TP. HCM: Ban đại diện cha mẹ học sinh cùng nhà trường giám sát chất lượng bữa ăn bán trú
TP. HCM đặt mục tiêu 100% trường mầm non và phổ thông công lập thành lập, kiện toàn Ban chăm sóc sức khỏe học sinh và “Tổ an toàn Covid-19”; 100% trường học có bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp, căng tin không để xảy ra ngộ độc thực phẩm
Ngày 17/10, Sở GD&ĐT TP. HCM đã công bố Kế hoạch công tác y tế trường học năm học 2022-2023, trong đó tập trung hai vấn đề nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú và chăm sóc sức khỏe học sinh.
Theo đó, năm học 2022-2023, TP. HCM đặt mục tiêu 100% trường mầm non và phổ thông công lập thành lập, kiện toàn Ban chăm sóc sức khỏe học sinh và “Tổ an toàn Covid-19”; 100% trường học có bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp, căng tin không để xảy ra ngộ độc thực phẩm; 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế và 100% cơ sở giáo dục thực hiện kiểm tra sức khỏe học sinh vào đầu năm học.
Sở GD&ĐT TP. HCM cho biết, năm học này sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong các cơ sở trường học trên địa bàn thành phố bằng nhiều hình thức như tự kiểm tra, thành lập các đoàn kiểm tra quận/huyện, tăng cường kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất...
Sở GD&ĐT TP. HCM sẽ phối hợp với Ban Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất tại các trường học có bếp ăn, suất ăn công nghiệp, căng tin trường học khi có phản ánh từ báo chí, phụ huynh học sinh.
Về phía nhà trường, Sở GD&ĐT TP. HCM yêu cầu nhà trường cử cán bộ quản lý, nhân viên y tế trường học tham gia tập huấn công tác an toàn thực phẩm, đồng thời tổ chức bồi dưỡng kiến thức an toàn thực phẩm cho người trực tiếp chế biến thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, căng tin trong trường học.
Để tăng hiệu quả quản lý, nhà trường xây dựng kế hoạch cụ thể phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện giám sát quá trình chế biến, tiếp phẩm cũng như giá thành của từng bữa ăn của học sinh; thường xuyên giám sát cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp, kiểm tra việc cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân viên, bảo mẫu thực hiện công tác cấp dưỡng, ăn uống cho học sinh trong căng tin, bếp ăn tập thể.
Sở GD&ĐT TP. HCM lưu ý, thủ trưởng đơn vị trường học chịu trách nhiệm với cơ quan quản lý về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại đơn vị và tăng cường dinh dưỡng hợp lý cho học sinh.
Năm học 2022-2023, ngành giáo dục hướng đến mục tiêu 90% trường mẫu giáo, mầm non, tiểu học, THCS, THPT có nhân viên y tế chuyên trách, có chuyên môn y tế; 90% nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập có nhân viên phụ trách công tác y tế trường học hoặc ký hợp đồng cung ứng dịch vụ với cơ sở y tế địa phương.
Trường học phải chủ động theo dõi, tầm soát và phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh để được chuyển tuyến điều trị kịp thời.
Về trang thiết bị, các trường phải có phòng y tế riêng, được trang bị tối thiểu 1 giường khám bệnh và lưu bệnh nhân, bàn làm việc, ghế, tủ dụng cụ, thiết bị làm việc thông thường; cân, thước đo, huyết áp kế, nhiệt kế, bảng kiểm tra thị lực, bộ nẹp chân, tay và một số thuốc thiết yếu phục vụ cho công tác sơ cấp cứu và chăm sóc sức khỏe học sinh theo quy định.
Đặc biệt, nhân viên y tế học đường phải có trình độ chuyên môn từ trung cấp y sĩ trở lên, được thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn y tế thông qua các hình thức hội thảo, tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất