06:39 23/07/2024

TS. Giang Thiên Vũ: Trẻ nhỏ dễ bị tổn thương vì áp lực học tập và thi cử

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Theo TS. Giang Thiên Vũ, sức bền tâm lý của nhiều trẻ nhỏ suy giảm, dễ bị tổn thương và dẫn tới những hành vi dại dột khi cảm thấy không đủ tự tin để đương đầu với thử thách trong cuộc sống, đặc biệt là áp lực học tập và thi cử.

Trong những năm gần đây, cứ tới mùa thi lại xuất hiện nhiều trường hợp học sinh có những suy nghĩ và hành động tiêu cực do không đạt kết quả cao trong học tập hay vì bị gia đình trách mắng. Xoay quanh vấn đề này, TS. Tâm lý học Giang Thiên Vũ - Giảng viên Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh đã chia sẻ với Tạp chí Trẻ em Việt Nam về tầm quan trọng của việc trang bị cho trẻ nhỏ kỹ năng vượt qua những giây phút căng thẳng nhất trong cuộc sống.

Sức bền tâm lý của trẻ nhỏ dễ bị suy giảm

Thưa ông, tại sao trước đây cuộc sống còn khó khăn nhưng chuyện thanh thiếu niên tự tử rất ít, còn bây giờ lại có nhiều cái chết bởi áp lực học tập?

TS. Giang Thiên Vũ: Vốn dĩ tự tử ở tuổi học sinh (vị thành niên) đã tồn tại rất lâu trong xã hội nhưng chúng ta ít biết đến và các phương tiện truyền thông cũng hạn chế đề cập do đây là một vấn đề nhạy cảm. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, tự tử được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận là một vấn đề sức khỏe tâm thần toàn cầu, và công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, khiến chúng ta ý thức nhiều hơn về tự tử ở độ tuổi này.

Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam, từ sau đại dịch Covid-19, sức bền tâm lý của các em học sinh bị giảm rất nhiều và có nhiều nguy cơ dễ bị tổn thương do các tác nhân xã hội số, tức là chuyển từ các quan hệ kết nối xã hội truyền thống sang tương tác mạng xã hội nhiều hơn.

Tuy nhiên, những gì đang diễn ra trên mạng xã hội thì có tốt xấu lẫn lộn, trẻ nhỏ chưa đủ kiến thức và trải nghiệm để phân loại, chỉ tiếp nhận những điều hay, lẽ phải. Tác động của mạng xã hội mang lại nhiều tác động tiêu cực như làm tăng cảm giác tự ti, gây căng thẳng. Mạng xã hội cũng có thể là nơi diễn ra bạo lực tinh thần, tiếp tục tăng lên sự bất bình đẳng trong xã hội, mang đến cảm giác kém tự tin và áp lực đồng trang lứa.

Những tác động này có thể khiến cho tình trạng tâm lý của trẻ nhỏ không ổn định và dễ bị tổn thương. Đây chính là các khởi đầu cho ý nghĩ và hành vi tự tử của các em khi cảm thấy không đủ nguồn lực để đương đầu với các thử thách cuộc sống, trong đó có việc học tập và thi cử.

giangthienvu
TS. Giang Thiên Vũ - Giảng viên Khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Ảnh: NVCC

Vừa là chuyên gia tâm lý, đồng thời là giảng viên sư phạm, ông đánh giá thế nào về những áp lực dường như ngày càng đè nặng hơn với hàng triệu học sinh tại các thành phố lớn phải trải qua kỳ thi vào lớp 10 hệ công lập và thi tốt nghiệp THPT để vào đại học?

TS. Giang Thiên Vũ: Áp lực học tập là một trong những nguyên nhân khiến cho học sinh dễ bị tổn thương vì phải chịu áp lực lớn từ việc đạt kết quả cao trong học tập. Khi các em quá thúc ép bản thân phải nỗ lực liên tục không có khoảng nghỉ ngơi cho não dẫn đến các hậu quả đi kèm như trầm cảm, lo âu, mặc cảm tự ti,... Nếu không được phát hiện sớm và hỗ trợ kịp thời, nhiều hệ lụy liên quan đến tính mạng và tương lai của học sinh sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Về bản chất, khi đối diện với cuộc thi nào, dù là thi vào lớp 10 THPT hay đại học, bộ não của trẻ đều nảy sinh phản ứng căng thẳng như một chất xúc tác giúp các em tập trung và chú ý, quan tâm việc học hơn. Dù vậy không phải ai cũng đủ nội lực và sức bền tâm lý để cân bằng và thực hiện tốt việc học tập trong bối cảnh này.

Sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình ảnh hưởng rất lớn trong quá trình học sinh phát triển về mặt tâm lý. Tuy nhiên, tình trạng học sinh bị bỏ rơi, thiếu sự quan tâm, chăm sóc từ phía gia đình khiến trẻ dễ bị tổn thương dẫn đến sống khép mình, cảm thấy cô đơn và mất hứng thú với cuộc sống. Ngược lại, nếu gia đình quá bao bọc hay nuông chiều, trẻ cũng thiếu đi sự thích nghi, không có khả năng ứng phó với những khó khăn và giảm sức bền tâm lý trước biến cố trong cuộc sống.

Do đó, thay đổi cách giáo dục của bậc phụ huynh là điều rất cần thiết. Thay vì cách giáo dục tạo áp lực, cha mẹ hãy nên khuyến khích con cái để chúng có nghị lực phấn đấu đạt được mục đích. Phụ huynh cần giải thích rõ cho các em rằng, áp lực cạnh tranh vào trường công dù lớn, nhưng đó không phải con đường duy nhất để tới đích của cuộc sống, dù học ở môi trường nào, chính sức bật và nội lực của các em mới là yếu tố quyết định sự thành công của các em.

Nhồi nhét kiến thức làm giảm khả năng sáng tạo của trẻ nhỏ

Phải chăng đang có nhiều gia đình và nhà trường đang ra sức nhồi nhét kiến thức, mong đợi đòi hỏi bằng cấp mà quên không trang bị cho các em kỹ năng sống để vượt qua những giây phút căng thẳng?

TS. Giang Thiên Vũ: Quan điểm "nhồi nhét kiến thức" và chỉ quan tâm đến bằng cấp là tư tưởng lỗi thời, không phù hợp với mục tiêu giáo dục hiện đại. Việc áp dụng phương pháp này có thể gây áp lực cho học sinh, hạn chế sự sáng tạo và khả năng phát triển bản thân của các em. Trong xã hội hiện nay vẫn còn một số giáo viên và cha mẹ giữ quan điểm "nhồi nhét kiến thức" này. Tuy nhiên, họ cần phải hiểu rằng, bên cạnh kiến thức, việc trang bị kỹ năng sống cho trẻ cũng cần được quan tâm đúng mức.

Hiện nay, mặc dù giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đã được nhiều trường học và phụ huynh quan tâm, nhưng đáng tiếc tư vấn giáo dục tâm lý tại trường học cho học sinh ở Việt Nam hiện nay còn hạn chế và gặp nhiều vấn đề trong khâu phối hợp nên chưa đạt được kết quả tốt nhất.

Bởi theo nghiên cứu của tôi và nhóm Nghiên cứu mạnh Tâm lý học giáo dục trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, nhiều giáo viên kỹ năng sống hiện nay không có chứng chỉ hành nghề và không đủ năng lực chuyên môn để dạy kỹ năng (không có kỹ năng để dạy kỹ năng cho học sinh). 

Nhiều trung tâm kỹ năng thậm chí tuyển sinh viên năm 1, năm 2 để dạy kỹ năng nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường mà không quan tâm chất lượng giáo dục kỹ năng cho học sinh mới chính là vấn đề khiến cho các em học sinh dù biết kỹ năng nhưng không vận dụng hiệu quả bởi không được đào tạo một cách chất lượng và đúng chuẩn.

Untitled-1
Áp lực thi cử nặng nề dễ dẫn tới rối loạn tâm thần, trầm cảm (Ảnh: Sức khoẻ đời sống).

Theo ông, ngành giáo dục cần làm gì để giảm bớt áp lực thi cử cho học sinh trong bối cảnh tỷ lệ trường công có giới hạn và sĩ số lớp học đông?

TS. Giang Thiên Vũ: ​​Trong quá trình phát triển của một đứa trẻ, từ gia đình, nhà trường, hay rộng hơn là toàn bộ ngành giáo dục đều phải chung tay trong những hoạt động xã hội để rèn luyện giúp trẻ vượt qua thử thách và có khả năng thích ứng với những sự thay đổi trong cuộc sống. Điều này chỉ ra trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc đưa ra những biện pháp cụ thể để chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh, đặc biệt là trong giai đoạn thi cử căng thẳng. 

Thứ nhất, chương trình giáo dục cần giảm tải áp lực học tập và bổ sung các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ quan tâm đến tình nguyện, nghệ thuật, thể thao.

Thứ hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành các thông tư hoặc văn bản chỉ đạo cụ thể để yêu cầu các trường thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh. Nội dung văn bản cần tập trung vào các giải pháp thiết thực, dễ dàng triển khai và phù hợp với thực tế tại các nhà trường. 

Ngoài ra, cần rà soát lại công tác triển khai giáo dục kỹ năng sống và tư vấn tâm lý tại các trường công lập. Tránh tình trạng "làm theo hình thức đối phó" như nhiều trường hiện nay đang thực hiện. Quan trọng là cần có biên chế cụ thể cho viên chức tư vấn tâm lý để họ có thể chuyên tâm và trở thành lực lượng chủ đạo cho công tác này.

Thứ ba, mỗi giáo viên cũng cần trở thành một nhà giáo dục tâm lý, biết vận dụng kiến thức về sức khỏe tinh thần và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh trong từng bài dạy hoặc giao tiếp thường ngày. 

Điều này đặt ra vấn đề về công tác đào tạo và bồi dưỡng, cũng như chăm sóc tinh thần cho giáo viên trong bối cảnh mới hiện nay cần được thúc đẩy nhiều hơn để khi giáo viên đủ lực và cân bằng về tinh thần, họ sẽ làm tốt công tác chăm lo cho tinh thần học sinh để giảm bớt áp lực thi cử nói riêng, các vấn đề tâm lý ở học sinh nói chung. 

Với các địa phương và cán bộ quản lý trường học, cần triển khai có trọng điểm và tinh giản các hoạt động giáo dục ngoài giờ, tránh gây quá tải cho học sinh, đồng thời, tăng cường tích hợp và lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh trong từng môn học để giáo viên vừa làm công tác giảng dạy vừa chăm sóc tinh thần cho học sinh, tránh tình trạng gây áp lực hoặc sức ép cạnh tranh cho học sinh. 

Trân trọng cảm ơn TS. Giang Thiên Vũ!

Theo “Nghiên cứu toàn diện về các yếu tố liên quan đến trường học ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và sự phát triển toàn diện của trẻ em nam và nữ vị thành niên tại Việt Nam” do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT công bố, 20% trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần và chỉ 8,4% các em được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn. Hơn nữa, chỉ có 5,1% cha mẹ có con vị thành niên nhận thấy con mình cần sự giúp đỡ đối với các vấn đề về cảm xúc và hành vi. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra, nhiều phụ huynh gây áp lực buộc con em mình phải thành công và có những tiêu chuẩn cao khiến các em phải “học 24/24h”.

Các loại hình vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất trong trẻ em Việt Nam là các vấn đề hướng nội (ví dụ như lo âu, trầm cảm, cô đơn) và các vấn đề hướng ngoại (như tăng động và giảm chú ý).

Theo Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, năm 2023, số cuộc gọi của nhóm từ 10 tuổi trở lên tăng so với năm 2022, cụ thể: nhóm trẻ em từ 11 - 14 tuổi có 2.580 cuộc (chiếm 10,9%), tăng 0,3%; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có 1.986 cuộc (chiếm 8,4%), tăng 5,3% so với năm 2022. Cũng trong năm này, nội dung các cuộc gọi tư vấn chuyên sâu tăng ở các nội dung: khó khăn liên quan đến các mối quan hệ ứng xử; sức khỏe thể chất; sức khỏe tâm lý... Các em ở độ tuổi từ 10 - 16 thường gọi đến Tổng đài vào khung giờ từ 22 - 24h khi các thành viên trong gia đình đã đi ngủ để có thể dễ dàng chia sẻ, tâm sự, giải tỏa những áp lực, căng thẳng trong học tập và những tổn thương về tâm lý khi gặp khó khăn trong mối quan hệ ứng xử với các thành viên trong gia đình.

Phụ huynh cần theo dõi giấc ngủ của con em vì các rối loạn tâm thần thường gây ra mất ngủ. Bên cạnh đó nên tìm hiểu nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ ở trẻ và tìm hướng giải quyết. Khuyến khích học sinh nói ra vấn đề của mình, cùng trẻ tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề. Tránh đặt kỳ vọng quá cao ở trẻ, gây ra áp lực lớn trong học tập. Tạo môi trường học tập thân thiện, thoải mái, lành mạnh, sắp xếp lịch học tập và thi cử hợp lý, khoa học.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận