07:36 02/08/2022

Bạo hành trẻ em - nỗi hổ thẹn của toàn xã hội

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lan Phạm

Quá nhiều vụ bạo hành trẻ em đã xảy ra, trong đó nhiều vụ án cướp đi sinh mạng của những cháu bé vô tội. Người lớn trút những oán hận, uất ức của mình lên những đứa trẻ vô tội, họ có chịu bản án nào của pháp luật hay lương tâm, dư luận thì cũng không thể bù đắp được cho những đau đớn về thể xác lẫn tinh thần mà những đứa trẻ phải chịu đựng.

Thêm cháu bé bị bạo hành nghiêm trọng

Vụ án hành hạ trẻ em vừa được CAH Đồng Phú, tỉnh Bình Phước khởi tố người cha dượng và mẹ đẻ cháu bé 7 tuổi, với hành vi đánh đập tàn nhẫn, gây ra nhiều vết thương chằng chịt khắp cơ thể bé, may mà hàng xóm phát hiện rồi báo công an... thì nay lại xảy ra vụ cháu bé ở TP.Hà Nội bị đánh đập hành hạ đến mê man, hôn mê sâu.

Theo đó, CAP Láng Thượng, Q.Đống Đa, TP.Hà Nội nhận tin báo từ Bệnh viện Nhi Trung ương về trường hợp một cháu bé nhập viện trong tình trạng tím tái, hôn mê sâu li bì và sốt cao, nghi bị ngược đãi, hành hạ. Ngay lập tức, công an vào cuộc tìm hiểu, điều tra. Bước đầu công an xác định vào ngày 21-7-2022, mẹ cháu L.Q.Tr. (1 tuổi) là chị Lê Thị Lan H. (SN 1994, trú tại An Dũng, Đức Thọ, Hà Tĩnh) thuê Đoàn Diệu Linh (SN 1996, trú tại P.Chùa Thông, thị xã Sơn Tây, TP.Hà Nội) trông giữ cháu Tr. với giá 3.000.000 đồng/tháng, tại địa chỉ số 34A, ngõ 198 Xã Đàn, P.Phương Liên, Q.Đống Đa, TP.Hà Nội, để chị H. đi làm công nhân tại Bắc Giang.

3
Vợ chồng Vũ, Linh bị tạm giữ hình sự để điều tra

Theo lời khai ban đầu, trong quá trình trông giữ cháu Tr., do cháu bị sốt và quấy khóc nên Linh và Hoàng Thế Vũ (SN 1994, trú tại La Xuyên, Vạn Thắng, Ba Vì, chồng của Linh) đã dùng dây sạc điện thoại buộc chân, dùng que gỗ, búa nhựa đánh vào đầu, người, dùng chăn quấn vào người và dùng băng dính bịt miệng cháu Tr. Đến ngày 26-7-2022, thấy cháu Tr. mệt mỏi, khó thở, Vũ và Linh đưa cháu đến Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu.

Ngày 31-7, CAQ Đống Đa, TP.Hà Nội đã tạm giữ hình sự Linh và Vũ. Về cháu bé hiện đang chuyển nặng, nên đang được cấp cứu chữa trị. Dư luận chưa hết bàng hoàng ngay trước đó vụ bé gái 7 tuổi ở Bình Phước bị hành hạ tàn nhẫn, thì lại phát hiện vụ cháu Tr. tại Hà Nội nghi vấn bị người lớn dùng những "nhục hình" khủng khiếp với cháu bé mới 1 tuổi, thì quả là quá sốc!

Hãy bảo vệ các em...

Bạo hành là vụ việc vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể đối với trẻ em. Do đó cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để có sức răn đe cho toàn xã hội. Không khoan nhượng với bạo lực có nghĩa là những người hàng xóm khi chứng kiến bạo lực hoặc nghe tiếng kêu khóc của trẻ em sẽ ngay lập tức báo chính quyền và công an. Các nhân viên y tế và giáo viên khi nhận ra các dấu hiệu về bạo lực sẽ báo cáo ngay, có nghĩa là những giải pháp dựa vào cộng đồng cần được thực hiện.

Những vụ án đau lòng, mà chính người lớn hành hạ, đánh đập các cháu bé một cách tàn nhẫn, mất hết nhân tính con người, thì những bản án cao nhất của tòa án nên rất cần đủ sức răn đe, làm gương cho kẻ khác. Không những vậy, dư luận còn quan tâm đến công tác điều tra, xử lý cần nhanh chóng, xử đúng người, đúng tội và những gì người lớn, đoàn thể, cơ quan chức năng ra tay càng sớm càng tốt để "cứu các em" đã và đang lâm vào hoàn cảnh chỉ vì người lớn "hằn học" trút hận gì đó lên đầu những đứa trẻ vô tội.

Vụ án mới đây nhất tại Bình Phước, cho thấy sự nhanh chóng và quyết liệt vào cuộc của công an, UBND cùng các đoàn thể, tổ chức cùng cá nhân khác để giúp đỡ cháu bé. Ngày 27-7, người dân phát hiện trường hợp bé L.Y.D (7 tuổi) bị cha dượng và mẹ đẻ đánh đập tàn nhẫn, liền "cứu" cháu, báo công an. Chỉ sau một ngày, công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt giam người cha dượng côn đồ bạo lực. Như vậy, quy trình tiến hành tố tụng xét xử vụ án này cũng rất cần tiến hành nhanh chóng, xử lý tuyên án đúng người đúng tội nhằm đủ sức răn đe.

Cũng về vấn đề dư luận rất quan tâm này, là ngay sau đó vào ngày 29-7, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước - Trần Tuệ Hiền đã ký Công văn khẩn số 1980/UBND-KGVX về việc tăng cường phòng, chống xâm hại bạo lực trẻ em. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đề nghị UBND huyện Đồng Phú (nơi xảy ra vụ bạo hành cháu bé) thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ đối với cháu D., để hạn chế thấp nhất các di chứng thể chất, tâm lý, tạo điều kiện để em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cũng chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để răn đe đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi bạo lực xâm hại trẻ em. Đồng thời, báo cáo kết quả can thiệp, hỗ trợ về UBND tỉnh, Sở LĐ-TB-XH trước ngày 4-8-2022.

Cũng vụ án cháu bé tại Bình Phước bị đánh đập hành hạ tàn nhẫn, Công an tỉnh Bình Phước cũng đã có chỉ đạo khẩn trương điều tra xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi hành hạ, xâm hại trẻ em theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật về trẻ em. Đồng thời phải đảm bảo 100% tin báo, tố giác về tội phạm xâm hại trẻ em được tiếp nhận và giải quyết kịp thời, khách quan, xử lý nghiêm, tuyệt đối không để kéo dài, gây phức tạp về an ninh trật tự.

2
Chỉ sau một ngày bé D. được phát hiện bị đánh đập, công an đã khởi tố bắt giam cha dượng Trần Thanh Tú ở Bình Phước

Bên cạnh đó, ngành Tòa án và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Đồng thời xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc có liên quan đến hành vi hành hạ, xâm hại trẻ em theo quy định pháp luật để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung cho toàn xã hội.

Không khoan nhượng với bạo lực

Bạo hành trẻ em luôn là vấn nạn nhức nhối trong xã hội khi mà hậu quả do nó mang lại có thể khiến trẻ em tổn thương sâu sắc về cả thể xác cũng như tâm hồn. Hành vi bạo hành, đánh đập, cố ý gây thương tích đối với trẻ em sẽ bị xử lý như thế nào? Cha mẹ có quyền đánh con hay không?

1
Những vết đòn roi trên thân thể một bé gái (12 tuổi) ở Hà Nội bị mẹ đẻ và người tình hành hạ dã man

Theo đó, bạo hành trẻ em là tất cả những hành vi đối xử tệ bạc với trẻ em về cả thể chất lẫn tinh thần. Nó có thể là đánh đập, xâm hại tình dục, lợi dụng hay bỏ bê... dẫn đến những mối nguy hiểm tiềm năng hay hiện hữu đối với sức khỏe, nhân phẩm và sự phát triển của trẻ. Quy định tại Khoản 6 Điều 4 Luật Trẻ em 2016, bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.

Theo đó có thể hiểu bạo hành (bạo lực) trẻ em không chỉ là hành vi xâm hại sức khỏe mà còn về cả tinh thần của trẻ em. Người bạo hành trẻ em có thể là bất cứ người nào, kể cả người thân, gia đình. Nhiều người mắc sai lầm cho rằng việc đánh các em là hành vi dạy dỗ, xử phạt vì chúng đã phạm lỗi. Tuy nhiên dù ở mức độ nhẹ hay nặng thì hành vi này đều không được phép. Bên cạnh đó, những lời nói làm ảnh hưởng tới tinh thần của các em cũng là một trong các biểu hiện của bạo hành.

3-blte4
Hai bị cáo là cha đẻ và nhân tình đã hành hạ, đánh đập tàn nhẫn đến chết bé V.A (8 tuổi, tại TPHCM)

Nối tiếp những vụ trẻ em bị bạo hành nghiêm trọng, hàng loạt những vụ án đau lòng liên tục xảy ra, cho thấy chúng ta đang rất cần một hệ thống bảo vệ mạnh mẽ hơn và sự không khoan nhượng với bạo lực để bảo vệ trẻ em tốt hơn. Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã từng bày tỏ khi biết tin về vụ án bé gái 8 tuổi bị mẹ kế và cha đẻ hành hạ cho đến chết tại Q.Bình Thạnh, TPHCM (hiện vụ án đang điều tra bổ sung, chờ xét xử thời gian tới). UNICEF bày tỏ sự đau buồn và mối quan ngại sâu sắc về việc bé gái tử vong do bạo lực của người mà lẽ ra em có thể tin tưởng và có thể bảo vệ em. Đáng buồn là phần lớn các vụ xâm hại trẻ em đều do những người mà các em quen biết và tin tưởng gây ra. Các vụ việc thường chìm trong im lặng và đơn độc. Các vụ xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng... báo hiệu nhu cầu cấp bách cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn.

UNICEF cho rằng, Việt Nam cần có một hệ thống bảo vệ mạnh mẽ hơn cho trẻ em, một hệ thống với các nhân viên công tác xã hội được đào tạo, không phải các tình nguyện viên hay các cán bộ phúc lợi không được đào tạo, mà cần có các nhân viên chuyên nghiệp có trình độ, những người có thể xác định, can thiệp, đáp ứng với nhu cầu và bảo vệ trẻ em. Trên cơ sở vì lợi ích tốt nhất của trẻ, cần có một hệ thống với lực lượng được đào tạo, cần có thái độ không khoan nhượng đối với bạo lực của tất cả các nhà chức trách, trong tất cả các trường học, trên toàn cộng đồng.

Theo congan.com.vn

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận