Nghiên cứu lắp đặt camera giám sát tại các cơ sở giáo dục
Tại hội thảo “Bảo vệ quyền trẻ em - thực trạng và giải pháp” diễn ra ngày 18/8 tại TP. HCM, các đại biểu đề xuất TP. HCM cần nghiên cứu bắt buộc gắn camera để giám sát, bảo vệ trẻ em tại các cơ sở trường học.
Tại hội thảo, các đại biểu kiến nghị chính quyền địa phương cần đặc biệt quan tâm đến đối tượng là người nhập cư từ các tỉnh, thành khác, người dân lao động tại các khu nhà trọ, người dân tại các khu chung cư cao cấp, khu nhà phố biệt lập…
Đồng thời, tăng cường giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quyền trẻ em; đăng thông tin xấu, độc hại trên các nền tảng mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý và hành vi của trẻ em…
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP. HCM, chỉ ra trong 5 năm qua tình hình trẻ nữ bị xâm hại tình dục nhiều hơn số trẻ nam và có xu hướng tăng mạnh trong xã hội. Tội phạm xâm hại trẻ em có tính chất ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, độ tuổi trẻ em trong các vụ xâm hại có xu hướng ngày càng nhỏ... Tuy nhiên, con số này có thể chưa hoàn toàn phản ánh thực tế do văn hóa im lặng và khả năng nhận thức của trẻ về các vấn đề xâm hại.
Ông Nhựt kiến nghị, cần tham mưu chính sách để bố trí cán bộ làm công tác tư vấn tâm lý tại các trường học, nghiên cứu đề xuất Bộ GD&ĐT xây dựng chương trình giáo dục cho học sinh chuyên biệt nhằm thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Cũng như cần nghiên cứu bổ sung quy định bắt buộc lắp đặt camera giám sát tại các cơ sở giáo dục, các trung tâm và các cơ sở bảo trợ xã hội.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Phạm Đăng Khoa - Trưởng phòng GD&ĐT quận 3 – TP. HCM hoàn toàn nhất trí với việc đặt camera ở khuôn viên trường học để đảm bảo an toàn cho trẻ. “Tuy nhiên chúng tôi không tán thành việc gắn camera trong từng lớp học vì ảnh hưởng đến tâm lý của thầy cô khi đứng lớp”, ông Khoa nói.
Ông Khoa cũng đề cập đến vấn đề giáo viên tư vấn tâm lý tại các trường. Theo ông Khoa, giai đoạn hiện nay học sinh gặp nhiều áp lực trong cuộc sống, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, trẻ rất cần sự hỗ trợ về tâm lý để vượt qua sang chấn tâm lý.
Bà Nguyễn Thị Lệ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. HCM cho hay, thời gian qua, HĐND TP. HCM đã gặp gỡ, lắng nghe tiếng nói thiếu nhi và thực hiện nhiều cuộc khảo sát về công tác trẻ em ở nhiều địa phương, đơn vị.
Chủ tịch HĐND TP. HCM cho hay, qua khảo sát, nhận thấy tình trạng trẻ em lang thang, cơ nhỡ, trẻ em bị chăn dắt, sử dụng làm lao động trái luật vẫn còn tồn tại. Tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại vẫn xảy ra và đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp.
Với số lượng trẻ em lên tới gần 2 triệu, bà Lệ cho rằng, chăm sóc trẻ em tại TP. HCM chưa khi nào là việc dễ dàng. Muốn làm tốt công tác này đòi hỏi cơ chế phối hợp linh hoạt, hiệu quả giữa các bên liên quan, gồm cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ trẻ em, cơ sở trợ giúp xã hội đối với trẻ em, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
Bà Lệ cũng cho rằng, cần tăng cường vai trò của cấp cơ sở trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Muốn vậy, đội ngũ làm công tác này ở cơ sở cần được trang bị kỹ năng tốt, có chế độ, chính sách thỏa đáng để họ yên tâm làm việc.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông về bảo vệ trẻ em cũng phải được nâng cao hơn nữa bằng nhiều hình thức. Những trường hợp vi phạm quyền trẻ em, đăng tin xấu độc trên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý, hành vi của trẻ em cần được xử lý nghiêm bằng chế tài hành chính, hình sự.
Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu bổ sung quy định bắt buộc lắp đặt camera giám sát tại các cơ sở giáo dục, trung tâm và cơ sở bảo trợ xã hội để góp phần răn đe các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, tăng cường sự giám sát của gia đình, xã hội với công tác chăm sóc trẻ em. Đây cũng sẽ là nguồn chứng cứ để cơ quan công an điều tra, xử lý nếu có vụ việc bạo lực, xâm hại xảy ra.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất