12:22 02/02/2023

Tranh cãi việc giành giật manh chiếu cầu con trai tại lễ hội Đúc Bụt

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hà Chi

Hình ảnh người dân tranh nhau manh chiếu cầu con trai tại lễ hội Đúc Bụt (Vĩnh Phúc) đã nhận nhiều ý kiến trái chiều. Để rộng đường dư luận, PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về vấn đề này.

Vào sáng ngày 29/1 (mùng 8 tháng Giêng) vừa qua, thôn Phù Liễn (xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) tổ chức thường niên lễ hội Đúc Bụt với sự tham gia của hàng nghìn người từ khắp nơi đổ về. Lễ hội tái hiện hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian truyền tích Ngọc Kinh công chúa chiêu tập nghĩa sĩ rèn đúc vũ khí tụ nghĩa. 

Phần đặc sắc và quan trọng nhất của lễ hội là tích trò đúc bụt. Sau khi hoàn thành một số nghi thức, các "bụt" được đưa về đền và chụp chiếu cói lên đầu với bó mạ non xanh mướt. Từ lâu đời, người dân thôn Phù Liễn tương truyền rằng, người nào có được những mảnh, sợi cói, nhất là chiếc chiếu cắm bó mạ xanh trên đỉnh, năm đó vợ chồng sẽ sinh con trai. 

Từ tương truyền đó, hàng năm đều xuất hiện tình trạng người dân chen lấn để giành cho mình một manh chiếu cầu con trai. Khi những hình ảnh tại lễ Đúc Bụt năm nay được đăng tải đã có rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. 

Tranh cãi việc giành giật manh chiếu cầu con trai tại lễ hội Đúc Bụt
Người dân giành nhau manh chiếu cầu con trai tại lễ hội Đúc Bụt thường niên (Ảnh: Báo Dân Trí).

Có người cho rằng, đó là “hủ tục mê tín dị đoan, phân biệt giới tính”. Tuy nhiên có ý kiến bày tỏ, lễ hội Đúc Bụt là tục xưa để tìm tráng sĩ, tráng sĩ thuở xưa thì chỉ tuyển nam, đó không phải là lạc hậu.

Thậm chí, có người để lại bình luận, rất nhiều năm chạy chữa không có con, nhưng khi tới xin manh chiếu tại lễ hội Đúc Bụt thì lại sinh được một cậu con trai. Ý kiến khó có căn cứ kiểm chứng này cũng để lại rất nhiều tranh cãi.

Để rộng đường dư luận, PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội xoay quanh câu chuyện tại lễ hội Đúc Bụt nói riêng và các lễ hội trong nước nói chung.

Tranh cãi việc giành giật manh chiếu cầu con trai tại lễ hội Đúc Bụt
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (Ảnh: Quốc Chính).

"VIỆC XIN CON TRAI TRONG LỄ HỘI LÀ MỘT BIẾN TƯỚNG
CẦN TRÁNH ĐỂ TRÁNH TẠO MẶC CẢM TRONG XÃ HỘI"

Emagazine - Tạp chí Trẻ em Việt Nam 

***

Thưa PGS.TS Bùi Hoài Sơn, việc người dân chen chúc, giành nhau manh chiếu cầu con trai tại lễ hội Đúc Bụt, nhiều người cho rằng là mê tín dị đoan, ông có đồng tình với ý kiến đó không? 

- Câu hỏi này tưởng như đơn giản nhưng thực chất lại khá phức tạp. Trong hệ thống lễ hội truyền thống của nước ta, có rất nhiều lễ hội giống như lễ hội Đúc Bụt. 

Bản chất của các lễ hội truyền thống đầu năm, bên cạnh việc tưởng niệm nhân vật, sự kiện lịch sử, truyền thuyết, thường là cầu may mắn, cầu mùa, cầu con cái... Vì thế, có khá nhiều các lễ hội mà đối tượng thờ là các sinh thực khí, động tác nghi lễ, trò chơi dân gian liên quan đến tín ngưỡng phồn thực. 

Dân gian cho rằng, những hành động đó tạo ra sự may mắn cho con người trong cuộc sống, buôn bán, sinh đẻ, học hành... Mà khi đó là quan niệm dân gian, trở thành cảm nhận của từng cá nhân thì không đo đếm, đem khoa học ra giải thích được. 

Nếu các nhà khoa học dựa trên bằng chứng, kiểm nghiệm thì người dân lại dựa vào cảm nhận của bản thân và cộng đồng. Đó là lý do, dù khoa học đã chỉ rõ nhiều hoạt động mê tín dị đoan nhưng những hoạt động này vẫn tồn tại qua thời gian, bất chấp mọi lời giải thích, tuyên truyền. 

Theo tương truyền của người dân thôn Phù Liễn, người nào có được những mảnh, sợi cói, nhất là chiếc chiếu cắm bó mạ xanh trên đỉnh, năm đó vợ chồng sẽ sinh con trai và hàng năm số lượng người tới giành nhau manh chiếu đều rất đông. Theo ông, xuất phát từ đâu dẫn tới việc chen chúc nhau, giành giật nhau từng manh chiếu, ấn, sớ lại đông như vậy?

- Dịp đầu năm là thời gian rất phù hợp cho nhu cầu tín ngưỡng của người dân. Không khí đầu xuân là dịp mỗi người mong muốn một khởi đầu tốt đẹp, may mắn cho cả một năm dài trước mắt.

Vì thế, ai cũng mong muốn có động lực tinh thần tích cực, và điều đó rất phù hợp với những sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ở các đình, đền, chùa, miếu... Động lực tinh thần thì bất kỳ ai, ở thời đại nào, bối cảnh xã hội nào hay quốc gia nào cũng đều cần thiết cả. 

Khi chúng ta có tinh thần vững chắc, vui vẻ, tích cực, khả năng thành công của công việc cũng cao hơn. Đi lễ đầu năm, trong đó có đi lễ hội, có ý nghĩa tinh thần và thỏa mãn nhu cầu như thế.

Nhu cầu tâm linh có thật và phổ biến này cũng là động lực để các lễ hội khai thác, tạo thêm ảnh hưởng và sức thu hút cho chính các lễ hội. 

Một phần những nghi lễ có liên quan đến truyền thuyết, thần tích hay đối tượng thờ của lễ hội vốn có từ xa xưa, một phần được kể, diễn giải, thổi phồng thái quá bởi chính người tổ chức lễ hội để tạo thêm điểm nhấn, sản phẩm thu hút khách du lịch, như một hình thức “trục lợi tâm linh”, thương mại hóa lễ hội nhằm làm thỏa mãn tính hiếu kỳ của nhiều người. Tất cả khiến cho các hiện tượng mê tín dị đoan càng trở nên trầm trọng hơn.

Thưa ông, quan niệm sinh con trai và con gái có ảnh hưởng, tác động thế nào đến với xã hội. Đặc biệt trong xã hội hiện nay, trẻ em được yêu thương, chăm sóc dù ở bất kể giới tính nào và để việc xin manh chiếu tại lễ Đúc Bụt phát triển theo hướng tích cực, phù hợp với thời đại thì ta cần có giải pháp gì?

- Chúng ta không còn ở trong xã hội trọng nam, khinh nữ nữa. Mọi trẻ em sinh ra đều có quyền bình đẳng như nhau. Vì thế, việc lựa chọn giới tính, trọng nam, khinh nữ đã trở thành một điều không phù hợp, thậm chí đáng lên án.

Việc xin con trai trong lễ hội là một biến tướng cần tránh để tránh tạo mặc cảm trong xã hội, giữa mọi người, gợi lại những tục lệ lỗi thời, cổ hủ. Để làm được điều đó, chúng ta cần có những chỉnh sửa nhất định để trả lại giá trị cho lễ hội và phù hợp hơn với bối cảnh xã hội hiện nay. 

Thực ra, các nghi lễ trong lễ hội xưa có nhiều ý nghĩa, kể cả lễ hội Đúc Bụt. Điều chúng ta mong đợi nhất khi đến với lễ hội là tạo ra được một tinh thần thoải mái, phấn chấn để từ đó có động lực tốt trong cuộc sống, công việc. 

Đó cũng là thông điệp quan trọng để các lễ hội lan tỏa trong dịp đầu năm. Chúng ta cần hạn chế tối đa những thông tin sai lệch, mê tín dị đoan, gây hiểu nhầm cho người dân đến với lễ hội. 

Muốn làm được như vậy, bên cạnh nâng cao nhận thức, vai trò của người dân địa phương, những người trông coi di tích hết sức quan trọng. Chính họ là những bằng chứng sống, tuyên truyền viên hiệu quả nhất để những thông điệp tích cực của lễ hội đến với người dân.

hang-ngan-nguoi-tham-gia-le-hoi-duc-but-va-nghi-thuc-xin-chieu-thieng-cau-dinh25-1674982321059790946104
Năm nay, ba chiếc chiếu được gỡ ra từng sợi, đưa vào “Bao bì lộc” được thiết kế đẹp mắt, trang trọng với lời chúc “ Phúc - Lộc - Thọ” và được các quan viên phát lộc cho những người đi lễ có nhu cầu. Tuy nhiên, hình ảnh chen lấn, giành nhau manh chiếu vẫn xảy ra (Ảnh: Báo Tổ quốc).

MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG NHẰM
ĐƯA CÁC LỄ HỘI PHÁT TRIỂN PHÙ HỢP VỚI XU THẾ

Emagazine - Tạp chí Trẻ em Việt Nam 

***

Theo ông, có phải sau khi trải qua 3 năm dịch bệnh, người dân phải hạn chế việc ra ngoài cũng như tham gia vào các lễ hội nên năm nay khi dịch bệnh được kiểm soát, người dân tham gia vào các lễ hội đông trở lại? 

- Chắc chắn đây là yếu tố quan trọng khiến việc đi lễ hội bùng nổ ở năm 2023. Thực tế này cũng không phải lạ gì đối với những người nghiên cứu văn hóa lâu năm khi chúng ta chứng kiến tình trạng tương tự xảy ra vào những năm 1956, 1976, hay sau năm 1986 mỗi khi hoàn cảnh đất nước thuận lợi hơn. 

Sau hơn 2 năm dừng/hạn chế tổ chức các sự kiện đông người, trong đó có lễ hội, năm nay người dân sẽ đi lễ hội nhiều hơn như một cách bù lại cho khoảng thời gian trước đó. 

Cũng không thể không kể đến những yếu tố khác như điều kiện kinh tế, những lo lắng trong gia đình và xã hội hay nhiều yếu tố khác khiến nhu cầu tâm linh vẫn còn nguyên vẹn đã ảnh hưởng nhiều đến hành vi đi lễ của người dân.

Thưa ông, ông có kiến nghị, cũng như giải pháp nào để lễ hội Đúc Bụt nói riêng và những lễ hội khác vừa có thể phát huy truyền thống tốt đẹp mà lại vừa phù hợp với tính thời đại?

- Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều biện pháp để tăng cường quản lý lễ hội. Gần nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội, trong đó có rất nhiều quy định chi tiết, phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay, từ chính sách của Nhà nước về lễ hội, nguyên tắc tổ chức lễ hội, quyền và trách nhiệm của người tham gia lễ hội, tổ chức lễ hội tới trình tự, thủ tục tổ chức, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, hay xử lý vi phạm. 

Nghị định cũng nhấn mạnh “Việc tổ chức lễ hội nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công lao các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành, phát triển đất nước; tuyên truyền giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của di tích, truyền thống tốt đẹp của lễ hội”. 

Chính sách của Nhà nước là “Hỗ trợ hoạt động phục dựng, bảo vệ lễ hội truyền thống nhằm duy trì các giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu, đáp ứng đời sống tinh thần của nhân dân”. 

Điều đó cho thấy rằng, về văn bản quy phạm pháp luật, nếu chúng ta thực hiện nghiêm Nghị định 110 sẽ giúp việc tổ chức quản lý lễ hội nói chung, lễ hội Đúc Bụt nói riêng trở nên tốt và hiệu quả hơn. 

Bên cạnh đó, để các văn bản của Nhà nước phát huy được hiệu quả, chúng ta cần nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là các nhà quản lý, người dân địa phương và du khách về vai trò, ý nghĩa của việc tổ chức lễ hội đối với việc tôn vinh truyền thống địa phương, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. 

Công tác tuyên truyền những ví dụ hay, bài học tốt, lên án những vụ việc vi phạm để lan tỏa những thông điệp tích cực, hạn chế những việc làm tiêu cực cũng giúp việc tổ chức và quản lý lễ hội tốt hơn.

Hiện nay, đã có rất nhiều lễ hội với ý nghĩa tốt đẹp bị người dân biến tấu trở nên đi chệch hướng. Để những lễ hội truyền thống được tổ chức đúng với bản chất tốt đẹp của nó, theo ông Sở Văn hóa và các ban, ngành cần thực hiện điều gì để người dân chấp hành đúng và giúp những lễ hội đó trở thành cơ hội để quảng bá du lịch nước nhà?

Tôi nghĩ, thứ nhất, chúng ta cần làm rõ việc tổ chức lễ hội vì nhiều mục đích khác nhau, cả trên khía cạnh văn hóa, chính trị, kinh tế... Khi chúng ta ý thức lễ hội là vì nhiều mục đích khác nhau, chúng ta mới có những hoạt động đa dạng và phong phú, phù hợp với lễ hội ngày hôm nay. 

Với mục đích văn hóa, lễ hội cần được tổ chức để tôn vinh những giá trị, sinh hoạt văn hóa, truyền thống độc đáo của địa phương để gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị ấy, tạo thêm sinh hoạt có ý nghĩa, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Với mục đích chính trị, tổ chức lễ hội lại là dịp củng cố sức mạnh đoàn kết cộng đồng, hình thành tinh thần gắn bó với quê hương, xây dựng và lan tỏa hình ảnh đẹp, câu chuyện hay về mảnh đất, con người và văn hóa địa phương.

Còn với mục đích kinh tế, đây là cơ hội tạo ra công ăn việc làm, thu nhập, quảng bá sản phẩm, thu hút du khách cho địa phương. Mỗi mục đích khác nhau có thể hình thành nên những hoạt động, sản phẩm khác nhau, tạo nên sự đa dạng, phong phú và hấp dẫn cho lễ hội, địa phương.

Thứ hai, chúng ta cần tổ chức lễ hội một cách chuyên nghiệp hơn. Quản trị đám đông là một khoa học, cần sự chuyên nghiệp chứ không phải là tự phát, theo kinh nghiệm. Những sự cố đối với đám đông như tại lễ hội Halloween ở Seoul (Hàn Quốc) hay sự cố giẫm đạp nhau ở sân vận động tại Indonesia là những cảnh báo đối với việc tổ chức lễ hội ở Việt Nam.

Tổ chức và quản lý lễ hội là công việc chung, của toàn xã hội, chứ không riêng gì của ngành văn hóa. Các ngành y tế, công an, giao thông vận tải,... đều rất quan trọng trong việc bảo đảm sự thành công và hiệu quả của tổ chức lễ hội ở địa phương.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Chuyên mục Tôi nói trên Tạp chí Trẻ em Việt Nam là nơi bày tỏ quan điểm, để Trẻ em nói, Cha mẹ nói, Chuyên gia nói xung quanh các vấn đề của cuộc sống thường ngày. Độc giả hãy cùng gửi bài viết, tâm sự, video, podcast chia sẻ suy nghĩ về cho chúng tôi nhé, để cùng lan toả yêu thương đến với con trẻ.

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm Tạp chí Trẻ em Việt Nam. Gửi bài tại đây

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận