07:18 27/11/2022

Nghĩ từ chuyện bé 4 tuổi dũng cảm cứu em trong vụ cháy

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Vũ Như Mai

Từ trước đến nay, tôi vẫn cho những lời dặn của bố về phòng chống hoả hoạn là không cần thiết. Nhưng qua việc bé 4 tuổi dũng cảm trong vụ cháy, tôi đã phải ngẫm nghĩ lại những lời dặn ấy.

Mới đây, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (South China Morning Post) đưa tin, một bé gái 4 tuổi ở Trung Quốc nhận được nhiều lời khen từ cộng đồng mạng vì đã có cách xử trí thông minh để kịp thời cứu mình và em gái khỏi một đám cháy. 

Khi phát hiện chiếc chảo trong bếp bốc cháy, bé gái nhanh chóng dập lửa rồi gọi đường dây cứu trợ khẩn cấp. Trong lúc đợi đội cứu hộ, bé gái đưa em vào phòng ngủ, dùng chăn bịt các khe hở để ngăn khói bay vào phòng, đồng thời mở cửa sổ gần đó. 

bé gái 4 tuổi
Bé gái 4 tuổi gọi cứu hộ khi đám cháy xảy ra (Ảnh: SCMP).

Hành động này xuất phát từ thực tế, nhiều trường hợp tử vong không phải do chết cháy, mà là bị ngạt khí. Được biết, toàn bộ hành động của bé đều do nhớ lại những bài học của cô giáo về cách xử lý khi hỏa hoạn xảy ra. 

Ta thấy được câu chuyện trên không chỉ nâng cao nhận thức của xã hội về công tác phòng cháy - chữa cháy, mà còn là "hồi chuông" thúc giục các bậc phụ huynh nhanh chóng cập nhật kiến thức đối phó với đám cháy cho con cái. 

Các bước kiểm tra tình hình phòng chống hoả hoạn 

Theo trang Nemours Kidshealth, nếu trẻ đang ở trong một căn phòng đóng kín khi đám cháy bùng phát, hãy thực hiện một số bước sau để kiểm tra xem có lửa ở phía bên kia cánh cửa không: 

  • Nếu thấy khói bốc ra dưới cửa - đừng mở cửa.
  • Nếu không thấy khói, hãy chạm vào cửa. Cửa nóng hoặc rất ấm - đừng mở cửa.
  • Nếu không thấy khói và cửa không nóng, hãy dùng ngón tay chạm nhẹ vào tay nắm cửa. Nếu tay nắm cửa nóng hoặc rất ấm - đừng mở cửa.

Cho tới khi cảm thấy tay nắm cửa mát và không thấy khói xung quanh cửa, trẻ có thể mở cửa thật cẩn thận và từ từ. Mở cửa mà cảm thấy một luồng hơi nóng hoặc khói xộc vào phòng, hãy nhanh chóng đóng cửa lại và đảm bảo rằng nó đã được đóng thật chặt. Còn nếu không, trẻcứ đi tới lối thoát hiểm. 

Như vậy, cách làm của bé gái 4 tuổi trong câu chuyện trên hoàn toàn đúng, để phòng khí độc và khói lọt vào phòng gây ngạt thở. 

Biết cách ra khỏi nhà 

Cha mẹ và con cái
Cha mẹ cần giúp con hiểu về cách đối phó với hỏa hoạn (Ảnh: Oklahoma City Mom). 

Trẻ sẽ không thể ở quá lâu trong căn nhà, mà phải vừa tránh lửa và khói, vừa tìm đường "thoát thân". 

Theo kiến thức khoa học, khói có xu hướng bốc lên cao. Ngoài ra, trong một đám cháy, khói và không khí độc làm tổn thương cơ thể chúng ta hơn ngọn lửa thực sự. Vì thế, trẻ cần biết cúi thấp xuống đất và tiếp tục di chuyển đến lối ra. Trẻ cũng có thể sử dụng tay và đầu gối để bò bên dưới làn khói. Như vậy, lượng khói trẻ hít phải sẽ giảm đáng kể. 

Trong trường hợp quần áo bắt lửa, cha mẹ dặn con đừng hoảng cũng đừng vội bỏ chạy. Thay vào đó, hãy dạy con câu mệnh lệnh: "Dừng lại, nằm xuống, che mặt và lăn" để dập tắt lửa trên quần áo. 

Cuối cùng, để thực sự thoát ra bên ngoài, cha mẹ phải chỉ dẫn con về các lối thoát trong nhà. Ngoài cửa chính, hãy cân nhắc về tính an toàn và khả thi của các cửa sổ. 

Đặc biệt, hãy tìm cơ hội hét lên để yêu cầu sự giúp đỡ từ bên ngoài và nhớ gọi đến số điện thoại khẩn cấp 114 - cơ quan phòng cháy - chữa cháy, cứu hộ cứu nạn. 

Ưu tiên an toàn của bản thân 

Trẻ em thường có xu hướng lo lắng cho thú cưng hoặc đồ chơi, nhưng cha mẹ nên làm công tác tư tưởng ngay từ đầu rằng, chúng phải ưu tiên sự an toàn của chúng trong trường hợp đó. 

Thú cưng và đồ chơi nên bỏ lại phía sau và yêu cầu đội cứu hộ giúp đỡ thay vì cố gắng mang theo chúng trong quá trình tìm đường "thoát thân". 

Khi đã an toàn thoát ra bên ngoài, cũng đừng vì bất cứ lý do gì để con chạy ngược vào bên trong. 

Hỏa hoạn có thể đến từ những sự cố rất nhỏ, nhưng nếu không biết xử lý đúng cách, hậu quả để lại là vô cùng đau xót. Cách đối phó của bé gái 4 tuổi ấy khiến người lớn chúng ta cũng phải suy nghĩ, vì rất có thể, bản thân chúng ta còn chưa biết cách xử lý phù hợp khi gặp hỏa hoạn. 

Sau cùng, tôi vẫn mong các bậc phụ huynh giữ tâm lý "phòng bệnh hơn chữa bệnh", cẩn thận một chút không bao giờ thừa thãi. Chẳng hạn, bố tôi luôn dặn dò các con ở nhà một mình tuyệt đối không mở khóa bếp gas để đun nấu, không cắm máy sấy hay bàn là, thậm chí không mở bình nước nóng để tắm gội. 

Từ trước đến nay, tôi vẫn cho những lời dặn của bố là không cần thiết. Nhưng qua việc bé gái 4 tuổi nói trên, tôi đã phải ngẫm nghĩ lại những lời dặn ấy. Thiết nghĩ, cha mẹ nên kết hợp 3 thứ sau: Chủ động phòng hỏa hoạn, hướng dẫn con những việc không được làm để tránh hỏa hoạn và dạy bảo chúng về cách xử lý nếu thực sự có một đám cháy xảy ra. 

Tôi nói là chuyên mục mới trên Tạp chí Trẻ em Việt Nam. Chuyên mục là nơi bày tỏ quan điểm, để Trẻ em nói, Cha mẹ nói, Chuyên gia nói xung quanh các vấn đề của cuộc sống thường ngày. Độc giả hãy cùng gửi bài viết, tâm sự, video, podcast chia sẻ suy nghĩ về cho chúng tôi nhé, để cùng lan toả yêu thương đến với con trẻ.

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm Tạp chí Trẻ em Việt Nam. Gửi bài tại đây

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận