18:10 23/08/2023

Vì sao tỉnh Quảng Nam dừng chi 150 tỷ cho sữa học đường?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam An Nhiên

Do không có tiêu chuẩn cụ thể để đáp ứng quy định về đấu thầu, nên tỉnh Quảng Nam đã không có cơ sở để chi 150 tỷ đồng cho chương trình sữa học đường

Tỉnh Quảng Nam vừa ban hành thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn, tại cuộc họp ngày 21/8 để nghe Sở Giáo dục và Đào báo cáo các nội dung trình kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa X.

Theo nội dung thông báo kết luận, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết bãi bỏ Nghị quyết số 17/2022/NQHĐND ngày 20/7/2022 của HĐND tỉnh về Chương trình Sữa học đường đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc khu vực I, II, III trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, từ năm học 2022-2023 đến hết năm học 2025-2026.

shd
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Lý do đưa ra là, Thông tư số 31/2019/TT-BYT ngày 05/12/2019 của Bộ Y tế đã bị bãi bỏ và chưa có văn bản pháp lý cụ thể nào hướng dẫn về quy định chất lượng dinh dưỡng cho Sữa dùng để cung cấp cho Chương trình Sữa học đường và cũng không có tiêu chuẩn cụ thể để đáp ứng quy định về đấu thầu, việc thực hiện Nghị quyết số 17 không có cơ sở để tiếp tục triển khai.

Để tiếp tục triển khai chương trình Sữa học đường, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát lại địa bàn thụ hưởng, khẩn trương lấy ý kiến của Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở Tư pháp, các Sở, ngành và địa phương liên quan về dự thảo Đề án để trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết Hỗ trợ sữa tươi trong bữa ăn học đường cho trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc khu vực I, II, III trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, từ năm học 2023-2024 đến hết năm học 2025-2026.

Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế để thống nhất Phương án triển khai thực hiện Chương trình; đánh giá được ưu, khuyết điểm đối với việc đấu thầu tập trung tại Sở Giáo dục và Đào tạo hay đưa về cho từng địa phương thực hiện, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 23/8/2023.

Sở Y tế chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn sữa tươi để làm cơ sở cho công tác đấu thầu. Sở Tài chính khẩn trương thẩm tra, cho ý kiến để thực hiện đảm bảo quy định. Hướng dẫn cho các địa phương thực hiện đấu thầu, mua sắm nếu phân cấp về cho địa phương triển khai Chương trình.

Theo Nghị quyết số 17/2022/NQHĐND, Chương trình Sữa học đường tại tỉnh Quảng Nam được áp dụng đối với học sinh học tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm tăng thêm nguồn dinh dưỡng, góp phần cho sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh.

Theo đó, mỗi ngày học sinh vùng cao Quảng Nam được uống 1 hộp sữa 180 ml, uống 5 lần/tuần trong thời gian đủ 9 tháng/năm học. Thời gian thụ hưởng từ đầu năm học 2022-2023 đến hết năm học 2025-2026.

Ngân sách tỉnh đảm bảo 100% kinh phí, dự kiến đến hết năm học 2025-2026 khoảng 151 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong năm học 2022-2023, học sinh miền núi Quảng Nam không được uống sữa theo như nghị quyết ban hành.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận