nay. Không phải các em không thích học Văn mà chính cách dạy theo kiểu cô đọc, trò chép, “nhét chữ vào đầu”, học vẹt, của phần lớn giáo viên đang giết chết tình yêu văn học của học sinh.
Đến bao giờ học sinh Việt mới chấm dứt được nỗi ám ảnh học thuộc lòng, phân tích tác phẩm theo mẫu? Đến bao giờ con tôi mới không phải thức tới quá nửa đêm chỉ để nhồi nhét vào đầu từng chữ trong bài giảng của giáo viên như một con robot? Câu hỏi này xin nhường lại cho những người làm giáo dục của nước nhà.
Ghi theo chia sẻ của chị Trịnh Thị Mai Liên (Hoàng Mai, Hà Nội)
Tôi nói là chuyên mục mới trên Tạp chí Trẻ em Việt Nam. Chuyên mục là nơi bày tỏ quan điểm, để Trẻ em nói, Cha mẹ nói, Chuyên gia nói xung quanh các vấn đề của cuộc sống thường ngày. Độc giả hãy cùng gửi bài viết, tâm sự, video, podcast chia sẻ suy nghĩ về cho chúng tôi nhé, để cùng lan toả yêu thương đến với con trẻ.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm Tạp chí Trẻ em Việt Nam. Gửi bài tại đây
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất