Bảo vệ trẻ em trước các sản phẩm thuốc lá mới
Dưới vỏ bọc hoàn hảo như món đồ chơi, đồ ăn hay vật dụng hàng ngày như hộp sữa, thỏi son, chiếc bút, hay thú lego…, các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang ngày càng trở nên hấp dẫn với giới trẻ, kéo theo đó là hàng loạt hệ lụy về sức khỏe, tâm lý, xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới thế hệ trẻ.
Xu hướng gia tăng
Trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, các sản phẩm thuốc lá mới bao gồm thuốc lá điện tử (TLĐT) và thuốc lá nung nóng đang có xu hướng gia tăng sử dụng, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Những sản phẩm mới này được thiết kế để thu hút giới trẻ thông qua hương vị lôi cuốn, thiết kế sản phẩm hấp dẫn, thời trang, theo xu hướng công nghệ, quảng bá trên mạng xã hội của giới trẻ và giữ khách hàng bằng các sản phẩm có hàm lượng nicotine cao, tạo nên yếu tố gây nghiện.
Nghiên cứu cho thấy TLĐT cung cấp đến 16.000 hương vị khác nhau, với nhiều mùi hương khác nhau như thuốc lá, bạc hà, trái cây, món tráng miệng, rượu, bánh kẹo, cà phê, và đồ uống ngọt,... Điều này đặt ra một thách thức lớn về việc kiểm soát chất lượng và an toàn của những sản phẩm này, đặc biệt khi người tiêu dùng có thể lựa chọn tự do hương vị và kết hợp chúng theo ý thích cá nhân.
Nguy cơ sử dụng TLĐT và thuốc lá nung nóng ngày càng cao trong giới trẻ được kích thích bởi hoạt động tiếp thị trên mạng xã hội và sức ảnh hưởng của những người nổi tiếng trên các nền tảng như TikTok, Instagram và Facebook. Nghiên cứu cho thấy, việc tiếp xúc với thông tin về TLĐT trên các nền tảng truyền thông xã hội có thể dẫn đến ý định sử dụng nhiều hơn và thái độ tích cực hơn đối với TLĐT ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Theo các cuộc điều tra gần đây về tình hình sử dụng thuốc lá trong đối tượng thanh thiếu niên ở Việt Nam, tỷ lệ hút TLĐT trong học sinh 13-17 tuổi là 2,6% vào năm 2019 và tăng lên 3,5% trong nhóm 13-15 tuổi vào năm 2022. Điều đáng chú ý là tại các thành phố lớn, nơi khả năng chi trả cao hơn và TLĐT dễ tiếp cận hơn, tỷ lệ sử dụng TLĐT trong học sinh hiện rất đáng quan ngại. Theo Nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành năm 2020, tỷ lệ hiện đang sử dụng TLĐT ở học sinh lớp 8-12 là 8,35% (nữ là 4,8%, nam là 12,39%), ở học sinh lớp 10-12 là 12,6%.
Nhiều lo ngại
Cả TLĐT và thuốc lá nung nóng đều đang tạo ra nhiều lo ngại về ảnh hưởng đến sức khỏe. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lên tiếng, khẳng định rằng: "Tất cả các loại thuốc lá đều độc hại, bao gồm cả TLĐT và thuốc lá nung nóng" và “không có bằng chứng nào chứng minh rằng TLĐT, thuốc lá nung nóng ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá thông thường”.
Các sản phẩm thuốc lá mới đều có chứa nicotine, một chất gây nghiện cao và gây hại đến sức khỏe. Sử dụng nicotine đặc biệt gây hại cho não bộ của trẻ em và thanh thiếu niên, khiến cho quá trình phát triển não bộ bị suy giảm và tạo ra nhiều vấn đề ngắn hạn lâu dài nghiêm trọng. Các tác động bao gồm nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập, và rối loạn tâm thần. Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh tăng nguy cơ nghiện nicotine ở nhóm tuổi này và ảnh hưởng đến sức khỏe ngay từ sớm và mức độ nghiêm trọng hơn trong tương lai.
Ngoài ra, sử dụng TLĐT và thuốc lá nung nóng cũng đã được chứng minh gây ra nhiều bệnh cấp và mãn tính nguy hiểm như ung thư, bệnh tim mạch và bệnh hô hấp. Nghiêm trọng hơn thuốc lá thông thường, TLĐT còn gây ra các trường hợp tổn thương cấp tính dẫn tới tử vong do hội chứng tổn thương phổi cấp (EVALI). Theo số liệu của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC), ghi nhận trong vài năm trở lại đây, tính đến ngày 18/02/2020, chỉ riêng ở Mỹ đã có 68 ca tử vong và 2.807 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp phải nhập viện do sử dụng TLĐT.
Báo động tình trạng TLĐT chứa ma túy
TLĐT kể cả một số loại thuốc lá nung nóng mới phát sinh, có sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn, người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện.
Theo báo cáo của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trong khoảng 5 năm qua, Trung tâm đã bắt đầu tiếp nhận các bệnh nhân đến viện cấp cứu sau khi sử dụng TLĐT, với số bệnh nhân nhập viện có xu hướng ngày càng tăng. Chỉ tính riêng tháng 01/2022 đến tháng 10/2023, đã có 120 bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc TLĐT, lứa tuổi hầu hết là người trẻ dưới 30 tuổi và có nhiều bệnh nhân lứa tuổi học sinh. Biểu hiện ngộ độc ở các bệnh nhân có bản chất là ngộ độc các chất ma túy, thường rất nặng ngay sau khi sử dụng thuốc lá, từ hoang tưởng ảo giác, kích thích vật vã, đến hôn mê, co giật, tổn thương và suy đa cơ quan, cận kề tử vong, phải điều trị hồi sức tích cực.
Cấm triệt để TLĐT để bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên
Trước những thách thức đó, Bộ Y tế và WHO tại Việt Nam đã khuyến nghị Chính Phủ và Quốc hội cần sớm ban hành Nghị quyết cấm các sản phẩm TLĐT, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác để bảo vệ thế hệ trẻ, giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong và các hệ lụy do việc sử dụng các sản phảm thuốc lá mới gây ra. Ngoài ra, cần thực hiện mạnh mẽ các biện pháp xử lý vi phạm quảng cáo, tiếp thị và buôn bán trái phép các sản phẩm này. Đây không chỉ là vấn đề cấp bách, mà còn đòi hỏi sự hành động nhanh chóng hiệu quả từ phía Chính phủ và Quốc hội.
WHO cũng đã đưa ra khuyến cáo về việc bảo vệ giới trẻ khỏi ảnh hưởng của việc quảng cáo và sử dụng các sản phẩm thuốc lá, kêu gọi các quốc gia thực hiện các biện pháp kịp thời để giúp thế hệ trẻ không bị lừa dối, lôi kéo bởi chiến lược của ngành công nghiệp thuốc lá. Bảo vệ giới trẻ trở thành ưu tiên hàng đầu, nhằm xây dựng một thế hệ trẻ khỏe mạnh và giảm thiểu tác động tiêu cực của thuốc lá đối với xã hội.
Một quan điểm chính trị quan trọng cũng đã được thể hiện qua Chỉ thị số 28-CT/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 25/12/2023, trong đó đề xuất tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục, và bảo vệ trẻ em. Nội dung của chỉ thị nhấn mạnh việc bảo vệ trẻ em khỏi thông tin có hại trên không gian mạng xã hội và những vấn đề ảnh hưởng đến phát triển toàn diện, phải đảm bảo trẻ em phải là trung tâm của chính sách chiến lược phát triển.
Trong bối cảnh dịch bệnh do thuốc lá cướp đi sinh mạng hàng năm, và dự báo về số lượng tử vong do sử dụng thuốc lá vẫn đang tăng lên, việc thực hiện những biện pháp kiểm soát mạnh mẽ này trở nên càng trở nên cấp thiết. Nếu không có những hành động cụ thể, hiệu quả, Việt Nam có thể đối mặt với một tương lai - nơi mà số lượng người tử vong do thuốc lá và sản phẩm thuốc lá mới sẽ ngày càng tăng cao.
ThS.BS. Nguyễn Thị An, ThS.Nguyễn Hạnh Nguyên
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất