06:39 20/07/2024

Phụ huynh “mất trắng” phí giữ chỗ: Chủ trường tận thu, ngành giáo dục mang tiếng xấu

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Tình trạng một số trường tư thục tận thu phí giữ chỗ, ghi danh, dưới các hình thức khác nhau, bắt chẹt phụ huynh và học sinh, đang gây ảnh hưởng xấu cho ngành giáo dục.

Theo Công văn số 809/SGDĐT-QLT của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (GD&ĐT) về việc nghiêm túc thực hiện công tác tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2024 - 2025 trên địa bàn, các cơ sở giáo dục không thực hiện thu (giữ) hồ sơ của học sinh nếu học sinh không có nguyện vọng theo học tại trường; không được yêu cầu học sinh hoặc cha mẹ học sinh nộp tiền giữ chỗ hay bất cứ khoản thu nào khác không đúng quy định gây khó khăn, bức xúc cho học sinh, cha mẹ học sinh và dư luận xã hội. 

Tuy nhiên nhiều năm qua, các trường ngoài công lập vẫn duy trì khoản thu này. Đặc biệt trong những năm gần đây, phí giữ chỗ, ghi danh của các trường ngoài công lập ngày càng đẩy lên cao và số tiền này thường không được hoàn lại hay chuyển nhượng nếu phụ huynh bỏ cọc. 

Tranh cãi khi rút hồ sơ, trường tận thu không trả phí giữ chỗ

Mới đây, trong nhóm phụ huynh, một phụ huynh đã đăng bài bức xúc về phí ghi danh tại một trường tư thục trên địa bàn Hà Nội, giữ chỗ đầu năm lên đến hơn 10 triệu đồng, tuy nhiên khi muốn rút hồ sơ thì không nhận lại được khoản chi phí trên mà mất trắng, trong khi phụ huynh chưa nhập học, chưa nhận đồng phục, chưa sử dụng bất kỳ dịch vụ nào của nhà trường.

Vị phụ huynh này cho rằng, khi bỏ ra chi phí giữ chỗ họ sẵn sàng chịu mất 50% chi phí nếu rút hồ sơ nhưng mất trắng hơn 10 triệu đồng thì quá vô lý. Nhà trường là môi trường giáo dục nên đề cao tính nhân văn, nếu trường nào kiểu tận thu không trả, thì cũng nên xem lại về tư duy giáo dục xem có nên cho con học ở đó không.

phí giữ chỗ
Nhiều phụ huynh tiếp tục nêu vấn đề các trường thu phí giữ chỗ rất cao và không trả lại dù Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã cấm.

Cũng vừa rút hồ sơ cho con tại một trường tư thục, chị Trần Thu Huyền chia sẻ: "Nhà mình cũng rút và đã biết việc không được hoàn phí ghi danh ngay từ đầu, nhưng vẫn buồn và tiếc vì khoản này với gia đình cũng không hề nhỏ, thực sự thì như năm trước nữa phí ghi danh là 3 - 5 triệu hợp lý hơn".

Bên cạnh những trường hợp than phiền vì mức phí giữ chỗ cao cũng có phụ huynh cho biết chấp nhận và thỏa thuận với nhà trường để đổi lấy sự yên tâm. Tuy nhiên, nếu trường nào đưa ra mức thu phí giữ chỗ cao thì phải có sự giải trình hợp lý, chẳng hạn không thể thu trước cả tiền đồng phục hay tiền học liệu và tiền các hoạt động ngoại khóa mà thực tế là học sinh đó không tham gia.

Một số trường tư cũng đã duy trì mức thu phí nếu học sinh rút hồ sơ ở mức khoảng 2 triệu đồng/1 học sinh, được nhiều gia đình cho là chấp nhận được. Tuy nhiên, cá biệt có những trường tư tại Hà Nội thu hơn 10 triệu đồng và không trả lại, nếu bị phát hiện sẽ nói rằng đó là thỏa thuận của hai bên, nhà trường không ép buộc.

Vì vậy, một phụ huynh đã nêu ý kiến trên diễn đàn rằng: "Đã bị thu các loại tiền thì phụ huynh nhận toàn bộ đồng phục và sách vở, học liệu về rồi bán lại cho người cần dùng, cũng là cách để giảm bớt chi phí, không việc gì phải bỏ qua để cho trường đó hưởng".

Có chăng với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn của nhiều gia đình hiện nay, các trường nên cân nhắc mức phí hợp lý để khỏi làm phụ huynh băn khoăn khi rút hồ sơ. 

phigiucho
Trong khi có những trường thu phí cao không trả lại thì có những trường được phụ huynh ghi nhận vì ứng xử tử tế.

Nhà trường và phụ huynh cần hài hòa về lợi ích

Trao đổi với Tạp chí Trẻ em Việt Nam về vấn đề này, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam nhận định, phí giữ chỗ được các cơ sở giáo dục (đặc biệt là trường tư thục) đưa ra để hạn chế thí sinh ảo, sẽ được khấu trừ vào các khoản đóng góp đầu năm khi học sinh nhập học. Các trường tư muốn đảm bảo kế hoạch tuyển sinh và vận hành bộ máy của trường nên đưa ra khoản chi phí để phụ huynh cân nhắc thật kỹ trước khi lựa chọn cho con theo học. 

tiến sĩ nguyễn tùng lâm
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam. Ảnh: NVCC

Nêu quan điểm về mức phí giữ chỗ cao, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, một số trường yêu cầu mức phí cao có thể dựa trên danh tiếng của nhà trường hoặc họ muốn tuyển những học sinh thực sự muốn học. Theo đó, các trường tư thục hoạt động theo cơ chế tự chủ, do đó mức phí giữ chỗ là quyền của nhà trường và không ai có thể cấm.

Trường không sai bởi việc đóng phí dựa trên thỏa thuận, tự nguyện giữa phụ huynh và nhà trường, hơn nữa khoản thu này mang tính chất như một khoản đặt cọc và sẽ trừ vào chi phí các năm. Trường hợp học sinh rút hồ sơ đều đã được thông báo trước là sẽ không được lấy lại khoản tiền đặt cọc. 

Tuy nhiên, nhà trường cần thông cảm với phụ huynh và hài hoà lợi ích, nên có mức thu vừa phải, phù hợp với tình hình kinh tế nói chung, đặc biệt là với gia đình có thu nhập thấp.

“Các trường được quyền đưa ra mức phí giữ chỗ, nhưng quyền đó không phải vô hạn”, TS. Nguyễn Tùng Lâm khẳng định.

Hiện nay, với mức phí quá cao được đưa ra, nhiều trường đang chỉ biết quyền lợi của mình mà làm khó phụ huynh, trong khi phụ huynh phải được quan tâm và đảm bảo quyền lợi.

Ngược lại, phụ huynh cũng nên đặt mình vào vị trí của các trường tư và chia sẻ cho trường bởi hàng năm, Sở GD&ĐT đều phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường THPT ngoài công lập. Các trường muốn đảm bảo công tác tuyển sinh đúng kế hoạch, tuyển đủ chỉ tiêu thì buộc phải đưa ra điều kiện cam kết hai bên để phụ huynh cân nhắc, có trách nhiệm với lựa chọn của mình.

Trước đây, phí ghi danh chưa có trong quy định thì giờ các cấp quản lý cần luật hóa để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, chẳng hạn đưa ra mức phí tối đa các trường được phép thu là bao nhiêu,.. TS. Nguyễn Tùng Lâm đề xuất, phí ghi danh cần được quy định rõ ràng về mức trần, tránh trường hợp “hét giá” vô tội vạ. Để tránh thí sinh ảo, các trường cũng có thể áp dụng phương án gọi dư học sinh trúng tuyển, phòng trường hợp phụ huynh rút hồ sơ.

truongeverest
Trường Everest (Hà Nội) với chất lượng giáo dục không có gì nổi bật nhưng cũng đòi phí ghi danh 10 triệu đồng/1 học sinh.
ngoisaohanoi
Trường Ngôi sao Hà Nội công bố mức phí đặt chỗ lên tới 12 triệu đồng/1 học sinh.

Như Trẻ em Việt Nam đã đưa, trước kỳ thi vào lớp 10 công lập năm nay, hàng loạt trường tư thục công bố mức phí ghi danh như Phenikaa (quận Nam Từ Liêm) 5 triệu đồng, trường Đa Trí Tuệ 6 triệu đồng, trường Lương Thế Vinh 15 triệu đồng, trường Lý Thái Tổ 11 triệu đồng, trường Newton (Bắc Từ Liêm) 12 triệu đồng, trường M.V.Lômônôxốp (Nam Từ Liêm) 6,7 triệu đồng, trường Ngôi Sao 12 triệu đồng, trường Everest 10 triệu đồng, trường Sentia (Nam Từ Liêm) 15 triệu đồng, trường Archimedes (Đông Anh) 23 triệu đồng.

Quý độc giả phản ánh về các vụ việc: Xâm hại trẻ em; Mất an toàn thực phẩm với trẻ em; Bạo lực học đường; Ép buộc học thêm; Gian lận thi cử; Tiêu cực trong thu chi tại các trường học gây ảnh hưởng tới quyền lợi của học sinh... có thể gửi tới địa chỉ: toasoantevn@gmail.com - Hotline: 0865.221168 - 0912.024.390

 

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận