08:13 10/04/2023

Tiến sĩ Trần Thị Thanh Thanh, Nguyên Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: ‘Những thành tựu thế hệ kế nhiệm đạt được trong những năm qua rất đáng trân trọng’

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Tiến sĩ Trần Thị Thanh Thanh, Nguyên Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam gửi lời cảm ơn đến Ban lãnh đạo mới và Chủ tịch Hội kế nhiệm đã duy trì được uy tín của Hội và đã đưa tổ chức, hoạt động của Hội lên một bước phát triển mới phù hợp với tình hình mới. 

Bài viết này thuộc chuyên đề Kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam

Trong 15 năm qua, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng, thúc đẩy sứ mệnh thực hiện quyền trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em Việt Nam được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, phát triển hài hòa.

Xem thêm

Nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (BVQTEVN) (8/4/2008-8/4/2023), Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Trần Thị Thanh Thanh - nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (BVQTEVN) về công tác trẻ em.

“NHỮNG KỶ NIỆM XÚC ĐỘNG NHƯ MỚI NGÀY HÔM QUA”

Với vai trò là người đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển của Hội, xin bà cho biết cơ duyên nào thôi thúc bà tham gia vào Ban Vận động thành lập Hội BVQTEVN? 

TS. Trần Thị Thanh Thanh: Việc thành lập Hội xuất phát từ nhiều lý do nhưng chủ yếu từ 2 nguyên nhân trực tiếp sau: Nguyên nhân đầu tiên là từ năm 1992 đến 2002, vấn đề quản lý Nhà nước về công tác trẻ em được Chính phủ giao cho Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em Việt Nam trực thuộc Chính phủ, sau đó lại được giao cho Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em (UBDSGĐ và TE) quản lý.

Tuy nhiên, vào tháng 7/2007 tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XII đã có Nghị quyết giải thể UBDSGĐ và TE. Đến ngày 8/8/2007, Thủ tướng đã ban hành Quyết định để thực hiện nghị quyết của Quốc hội, chuyển các chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về trẻ em, công tác vì trẻ em sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH). Theo đó, Vụ trẻ em, Quỹ Bảo trợ trẻ em, Tạp chí Gia đình và Trẻ em trực thuộc Bộ sẽ tiếp tục quản lý lĩnh vực trẻ em.

Theo chủ trương mới này, công tác vì trẻ em được Bộ giao cho Cục Trẻ em - cơ quan tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quản lý và thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực trẻ em, các dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực trẻ em thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ.

Thời điểm quyết định của Chính phủ ra đời, bà Lê Thị Thu - Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDSGĐ và TE đã nhận định: “Tình hình trẻ em đang nảy sinh nhiều vấn đề mới rất bức xúc như: Tình trạng tai nạn thương tích, trẻ em bị xâm hại, bị buôn bán qua biên giới, bị bạo hành trong gia đình,…”.

Nguyên nhân thứ hai là trước tình hình tình hình thực tế đó đã nảy sinh ra yêu cầu của xã hội cần thiết xây dựng một tổ chức, nhằm huy động lực lượng xã hội cùng với các cơ quan Nhà nước chăm lo cho sự nghiệp vì trẻ em.

Đặc biệt, các lãnh đạo, Nguyên lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành,… đều đồng tình ủng hộ chủ trương mới này. Bà Lê Thị Thu - Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDSGĐ và TE nói: “Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề bảo vệ trẻ em ngày càng phức tạp và việc thành lập Hội BVQTEVN là rất cần thiết”.

Bà Nguyễn Thị Bình (lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch nước) viết: “Tôi hoàn toàn ủng hộ việc thành lập Hội BVQTEVN, nhất là trong tình hình tổ chức chăm sóc cho trẻ em bị xé lẻ như hiện nay”.

Chính vì sự kết hợp của 2 yếu tố đó đã khiến chúng tôi đi đến quyết định hình thành Ban Vận động thành lập Hội BVQTEVN. Ngày 1/8/2007, cơ quan quản lý Nhà nước là UBDSGĐ và TE đã có Quyết định công nhận Ban Vận động thành lập Hội BVQTEVN. Ngày 5/8/2008, Bộ Nội vụ đã ra Quyết định phê duyệt điều lệ của Hội. Ngày 8/4/2008 chính thức có quyết định cho phép thành lập Hội BVQTEVN.

TS. Thanh Thanh
TS. Trần Thị Thanh Thanh - Nguyên Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam - người đã đặt nền móng cho sự ra đời và hướng phát triển của Hội trong 3 nhiệm kỳ từ 2008 - 2017.

Bà có thể chia sẻ những thuận lợi và khó khăn mà một tổ chức xã hội đầu tiên ở Việt Nam hoạt động về các vấn đề trẻ em đã gặp phải trong những ngày đầu xây dựng Hội? 

TS. Trần Thị Thanh Thanh: Giai đoạn đầu, Hội BVQTEVN cũng giống như các cơ quan, tổ chức mới thành lập khác, gặp khó khăn trăm bề: Về cơ sở vật chất, tổ chức, về con người, kinh phí hoạt động, vận hành bộ máy, chuyên môn, kỹ năng, thiếu kinh nghiệm công tác bảo vệ quyền trẻ em, chưa hình dung hết công việc, chức năng, của một tổ chức xã hội làm nhiệm vụ bảo vệ quyền của trẻ em.

Ngoài ra, Hội BVQTEVN lúc đó là một tổ chức mới hoàn toàn, chưa có tiền lệ trong hệ thống tổ chức chính trị - xã hội ở Việt Nam và vì không phải tổ chức đặc thù nên không hưởng ngân sách hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi phải tự vận động, tự trang trải kinh phí cho việc thuê trụ sở, trả lương cán bộ, quỹ hoạt động,…

Tuy nhiên, chúng tôi cũng có những may mắn khi có được sự đồng thuận, hưởng ứng, ủng hộ của xã hội, của nhiều cán bộ, các cá nhân hảo tâm, các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm công tác quản lý, vận động xã hội tâm huyết với sự nghiệp vì trẻ em. Có người từ các địa phương miền Bắc, miền Nam tự nguyện vận động kinh phí gửi ra TƯ, nhiều người tự nguyện tham gia vào các tiểu ban vận động thời kỳ ban đầu.

Người có điều kiện thì góp kinh phí, tài trợ bữa ăn miễn phí, đóng góp phương tiện làm việc (như máy vi tính, máy photocopy, máy ảnh, giấy, bút,...), người thì đi vận động tài trợ, vận động dự án, người thì xây dựng hoàn thiện dự thảo các loại văn kiện chuẩn bị đại hội, in ấn tài liệu truyền thông.

Cho đến bây giờ sau khoảng thời gian 15 năm, khi nhắc đến giai đoạn đó, tôi vẫn cảm thấy hào hứng, náo nức như mới ngày hôm qua và vô cùng cảm kích, biết ơn sự giúp đỡ chí tình, tự nguyện của mọi cá nhân, mọi tổ chức.

TS Trần Thị Thanh Thanh

Bà có thể chia sẻ những kỷ niệm đặc biệt nhất trong những năm tháng gắn bó với công tác trẻ em, gắn bó với công tác Hội? 

TS. Trần Thị Thanh Thanh: Kỷ niệm mà tôi đến giờ cũng không thể quên là vào năm 2009, Hội BVQTEVN nhận được thông tin ở Lào Cai vừa trải qua cơn lũ quét lớn, một số thôn, bản bị lũ cuốn sạch. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Nhiều gia đình bị san bằng nhà cửa, của cải, trường học, trạm y tế đều bị cuốn trôi, đời sống của người dân vô cùng khó khăn, thiếu thốn.

Vì lẽ đó, Hội quyết định tổ chức đợt vận động quyên góp và tổ chức lên thăm hỏi, góp phần trợ giúp bà con và trẻ em vượt qua khó khăn trước mắt. Nhờ có sự giúp đỡ và hưởng ứng vận động của các đơn vị, chúng tôi đã lên đường với 2 xe ô tải đầy ắp thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt, đồ dùng học tập và một số tiền mặt.

Đường lên huyện Bát Xát thực sự rất khó đi, có những đoạn đường quanh co, qua vực thẳm còn bị sạt lở, xe đi rất nguy hiểm. Bác lái xe sau một đêm đi cùng, đã không đủ can đảm để đi tiếp và xin từ bỏ hợp đồng. Chúng tôi đành phải liên hệ với huyện để thuê xe và tài xế khác quen đường núi và sẵn sàng đi vào nơi khó khăn.

Đi tiếp mấy cây số nữa, khi sắp vượt qua một chiếc cầu nằm cheo leo giữa 2 bờ vực núi, chúng tôi ai cũng sợ thót tim khi nghe bác lái xe nhắc nhở mọi người hãy ngồi chắc chắn vì trước đó 2 ngày, có xe đi qua đây bị rơi xuống nước, chết không tìm thấy xác.

Đó là thử thách đầu tiên của những người tâm huyết phải đối mặt, để thực hiện mục đích vì hạnh phúc của trẻ em vùng miền núi khó khăn, chúng tôi phải luôn vượt lên mọi khó khăn, trở ngại.

Kỷ niệm đặc biệt thứ 2 là lần tranh luận để bảo vệ những quan điểm đã đề xuất trong trong quá trình dự thảo và thông qua Điều 92 của Luật Trẻ em (2016) về “Các tổ chức xã hội và Hội BVQTEVN” trước các cuộc họp chuyên gia, ban soạn thảo, tổ thảo luận của đại biểu Quốc hội và các phiên họp của Ban Thường vụ Quốc hội.

Lần đó, chúng tôi đã vượt qua những ý kiến chưa đồng tình và trình bày lý lẽ có sức thuyết phục và tranh luận tạo sự đồng thuận trong các Uỷ viên thành viên Quốc hội.

Qua đó có thể thấy, việc ra đời Hội đã khó nhưng để duy trì tổ chức, đặt nền móng cho sự phát triển Hội theo đúng với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, sát hướng chiến lược phát triển Hội là việc hết sức khó khăn, gian nan, đòi hỏi không chỉ có tâm huyết mà phải không ngừng học hỏi, nghiên cứu, đúc kết thực tiễn để có tầm nhìn xa, chiến lược, am hiểu cả luật pháp, chính sách, thực tiễn, kỹ năng vận động xã hội, liên kết được các lực lượng của Nhà nước và xã hội cùng chung tay vì trẻ em.

Tiến sĩ Trần Thị Thanh Thanh

“BAN LÃNH ĐẠO MỚI VÀ CHỦ TỊCH HỘI KẾ NHIỆM ĐÃ DUY ĐƯA TỔ CHỨC HỘI LÊN BƯỚC PHÁT TRIỂN MỚI”

Bà có quan điểm nhìn nhận, đánh giá như thế nào về những thành tựu mà thế hệ kế thừa đạt được những năm qua?  

TS. Trần Thị Thanh Thanh: Trước tiên, tôi muốn chúc mừng và gửi lời cảm ơn đến sự đóng góp rất đáng trân trọng của Chủ tịch Hội, Ban Thường vụ, Uỷ viên chấp hành của Hội và toàn thể đội ngũ cán bộ chuyên trách, 2 văn phòng của cơ quan thường trực Hội BVQTEVN tại TƯ, các địa phương, các chuyên gia, luật sư, các nhà hảo tâm, các bộ ban ngành,... về những thành quả mà Hội đã đạt được trong lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em những năm vừa qua.

Tôi rất vui khi thấy Ban lãnh đạo mới và Chủ tịch Hội kế nhiệm đã duy trì và ngày càng phát huy được uy tín của Hội, đã đưa tổ chức và hoạt động của Hội lên một bước phát triển phù hợp với tình hình mới: Tổ chức Hội được mở rộng hơn, hình thành được nhiều cơ chế hoạt động chiến lược, chủ động phát huy vai trò giám sát, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của Uỷ ban Quốc gia về trẻ em, thành viên của một số tổ chức quốc tế,... Đó là những nền tảng rất đáng quý, vững chắc cho sự phát triển của Hội.

Là người đã có rất nhiều năm công tác và kinh nghiệm trong lĩnh vực trẻ em, Hội Bảo vệ quyền Trẻ em Việt Nam cần có giải pháp gì để có thể huy động hiệu quả hơn nữa sự chung tay của cộng đồng trong việc thực hiện quyền trẻ em, thưa bà?

TS. Trần Thị Thanh Thanh: Trong lịch sử hoạt động của Hội từng có thời kỳ vẻ vang tập hợp, quy tụ được hơn 30 tổ chức tham gia vào mạng bảo vệ quyền trẻ em (gọi tắt là Crnet). Lúc đó, Hội hoạt động định kỳ, đều đặn. Hằng năm cùng tổ chức diễn đàn để các tổ chức thành viên đóng góp ý kiến làm cơ sở cho các đề xuất, kiến nghị, sửa đổi những điều bất cập trong luật pháp, chính sách của Nhà nước. Nhiều ý kiến trong các bản kiến nghị đã được các Bộ, ngành hoan nghênh và nghiêm túc nghiên cứu để tiếp thu và có công văn trả lời. Hiện nay vì có nhiều khó khăn hơn, hoạt động cũng dần trở nên hình thức và không còn đều đặn.

Theo tôi, nếu muốn huy động và duy trì phát huy hơn nữa sự chung tay của cộng đồng, các tổ chức xã hội thì trước hết ta phải phân tích, đánh giá đúng thế mạnh của họ đối với công tác BVQTE của từng lực lượng, tổ chức. Từ đó có kế hoạch hợp tác với từng lực lượng, tổ chức trong các thời kỳ. Ngoài ra, cũng cần ưu tiên phối hợp với một số tổ chức thành viên tích cực, nòng cốt để thuận tiện trong việc tiến hành. 

Để làm được vậy, điều quan trọng trước tiên là Hội cần không ngừng học hỏi, nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao năng lực, trình độ về các điều luật, các kỹ năng chuyên nghiệp liên quan bảo vệ quyền trẻ em.

Từ đó tạo uy tín cho Hội, có tiếng nói thuyết phục, thu hút, truyền cảm hứng, trí tuệ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, ban chuyên trách của Hội, đần dần làm được vai trò của người có trách nhiệm mà khoản 4, Điều 92 Luật Trẻ em 2016 đã giao cho Hội: “Hội BVQTEVN, ngoài việc thực hiện quy định tại Điều này có trách nhiệm tổ chức việc kết nối, thu thập thông tin, kiến nghị của các tổ chức xã hội và của trẻ em chuyển đến các cơ quan Nhà nước để góp ý, tư vấn cho việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về quyền trẻ em; tham gia giám sát thực hiện quyền trẻ em; phát biểu chính kiến và kiến nghị của Hội đối với các cơ quan nhà nước có liên quan về các vấn đề về trẻ em và việc vi phạm pháp luật về trẻ em”.

Thực tế vấn đề bảo vệ trẻ em hiện nay đang gặp nhiều khó khăn như thiếu nhân lực làm công tác trẻ em cả về số lượng và chất lượng, nguồn ngân sách dành cho công tác trẻ em ở nhiều địa phương còn hạn chế, nhận thức và kỹ năng về bảo vệ trẻ em còn thiếu. Theo bà, đâu là giải pháp quan trọng và khả thi để giải quyết những khó khăn trên?

TS. Trần Thị Thanh Thanh: Thực tế, cả 3 vấn đề này đều có liên kết với nhau, khó khăn này là nguyên nhân tác động dẫn đến khó khăn kia và ngược lại. Vậy nên cần phải phân tích, quan sát và chọn ra được một vấn đề có tính đòn bẩy, vừa có tính khả thi.

Ví dụ cụ thể như chọn vấn đề phát triển tổ chức Hội địa phương làm khâu đột phá, tập trung các biện pháp, tích cực vận động để trong vòng 5 năm đạt mục tiêu phát triển tổ chức thêm được 25 tỉnh, thành, nâng tổng số Hội có chức năng, nhiệm vụ BVQTE chiếm khoảng ⅔ số tỉnh thành trong toàn quốc.

Từ quá trình thay đổi về số lượng các Hội cấp tỉnh, có thể tạo một sự chuyển biến bước đầu về chất lượng trong hoạt động bảo vệ quyền trẻ em ở các địa phương, rồi tiến đến cả nước. Từ đó sẽ tác động kéo theo sự phát triển các lĩnh vực hoạt động khác của Hội, tạo điều kiện tập hợp lực lượng, nhân tài các địa phương, tháo gỡ dần những vấn đề khó khăn về nguồn lực, nhân sự, năng lực cán bộ.

Tôi biết, nói bao giờ cũng dễ hơn làm, nhưng chúng ta không nên đầu hàng trước khó khăn. Nếu chưa bắt tay vào thử làm thì đừng nói là khó. Hãy cứ mạnh dạn làm từng bước, từ nhỏ đến lớn, từ dễ đến khó, gặp chông gai đến đâu thì ta tìm cách khắc phục đến đó, kiên trì ắt có ngày thành công.

TS Trần Thị Thanh Thanh
TS Trần Thị Thanh Thanh gửi lời cảm ơn đến các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, hội viên Hội BVQTEVN tràn đầy tâm huyết, đã tận tụy, hy sinh hết mình cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và bảo vệ quyền trẻ em.

Từ mục tiêu ban đầu của Đại hội lần thứ nhất Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam năm 2008 là “Chung tâm - Chung trí - Chung sức bảo vệ quyền trẻ em” và đến nay sau gần 15 năm hoạt động Hội đã có những thành quả nhất định trong bảo vệ quyền trẻ em, bà có gợi mở gì để Hội thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 5 - 10 năm tới trong bối cảnh hiện nay?

TS. Trần Thị Thanh Thanh: Tôi muốn chia sẻ một vài kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo mà tôi đã rút ra được sau những năm gắn bó với công tác Hội. Thứ nhất, Hội phải thật sự tôn trọng, tập hợp trí tuệ từ những chuyên gia về công tác trẻ em, cũng như những người có hiểu biết, có tầm nhìn, trí tuệ về vấn đề quyền trẻ em, có kinh nghiệm vận động xã hội thực tế (cả trong và ngoài nước) nhằm soạn thảo Chiến lược xây dựng tổ chức và hoạt động của Hội trong từng thời kỳ ngắn hạn và dài hạn.

Thứ hai, trong chiến lược đó cần đặt mục tiêu phấn đấu rõ ràng trong từng giai đoạn: Ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Qua đó có thể vừa đáp ứng yêu cầu định hướng chiến lược, vừa có thể điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với sự thay đổi của tình hình thực tế.

Cuối cùng, cần có một số hội thảo cần thiết, để lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, lãnh đạo có kinh nghiệm quản lý của các Hội, những người có hiểu biết thực tế, quan tâm công tác trẻ em, bảo vệ quyền trẻ em để đóng góp cho các dự thảo, làm cơ sở cho lãnh đạo ban thường vụ tiếp thu, quyết định điều chỉnh để có văn bản chính thức trình phê duyệt.

Trong chỉ đạo phải giữ nguyên tắc, định hướng theo chiến lược, điều lệ Hội, nhưng cũng phải linh hoạt, mềm dẻo để liên kết, phối hợp với các lực lượng xã hội, biết khơi dậy, khuyến khích được những sáng kiến trong Ban thường vụ, chấp hành, tập thể cán bộ văn phòng thường trực của Hội. Tranh thủ sự ủng hộ trong các tổ chức khác để đem lại lợi ích thiết thực cho trẻ em, góp phần bảo vệ được các quyền của trẻ em.

Cảm ơn những chia sẻ của bà, chúc bà sức khoẻ và thành công!

Hà Nội, tháng 4/2023
Nội dung: Hương Giang
Ảnh, video: Hoài Linh, Hà Dương

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận