10:21 19/08/2022

Xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng phức tạp

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Phạm Lan

Tại TP. HCM, số vụ việc xâm hại trẻ em có xu hướng giảm nhưng chưa bền vững, với tính chất ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nạn nhân có tuổi đời ngày càng nhỏ.

Tại hội thảo “Bảo vệ quyền trẻ em - thực trạng và giải pháp” diễn ra ngày 18/8 tại TP. HCM, TS. Nguyễn Minh Nhựt, Phó Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP. HCM cho biết, nếu như năm 2017 TP. HCM ghi nhận 47 vụ việc xâm hại trẻ em, thì năm 2021 còn 28 vụ. Số vụ việc có xu hướng giảm nhưng chưa bền vững, với tính chất ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nạn nhân có tuổi đời ngày càng nhỏ. Trong các hành vi xâm hại, chiếm tỷ lệ lớn nhất là xâm hại tình dục trẻ em, tiếp đến các các hình thức đánh đập, chửi bới.

xamhai
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Số liệu thống kê từ Sở LĐTB & XH TP.HCM cũng cho thấy, trong 5 năm qua (2017-2021), tình hình số trẻ em nữ bị xâm hại tình dục nhiều hơn số trẻ nam và có xu hướng tăng mạnh trong xã hội: Năm 2017, số trẻ em nữ( 15 em, 17,9%) bị xâm hại tình dục nhiều hơn số trẻ em nam (01 em, 1,1%); năm 2018, số trẻ em nữ tăng lên (28 em, 65%) hơn số trẻ em nam (0); năm 2018, số trẻ em nữ (15 em, 53,6%) hơn số trẻ em nam (01 em, 3,6%); năm 2020, số trẻ em nữ tiếp tục tăng lên (39 em, 73,6%) hơn số trẻ em nam (01 em, 1,9%); đến 2021, số trẻ em nữ (19 em, 57,6%) hơn trẻ em nam (01 em, 3%).

Tuy nhiên, ông Nhựt nhấn mạnh, thực tế cho thấy các số liệu thống kê này chưa hoàn toàn phản ánh thực tiễn xã hội do văn hóa yên lặng và khả năng nhận thức của trẻ về vấn đề xâm hại (trẻ sống ở khu vực nhà trọ, nông thôn, kể cả chung cư cao cấp, sống với cha dượng hoặc sống trong gia đình có các đặc điểm như: có bạo hành vợ chồng, ly hôn, thất nghiệp, lạm dụng bia rượu và các chất kích thích có nguy cơ bị xâm hại tình dục cao).

Tại Hội thảo, PGS. TS. Phan Thị Hồng Xuân, GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Nguồn nhân lực ASEAN (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐHQG TP.HCM) đã chỉ ra kết quả việc thực thi quyền trẻ em ở Việt Nam.

Theo kết quả cuộc điều tra do Bộ LĐTB&XH phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, so với các nước trong ASEAN, tỷ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam thấp hơn khoảng 2% so với tỷ lệ trung bình của khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Tuy nhiên vẫn còn có hơn 1 triệu trẻ là lao động trẻ em, trong đó có hơn một nửa số trẻ phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc độc hại nguy hiểm.

Từ đó, PGS. TS. Phan Thị Hồng Xuân đã đưa ra những nỗ lực của Việt Nam trong việc đưa các hoạt động bảo đảm quyền trẻ em trong khu vực đi vào thực chất và có chiều sâu. Đó là những chương trình hành động của Ủy ban Thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC) và sự tham gia tích cực của Việt Nam.

Ngày 28/10/2010, tuyên bố Hà Nội về tăng cường phúc lợi và phát triển cho phụ nữ đã được ACWC thông qua.

Năm 2020 là năm Việt Nam giữ vai trò chủ tịch ASEAN đồng thời cũng đảm nhiệm vai trò chủ tịch liên chính phủ về nhân quyền (AICHR).

Cũng trong năm 2020, Việt Nam tổ chức các cuộc họp quan trọng liên quan đến các quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật...

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận