13:04 27/12/2022

'Tôi muốn những đứa con của mình thất bại'

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hoài Linh

Tôi hy vọng con của mình "vấp ngã", trưởng thành sau một vài thất bại, lộn xộn trong cuộc sống. Tôi muốn các con được trải nghiệm sự thất vọng, sự "vấp ngã" đau đớn đầy nước mắt khi vẫn còn trẻ.

images

Các cô con gái bé nhỏ của tôi mới chỉ 2-3 tuổi và tôi có thể thấy cách mà thế giới xung quanh đã và đang đòi hỏi, coi trọng sự thành công ở một đứa trẻ như thế nào. Những lời ngợi khen như làm tốt lắm, con thông minh quá,... có thể khiến thế giới trở nên tươi đẹp hơn với trẻ khi con có được những thành tựu nhỏ của mình.

Nhưng tôi lại cảm thấy lo sợ về những lời khen ngợi này. Tôi không muốn các con mình nghĩ rằng, thành tích của các con có được là do các con “quá thông minh” - nếu các con nghĩ vậy thì điều gì sẽ xảy ra khi các con vấp ngã?

Liệu các con sẽ nghĩ rằng, mình không thông minh? Không sáng tạo? Và con sẽ cảm thấy bản thân không có năng lực? 

Tôi nghĩ rằng, những quan điểm đánh giá thấp bản thân là điều thường thấy ở trẻ nhỏ và đặc biệt là với các bé gái. Ngay từ khi còn nhỏ, các bé gái thường được nghe về những điều các con nên làm và khả năng của các con là gì. 

Khi tôi học lớp 8, tôi đã chọn ảo thuật là đề tài cho một dự án nghiên cứu. Trong phần trình diễn, tôi đã lựa chọn màn ảo thuật cổ điển với những chiếc cốc và những quả bóng. 

Thế nhưng tôi đã không làm theo kế hoạch và một quả bóng được giấu phía dưới đã lăn qua bàn, đúng lúc đó các bạn học của tôi ngước lên nhìn. Cuối cùng nếu không kể đến sai lầm trong màn ảo thuật, tôi đã có thể nhận một điểm A - cho màn trình diễn đó.

“Tôi sinh ra không phải dành cho ảo thuật”, tôi đã tự nhắn nhủ với bản thân như vậy vào lúc đó. Niềm đam mê với ảo thuật của tôi suốt thời thơ ấu cũng đã kết thúc vào ngày hôm đó.

Vậy điều gì sẽ xảy ra khi các con thất bại? 

Tôi muốn các con hiểu rằng, vấp ngã là một phần của quá trình trưởng thành. Tôi muốn các con trải nghiệm sự thất bại và khoảng thời gian lý tưởng nhất là ngay từ khi con còn nhỏ. Khi đó, mức độ rủi ro thấp và các con vẫn có thể học cách vượt qua. 

Tôi vẫn luôn dạy con của mình về giá trị của sự kiên trì và để cho các con thấy rằng, thất bại là điều tất yếu trên con đường đi tới thành công.

Tôi luôn dành lời khen cho sự cố gắng của con và cha mẹ không nên xem nhẹ thành quả mà con đã cố gắng đạt được, hãy ghi nhận sự nỗ lực của con: “Chà, con làm tốt lắm! Rất tốt! Mẹ rất thích bức tranh này!”. 

Khi thấy đứa con gái nhỏ 2 tuổi đang loay hoay để hoàn thiện việc ghép tranh, tôi đã cố gắng không can thiệp vào và để con tự hoàn thành bằng khả năng của mình, tôi hạn chế giúp con ít nhất có thể. Bởi vì tôi muốn con biết rằng, khó khăn là một điều bình thường con sẽ gặp phải trong cuộc sống này.

Tôi muốn con rèn luyện sức chịu đựng bền bỉ, trước khi con là một học sinh lớp 8 và từ bỏ sở thích của mình chỉ sau một khó khăn. Hoặc tệ hơn, là trước khi con 18 tuổi và từ bỏ chuyên ngành mơ ước của mình chỉ vì con sợ có một điểm “B”.

Tôi luôn hạn chế việc giải quyết các vấn đề “hộ” con. Và tôi hy vọng con sẽ “vấp ngã”, điều đó sẽ giúp con hiểu được rằng thất bại là một phần quan trọng của cuộc sống. 

Bởi vì nếu trẻ vấp ngã và sau đó trẻ vẫn kiên trì, tiếp tục cố gắng, khi đó cha mẹ sẽ biết được rằng mình đã thành công trong việc dạy con.

Theo Motherly

Chuyên mục Tôi nói trên Tạp chí Trẻ em Việt Nam là nơi bày tỏ quan điểm, để Trẻ em nói, Cha mẹ nói, Chuyên gia nói xung quanh các vấn đề của cuộc sống thường ngày. Độc giả hãy cùng gửi bài viết, tâm sự, video, podcast chia sẻ suy nghĩ về cho chúng tôi nhé, để cùng lan toả yêu thương đến với con trẻ.

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm Tạp chí Trẻ em Việt Nam. Gửi bài tại đây

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận