Sự hung hăng 'ném đá nhầm còn hơn bỏ sót' của cư dân mạng trong những vụ việc liên quan trẻ em
Chưa bao giờ, việc thể hiện cảm xúc của một số cư dân mạng lại nhanh, mạnh và có xu hướng phong trào đến vậy. Với quan điểm “thà tấn công nhầm còn hơn bỏ sót”, khi một vụ việc nổ ra, thay vì đợi sáng tỏ, nhiều người vội vã truy tìm danh tính các nhân vật liên quan, thậm chí không hề liên quan để “công kích hội đồng”.
Như Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã đưa tin, vụ việc chú mèo Golden bị trẻ nhỏ hành hạ xảy ra vào mùng 2 Tết nguyên đán đã nhận nhiều sự quan tâm của dư luận, gây ra tranh cãi trái chiều khi video ngược đãi động vật được đăng tải công khai trên mạng xã hội.
Sau vụ việc này, ngay lập tức, nhiều cư dân mạng đã truy tìm danh tính, đòi công khai danh sách trang cá nhân tất cả những người thân của trẻ nhỏ để “dạy bảo” cách dạy con cháu.
Cũng liên quan tới vụ việc này, nhiều cư dân mạng chưa tìm hiểu đầy đủ thông tin đã tìm đến trang Fanpage của một trường mẫu giáo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vì cho rằng, đây là nơi bà N.N., mẹ hai cháu bé gây ra vụ việc làm việc và để lại nhiều bình luận thể hiện sự bất bình, tức giận.
Phía trường mầm non đã phải lên tiếng chính thức đính chính sự việc trên trang Fanpage: “Trường có địa chỉ là Khu phố Ông Trịnh, phường Tân Phước, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, không có giáo viên hay nhân viên trong trường có tên là N.N.. Nhà trường sẽ có thông báo chính thức và sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng khi cần thiết. Mong mọi người cần tìm hiểu rõ hơn về vụ việc này và có cách ứng xử một cách văn minh, hợp lý”.
Ngay sau vụ việc này, cư dân mạng lại một phen sôi sục khi trên mạng xã hội, nhiều tài khoản đã chia sẻ video với những thông tin bức xúc, một chiều về vụ việc bé trai 3 tuổi nghi hóc hạt tử vong ở Quảng Ngãi.
Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi sau đó cho biết, một số tài khoản Facebook đăng tải video về sự việc này dù chưa rõ thực hư sẽ bị xử lý theo quy định.
Mới đây nhất, câu chuyện diễn viên Quỳnh Lương công khai bằng chứng con trai bị người lạ “tác động vật lý” lại nóng khắp mạng xã hội.
Như Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã đưa tin trước đó, vào tối 27/1 (mùng 6 Tết), diễn viên Quỳnh Lương đã vô cùng bức xúc trước hành vi được cho là tát, véo tai và vu khống bé Gấu (con trai của nữ diễn viên) của một người đàn ông lạ khi gia đình cô đi tại một nhà hàng.
Bên cạnh những ý kiến bình luận công tâm, nhìn nhận sự việc dưới góc độ khách quan thì vẫn tồn tại không ít những tài khoản nóng giận, hung hăng muốn “nổ địa chỉ” người đàn ông trong vụ việc nói trên để “xử lý”, “dạy bảo”,...
Chưa bao giờ, việc thể hiện cảm xúc của một bộ phận công chúng lại nhanh, mạnh và có xu hướng phong trào, tiêu cực như vậy.
Thực tế của thời đại công nghệ 4.0 là đem đến những “đám đông ảo” trên mạng xã hội, tập hợp rất nhanh vì hiếu kỳ, vì muốn bảo vệ một ai đó, vì muốn bày tỏ quan điểm trước một sự việc đang nóng...
Lướt qua các bình luận, nhiều các bạn trẻ dùng những lời lẽ cay độc, xúc phạm cá nhân mà không hay biết, khi bảo vệ một người theo cách này, có thể họ đã vô tình làm tổn thương người khác.
Kết quả khảo sát ý kiến của UNICEF được công bố vào năm 2019 chỉ ra rằng, 21% thanh thiếu niên Việt Nam tham gia khảo sát là nạn nhân của bắt nạt trên mạng và hầu hết (75%) đều không biết về đường dây nóng hoặc các dịch vụ có thể giúp họ nếu bị bắt nạt hoặc bị bạo lực trên mạng.
Khảo sát ý kiến qua tin nhắn ẩn danh thông qua U-Report- một công cụ tăng cường sự tham gia của thanh thiếu niên, gần ba phần tư thanh thiếu niên cho biết, mạng xã hội như Facebook, Instagram, Snapchat và Twitter là những nền tảng phổ biến nhất xảy ra bắt nạt trên mạng.
Bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành UNICEF bày tỏ: “Cải thiện giáo dục cho thanh thiếu niên đồng nghĩa với trách nhiệm đối với môi trường mà thanh thiếu niên tiếp xúc, cả trên mạng và ngoài đời”.
Không thể phủ nhận sức mạnh của cư dân mạng đã giúp nhiều vụ việc nóng sớm đi đến đích, thu hút sự chú ý. Tuy nhiên, bên cạnh tác động tích cực thì sự nóng giận nhất thời có thể khiến cư dân mạng vô tình trở thành “đao phủ” bàn phím mà đôi khi chính họ không hề hay biết.
Trước khi để lại những bình luận trên mạng xã hội, nên nhớ rằng, lời nói có sức tác động xã hội ra sao. Dù là một bình luận công khai hay ẩn danh thì phía sau màn hình cũng là một/nhiều cuộc đời mà chúng ta đừng vô tình bỏ quên.
Chuyên mục Tôi nói trên Tạp chí Trẻ em Việt Nam là nơi bày tỏ quan điểm, để Trẻ em nói, Cha mẹ nói, Chuyên gia nói xung quanh các vấn đề của cuộc sống thường ngày. Độc giả hãy cùng gửi bài viết, tâm sự, video, podcast chia sẻ suy nghĩ về cho chúng tôi nhé, để cùng lan toả yêu thương đến với con trẻ.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm Tạp chí Trẻ em Việt Nam. Gửi bài tại đây
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất