15:09 14/12/2022

Thừa Thiên - Huế: Học sinh lớp 11 bị bạn chặn đường hành hung

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Quốc Anh (t/h)

Một nam sinh trường THPT Nam Đông cơ sở 2 (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế) bị bạn cùng trường đánh đập dã man giữa đường.

Chiều 13/12, lãnh đạo UBND huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) cho biết, một học sinh THPT Nam Đông cơ sở 2 bị bạn đánh đập. Sáng cùng ngày, lãnh đạo nhà trường đã mời phụ huynh học sinh lên làm việc.

nam-sinh
Nam sinh bị bạn dùng tay đánh nhiều cái vào đầu. (Ảnh cắt từ clip)

Ông Nguyễn Toàn Thắng – Hiệu trưởng Trường THPT Nam Đông cơ sở 2 cho biết, vụ việc xảy ra vào ngày 10/12. Nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn trong quá trình học tập. Khi sự việc xảy ra nhà trường đã mời 2 em học sinh lên giải quyết theo hướng hòa giải, việc xử lý cụ thể sẽ cung cấp thông tin sau.

Nhà trường cũng đã phân tích việc làm sai trái của học sinh, các em cũng nhận khuyết điểm và hứa không tái phạm.

Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn video, ghi lại cảnh một nam học sinh bị một bạn học khác đánh đập dã man trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác.

Qua tìm hiểu, khu vực xảy ra vụ việc nằm ngay sau trụ sở Công an huyện Nam Đông. Hai nam sinh xuất hiện trong clip hiện đang học lớp 11 trường THPT Nam Đông cơ sở 2.

Sau khi đánh đập dã man khiến bạn học nằm ngã ra giữa đường, nam sinh áo xanh tiếp tục dùng tay đánh liên tiếp vào đầu nạn nhân. Sự việc diễn ra trước sự chứng kiến của nhiều em học sinh tuy nhiên không ai can ngăn thậm chí còn reo hò, cổ vũ và dùng điện thoại quay clip.

Theo người nhà của nam sinh bị đánh, sau khi bị đánh vì quá hoảng loạn và lo sợ nên con không dám kể chuyện này với ai.

Trước đó, vào cuối tháng 9/2022, Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế đã có văn bản gửi các trường học về việc tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống bạo lực học đường ngay từ đầu năm học 2022 - 2023.

Sở này yêu cầu các cơ sở giáo dục thành lập ngay Ban phòng chống bạo lực học đường tại đơn vị do thủ trưởng cơ quan, đơn vị làm Trưởng ban và các thành viên là các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp. Ngoài ra, Ban này còn mời công an địa phương, đại diện cha mẹ học sinh làm thành viên. Yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai phòng chống bạo lực học đường; phân công rõ trách nhiệm của các thành viên để việc thực hiện hiệu quả.

Đồng thời, nâng cao trách nhiệm giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp để thường xuyên theo sát tình hình, quản lý, giáo dục học sinh. Quan tâm các em học sinh yếu thế, học sinh chưa ngoan để có biện pháp giáo dục, giúp đỡ, bảo vệ phù hợp.

Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và kịp thời, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các vụ bạo lực học đường bảo đảm công khai, nghiêm túc theo quy định của pháp luật.

Thiết lập các kênh thông tin về bạo lực học đường của cơ sở giáo dục/Trung tâm (hộp thư góp ý, đường dây nóng, hệ thống camera giám sát, trang mạng xã hội...) để chủ động tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin về bạo lực học đường.

Thường xuyên nắm bắt tâm lý học sinh, kịp thời phát hiện để tư vấn và xử lý những mâu thuẫn, xung đột trong trường học.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận