11:19 01/07/2024

Năm thứ 4 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nạn dạy thêm học thêm vẫn tràn lan

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

TS. Lê Đông Phương: “Đến bây giờ đã là năm thứ 4 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nhưng vấn nạn học thêm, dạy thêm vẫn tràn lan, chứng tỏ rằng chưa đạt được kết quả kỳ vọng của cuộc đổi mới".

Gần 4 năm triển khai chương trình mới, bài toán nhân lực cho ngành giáo dục vẫn còn rất khó khăn. Đáng chú ý, năm học 2024-2025, các thầy, cô giáo và học sinh tiếp tục bước vào giai đoạn quan trọng của quá trình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Học sinh lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sẽ học sách giáo khoa mới, tuy vậy những khó khăn, thách thức đang ngày một lớn hơn. Nhiều môn học vẫn không tuyển được giáo viên phải bỏ trống và không thể xếp được tổ hợp hoặc các phân môn để học trò học tập theo chủ trương của chương trình mới. Điều này tiếp tục đặt ra những vấn đề cần phải giải quyết rốt ráo để đạt được những mục tiêu đổi mới khi trẻ tới trường.

Nhiều câu chuyện từ thực tế mà PV đã ghi nhận được trong 3 năm triển khai dạy và học theo chương trình và sách giáo khoa mới đã cho thấy vướng mắc lớn nhất là nội dung sách giáo khoa và giáo viên dạy môn học tích hợp, đặc biệt là việc tích hợp các môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý cấp THCS bởi hai nguyên nhân chính: Một là các giáo viên trước đây được đào tạo để dạy đơn môn; Hai là việc tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy tích hợp chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

doimoigiaoduc

Nhiều giáo viên gặp khó khăn 

Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, cô Lê Cẩm Vân - giáo viên trường THCS Ngọc Thuỵ, Long Biên, Hà Nội đánh giá, lần đổi mới này là “có tính đột phá” và “phù hợp thời đại” vì đã tiếp cận những mảng kiến thức thực tế, cần thiết trong cuộc sống hiện nay, thay vì nặng về lý thuyết hàn lâm khô cứng như chương trình giáo dục truyền thống. Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 còn cập nhật những mảng kiến thức hiện đại của thế giới, giúp giáo dục Việt Nam có tính hòa nhập với các nền giáo dục tiên tiến quốc tế. 

Việc dạy học trong nhà trường không phải cô giảng, trò ghi chép, mà học tập thông qua sự tổ chức các hoạt động giáo dục, chú trọng để học sinh gắn lý thuyết với thực hành, giúp các em dễ ghi nhớ và hiểu sâu hơn các nội dung kiến thức. Học sinh qua đó phát triển được các năng lực, phẩm chất, tự tin hơn và biết linh hoạt sử dụng các kiến thức học được vào xử lý các tình huống trong thực tiễn.

Tuy nhiên, cô Vân nhấn mạnh, khối lượng kiến thức tuy có phần tinh giản nhưng để đạt được mục tiêu, yêu cầu của tiết học thì học sinh cũng cần phải chủ động tìm hiểu, nghiên cứu từ nhiều nguồn trong quá trình học tập. Ngoài ra, tài liệu tham khảo để soạn kế hoạch bài dạy còn hạn chế nên giáo viên tốn nhiều thời gian trong khâu chuẩn bị trước khi lên lớp.

Cô Lê Thị Hồng Hạnh - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) nhận định, bên cạnh thuận lợi, giáo viên còn gặp những khó khăn và vướng mắc nhất là về đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra đánh giá.

"Trước khi triển khai chương trình mới, giáo viên đã được tập huấn rất kỹ lưỡng. Chúng tôi tổ chức các hoạt động để học sinh tự tìm hiểu, tự khám phá. Cách học này rất hay bởi khi gặp văn bản nào học sinh cũng có thể tự phân tích mà không cần hỏi ý kiến hay lệ thuộc vào thầy cô. Đây là điểm khác biệt với chương trình hiện hành", cô Hạnh phân tích.

Về khó khăn, theo cô Hạnh, vướng mắc nhất hiện nay với các thầy cô khi triển khai môn Ngữ văn bậc THPT theo Chương trình mới là việc kiểm tra, đánh giá, giáo viên luôn trong trạng thái "mò mẫm" để đi đúng hướng. 

Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới còn nhiều lúng túng, chất lượng dạy học không ổn định

Chia sẻ với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam về tổ chức chương trình GDPT 2018 và những điểm khác biệt so với chương trình cũ, TS. Lê Đông Phương - nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết, trong chương trình mới, các môn học Sinh, Hóa, Lý,... thay vì được học riêng như trước thì sẽ được tích hợp thành môn Khoa học tự nhiên.

ledongphuong
Theo TS. Lê Đông Phương, chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều đổi mới tích cực, tuy nhiên việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn (Ảnh: NVCC).

Theo TS. Lê Đông Phương, ý tưởng về xây dựng môn học tích hợp rất hay và trên thế giới có nhiều mô hình dạy tích hợp được đánh giá rất toàn diện. Tuy nhiên, khi triển khai tại Việt Nam, gần như ý tưởng chính của chương trình là dạy học tích hợp, dạy học cá nhân hóa theo năng lực dường như vẫn chưa phát huy được, có thể thấy nhiều giáo viên chưa được đào tạo bài bản để dạy tích hợp và khi triển khai còn nhiều vướng mắc. 

Có những nơi thiếu giáo viên và bố trí một giáo viên dạy cả 3 môn, một số nơi lại thực hiện theo phương pháp 3 giáo viên cùng dạy một môn, luân phiên từng phần. Điều này có thể dẫn đến những vấn đề như giáo viên này dạy chưa xong phần của mình trong tiết học nhưng đến tiết sau lại chuyển sang giáo viên khác với chương mới, kiến thức mới. 

“Có thể thấy cách triển khai hiện nay đang rất lúng túng, giáo viên thiếu kinh nghiệm dẫn đến chất lượng dạy học không ổn định và không có ai đảm bảo được rằng học sinh thực sự tiếp thu được đầy đủ nội dung của chương trình đã được thiết kế”, TS. Lê Đông Phương chỉ ra bất cập, đồng thời nêu thực tế: “Những bộ sách giáo khoa vẫn còn nhiều sai sót, những hạt sạn nhưng không được các tác giả lưu tâm. Và đến bây giờ đã là năm thứ 4 thực hiện chương trình GDPT mới nhưng thấy rõ vấn nạn học thêm, dạy thêm vẫn tràn lan, chứng tỏ rằng chưa đạt được kết quả kỳ vọng của cuộc đổi mới".

Cũng theo TS. Lê Đông Phương, những tồn tại nêu trên đặt ra thách thức với các nhà giáo dục trong việc tìm hiểu học sinh đạt được những mục tiêu nào đã đề ra, mà cụ thể là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải thể hiện được sự quyết liệt, tránh tình trạng hô hào chung chung, học sinh vẫn phải chịu đựng cảnh học thêm tràn lan dưới những hình thức khác nhau.

Để thay đổi phương pháp giảng dạy phù hợp với chương trình mới, giáo viên có kinh nghiệm lâu năm giáo viên sẽ không gặp nhiều khó khăn bởi việc thay đổi phương pháp không phải là vấn đề lớn mà vấn đề ở đây là hệ thống giám sát và quản lý thực hiện chương trình không thay đổi so với chương trình cũ, dẫn đến tuy là chương trình mới nhưng giáo viên vẫn phải lồng ghép các yếu tố của cả hai chương trình để đáp ứng được yêu cầu của nhà quản lý. 

Chưa kể đến những giáo viên ít kinh nghiệm thì việc tập huấn, dạy học theo chương trình mới thực sự không không mang lại được hiệu quả cho họ. Giáo viên được bồi dưỡng 9 mô-đun (đơn vị học tập được tích hợp giữa kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp)  nhưng các mô-đun lại được thực hiện trong ngày, trong giờ hành chính, tức là có thầy cô vừa dạy học vừa phải tham gia trực tuyến vào các lớp bồi dưỡng. 

Cuối cùng hiệu quả, chất lượng của tập huấn vô nghĩa, hay nói cách khác là giáo viên không thực sự cảm nhận và tiếp thu được những gì mà tác giả chương trình thiết kế. Đây cũng là một thách thức lớn đối với đội ngũ giáo viên không có kinh nghiệm trong việc giảng dạy hoặc những người không có khả năng thích ứng với chương trình mới.

Làm gì để đạt được mục tiêu?

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều đổi mới tích cực, tuy nhiên việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn, và đòi hỏi cần có sự chung tay góp sức của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường, giáo viên và học sinh để chương trình đạt được mục tiêu đề ra. Do đó, TS. Lê Đông Phương đã đưa ra một số những giải pháp quan trọng trong việc tổ chức thực hiện theo chương trình mới.

Thứ nhất, Bộ GD&ĐT cần phải tổng rà soát lại chương trình GDPT 2018 và sách giáo khoa còn những lỗi về kiến thức, lỗi trình bày nào và sau nhiều năm thực hiện còn bất cập gì, nguyên nhân xuất phát từ đâu rồi từ đó mới tìm những cách khắc phục phù hợp. Điều này cần thực hiện sớm, bởi sắp có một thế hệ mới bắt đầu học chương trình và thi hết lớp 9, lớp 12. Ngoài ra, cần tập huấn giáo viên bài bản, tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh thích nghi với chương trình mới. 

Thứ hai, giáo viên cần tự bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng, sáng tạo trong việc áp dụng phương pháp dạy học mới, nghiên cứu bài học kĩ trước khi lên lớp, đặc biệt là phải cập nhật kiến thức từ các nguồn khác nhau để thực hiện trọn vẹn một tiết trên lớp.

Quan trọng nhất, các nhà quản lý là phải thay đổi tư duy quản lý, có phương pháp quản lý, giám sát phù hợp, không nên kiểm tra thực hiện theo cách cũ mà nên để cho thầy vai trò chủ động trong việc thực hiện nội dung dạy học. 

Từ đó giáo viên có thể phát hiện và bồi dưỡng những điểm yếu của học sinh và học sinh cũng có thể tự khám phá ra được những môn học mình yêu thích, chứ không phải chạy theo hình thức tập trung cùng một motip với số đông. Bởi theo chương trình mới, mục đích chính là muốn tạo ra được cái gọi là cá biệt hóa, tức là học sinh sẽ được phát huy năng lực cá nhân của mình.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận