15:11 08/07/2025

Chấm dứt vòng lặp bạo lực gia đình: Bắt đầu từ sự thay đổi của cha mẹ

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Trong bối cảnh xã hội không ngừng đổi thay và hội nhập ngày càng sâu rộng, gia đình - tế bào căn bản của xã hội - đang đứng trước không ít thách thức. Một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay là bạo lực gia đình - hiện tượng diễn ra âm thầm nhưng để lại hệ lụy nặng nề cả về thể chất lẫn tinh thần, đe dọa tới sự phát triển bền vững của cộng đồng.

Đòn roi là di chứng lặng thầm trong tâm lý trẻ nhỏ

Dù biểu hiện công khai hay ẩn giấu, bạo lực gia đình vẫn là nguyên nhân hàng đầu phá vỡ cảm giác an toàn trong mỗi mái ấm. Không chỉ người mẹ, mà trẻ em cũng là nạn nhân chịu tổn thương sâu sắc trong những gia đình có bạo lực, dễ rơi vào trạng thái sang chấn tâm lý, trầm cảm hoặc rối loạn phát triển cảm xúc. Mỗi hành vi bạo lực – từ đòn roi, lời nói cay nghiệt đến sự đe dọa vô hình – đều có thể để lại những vết sẹo lâu dài trong tâm hồn, âm thầm hủy hoại sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình.

Câu chuyện của chị Lò Thị Sọn – một người mẹ sống tại huyện miền núi Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên – là minh chứng rõ ràng cho cái vòng luẩn quẩn ấy. Nhưng đồng thời, đó cũng là minh chứng cho khả năng thay đổi nếu có sự hỗ trợ và định hướng đúng đắn.

Ở tuổi 33, chị Sọn từng là một người mẹ nóng tính. Chị thừa nhận đã không ít lần dùng đòn roi để dạy con, bởi tin rằng “thương cho roi cho vọt” là cách nuôi dạy con đúng đắn – điều mà chính chị từng trải qua trong tuổi thơ. “Khi còn nhỏ, tôi cũng bị bố mẹ đánh đòn vì những chuyện nhỏ nhặt như quên nấu cơm hay làm việc chậm chạp”, chị kể.

Suốt thời gian chồng vắng nhà đi làm ăn xa, một mình cáng đáng việc nhà và nuôi dạy các con khiến chị thường xuyên rơi vào căng thẳng. Sự mệt mỏi, áp lực cơm áo khiến chị dễ nổi nóng và mất kiểm soát với con cái.

Con gái lớn của chị - bé Nhi, nay đã 14 tuổi - đã phải trải qua tuổi thơ đầy áp lực và sợ hãi. Em không chỉ thường xuyên bị mắng, mà còn nhiều lần hứng chịu những trận đòn roi mỗi khi mắc lỗi. Có những lần, vì quá lo sợ, Nhi đã phải bỏ chạy sang nhà bà ngoại, chỉ dám trở về khi đêm xuống - lúc em tin rằng mẹ đã nguôi giận.

Cánh cửa của sự thay đổi đã mở ra khi chị Lò Thị Sọn lần đầu tiên được tham gia lớp tập huấn dành cho cha mẹ tại địa phương – nơi khái niệm “Nuôi dạy không bạo lực” đến với chị như một điều hoàn toàn mới mẻ. Ban đầu, chị vẫn còn e dè và hoài nghi. Thế nhưng, qua từng buổi học, chị dần nhận ra: những hành vi tưởng chừng “bình thường” trong cách dạy con của mình – như quát mắng, đánh đòn – thực chất lại gây ra tổn thương sâu sắc và lâu dài cho đứa trẻ.

Trong khóa học, chị cùng hàng trăm người mẹ khác được tiếp cận với phương pháp “Thời gian tạm lắng” – một kỹ năng giúp cha mẹ học cách nhận diện cảm xúc tiêu cực, tạm dừng lại trước khi hành động trong cơn nóng giận. “Nếu ngày đó tôi biết bước ra ngoài vài phút để hít thở, có lẽ tôi đã không làm con đau lòng đến vậy”, chị nghẹn ngào chia sẻ.

kỷ luật tích cực
Giờ đây thay vì quát mắng, đánh đòn, chị Sọn luôn kiên nhẫn lắng nghe và làm bạn với các con, nhờ thế mà Nhi và em trai cảm thấy dễ mở lòng hơn để chia sẻ tâm tư, cảm xúc của mình với bố mẹ (Ảnh: World Vision).

Từ việc áp đặt và trừng phạt, chị bắt đầu học cách lắng nghe con gái mình - bé Nhi. Những cuộc trò chuyện giản dị sau bữa cơm tối, những câu hỏi quan tâm thay vì chỉ trích… đã dần mở ra một cầu nối cảm xúc mới giữa hai mẹ con. Chính sự thay đổi ở người mẹ đã thắp lên ánh sáng trong thế giới nội tâm của đứa trẻ. Nhi không còn sợ hãi né tránh mẹ mà chủ động chia sẻ chuyện trường lớp, cảm xúc cá nhân. Em dần tự tin hơn, tham gia hoạt động của trường, và thậm chí trở thành người truyền cảm hứng cho bạn bè – kêu gọi “Nói không với bạo lực học đường” và khuyến khích đối thoại thay vì xung đột.

Giờ đây, chị Sọn không chỉ là một người mẹ biết lắng nghe mà còn là người đồng hành của con. Hơn thế, chị còn là một “người gieo mầm” trong cộng đồng. Từ trải nghiệm của mình, chị tình nguyện đứng lớp chia sẻ với các gia đình khác trong thôn – kể lại hành trình đã từng sai, đã dám sửa, và đã phục hồi. Mong muốn lớn nhất của chị là: không một người cha, người mẹ nào phải chờ đến khi nhìn thấy ánh mắt sợ hãi của con mới giật mình thay đổi.

Cha mẹ hãy lắng nghe và thấu hiểu

Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, ThS. Nguyễn Hương Giang - chuyên gia tâm lý, nghiên cứu sinh chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên - khẳng định: Việc sử dụng đòn roi trong quá trình nuôi dạy con không chỉ là một phương pháp lỗi thời mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy nguy hiểm, gây tổn thương sâu sắc về tinh thần và để lại dấu ấn tiêu cực lâu dài trong cuộc đời trẻ nhỏ.

nguyễn hương giang
Chuyên gia tâm lý, Ths.Nguyễn Hương Giang cảnh báo, những hệ quả của đòn roi không dừng lại ở thời thơ ấu mà có thể kéo dài đến cả tuổi trưởng thành, gây ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng sống, đặc biệt là sức khỏe tinh thần (Ảnh: NVCC).

Theo chuyên gia, tác hại đầu tiên và rõ nét nhất của bạo lực gia đình chính là sự tổn thương về mặt cảm xúc và tâm lý. Trẻ em thường xuyên bị đánh đập dễ hình thành những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi triền miên, lo âu kéo dài, cảm giác bất lực và thiếu an toàn ngay trong chính tổ ấm của mình - nơi lẽ ra phải là không gian bình yên và bảo bọc. Những trạng thái tâm lý tiêu cực này có thể là khởi nguồn cho các vấn đề về sức khỏe tâm thần, trong đó có rối loạn lo âu hoặc trầm cảm khởi phát từ thời thơ ấu.

Thứ hai, việc áp dụng đòn roi trong dạy dỗ con cũng làm rạn nứt nghiêm trọng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Khi phải sống trong môi trường có bạo lực, trẻ dễ đánh mất niềm tin, không còn cảm thấy được yêu thương và chấp nhận vô điều kiện. Sự gắn kết tình cảm vốn dĩ thiêng liêng dần bị thay thế bởi cảm giác xa cách, lãnh đạm hoặc phản kháng âm ỉ. Điều này khiến trẻ trở nên thu mình, mất khả năng chia sẻ, và ngần ngại tìm đến cha mẹ khi gặp những khó khăn trong giai đoạn trưởng thành – đặc biệt là tuổi vị thành niên, thời điểm các em cần sự đồng hành nhất.

Thứ ba, đòn roi cản trở quá trình phát triển các năng lực tâm lý thiết yếu, đặc biệt là khả năng điều hòa cảm xúc và tự nhận thức. Những đứa trẻ từng là nạn nhân của bạo lực gia đình thường gặp khó khăn trong việc hiểu và gọi tên cảm xúc của chính mình. Các em có thể hoặc kìm nén cảm xúc đến mức dễ bùng nổ khi quá tải, hoặc trở nên thờ ơ, lãnh cảm với cả bản thân lẫn người khác. Đây là rào cản lớn khiến các em khó hòa nhập xã hội và xây dựng các mối quan hệ lành mạnh.

Thứ tư, phương pháp giáo dục bằng bạo lực khiến trẻ không thể phát triển được tính tự chủ, năng lực chịu trách nhiệm cá nhân và kỹ năng giải quyết vấn đề. Khi trẻ chỉ học cách hành xử để né tránh hình phạt, chúng không có cơ hội rèn luyện khả năng phân tích sai lầm, tìm giải pháp và khắc phục hậu quả một cách tự nguyện. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tư duy phản biện và khả năng ứng phó với các thử thách trong cuộc sống sau này.

Thậm chí, mối quan hệ gia đình có thể bị đổ vỡ, để lại những vết rạn không thể hàn gắn - một cái giá quá đắt cho một phương pháp nuôi dạy thiếu nhân văn và không còn phù hợp trong xã hội hiện đại.

Theo ThS. Nguyễn Hương Giang, trẻ em giống như “miếng bọt biển” – hấp thụ mọi hành vi, cảm xúc từ môi trường xung quanh, đặc biệt là từ người chăm sóc chính. Khi chứng kiến hoặc phải chịu bạo lực, trẻ sẽ dễ vô thức xem đó là “chuẩn mực” để xử lý xung đột. Hệ quả là trẻ có thể trở nên hung hăng, bắt nạt bạn bè yếu thế, hoặc hành xử chống đối. Tệ hơn, những hành vi bạo lực từng trải qua có thể bị “tái hiện” khi trẻ trưởng thành - trong các mối quan hệ xã hội, tình yêu, hôn nhân - tạo nên một vòng lặp bạo lực xuyên thế hệ.

Không dừng lại ở hành vi, bạo lực còn để lại những tổn thương sâu xa trong tâm lý. Những đứa trẻ sống trong môi trường căng thẳng, thiếu an toàn dễ rơi vào lo âu mãn tính, rối loạn trầm cảm, hay thậm chí rối loạn stress sau sang chấn (PTSD). Một số em trở nên quá nhạy cảm và dễ tổn thương, số khác thì “đóng băng” cảm xúc, trở nên lạnh lùng, khó kết nối. Những sang chấn ấy âm ỉ nhưng dai dẳng, có thể theo trẻ suốt đời.

Chính vì vậy, từ bỏ đòn roi không chỉ là lựa chọn đạo đức, mà là một quyết định mang tính khoa học và chiến lược – nhằm bảo vệ sức khỏe tâm thần, nhân cách và tương lai của con cái. Khi người lớn thay đổi, trẻ em sẽ có cơ hội được lớn lên trong an toàn, yêu thương và thấu hiểu – đúng như cách một đứa trẻ đáng được yêu thương.

(Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện)

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận