"Yêu cho roi cho vọt" là quan niệm rất lạc hậu khi nuôi dạy trẻ
Thành ngữ “Yêu cho roi cho vọt” từng là kim chỉ nam trong quan niệm nuôi dạy con của nhiều thế hệ người Việt. Tuy nhiên, dưới lăng kính của tâm lý học hiện đại, Ths. Nguyễn Hương Giang nhấn mạnh, giáo dục bằng đòn roi không hiệu quả mà còn để lại nhiều hệ lụy tâm lý nặng nề cho trẻ.
Trong cuộc trò chuyện của Tạp chí Trẻ em Việt Nam cùng Ths. Nguyễn Hương Giang – chuyên gia tâm lý, nghiên cứu sinh chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, đã chỉ rõ quan niệm "yêu cho roi cho vọt" đã rất lỗi thời, thay vào đó cha mẹ cần xây dựng mối quan hệ yêu thương, tôn trọng và hiệu quả với con cái trong thời đại mới.
PV: Thưa chuyên gia, câu nói "Yêu cho roi cho vọt" đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ người Việt. Từ góc độ tâm lý học, chuyên gia đánh giá thế nào về quan điểm dạy con bằng đòn roi?
Ths. Nguyễn Hương Giang: Quan niệm “Yêu cho roi cho vọt” từ lâu đã ăn sâu vào nhận thức của nhiều thế hệ người Việt trong việc dạy dỗ con cái. Thế nhưng, khi đặt dưới góc nhìn của tâm lý học phát triển và lâm sàng, tôi có thể khẳng định rằng việc dùng đòn roi để giáo dục trẻ gần như không mang lại hiệu quả tích cực bền vững trong việc xây dựng kỷ luật nội tại hay hình thành nhân cách lành mạnh.Ngược lại, nó thường để lại những hệ lụy phức tạp.
Trên thực tế, đòn roi có thể khiến trẻ tạm thời chấm dứt hành vi sai do sợ hãi, nhưng sự tuân thủ ấy chỉ mang tính chất phản xạ, không xuất phát từ sự hiểu biết hoặc mong muốn thực sự thay đổi. Thay vì học cách chịu trách nhiệm cho hành vi của mình, trẻ dễ hình thành tâm lý lẩn tránh, che giấu lỗi lầm để né tránh hình phạt.
Về lâu dài, cách dạy con bằng đòn roi có thể làm tổn thương mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Mỗi lần đòn roi giáng xuống không chỉ là một vết đau thể xác, mà còn là một lát cắt vào sợi dây kết nối cảm xúc, niềm tin và sự an toàn – những yếu tố cốt lõi nuôi dưỡng sự phát triển toàn diện của trẻ. Khi cảm giác an toàn trong gia đình bị xói mòn, nền tảng đạo đức và khả năng tự điều chỉnh hành vi của trẻ cũng dễ bị chệch hướng, để lại những hậu quả tâm lý dai dẳng khó lường.

PV: Trong thực tế, chúng ta thường nghe kể nhiều câu chuyện về việc cha mẹ dùng đòn roi để "uốn nắn" con cái, nhưng kết quả lại không như mong muốn, thậm chí còn phản tác dụng. Chuyên gia có thể chia sẻ một vài trường hợp từng gặp trong tham vấn/tư vấn tâm lý – nơi cha mẹ dùng đòn roi để uốn nắn con nhưng không đạt hiệu quả?
Ths. Nguyễn Hương Giang: Trong suốt quá trình làm nghề, tôi đã không ít lần chứng kiến những câu chuyện đầy xót xa, khi các bậc cha mẹ - với tất cả tình yêu thương và mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con - lại vô tình sử dụng đòn roi như một phương pháp giáo dục. Nhưng thay vì mang lại sự tiến bộ hay ngoan ngoãn như kỳ vọng, hậu quả lại đi ngược lại hoàn toàn.
Tôi nhớ có những trường hợp, cha mẹ phạt con bằng hình thức thể chất với hi vọng rằng con sẽ nghiêm túc hơn trong học tập,sinh hoạt. Tuy nhiên, điều trẻ học được không phải là cách sửa sai, mà là cách che đậy, lén lút và nói dối để thoát khỏi hình phạt. Sự chân thật dần bị thay thế bằng tâm lý dè chừng, lo sợ, khiến đứa trẻ thu mình lại và đánh mất sự hồn nhiên vốn có. Bức tường ngăn cách giữa cha mẹ và con ngày một dày lên, giao tiếp cởi mở cũng dần biến mất trong sự im lặng và mất kết nối.
Ở những tình huống khác, việc thường xuyên sử dụng đòn roi lại trở thành nguyên nhân thổi bùng lên tâm lý chống đối và phản kháng ở trẻ. Khi cha mẹ thiếu cảm thông, trẻ cho rằng bản thân đang bị đối xử bất công và tổn thương. Từ đó, các em phản ứng bằng cách cố tình làm trái lời dạy, cư xử bướng bỉnh như một hình thức tự vệ và khẳng định cái tôi. Khi ấy, không gian gia đình không còn là nơi của sự thấu hiểu và yêu thương, mà giống như một chiến trường căng thẳng giữa hai bên: người áp đặt và người phản kháng.
Ngoài ra, tôi cũng gặp không ít trẻ em từng phải chịu đòn roi thường xuyên có dấu hiệu lo âu mãn tính, thiếu tự tin và rụt rè quá mức. Các em sợ thể hiện bản thân, sợ thử những điều mới và thường rơi vào trạng thái thu mình trong các mối quan hệ. Không chỉ quá trình học tập bị ảnh hưởng, mà kỹ năng xã hội - yếu tố quan trọng giúp trẻ phát triển toàn diện - cũng bị hạn chế nghiêm trọng.

PV: Nếu không dùng đòn roi, làm thế nào để cha mẹ vẫn có thể thiết lập kỷ luật, giúp con hiểu đúng – sai mà không làm tổn thương cảm xúc? Chuyên gia có thể chia sẻ những phương pháp kỷ luật tích cực, hoặc cách phản hồi hành vi sai của trẻ mà vẫn mang tính giáo dục và yêu thương?
Ths. Nguyễn Hương Giang: Để cha mẹ có thể thiết lập kỷ luật hiệu quả mà không làm tổn thương cảm xúc con trẻ hay phá vỡ sự gắn bó trong gia đình, điều quan trọng là phải chuyển từ hình thức kỷ luật áp đặt sang phương pháp kỷ luật tích cực – dựa trên nền tảng của sự tôn trọng, thấu hiểu và tình yêu thương vô điều kiện.
Trước hết, hãy bắt đầu bằng việc xây dựng một mối quan hệ gia đình tích cực và ấm áp. Mỗi ngày, cha mẹ nên dành riêng một khoảng thời gian ngắn – chỉ 10 đến 15 phút – để hoàn toàn hiện diện bên con. Đây là thời gian để trẻ được tự do chơi đùa, trò chuyện và dẫn dắt hoạt động mà không bị phán xét, không nhận lời khuyên hay bị dạy dỗ. Chính sự chú ý tích cực và cảm giác được yêu thương vô điều kiện ấy sẽ giúp trẻ cảm thấy an toàn, từ đó mở lòng hợp tác khi cần thiết lập quy tắc.
Thay vì ra lệnh, cha mẹ có thể cùng con xây dựng những “quy tắc gia đình” đơn giản, dễ hiểu và ý nghĩa. Việc trẻ được tham gia vào quá trình này khiến các em cảm thấy mình được tôn trọng và có trách nhiệm hơn trong việc tuân thủ. Sự kiên định và nhất quán của cha mẹ cũng là yếu tố cần thiết để các quy tắc phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, nuôi dưỡng hành vi tích cực bằng lời khen và sự ghi nhận cụ thể là một cách hiệu quả để khuyến khích trẻ. Những lời động viên như “Hôm nay con đã tự làm bài tập mà không cần nhắc, mẹ rất tự hào!” sẽ giúp trẻ cảm thấy được công nhận, từ đó có thêm động lực để tiếp tục cố gắng.
Khi trẻ có hành vi chưa phù hợp, thay vì quát mắng hay dùng hình phạt thể xác, cha mẹ có thể áp dụng hình thức “góc bình yên” hoặc “thời gian suy nghĩ” (time-in/time-out). Đây là không gian an toàn để trẻ được bình tĩnh lại và tự xem xét hành vi của mình, không phải nơi để trừng phạt. Với trẻ lớn hơn, có thể là một cuộc trò chuyện sâu sắc, giúp con nhận thức rõ hậu quả của hành vi và cách điều chỉnh.
Điều quan trọng trong giao tiếp với con là luôn tách biệt hành vi và con người. Thay vì phán xét như “Con thật hư!”, hãy nói rõ hành vi: “Mẹ thấy con chưa cất đồ chơi đúng chỗ, như vậy chưa đúng với thỏa thuận của chúng ta”. Cách phản hồi này giúp trẻ hiểu lỗi sai mà không làm tổn thương lòng tự trọng.
Hậu quả cũng cần được áp dụng một cách hợp lý và có tính giáo dục. Nếu con không dọn đồ chơi, có thể tạm thời thu lại đồ chơi ấy. Nếu làm bẩn sàn, hãy để trẻ cùng dọn dẹp. Những trải nghiệm thực tế này dạy trẻ về trách nhiệm và mối liên hệ giữa hành động – hệ quả.
Đồng thời, hãy biến những sai phạm thành cơ hội để dạy con kỹ năng giải quyết vấn đề. Cùng con nhìn lại nguyên nhân, tác động và cùng nhau tìm ra cách khắc phục là cách nuôi dưỡng tư duy phản biện và tinh thần chủ động sửa sai.
Trên hết, cha mẹ chính là tấm gương quan trọng nhất trong việc quản lý cảm xúc. Khi cha mẹ thể hiện sự bình tĩnh, kiên nhẫn ngay cả khi tức giận hay thất vọng, trẻ sẽ học được cách điều tiết cảm xúc của chính mình.
Nuôi dạy con không chỉ là hành trình lớn lên của trẻ, mà còn là hành trình trưởng thành của cha mẹ. Khi được trang bị những hiểu biết đúng đắn về kỷ luật tích cực, mỗi gia đình sẽ trở thành một nơi chốn an toàn, nơi trẻ được yêu thương, được tôn trọng và được phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần – để trở thành những con người mạnh mẽ, tự tin và hạnh phúc.
Trân trọng cảm ơn chia sẻ tâm huyết của Ths. Nguyễn Hương Giang!
(Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện).
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất