Cô giáo cảm hoá những học trò “bất hảo” bằng tình yêu thương và sự tử tế
Nhà giáo Đào Vân Khánh chia sẻ: “Nếu chỉ nhìn thoáng qua hoặc đánh giá qua vẻ bề ngoài, hời hợt, không khơi dậy được tiềm năng sáng chói trong học trò, thì đó chưa phải là giáo dục”.
Nhiều năm làm công tác chủ nhiệm Khối THPT tại Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà giáo Đào Vân Khánh đã tiếp xúc với nhiều học sinh có cá tính mạnh, đôi khi có những trường hợp "ngổ ngáo". Bằng sự tận tâm, tận lực của một nhà giáo, cô Khánh đã áp dụng nhiều phương pháp để cảm hóa học trò, giúp các em trở thành học sinh tốt, phát huy được điểm mạnh của bản thân.
Nhà giáo mang trong mình sứ mệnh của một nhà giáo dục, nhà tâm lý
Năm năm trước, cô Vân Khánh được nhà trường phân công chủ nhiệm một lớp tuyển bổ sung mở mới hoàn toàn chưa từng có tiền lệ trước đây. Nhìn vào ánh mắt, câu nói đầy chân tình tha thiết của thầy Hiệu trưởng “Tôi xếp cô Khánh vào lớp này để chuẩn bị cho những dự định xa hơn và chỉ có cô phù hợp với lớp học đó”, cô Khánh đã cảm nhận về hành trình phía trước sẽ thật nhiều "chông gai" vì có lẽ nhiều gia đình cũng đang dõi theo, chờ đợi và hy vọng một phép màu sẽ xuất hiện.
Lớp học đặc biệt với 30 thành viên đến từ những ngôi trường khác nhau, đều có cá tính rất khác biệt. Sóng gió đầu tiên ập đến là khi một học sinh nữ tên N. trong lớp cô Khánh đánh bạn học, quay clip và phát tán trên mạng. Em đã bị gọi ra hội đồng kỷ luật của nhà trường và bị xử phạt cảnh cáo. Nhưng cô Khánh thì nghĩ rằng N. đáng thương hơn là đáng trách và cố gắng giúp N. thay đổi.
Tuy nhiên, cô Khánh lại vướng phải một vấn đề nan giải là gia đình của N. không hợp tác. Thậm chí, có lần mẹ N. đã nói rằng: “Cô còn quá trẻ để làm chủ nhiệm và cô cũng chưa có con, cô không thể hiểu tâm lý của một đứa trẻ”.
Nghe những lời vô tình từ phụ huynh, cô Khánh có cảm giác hụt hẫng, nói đúng hơn thì đã có chút tổn thương. Nhưng để giúp N. thay đổi thì chắc chắn phải cần tới sự hỗ trợ từ gia đình, nếu không thì một ngày nào đó cô nữ sinh ấy có thể rơi vào vòng xoáy khủng khiếp hơn, sẽ không còn cơ hội trở lại. Và, cô Khánh kiên trì giải thích cho phụ huynh hiểu rõ mục đích, quan điểm và phương pháp giáo dục của mình, chỉ ra những nguy cơ, mối lo có thể xảy đến nếu không có sự can thiệp kịp thời. Nhờ vậy, vị phụ huynh này đã hiểu ra vấn đề và quan tâm sát sao hơn đến con gái mình.
Theo cô Khánh, quan điểm giáo dục: “Không có học sinh hư, chỉ có những cá tính riêng cần được tôn trọng” là tôn chỉ đắn trong công tác chủ nhiệm. Đặt học sinh làm trọng tâm của giáo dục là một quan điểm nhân văn, nhất quán. Để làm được điều đó, trước hết, giáo viên cần có một trái tim tràn đầy nhiệt huyết và sự tử tế, tận tâm và trách nhiệm.
“Là một giáo viên chủ nhiệm, tôi thấm nhuần phương châm giáo dục của nhà trường: Chăm lo đến từng học sinh, giúp cho mỗi trò đều tiến bộ. Do đó, thay vì giáo dục hà khắc, tôi thúc đẩy học sinh tự giác và chủ động, luôn động viên, chia sẻ, đặc biệt tôi dành sự quan tâm nhiều hơn đến những con có cá tính mạnh. Bởi tôi hiểu được sứ mệnh của một người giáo viên, không chỉ là người truyền tải tri thức mà còn là 1 nhà giáo dục, nhà tâm lý”, cô Khánh chia sẻ.
Trên chặng đường giáo dục các em học sinh, nhiều lúc cô Khánh cảm thấy băn khoăn và tự hỏi: “Cá tính ấy của các con bắt nguồn từ đâu? Nguyên nhân nào khiến các con như vậy?”. Sau đó, cô nhận ra rằng, các con "nổi loạn" nguyên do có lẽ đến từ sự giáo dục chưa đúng hướng và bị bạn bè xấu lôi kéo,...
Do đó, ngay khi nhận diện được học sinh có cá tính đặc biệt, cô Khánh thường có thói quen quan sát và tìm hiểu nguyên nhân, để ý kĩ cách trẻ giao tiếp với bạn bè. Khi thấu hiểu được bản chất sự việc, hiểu được tính cách của mỗi em thì mới tìm ra phương pháp tốt nhất trong việc giáo dục và chinh phục học trò. Một trong những điều tiên quyết để làm được điều còn đến từ sự tin tưởng và yêu thương chân thành.
Hành trình biến đổi của những học sinh cá tính trên chặng đường trưởng thành
Bên cạnh các học trò chăm chỉ, chịu khó và say mê với học tập thì cũng có những em không hề hứng thú, bỏ bê học tập. M.L. là một nam sinh có quá khứ bất hảo, ăn chơi đua đòi và gây rối từ năm cấp 2, được bố mẹ chuyển lên Hà Nội để cách ly khỏi những người bạn xấu. Mẹ nam sinh - một giáo viên tiểu học đã bất lực, phải cầu cứu tới cô Khánh thuần hoá đứa con ngỗ ngược này.
Khi tìm hiểu về M.L, cô Khánh phát hiện cậu học trò này không thích học, ham chơi, bất cần, nhưng lại có tư chất thông minh, tình cảm. Chọn giải pháp “mưa dầm thấm lâu”, lắng nghe, tâm sự, phân tích cái đúng, cái sai, tôn trọng cá tính và sự khác biệt của em nhỏ, khuyến khích, khen thưởng và động viên kịp thời. Nhờ vậy, nam sinh cá tính đã có những thay đổi, trở thành viên kim cương rực sáng nhất.
Dần dần M.L. trở nên ham học, không còn ngủ gật trong lớp, mỗi tối đều dành thời gian làm bài tập trước buổi học trên lớp, cô Khánh luôn đồng hành cùng em, chỉ cho em cách học sao cho hiệu quả đối với từng môn. Đặc biệt, em còn quyết tâm đăng kí ôn luyện tiếng Anh và đạt chứng chỉ IELTS 4.5. Mẹ của M.L. vô cùng xúc động và hạnh phúc khi đứa con trai ngỗ nghịch ngày nào nay đã thật sự trưởng thành.
Trong suốt thời gian công tác tại Nguyễn Bỉnh Khiêm, cô Khánh cũng đã chứng kiến nhiều học trò của mình với cá tính rất mạnh đã trưởng thành và trở thành người có ích cho xã hội.
M.Q. đến với lớp D8 (niên khóa 2019 - 2021) của cô Khánh giống như bao học sinh khác. Ấn tượng của đầu tiên của cô Khánh là cậu bé có xu hướng hướng ngoại nhưng lại e dè, quan sát, cố gắng không thu hút sự chú ý của ai nhưng ánh mắt thì lạnh lùng, vô cảm.
Khi tìm hiểu về Q., cô được biết, năm cấp 1, cấp 2, con là cậu bé hiền lành, ngoan ngoãn nên hay bị bắt nạt, hầu như mỗi ngày đến trường em như sống trong địa ngục. Năm lớp 9, xe của em bị chọc thủng lốp nhưng không ai thừa nhận mà còn châm chọc, khích bác, vì quá bức xúc nên Quang đã đánh nhau với một người bạn.
Tuy nhiên, khi về đến nhà em không hề được gia đình an ủi, hỏi thăm mà bị ông bà mắng chửi, bố mẹ không chấp nhận. Trong kỳ thi đầu học kỳ 1, cậu bé chỉ xếp thứ 10 trong lớp, mẹ em đã vô cùng tức giận và nói những điều thậm tệ với Quang, thậm chí đuổi em ra khỏi nhà. Vì những ám ảnh thuở nhỏ và áp lực gia đình, Q. đã sử dụng chất kích thích.
Cô Khánh đã hụt hẫng và thất vọng khi phát hiện, nhưng cô không thúc ép gây áp lực, liên tục vài ngày sau cô luôn gọi điện tâm sự cùng cậu học trò, giúp em có điểm tựa về tinh thần. Là đứa trẻ thông minh và tình cảm, nhờ sự động viên và cổ vũ của cô giáo, Q. đã nỗ lực học tập hết mình, nhờ vậy trong kỳ thi tiếp theo em đã xếp thứ nhất. Mẹ em rất vui mừng, bản thân em cũng phấn chấn hơn.
“Tôi giao cho con làm lớp trưởng, hướng dẫn và quan sát con, chỉ cho con cách tổ chức, sắp xếp công việc. Tôi cũng động viên con học IELTS, tham gia các cuộc thi thể thao, đi tập gym… Từ đó, con đã hoàn toàn từ bỏ chất kích thích, biết quan tâm chia sẻ và trưởng thành, thậm chí còn giúp đỡ tôi khuyên nhủ, giải quyết những khúc mắc của các em học sinh trong lớp”, cô Khánh đầy tự hào khi nhắc về cậu học trò nhỏ.
Sau đó, M.Q. đã có cơ hội tham gia chương trình “Học sinh nói” trên VTV7, em đã rất xúc động khi kể lại câu chuyện thay đổi, tìm lại chính mình khi học dưới mái trường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đặc biệt, trong năm lớp 12, M.Q. đã đạt điểm tổng kết 9.0, nằm trong top đầu của lớp, có chứng chỉ IELTS 6.0. Được truyền cảm hứng học tập và với sự cố gắng của mình, M.Q đã trúng tuyển vào các trường đại học danh giá như: Đại học Luật, Đại học Ngoại thương, Học viện Tòa án, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Mỗi đứa trẻ là một hòn đá chứa ngọc
Trên hành trình biến những viên đá cuội cá tính ấy thành những viên ngọc quý đã có lúc cô Khánh thấy bế tắc, thậm chí nghĩ đến chuyện bỏ nghề vì nhiều rắc rối, khó khăn ập đến dồn dập. Có năm học, cô là giáo viên được “tham dự” hội đồng kỷ luật nhiều nhất vì học sinh của mình.
Dù vậy, cô luôn giữ quan điểm “Mỗi đứa trẻ là một hòn đá chứa ngọc”, nhiệm vụ của mỗi nhà giáo là mài giũa đá cuội thành kim cương sáng cho đời, mỗi giáo viên chủ nhiệm ngoài giáo dục học sinh nên người còn phải biết khám phá và giúp các con phát huy được tiềm năng của bản thân mình.
“Ẩn chứa bên trong mỗi đứa trẻ là một cá thể đặc biệt, một tài năng hiếm có mà có thể chưa một ai khám phá. Nếu chỉ nhìn thoáng qua hoặc đánh giá qua vẻ bề ngoài, hời hợt, không khơi dậy được tiềm năng sáng chói trong học trò, thì đó chưa phải là giáo dục”, cô Khánh nói.
Tuy nhiên, cô Vân Khánh nhấn mạnh, không chỉ có nhà trường và thầy cô, nhiệm vụ mài giũa những viên đá ấy còn có trách nhiệm của mỗi gia đình, khi đó đứa trẻ nào cũng sẽ phát huy được tiềm năng và khả năng của mình.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất