07:58 08/04/2023

Hồi ức xúc động về những ngày đầu thành lập Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Tại phiên toạ đàm "Hồi ức về những ngày đầu thành lập Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam”, các thành viên tiên phong vận động, thành lập Hội, đồng hành cùng sự phát triển của Hội BVQTEVN chia sẻ nhiều kỷ niệm xúc động. Tiến sĩ Trần Thị Thanh Thanh - Chủ tịch Hội đầu tiên, người đặt nền móng cho sự ra đời của Hội rơi nước mắt khi hoài niệm lại dấu mốc đặc biệt.

Bài viết này thuộc chuyên đề Kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam

Trong 15 năm qua, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng, thúc đẩy sứ mệnh thực hiện quyền trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em Việt Nam được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, phát triển hài hòa.

Xem thêm

Giọt nước mắt xúc động của người tiên phong thành lập Hội 

Chiều 7/4, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (BVQTEVN) đã tổ chức buổi gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Hội BVQTEVN (8/4/2008 - 8/4/2023) tại Hà Nội. Trong khuôn khổ buổi lễ đã diễn ra tọa đàm “Hồi ức về những ngày đầu thành lập Hội BVQTEVN”.

Toạ đàm diễn ra trong không khí đầm ấm với sự góp mặt của Tiến sĩ Trần Thị Thanh Thanh - Nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ, chăm sóc trẻ em Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội BVQTEVN; ông Đặng Quốc Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, thành viên Ban vận động thành lập Hội; bà Ninh Thị Hồng - Nguyên Phó chánh Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội BVQTEVN; bà Dương Thị Lợi - Chủ tịch Hội BVQTEVN tỉnh Bắc Giang.

Thông qua buổi toạ đàm, khách mời có dịp được gặp gỡ, lắng nghe những hồi ức, chia sẻ tận đáy lòng của các thành viên được xem là ngọn cờ tiên phong, đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển của Hội BVQTEVN từ những ngày đầu thành lập. Điều đó giúp cho các cán bộ, hội viên kế thừa hiểu hơn về sứ mệnh của Hội đã được dẫn đường, được soi sáng từ những tấm lòng, trí tuệ vì trẻ em.

Empty
Các đại biểu tham gia toạ đàm "Hồi ức về những năm đầu thành lập Hội BVQTEVN" (Ảnh: Hà Chi).

Phát biểu tại toạ đàm, Tiến sĩ Trần Thị Thanh Thanh - người đã đặt nền móng cho sự ra đời và hướng phát triển của Hội trong 3 nhiệm kỳ từ 2008 - 2017 không kìm được cảm xúc khi nhắc về những thời kỳ đầu trong những ngày đầu thành lập Hội. Trong khoảnh khắc bồi hồi, xúc động, Tiến sĩ Trần Thị Thanh Thanh đã rơi nước mắt.

Bà hồi tưởng lại, lần đầu tiên trong lịch sử của Việt Nam tồn tại một tổ chức xã hội có chức năng bảo vệ Quyền Trẻ em. Lúc bấy giờ, Quyền trẻ em là một khái niệm còn mới mẻ với tất cả mọi người.

Với sứ mệnh cao cả là BVQTE của một tổ chức xã hội mới, dù Hội gặp phải rất nhiều khó khăn, phải tự làm hết mọi việc, khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhân sự, kinh phí hoạt động, vận hành bộ máy, về chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm công tác bảo vệ quyền trẻ em nhưng từ Chủ tich, Phó Chủ tịch đến các cán bộ đều làm việc quên mình, dùng sức mạnh tinh thần, quyết tâm vượt lên tất cả, dần dần những khó khăn đều được tháo gỡ dần.

Tiến sĩ Trần Thị Thanh Thanh
Tiến sĩ Trần Thị Thanh Thanh xúc động rơi nước mắt khi kể về kỷ niệm ngày đầu thành lập Hội (Ảnh: Hà Chi).

Là người cống hiến cả cuộc đời cho công tác trẻ em và có nhiều kinh nghiệm trong bảo vệ quyền trẻ em, theo bà Thanh, kinh nghiệm mà bà cho rằng quan trọng nhất mà Hội có thể học hỏi để làm tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong bối cảnh hiện nay là phải dùng tinh thần thay cho vật chất, dùng sức mạnh, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn.

Ngoài ra, mỗi cán bộ cần không ngừng trao đổi kinh nghiệm quốc tế, không ngừng học tập và lắng nghe sự đóng góp từ các cơ sở để đúc kết thêm kinh nghiệm, phương pháp chỉ đạo mới.

Tiến sĩ Trần Thị Thanh Thanh
Khoảnh khắc đẹp của Tiến sĩ Trần Thị Thanh Thanh - Nguyên Chủ tịch Hội và bà Ninh Thị Hồng - Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội khi cùng hoài niệm về năm tháng gắn bó vận động thành lập Hội (Ảnh: Hà Dương).

Tri ân các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, hội viên tràn đầy tâm huyết vì trẻ em

Cũng tại toạ đàm, ông Đặng Quốc Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, thành viên Ban vận động thành lập Hội vô cùng xúc động khi nhắc đến người đã từng gắn bó, trải qua những khó khăn từ những ngày đầu cùng với ông - bà Trần Thị Thanh Thanh.

“Từ những ngày đầu mới thành lập, tôi đã chứng kiến toàn bộ tâm huyết, trách nhiệm và tầm nhìn của bà Trần Thị Thanh Thanh - Nguyên Chủ tịch HBVQTE. Đến tận bây giờ những giá trị từ tầm nhìn của bà vẫn còn tồn tại.

Điều khiến tôi khâm phục đó chính là tâm huyết, trí tuệ, tình cảm, trách nhiệm dành cho trẻ con của bà - một người tuổi đã cao, gia đình hoàn cảnh khó khăn, ngoài công việc hoạt động Hội tranh thủ học thêm tiếng Anh với ước nguyện một ngày có thể tiếp cận với cư dân mạng nước ngoài”, ông Tiến bộc bạch.

Bên cạnh đó, ông còn gửi lời cảm ơn đến các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, hội viên Hội BVQTEVN tràn đầy tâm huyết, đã tận tụy, hy sinh hết mình cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và bảo vệ quyền trẻ em cũng như lời chúc mong cho Hội ngày càng phát triển những giá trị tầm nhìn để trẻ em vẫn tiếp tục được bảo vệ.

Ông Đặng Quốc Tiến - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ
Ông Đặng Quốc Tiến - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại cuộc toạ đàm (Ảnh: Hà Dương).

Khơi dậy tình yêu trẻ, sự nhiệt huyết, gắn bó với công tác vì trẻ em

Với vai trò là diễn giả tham gia cuộc tọa đàm nhằm chia sẻ về những bài học kinh nghiệm trong việc tư vấn, hỗ trợ cho trẻ em bị vi phạm quyền để Hội hoạt động hiệu quả trong công tác bảo vệ quyền trẻ em, bà Ninh Thị Hồng - Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội ​cho hay, đầu tiên Hội cần phải thu hút những chuyên gia giỏi ở nhiều lĩnh vực khác nhau, tham gia vào tổ chức ở Trung ương và địa phương.

Sau đó, Hội sẽ tập huấn, trao đổi để các chuyên gia tiếp cận được quyền của quốc tế và xu thế hiện nay ở các nước. Quan trọng hơn, hãy truyền cho họ sự nhiệt huyết của Hội, khơi dậy tình yêu trẻ, tình cảm gắn bó với công tác vì trẻ em. 

"Các cán bộ, hội viên Hội BVQTEVN và các chuyên gia cần nắm bắt được nhiều thông tin, nắm chắc những quy định của pháp luật để thể hiện chính kiến nhằm can thiệp để BVQTE. Bên cạnh đó, khi tư vấn can thiệp cần phải đồng bộ, phối hợp với các cơ quan chức năng bảo vệ nạn nhân, bảo vệ nhân chứng. Sau đó mới bàn đến việc yêu cầu các cơ quan pháp luật xử lý thích đáng những người vi phạm quyền trẻ em".

Về kiến nghị xử lý, cần gửi đúng nơi, đúng chỗ, đưa ra những lập luận xác đáng. Ngoài ra, cần tận dụng sự phối hợp với các ngành liên quan, tăng cường sức mạnh của Hội như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... Đặc biệt, Hội nên kiên trì theo dõi, bám sát những vụ việc đang được xử lý để có kết quả, từ đó có thể đúc rút kinh nghiệm để phổ biến cho những chuyên gia ở địa phương bảo vệ quyền trẻ em. 

Bà Ninh Thị Hồng - Nguyên Phó chánh Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
Bà Ninh Thị Hồng - Nguyên Phó chánh Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (Ảnh: Hà Dương).

Ngọn lửa nhiệt huyết tiếp nối ở các chi Hội địa phương

Hội BVQTE tỉnh Bắc Giang là Hội địa phương đầu tiên được thành lập sau khi Hội BVQTEVN ra đời và cũng đã có chặng đường gần 15 năm phát triển.

Từ những định hướng và sự hỗ trợ của Hội BVQTEVN, bà Dương Thị Lợi - Chủ tịch Hội BVQTE tỉnh Bắc Giang đề cập đến việc triển khai công tác Hội tại địa phương từ những ngày đầu.

“Được truyền ngọn lửa nhiệt huyết của Tiến sĩ Trần Thị Thanh Thanh tại Đại hội lần thứ nhất Hội BVQTEVN, ngay sau Đại hội, tôi đã bắt đầu hành trình thành lập ban vận động Hội BVQTE của tỉnh. Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu những văn bản quy định của Nhà nước về vấn đề thành lập Hội cũng như đã đủ kiến thức, kỹ năng để tham mưu với cấp uỷ, chính quyền, cơ quan chức năng, Hội BVQTE tỉnh Bắc Giang đã chính thức được thành lập vào năm 2009”, bà Dương Thị Lợi cho hay.

Bà Dương Thị Lợi - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bắc Giang
Bà Dương Thị Lợi - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bắc Giang phát biểu tại cuộc toạ đàm (Ảnh: Hà Dương).

Ngay sau khi thành lập, Hội đã được tỉnh Bắc Giang hỗ trợ văn phòng làm việc cũng như kinh phí ban đầu để Hội hoạt động. Đến năm 2012, UBND tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định Hội là một tổ chức xã hội đặc thù, có chế độ chính sách trợ cấp cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch, kế toán làm việc cho Hội và hỗ trợ một số kinh phí hoạt động.

“Trong quá trình hoạt động, chúng tôi thấy rằng, nếu không có mạng lưới hoạt động ở cơ sở thì việc triển khai, tổ chức thực hiện các hoạt động của Hội cấp tỉnh xuống rất khó khăn nên Ban chấp hành đã đi đến thống nhất là quyết tâm phát triển Hội ở cấp huyện, cấp cơ sở”, bà Lợi nhấn mạnh.

Đến năm 2015, 10/10 huyện tại tỉnh Bắc Giang đã được thành lập Hội, đến nay đã có 148 xã phường thị trấn có tổ chức Hội cơ sở với trên 5.000 hội viên. Ngoài ra, Hội luôn tranh thủ nguồn lực để tập huấn nâng cao kỹ năng công tác xã hội về trẻ em cho cán bộ Hội. 

Bà đưa ra lời khuyên, các Hội cần chủ động xây dựng dự án, dự án phải phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được nhu cầu nguyện vọng của trẻ em, xây dựng niềm tin với nhà tài trợ để thuận lợi kêu gọi kinh phí, vận động nguồn lực của các tổ chức cá nhân, các nhà hảo tâm phải làm cầu nối đáng tin cậy để mang đến những món quà ý nghĩa cho trẻ em.

Qua cuộc trò chuyện của những người gắn bó tâm huyết với Hội suốt 15 năm qua, khách mời phần nào hiểu được bối cảnh sự ra đời của Hội cũng như những đóng góp, nỗ lực của những người tâm huyết vì trẻ em, vì sự phát triển của Hội đến ngày hôm nay. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội BVQTEVN
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội BVQTEVN trao tặng bó hoa tươi thắm thể hiện sự tri ân sâu sắc trước đóng góp vô cùng to lớn và quan trọng của những người đi tiên phong tìm đường cho sự ra đời và đồng hành cùng sự phát triển của Hội (Ảnh: Hà Chi).

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận