Hành trình gieo mầm bằng phương pháp "vừa là thầy, vừa là bạn"
Vừa là thầy, vừa là bạn - đó là cách để cô Hoàng Thu Bình - Giáo viên Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) gieo mầm cho những tâm hồn trẻ, giúp các em trưởng thành và trở thành những con người có ích cho xã hội.
Thay đổi bản thân vì học trò
Mới ra trường và bắt đầu năm đầu tiên đi dạy với vai trò của một giáo viên môn Ngữ Văn, cô giáo Hoàng Thu Bình đã đem tất cả nhiệt huyết, tính cách và đam mê tuổi trẻ của mình mỗi ngày tới trường.
Cũng trong năm đầu tiên, cô Bình đã được phân công làm công tác chủ nhiệm tại trường. Là một giáo viên trẻ vô cùng nhiệt huyết nhưng thiếu kinh nghiệm, học sinh rất yêu quý cô nhưng các em lại không có nền nếp, nhiều em ngang bướng, nghịch ngợm nhưng cô không biết cách xử lý sao cho phù hợp. Thậm chí, có trường hợp phải xử phạt một cách nghiêm khắc nhưng cô lại chỉ nhắc nhở, dẫn đến việc các em cứ thường xuyên tái phạm.
"Tôi luôn cố gắng làm sao để giữa mình với học sinh không có khoảng cách, chính vì vậy tôi bị đan xen giữa công việc và đời sống cá nhân, do đó năm đầu tiên làm công tác chủ nhiệm của tôi đã có nhiều thiếu sót vầ hạn chế”, cô Bình bộc bạch.
Sau khi hết học kỳ 1, tự thấy mình chưa đủ kinh nghiệm nên cô đã chủ động xin nghỉ công tác chủ nhiệm, thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm - lúc này là Hiệu trưởng cũng đồng ý và cho cô thêm thời gian để củng cố kinh nghiệm.
Hàng tháng, trường đều tổ chức các buổi họp rèn chuyên môn, học chuyên đề. Ở đó, giáo viên được chia sẻ những câu chuyện của bản thân để mọi người cùng lắng nghe, học hỏi hay góp ý. Bên cạnh đó, được sự động viên, dìu dắt của thầy Hòa cũng như ban giám hiệu đã giúp cô nhận ra những khuyết thiếu của mình.
Đây là một bài học đầu đời trong công tác giáo viên chủ nhiệm mà cô không bao giờ quên, nó như một lời nhắc nhở cô cần phải cố gắng hơn nữa trong sự nghiệp của mình.
Sau 1 năm tạm nghỉ, cô Bình quay lại với công tác làm chủ nhiệm. Lúc này cô vẫn tràn đầy nhiệt huyết và lòng yêu nghề nhưng đâu đó vẫn còn cảm giác lo lắng vì bản thân còn quá trẻ để giao tiếp với phụ huynh, cô cũng e ngại rằng liệu phụ huynh có tin tưởng vào một giáo viên trẻ mới vừa ra trường, không hề có kinh nghiệm. Cô cho rằng, để chinh phục được lòng tin của phụ huynh thì chỉ có một con đường duy nhất là chinh phục các em học sinh.
Nhớ lại năm đầu tiên, vì thiếu kinh nghiệm, cô có bao nhiêu kiến thức thì truyền thụ lại hết cho các em học sinh bấy nhiêu, không có sự tương tác 2 chiều, vì thế sau khi nghe giảng chăm chú, các em vẫn không thể nhớ bài, điểm số trong kỳ thi không khả quan. Để tìm hiểu nguyên nhân, cô đã phát cho mỗi học sinh một phiếu thăm dò ý kiến về các em muốn một tiết học Văn như thế nào, các em mong muốn điều gì ở một cô giáo dạy Văn,..
Sau khi nhận được những câu trả lời rằng: “Con muốn học một tiết học sôi nổi, được thể hiện quan điểm cá nhân, có sự tương tác giữa giáo viên với học trò trong tiết học”, “Con muốn được thuyết trình, con muốn học bài qua clip, phim ảnh”,... Cô nhận thấy, vấn đề này xuất phát từ việc học sinh chưa được thoải mái thể hiện quan điểm, chưa có tương tác với giáo viên trong giờ học.
Kiến thức các em có thể tham khảo bằng nhiều cách, nhưng để khơi gợi được nguồn cảm hứng từ các em cần có sự góp sức không nhỏ ở người giáo viên. Có như vậy, học sinh mới nhớ kiến thức và ham học. Những tiết học sau đó, cô Bình đã giao bài và đặt những câu hỏi gợi mở, có nhiều tiết học cô chấp nhận “cháy” giáo án để nhận những phản biện của học trò.
Trong quá trình giảng dạy, cô Bình vẫn giữ cho mình một số nguyên tắc nhất định như không bao giờ photo bảng điểm chung của cả lớp mà chỉ in điểm của từng con. Dù các em có học chưa tốt, cô cũng không muốn con bị phê bình trước mặt phụ huynh bởi cô quan niệm, như vậy là phản giáo dục. Cô muốn phụ huynh tập trung vào sự tiến bộ của con thay vì so sánh với những bạn khác.
Với những lỗi nhỏ của học sinh mà mình có thể kiểm soát và giúp khắc phục, cô Bình giữ nguyên tắc không làm phiền phụ huynh, đặt tiêu chí tôn trọng học sinh lên hàng đầu. Ví dụ, con bảo chỉ muốn chia sẻ với cô, cô Bình sẽ không nói lại với bố mẹ.
"Tất nhiên, có trường hợp đặc biệt cần sự phối hợp của phụ huynh, tôi sẽ trao đổi riêng và yêu cầu tôn trọng quyền riêng tư của con", cô Bình nói.
Giáo viên vừa là thầy vừa là bạn
Trong 10 năm làm công tác chủ nhiệm, cô Bình cũng đã từng trải qua vô vàn những cung bậc cảm xúc và những kỷ niệm với học trò, có những khoảnh khắc vui vẻ, ý nghĩa nhưng cũng có những thử thách không nhỏ. Trong số đó, có một kỉ niệm với một học trò khiến cô nhớ mãi, đây cũng là một bước đệm để cô nhìn nhận lại phương pháp giảng dạy của mình.
Cậu học trò này có tên là N.T. là một học sinh với tính cách đặc biệt, thỉnh thoảng em sẽ đột nhiên hét to trong lúc cả lớp đang học, thậm chí khi tất cả mọi người đang nghỉ ngơi trong giờ ngủ trưa nên đã gây ảnh hưởng đến nhiều học sinh khác. Đa số các em trong lớp đều có phản ứng lại nhưng cô Bình luôn bảo vệ N.T. một cách vô điều kiện, cô luôn nói với lớp rằng, cần thông cảm với bạn vì bạn đặc biệt, bạn không giữ được bình tĩnh.
Một lần, N.T. bị các bạn trêu chọc trong lớp, cô Bình đã đi đến quyết định nhắc nhở những bạn đã trêu em trước lớp. Như bình thường cô sẽ gặp riêng các em để trao đổi, nhưng lần này vì muốn làm thí điểm với mong muốn tất cả các bạn ở trong lớp không có hành động tương tự, cô Bình đã có hành động bảo vệ, bao bọc N.T.
Từ lòng thương yêu cậu học sinh bị thiệt thòi đó, đôi khi cô đã không giữ được cảm xúc và quá bênh vực N.T. dù không biết sự tình thực sự, trong khi chính N.T. cũng là người làm sai và mắc lỗi. Ngay khi biết được sự việc cụ thể từ một học sinh khác trong lớp, cô Bình đã gặp riêng N.T, nghe câu chuyện của em và phân tích cho em những cái sai của mình.
Cô kiên trì làm bạn với N.T. mỗi ngày, từ đó em dần dà cũng có thay đổi tốt hơn, từ cậu học trò không thể giữ được bình tĩnh mà em đã trở nên sâu lắng, điềm tĩnh hơn trước. Sau sự việc này, cô đã thay đổi cách xử lý của mình một cách cẩn thận hơn, cô thường suy xét, hỏi và trao đổi kỹ với các em rồi sau đó mới đưa ra quyết định.
“Đối với tôi, một giáo viên chủ nhiệm giỏi là một người có thể gần gũi với học sinh, khi ở cạnh mình, các em có thể cởi mở với mình về mọi vấn đề trong cuộc sống, giáo viên phải vừa là bạn và cũng vừa là thầy”, cô Bình nói.
Sự thấu hiểu và đồng cảm là chìa khóa để kết nối với học trò, đặc biệt là những học trò có hoàn cảnh khó khăn hay gặp nhiều vấn đề. Mỗi học trò đều có tiềm năng và thế mạnh riêng và người giáo viên chính là người khơi dậy và phát huy bằng phương pháp giáo dục phù hợp. Mối quan hệ thầy trò tốt đẹp sẽ tạo động lực cho học trò học tập tốt hơn và phát triển toàn diện.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất