11:54 15/11/2023

Thuốc lá điện tử 'tấn công' học sinh: Phụ huynh đề xuất cấm hoàn toàn

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Việt Cường

Trước mức độ phổ biến ngày một tăng của thuốc lá điện tử, nhiều phụ huynh lo ngại điều tương tự sẽ xảy ra như với thuốc lá truyền thống, trẻ dưới 18 tuổi dễ dàng mua và sử dụng bất chấp quy định giới hạn độ tuổi. Vì vậy, chính sách cấm là cách hiệu quả nhất để bảo vệ con trẻ khỏi trào lưu độc hại mới nổi này.

Theo Điều tra sức khỏe học đường toàn cầu (GSHS) 2019, tại Việt Nam, tỷ lệ học sinh từ 13-17 tuổi bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử (TLĐT) đã ở mức 2,57%. Cùng với đó, Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế năm 2020 chỉ ra rằng tỷ lệ sử dụng TLĐT đặc biệt cao tại các thành phố lớn, riêng tại Hà Nội, tỷ lệ sử dụng TLĐT ở học sinh lớp 8-12 là 8,35% (nam là 12,39%, nữ là 4,8%).

Đã có nhiều minh chứng cho thấy tác hại của TLĐT đối với sự phát triển của học sinh. Đầu tháng 4 năm nay, 4 học sinh của trường THPT Hà Đông (Hà Nội) phải nhập viện cấp cứu vì liên quan đến thuốc lá điện tử (TLĐT). Cuối tháng 9/2022, một nữ sinh 14 tuổi ở Lạng Sơn suýt mất mạng sau khi thử hút TLĐT của bạn học. Tháng 7/2022, một nữ sinh viên 20 tuổi ở Hà Nội rơi vào hôn mê sâu, tổn thương não, tổn thương gan... cũng do loại thuốc lá thế hệ mới này.

thuoc-la-dien-tu
Nhiều nghiên cứu chứng minh, TLĐT gây hại cho phổi, tim, huyết áp, khiến người sử dụng có những khó khăn về sức khỏe tinh thần (Ảnh: medlatec.vn)

Đề xuất cấm hoàn toàn TLĐT

Khác với TLĐT, thuốc lá truyền thống (TLTT) đã được Nhà nước quản lý cho bán trên thị trường. Theo đó, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định cấm bán thuốc lá phía ngoài cổng nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học trong phạm vi 100m tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở đó và cấm quảng cáo thuốc lá dưới mọi hình thức, cấm bán cho trẻ dưới 18 tuổi.

Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu về các vi phạm trong hoạt động bán, quảng cáo và khuyến mại thuốc lá xung quanh trường học (được thực hiện tại 210 trường học ở các quận trung tâm ở Hà Nội và TPHCM) của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển, trong phạm vi bán kính 100m xung quanh trường học, các điểm bán thuốc lá xuất hiện dày đặc. Có tổng cộng 2.670 điểm bán thuốc lá trong phạm vi bán kính 100m được phát hiện xung quanh các trường học được nghiên cứu. Trung bình có 12,7 điểm bán lẻ thuốc lá xung quanh mỗi trường. Trong đó, các điểm bán thuốc lá phổ biến nhất là ven đường, cửa hàng tạp hóa và quán cà phê.

Bất chấp luật cấm, trẻ dưới 18 tuổi vẫn có thể mua và dùng các sản phẩm thuốc lá truyền thống. Nhiều phụ huynh e ngại điều tương tự sẽ xảy ra với thuốc lá điện tử và đề nghị Nhà nước cần đưa ra quy định cấm hoàn toàn các sản phẩm này.

tldt
Một cửa hàng bán TLĐT trên phố Phùng Hưng có thiết kế hiện đại, chạy chương trình khuyến mãi hấp dẫn thu hút khách hàng (Ảnh: PV)

Chị Phạm Phương Thảo (quận Long Biên, Hà Nội, có hai con học lớp 10 và lớp 7) bày tỏ sự lo lắng khi TLĐT ngày càng phổ biến trong giới trẻ, hình dạng được ngụy trang khéo léo để qua mắt người lớn, học sinh có thể mua “dễ như ăn kẹo”. Chị nhấn mạnh: “Hiện nay, khi chưa công nhận TLĐT thì các cửa hàng bán sản phẩm này đã có mặt ở khắp nơi, kể cả các con phố chính hay cạnh trường học. Cửa hàng được thiết kế hiện đại trông như cửa hàng công nghệ hoặc quán cà phê để lôi kéo các con. Nếu TLĐT, thuốc lá mới được cho phép lưu hành như TLTT các cửa hàng bán TLĐT sẽ mọc lên như nấm, làm thế nào để kiểm soát trẻ em sẽ tránh xa các sản phẩm này?”

“Tôi đề nghị Chính phủ cần đưa ra chính sách cấm hoàn toàn TLĐT để bảo vệ các con. Mong rằng thuốc lá mới sớm bị loại bỏ khỏi môi trường học đường để các con yên tâm học tập”, chị nói.

Trang bị kiến thức về tác hại TLĐT cho giới trẻ

Ngay từ khi học cấp 2, Nguyễn Lan Phương - học sinh lớp 10 trường THPT Kim Liên - từng không ít lần bắt gặp các bạn đồng trang lứa ở trường hút TLĐT. Theo em, đó là hành động thể hiện sự đua đòi, muốn chứng tỏ mình “ngầu”, ăn chơi.

Biết được tác hại của TLĐT, khi bắt gặp bạn bè sử dụng, Phương chọn cách khuyên can. Tuy nhiên, nếu vượt tầm kiểm soát, em sẽ báo người lớn để được giúp đỡ.

“Em nghĩ rằng, mỗi bạn học sinh nên trang bị cho mình kiến thức để tự bảo vệ bản thân khỏi những trào lưu xấu như hút TLĐT. Khi có đủ nhận thức và tâm lý vững vàng, không ai có thể lôi kéo mình được”, nữ sinh nói.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng cần quan tâm sát sao và đồng hành cùng trẻ. “Tôi nghĩ ngoài ban hành luật cấm, nhà trường, gia đình đồng hành cùng học sinh, con em mình cũng là điều quan trọng. Cha mẹ cần nắm bắt tâm sinh lý của con, thường xuyên quan tâm, trò chuyện với con để sớm phát hiện khi thấy con có biểu hiện lạ do sử dụng TLĐT”, chị Nguyễn Thị Hương - giáo viên trường THPT Kim Liên (Hà Nội) - chia sẻ.

​Theo Dân sinh

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận