08:21 14/09/2022

Bà giáo già làm "mẹ đỡ đầu", thắp sáng niềm hy vọng cho 5 trẻ mồ côi

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lan Phạm

Đồng cảm với sự mất mát, thiếu hụt cả về vật chất và tinh thần của những đứa trẻ thiếu mẹ, hưởng ứng chương trình "Mẹ đỡ đầu", bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, huyện Lương Sơn (Hòa Bình), đã nhận nuôi 5 trẻ mồ côi.

ad4b8c29c06d40ae1b19c0cf048510a-1-166297623965451737960-93-0-891-1276-crop-166297628257619719508641-1663045294270931779505-0-128-718-1276-crop-16630453064281427468575
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh hướng dẫn các con đọc sách

Chương trình "Mẹ đỡ đầu" do Hội LHPN Việt Nam phát động là chương trình lan tỏa tính mang tính nhân văn trong cộng đồng. Trong đại dịch Covid-19, nhiều trẻ em trở thành những đứa trẻ mồ côi, không có nơi nương tựa. 

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Lương Sơn (Hòa Bình) có tổng số 275 trẻ mồ côi. Mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau: Em thì mất bố, em thì mất mẹ, có em mất cả bố lẫn mẹ, phải ở với ông, bà nội/ngoại. Cuộc sống của các em vô cùng khó khăn, thiếu sự chăm sóc, hỗ trợ của cha/mẹ, không có điểm tựa vững vàng trong cuộc sống, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần.

Hưởng ứng Chương trình "Mẹ đỡ đầu". Hội LHPN huyện Lương Sơn đã xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện và được đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia. Trong đó, điển hình là "Mẹ đỡ đầu" Nguyễn Thị Hồng Hạnh (sinh năm 1958), là cán bộ hưu trí tại Tiểu khu 6 (thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn).

Trước đây, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh là giáo viên, một cô giáo tận tâm với nghề "trồng người". Trong thời gian công tác, bà từng đảm nhận nhiều chức vụ: là một cán bộ Đoàn xuất sắc, một hiệu trưởng giỏi. Nghỉ hưu, được sự tín nhiệm của nhân dân địa phương, bà trở thành Chủ tịch Hội Khuyến học thị trấn Lương Sơn, là bí thư Chi bộ tiểu khu 6 và là ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN thị trấn Lương Sơn.

Là một người phụ nữ gặp nhiều bất hạnh, chồng qua đời khi các con còn rất nhỏ, một mình bà nuôi dạy các con trưởng thành. Vì vậy, bà rất đồng cảm với những mất mát, sự thiếu hụt cả về vật chất và tinh thần của những đứa trẻ thiếu cha, hoặc thiếu mẹ. Bà thường trăn trở về việc giúp các em được chăm lo về cả vật chất lẫn tinh thần, để các em được sống và học tập, cố gắng vượt qua hoàn cảnh để trưởng thành. 

z36736999611624d19e0c788b283ee6f4fcdae3b17d7cd-1-16629762395281377995108
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh hướng dẫn trẻ chăm sóc, dọn dẹp nhà cửa.

Ngay sau khi được tuyên truyền về chương trình "Mẹ đỡ đầu" do Hội LHPN huyện phát động, bà đã hưởng ứng nhiệt tình. Bà chủ động cùng Hội LHPN thị trấn Lương Sơn nhận hỗ trợ, chăm sóc nhiều trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Trong đó, có 5 cháu mồ côi mẹ trong một gia đình thuộc hộ nghèo Tiểu khu 4 (thị trấn Lương Sơn), gồm Ngô Ngọc Anh (SN 2008); Ngô Thị Ngọc Lan (SN 2011); Ngô Hồng Đào (SN 2014); Ngô Mạnh Cường (SN 2016), và cháu út Ngô Ngọc Phương (SN 2017). 

Thương các cháu mẹ mất sớm, bố là Ngô Quang Thủy không được tinh nhanh như người ta, không có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh, sinh hoạt hàng ngày còn thiếu thốn, chỗ ở chật chội, lụp sụp, duy chỉ có một chiếc giường, bà đã tích cực tìm kiếm, kết nối, kêu gọi các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm ủng hộ đồ dùng, nhu yếu phẩm thiết yếu hàng tháng để các con có cuộc sống đầy đủ hơn, ấm áp hơn.

Bên cạnh việc hỗ trợ các con về vật chất, bà thường xuyên đến nhà hỗ trợ, chăm sóc các con trong nếp sống, sinh hoạt hàng ngày. Nhà bà cách nhà các con khoảng 1km, cứ lúc rảnh là bà đến thăm, khi thì gói bánh, lúc túi quả tươi, chục trứng… Bà hướng dẫn các con cách chăm sóc bản thân, sắp xếp sách vở gọn gàng, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, nấu cơm giúp bố.

Bà cũng thường xuyên kiểm tra bài vở và dạy các con học. Thỉnh thoảng, bà lại kể chuyện cho các con nghe, qua đó khuyên dạy các con phải thật ngoan, chăm học, có nhiều thành tích tốt để báo cáo với người mẹ xấu số đã khuất. Bà thực sự là người "mẹ" thứ hai của các con: Tâm huyết và tận tụy.

Vậy nên, mỗi lần bà đến nhà, các con đang chơi hay làm gì cũng chạy ùa ra đón, xà vào lòng bà ấm áp như những đứa trẻ lâu ngày được gặp mẹ. Các con ngoan lắm, càng ngày càng tỏ ra yêu quý "mẹ" hơn. Như muốn cảm ơn "mẹ" đã đến bên các con, như muốn "mẹ" mãi bên cạnh quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ khuyên bảo mình, các con biết vâng lời, chăm học, chăm làm. Điều đó, càng làm bà vui hơn, cảm thấy mình cần có trách nhiệm với các con hơn. 

Hiện tại, bà đang cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn phối hợp với ngành chức năng, chính quyền địa phương tạo điều kiện để cho các con được vào học trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS và THPT huyện Lương Sơn. Bà sẽ tiếp tục kết nối các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân hỗ trợ mua xe đạp, quần áo, sách vở, đồ dùng học tập cho các con để các con tự tin, vững bước đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa.

Bà đã xuất hiện trong cuộc sống của các con, thắp sáng nhen nhóm cho các con niềm hy vọng về một ngày mai tươi đẹp. Các con không còn chới với, bơ vơ giữa cuộc đời này bởi đã có "mẹ". Ngôi nhà đơn sơ sẽ không còn vắng lạnh nữa vì đã có "Mẹ" sưởi ấm. 

Chia sẻ về câu chuyện này, bà Phạm Thị Hoài Thu, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Lương Sơn, cho biết, không chỉ tham gia là "Mẹ đỡ đầu" cho trẻ mồ côi. Nhiều năm qua, bà Hạnh luôn là một hội viên gương mẫu, một cán bộ Hội trách nhiệm. Ở cương vị công tác nào bà cũng là một chuyên gia, một cố vấn rất nhiệt tình, công tâm, mặc dù cuộc sống cá nhân của bà còn rất vất vả. Cán bộ hội viên phụ nữ yêu thương trân trọng gọi bà là "Bà Hạnh đa năng", bởi bà luôn đồng hành với mọi hoạt động của Hội Phụ nữ, như trồng hoa, nuôi lợn nhựa, nhảy dân vũ, làm tuyên truyền viên, quyên góp từ thiện, hòa giải viên, tham gia công tác quản lý tại tổ Tiết kiệm & Vay vốn, là chủ nhiệm của CLB nữ chủ kinh doanh… Nhiệm vụ nào bà cũng luôn hoàn thành, luôn đi đầu làm gương cho hội viên phụ nữ.

Theo Phụ nữ Việt Nam

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận