10:07 29/11/2022

Con đánh nhau ở trường quốc tế và cách ứng xử của thầy giáo khiến tôi ngỡ ngàng

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Nguyễn Ngọc Anh

Nhân đọc chia sẻ “Tôi đã làm gì khi con đánh bạn?”, tôi xin chia sẻ câu chuyện về con trai tôi đang học tại một trường quốc tế ở Nhật Bản. Có thể ban đầu bạn sẽ như tôi, cảm thấy sự việc này khá lạ lùng.

Một buổi chiều, thầy Hiệu phó trường Ken (tên con trai tôi) đang học, gọi điện cho tôi nói rằng, có chuyện quan trọng cần thông báo. Từ hôm con đi học tới giờ, vài lần tôi đã bị trường gọi và gửi email rồi.

Tình hình là Ken và 2 bạn khác đánh nhau trong giờ ăn trưa. Lý do, hai bạn chạy, vô tình đập mạnh vào Ken. Ken giận quá nên lao ra đánh bạn vào trán. Ken bảo bạn ấy va vào con nhưng không xin lỗi. Hai bạn kia cũng lao vào đánh Ken luôn và Ken bị rượt đuổi trong phòng ăn.

Hậu quả, cả 3 phải chườm đá ở trán, bị đưa vào phòng riêng trình bày tình hình và xin lỗi nhau. Nghe tới đây, tôi tưởng thầy giáo sẽ nặng lời và yêu cầu tôi về dạy dỗ con cư xử đúng mực. Trong đầu tôi, hình dung ra cảnh tối về sẽ “to tiếng cho thằng con nghịch ngợm một trận”.

Tôi đã làm gì kh
Việc các bên cùng ngồi xuống, bình tĩnh khi con trẻ đánh nhau là điều rất quan trọng (Ảnh: Internet).

Nhưng bất ngờ thầy vẫn rất nhẹ nhàng, nói: “Mừng là Ken cư xử tuyệt vời lúc sau cùng. Mọi chuyện kết thúc vô cùng ổn”.

Thầy còn nói với tôi, thầy rất vui và yên tâm vì Ken đã lớn hơn hồi mới vào học, vài tuần trước. Từ một bạn nghịch ngợm, chạy lăng xăng khắp nơi, hay đùa giỡn không nghiêm túc khi phấn khích, thích làm ngược lại lời người lớn khi quá đà…

Thầy nói Ken đã biết nhìn vào mắt thầy, kể lại chuyện xảy ra bằng tiếng Anh, diễn tả được cảm giác khó chịu khi bị va phải, sau cùng diễn tả được cảm giác buồn khi thấy 2 bạn kia bị đau do mình đánh. Nhìn nhận được hành vi đánh bạn là không phù hợp chuẩn mực. Ken tự xin lỗi bạn.

Có lẽ thầy giáo sợ tôi về nhà sẽ mắng Ken hay làm Ken buồn, ám ảnh môi trường mới, thầy liên tục nhắc: “Thầy yên tâm vì Ken thay đổi rất nhanh. Thầy muốn rằng, mai Ken lại đến trường trong tâm thế vui vẻ, có thể trò chuyện lại với hai bạn vừa đánh nhau hôm trước”.

Thầy còn nhấn mạnh: "Hãy nói chuyện nhẹ nhàng, bình tĩnh và khen ngợi Ken về việc đã nhìn nhận và xin lỗi bạn. Nhắc nhở thật nhẹ nhàng để Ken hiểu khi có chuyện không vừa ý xảy ra thì bình tĩnh và cư xử đúng mực".

Sự việc này khiến tôi yên tâm hơn rất nhiều. Ở trường, thầy cô không coi Ken như một đứa trẻ hay gây phiền toái, thay vào đó, thầy cô hiểu rằng, thầy cô có trách nhiệm giáo dục Ken và đánh giá từng sự trưởng thành của con. Tôi sẽ qua trường gặp giáo viên chủ nhiệm của Ken và nói thêm kỹ hơn với cô tình hình của Ken dạo này.

Tôi vừa kết bạn với mẹ của 2 bạn đánh nhau với Ken (vô cùng tình cờ vì mẹ bạn ấy gửi thiệp tới nhà tôi mời sinh nhật).

Tối qua, tôi đã nhắn tin xin lỗi mẹ hai bạn ấy. Họ cũng xin lỗi lại tôi. Cả hai bên đều hy vọng, trẻ con sẽ hiểu và thân nhau hơn. Tôi định hôm nào rủ mẹ các bạn ấy đi ăn trưa, nhân tiện giao lưu về việc nuôi con. Vậy là tự nhiên có cớ trò chuyện và thân thiết nhau.

Sáng nay, lúc mẹ chuẩn bị đồ đi học, Ken còn nhắn mẹ sẽ mang 2 chiếc bánh để tặng 2 bạn vừa bị mình đánh. Ken cũng vẽ lại bức tranh nguệch ngoạc về sự kiện ngày hôm qua cho bố mẹ xem.

Chuyện con đánh nhau ở trường quốc tế của nhà tôi có lạ không? Nó không rầm rộ, căng thẳng khủng khiếp như vụ đánh nhau của học sinh một trường quốc tế tại TPHCM mấy tháng trước. Nếu cả nhà trường, phụ huynh đều có những cách ứng xử khéo léo, tâm lý nhẹ nhàng với các bạn học sinh “đánh nhau ở trường” thì tôi tin, những hậu quả sau đó sẽ được dàn xếp ổn thỏa.

Ghi theo chia sẻ của chị Phi Hoa (hiện đang sống tại Tokyo, Nhật Bản)

Tôi nói là chuyên mục mới trên Tạp chí Trẻ em Việt Nam. Chuyên mục là nơi bày tỏ quan điểm, để Trẻ em nói, Cha mẹ nói, Chuyên gia nói xung quanh các vấn đề của cuộc sống thường ngày. Độc giả hãy cùng gửi bài viết, tâm sự, video, podcast chia sẻ suy nghĩ về cho chúng tôi nhé, để cùng lan toả yêu thương đến với con trẻ.

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm Tạp chí Trẻ em Việt Nam. Gửi bài tại đây

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận