06:39 03/08/2024

Bí kíp cảm hóa học sinh cá tính mạnh

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Với phương châm "mỗi đứa trẻ đều là một cá thể độc đáo", nhà giáo Nguyễn Thị Thanh Nguyệt đã áp dụng những phương pháp giáo dục sáng tạo, giúp học sinh "cá tính" hòa nhập và phát huy năng lực bản thân.

Đối với nhiều giáo viên, học sinh có cá tính mạnh thường mang đến những thách thức trong việc quản lý và giáo dục. Tuy nhiên, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nguyệt - Giáo viên chủ nhiệm Khối THCS, Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm lại cho rằng đây là cơ hội để giáo viên khai thác tiềm năng và giúp các em phát triển toàn diện.

Học sinh được tự do xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong lớp học 

16 năm gắn bó với Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nguyệt đã trải qua vô số kỷ niệm đẹp trong công tác giáo dục. Tuy nhiên, hành trình rèn luyện học sinh lớp 6SN1 đã mang lại nhiều dấu ấn đặc biệt nhất với cô bởi đây là năm đầu các em từ cấp tiểu học chuyển lên.

Trước khi bước vào năm học mới, cô Nguyệt tìm hiểu thông tin về các em qua cô chủ nhiệm lớp 5 và khá lo lắng vì mỗi em một vẻ. Em thì sức khỏe yếu nên thường xuyên nghỉ học, em thì học chậm, học kém Tiếng Anh nhưng lại đăng ký lớp song ngữ, nề nếp lớp thì lộn xộn, bát nháo. 

Có em cả lớp đang học, đứng phắt dậy đi ra cửa lớp, cô hỏi mới trả lời là đi vệ sinh, học sinh tự do đi vứt rác, đi uống nước là chuyện bình thường. Lớp học của cô Nguyệt gặp vô vàn khó khăn, học sinh dễ nổi nóng, hổng kiến thức, lười học, không ghi chép bài,.. Việc trực nhật lớp cũng không vào khuôn khổ bởi đa số các em được chiều chuộng, không phải dọn dẹp nhà cửa bao giờ, cầm cái chổi cũng lóng ngóng.

Điển hình là 1 cậu học sinh tên T. - một học sinh được bao bọc từ nhỏ. Bố mẹ em ly hôn, chỉ có bà nội nuôi và chăm lo cho em, sợ em thiếu thốn, vất vả nên bà nội không cho em đi học hè. Do đó khi vào chương trình học, em đánh mất sự tự lập và kỹ năng sống còn hạn chế, đã là học sinh lớp 6 nhưng bà vẫn phải làm cho em quyển sổ tay ghi các thông tin như địa chỉ nhà, số điện thoại người thân vì đã có lần em bị lạc đường mà không biết liên hệ với ai. 

Thời gian đầu, ngày nào bà nội của T. cũng gọi điện thoại cho cô để hỏi tình hình học tập của con. Sợ bà lo lắng, cô Nguyệt chỉ bảo: "Cháu T. ngoan ngoãn, nhưng mà trong học tập con hay lơ đễnh, hay quên bài và thiếu đồ dùng học tập. Cháu sẽ cố gắng giúp đỡ T. để con tiến bộ hơn trong học tập."

Trao đổi với bà, cô Nguyệt mới biết, T. có gia sư riêng kèm em cả tuần học, hôm nào đi học thì gia sư đến giúp em làm bài tập về nhà, vô tình điều đó tạo cho em sự ỷ lại, lười suy nghĩ. Việc học tập của T. ở trên lớp gặp nhiều khó khăn do em luôn thiếu tập trung, không ghi chép bài, quên sách vở,.. 

Biết được hoàn cảnh của T., khi đến lớp cô Nguyệt đã chủ động hỏi han em: "T. ơi, dạo này con có gặp khó khăn gì trong học tập không? Cô có thể giúp gì cho con được không?".

T. lí nhí trả lời: "Dạ thưa cô, con... con hay mất tập trung trong học tập ạ".

"Vậy à? Cô có thể giúp con một số cách để tập trung hơn trong học tập. Con có muốn thử không?"

"Dạ, con muốn ạ."

Sau đó, mỗi ngày cô Nguyệt hướng dẫn T. cách soạn sách vở, nhắc nhở em sắp xếp đồ dùng gọn gàng, đồng thời nhờ bạn học khá kèm cặp T. trong việc học tập. Mỗi đợt kiểm tra, cô dành thời gian ôn bài cùng T. sau giờ học. Nhờ sự quan tâm và hỗ trợ của giáo viên chủ nhiệm, T. dần trở nên tự giác và chủ động hơn trong học tập, kết quả học tập của em có nhiều tiến bộ.

Ngoài ra, cô Nguyệt chủ động giao cho T. những việc làm trong lớp để rèn luyện tính trách nhiệm và tinh thần tập thể như trực nhật, lau bảng,.. Ban đầu, T. cần sự hỗ trợ của bạn bè, nhưng sau đó em đã có thể một mình hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. T. đã có nhiều thay đổi tích cực. Em không còn ỷ lại, đã biết tự giác học tập và hoàn thành trách nhiệm của bản thân.

Bà nội em rất vui mừng và xúc động khi chứng kiến T. dần trưởng thành. “Nhờ có cô mà T. đã tiến bộ rất nhiều cả về học tập và rèn luyện đạo đức. Cô không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn dạy con cách sống, cách làm người. Tôi biết ơn cô giáo lắm”, bà nội T. nói.

z5626799756861_d0a059e0b89d0d4617450f8749256c89
Theo cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nguyệt, học sinh "cá tính" có thể mang đến sự đa dạng và phong phú cho môi trường học tập, tuy nhiên do cách thể hiện bản thân đôi khi tiêu cực, dễ dẫn đến những hành vi nổi loạn, việc quản lý lớp học và giáo dục những em này đòi hỏi sự nhẫn nại, kiên trì và sự linh hoạt từ phía giáo viên (Ảnh: NVCC).

Với những học sinh khác, cô áp dụng phương pháp tương tự. Thay vì áp đặt kỷ luật cứng nhắc, cô chọn cách kiên nhẫn lắng nghe tâm tư của từng em qua những giờ học, qua mối quan hệ bạn bè. Nhờ vậy, cô Nguyệt dần khám phá ra nguyên nhân đằng sau những hành vi mạnh mẽ, nghịch ngợm của học sinh. Đằng sau sự nổi nóng với bố mẹ, bất cần coi như mình bỏ đi là nỗi tự ti khi bị so sánh với anh chị em trong gia đình, phía sau hành động vòi vĩnh của con là sự nuông chiều của bố mẹ dù biết rằng việc con làm chưa đúng, hay mong muốn được chú ý là lý do khiến các em có những hành vi trêu chọc bạn bè quá đáng.

Hiểu được nguyên nhân, cô Nguyệt tạo cơ hội cho học sinh tự thể hiện bản thân, cùng nhau xây dựng nội quy lớp học và thực hiện kỷ luật tự thân. Nhờ sự thấu hiểu và khuyến khích, học sinh dần thay đổi tích cực. Các em hợp tác hơn, tiến bộ trong học tập và biết cách quản lý cảm xúc bản thân.

“Với những học sinh này, nếu không khéo léo trong giáo dục thì giáo viên sẽ gặp khó khăn, khó nhận được sự hợp tác của học sinh. Do đó, tôi đã cảm hóa những học sinh “khác biệt” này bằng sự yêu thương, đồng cảm, thấu hiểu và tôn trọng”, cô Nguyệt chia sẻ.

z5626815085685_733a7cd0fb
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nguyệt và học trò (Ảnh: NVCC)

Giáo viên cần khen ngợi đúng lúc và đánh giá sự tiến bộ mỗi ngày

Trên con đường đầy gian nan của công tác chủ nhiệm, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nguyệt đã có một trải nghiệm vô cùng xúc động với học sinh H., một em học sinh cá tính gặp nhiều khó khăn trong học tập và rèn luyện đạo đức.

H. là một đứa trẻ cô đơn, thiếu sự quan tâm của cha mẹ. Trong suốt thời gian học trực tuyến do dịch bệnh Covid-19, H. đắm chìm trong thế giới ảo của Internet, mải mê với các trò chơi điện tử dẫn đến việc sa sút học tập, chểnh mảng trong việc học và trở nên xa cách với bạn bè. Nhiều giờ học trực tuyến, các giáo viên bộ môn đều phản ánh về việc em vào lớp muộn, không tương tác khi được gọi phát biểu.

Khi được cô giáo nhắc nhở, trao đổi với bố mẹ, em lại nghĩ ra đủ loại chiêu trò “tinh vi” để qua mắt thầy cô như để ảnh ngồi học trên màn hình thay thế, tự ra khỏi phòng học và nói dối lỗi đường truyền,.. Cứ thế em tuột dốc không phanh, hổng kiến thức, kết quả học tập kém, tâm lý thay đổi thất thường,.. Chứng kiến thái độ bất cần của em khiến cô Nguyệt trăn trở tìm cách giúp đỡ H.

Một ngày sau khi tan học, cô tìm đến H.: "H. ơi, dạo này cô thấy em có vẻ không vui và học tập cũng sa sút. Em có thể chia sẻ với cô điều gì không?". Nhận được câu hỏi của cô giáo, H. chỉ im lặng, cúi đầu.

"Cô biết em đang gặp khó khăn trong học tập và cảm thấy cô đơn. Cô muốn em biết rằng cô luôn ở đây để lắng nghe và giúp đỡ em."

Dù H. còn e dè và chưa mở lòng, cô Nguyệt vẫn kiên nhẫn và tiếp tục nói: "Cô tin rằng H. là một đứa trẻ thông minh và có nhiều tiềm năng. Cô muốn giúp em khám phá ra tài năng của bản thân và tìm thấy niềm vui trong học tập."

Thế rồi, cô cũng liên hệ với bố mẹ của em để có thể nhận được sự hỗ trợ của gia đình. "Chị ơi, em là giáo viên chủ nhiệm của H. Con dạo này gặp một số khó khăn trong học tập và rèn luyện. Em mong muốn có sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình để giúp đỡ con tốt hơn". Nhưng rồi cô chỉ nhận lại câu trả lời: "Cô ơi, gia đình cũng rất lo lắng cho H. Tuy nhiên, vợ chồng tôi bận công việc nên không có nhiều thời gian quan tâm đến con".

Dù vậy, cô Nguyệt cũng không nản lòng và nói tiếp: "Em hiểu ạ. Em sẽ sát sao với con và sẽ thường xuyên trao đổi với chị về tình hình học tập của H.. Tuy nhiên, em mong muốn cùng chị tìm ra giải pháp phù hợp để giúp đỡ H.".

Với sự kiên nhẫn và trao đổi mỗi ngày với mẹ của H., cô Nguyệt đã dần khám phá ra tài năng và niềm đam mê của H. với công nghệ thông tin. Cô giao cho H. vai trò nhóm trưởng trong bài tập thuyết trình. Ban đầu H. rất bất ngờ, ngập ngừng. Nhưng cô Nguyệt đã khuyến khích, động viên em: "Cô tin rằng em có thể làm tốt. Cô sẽ luôn ở đây để hỗ trợ em”. H. đã nhận lời và hoàn thành xuất sắc bài tập thuyết trình, nhận được lời khen ngợi từ cả cô và các bạn. Chứng kiến H. vui vẻ, rạng rỡ cô Nguyệt vô cùng tự hào về cậu học trò của mình.

Sự khen ngợi đúng lúc và đánh giá sự tiến bộ mỗi ngày đã khơi dậy niềm tin và sự tự tin trong H. Em bắt đầu chủ động học tập, làm bài tập, tham gia vào các hoạt động tập thể và dần thu hẹp khoảng cách với bạn bè. Năng lực công nghệ thông tin của H. cũng được phát huy tối đa, góp phần vào các hoạt động học tập chung của lớp.

Khi chuẩn bị cho buổi họp phụ huynh, cô Nguyệt chưa kịp phân công nhiệm vụ, H. đã chủ động xin làm video sơ kết học kỳ. Trong buổi họp, các bác phụ huynh tấm tắc khen ngợi sự sáng tạo của em, lần đầu tiên cô thấy niềm vui và tự hào lấp lánh trên ánh mắt của H. 

Hành trình thay đổi của H. là minh chứng cho sức mạnh của sự yêu thương, kiên nhẫn và niềm tin vào học sinh, người thầy đã truyền cảm hứng cho H., giúp em nhận ra giá trị của học tập và niềm vui trong việc học. 

Cô giáo Nguyệt chia sẻ: “Mỗi đứa trẻ đều là một cá thể độc đáo, sở hữu giá trị và năng lực riêng biệt. Việc phát huy tiềm năng của từng em là chìa khóa để các em trở thành những con người có ích cho xã hội. Do đó, trong giáo dục, vai trò quan trọng nhất của giáo viên là khai thác và phát huy tiềm năng của từng học sinh, tạo môi trường học tập thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho mỗi em”.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Từ khoá:

học sinh

Bình luận