Không có học sinh “cá biệt”, chỉ có giáo viên chưa đủ niềm tin và sự kiên nhẫn
Nhà giáo Nguyễn Bích Hạnh chia sẻ về việc cảm hoá học trò: “Phải đi qua cơn mưa, phải biết chờ đợi đúng thời điểm, phải có sự kiên nhẫn và niềm tin, ta mới nhận ra bảy sắc cầu vồng trong vô sắc ánh sáng”.
Nhiều năm công tác trong ngành Giáo dục, mỗi khóa chủ nhiệm qua đi để lại cho cô Nguyễn Bích Hạnh - Giáo viên chủ nhiệm Khối THPT, Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm biết bao kỷ niệm vì thường gặp những học sinh có cá tính mạnh như những chú ngựa bất kham.
Bước trượt dài của cô học trò nổi loạn
Hơn 7 năm trước, nhà giáo Bích Hạnh (giáo viên dạy môn Văn) được phân công làm chủ nhiệm một lớp học ban D gồm 37 gương mặt. Sau một tháng hè làm quen, những chú ngựa cũng bắt đầu không còn “thăm dò” thái độ của cô như trước, chỉ một thời gian ngắn mà sổ đầu bài thường xuyên có nội dung: học sinh tự ý đổi chỗ, không hoàn thành bài tập, ăn quà vặt trong lớp, sử dụng điện thoại, quậy phá, gây rối… Trong sổ giám thị thì học sinh lớp nhuộm tóc, trang điểm quá đậm, ngủ trong giờ học…
Đặc biệt, có một cô bé tên Hương xinh xắn đã thu hút sự chú ý của cô Hạnh vì: "Cô bé ngày nào cũng đi học muộn, trong một tiết học Hương xin ra ngoài vài lần với những lý do trời ơi đất hỡi. Trong giờ học, khi thì Hương tranh thủ ngủ, lúc lại vừa ghi bài vừa nhắn tin, xem điện thoại hoặc ăn vặt, bôi kem chống nắng...".
Cô Hạnh đã thử cách xếp Hương đổi chỗ ngồi để phần nào học hỏi được sự chăm chỉ từ các bạn, nhưng cô bé "ngổ ngáo" lại bày trên bàn đủ thứ như gương, kem dưỡng da, điện thoại, đồ ăn… chiếm hết diện tích khiến các bạn ngồi cùng không thể học, phải xin cô đổi chỗ. Khi xếp Hương ngồi bàn 1 để có thể chăm chú nghe giảng thì cô bé luôn đưa ra lý do để lý giải cho việc không ghi bài kịp, thiếu tập trung, quên sách vở… như “Cô ơi gần bảng con thấy áp lực”, “Chỗ này điều hoà lạnh lắm”...
Cô đã thử mọi cách nhắc nhở, bắt viết bản kiểm điểm, khiển trách, hạ hạnh kiểm… mà Hương chẳng thay đổi. Trong nhà, Hương thích gì được ấy, bố mẹ dạy dỗ thì cô bé để ngoài tai, sự trượt dài ấy xuất phát từ gia đình khá giả, quá chiều chuộng con cái.
Cô Hạnh đã báo cáo tình hình lớp với thầy hiệu trưởng để xin tư vấn, hỗ trợ. Trước thầy cô và bố mẹ, Hương tiếp tục bao biện cho những lỗi đã vi phạm trong khi bố mẹ em ngần ngại cúi đầu, nước mắt lưng tròng.
Cô Hạnh đã từng giúp đỡ và thay đổi tích cực nhiều học sinh “cá biệt”, thích đánh nhau, yêu đương, nghiện điện tử,… nhưng trường hợp của Hương thì ngoại lệ. Gia đình dường như rất mệt mỏi vì không tìm ra cách nào giúp con thay đổi, các thầy cô giáo trong trường thậm chí cũng có cảm giác bất lực. Tưởng chừng như đã hết hi vọng thì một ngày kia, cô Hạnh bị tai nạn, phải nghỉ dạy ở nhà, nhưng vẫn dõi theo Hương, lắng nghe tâm sự của học trò, gần gũi như một người bạn, cổ vũ động viên tinh thần và kể cho em về những câu chuyện về những nhà giáo, tấm gương bất hạnh khiến cả thế giới thán phục… Bằng sự thấu hiểu và tình cảm chân thành ấy, cô Hạnh đã tiếp thêm sức mạnh, giúp cô học trò ương bướng thay đổi tích cực.
Cô tâm sự về Hương với các thầy cô dạy trong lớp để con được quan tâm và khích lệ nhiều hơn. Cô giáo tiếng Anh giao cho Hương làm thư ký điểm danh các bạn và báo cáo kết quả vào sổ liên lạc. Từ đó, Hương đi học rất sớm và ghi chép cẩn thận, ngày một cởi mở với mọi người và có những chuyển biến tích cực.
Cảm thông và để khích lệ Hương, cô Hạnh không đặt ra quá nhiều yêu cầu cùng lúc. Khi Hương nghiêm túc và cố gắng đạt kết quả, cô giáo tuyên dương cô bé trước lớp và tặng những món quà nho nhỏ. Nếu Hương làm sai, cô giảng giải để cô học trò rút kinh nghiệm.
“Hương khó diễn đạt, ngại trả lời bằng miệng, tôi thay đổi hình thức kiểm tra cho con bằng việc viết câu trả lời lên bảng, làm việc theo nhóm. Tôi đưa ra nhiều câu hỏi thực tế thay cho yêu cầu viết bài văn dài để con tranh luận, tương tác, tự giác tìm hiểu thông tin, chủ động tìm hiểu bài ở nhà. Con cũng chủ động tham gia hoạt động nhóm với các bạn, hào hứng xung phong thuyết trình và còn đề nghị cô giáo cho thêm bài tập về nhà để gỡ điểm”, cô Hạnh kể lại.
Trong buổi họp phụ huynh cuối kì, Hương hăng hái đảm nhận nhiệm vụ trang trí bảng. Nhìn cô bé say sưa đưa nét phấn cẩn thận, ai cũng xuýt xoa khen em có năng khiếu vẽ. Cuối buổi tổng kết, Hương đã chia sẻ những cảm xúc chân thành của mình, nhờ sự tận tuy, bao dung của cô giáo chủ nhiệm đã giúp em nhận ra giá trị bản thân, tự tin hơn, đem đến cho gia đình em nhiều tiếng cười. Cuối buổi họp, mẹ Hương đã gặp cô để gửi lời cảm ơn, đôi mắt rưng rưng xúc động.
Dùng sự chân thành để “cảm hoá” học trò
Cũng chính từ sự chuyển biến của Hương đã khiến nhà giáo Nguyễn Bích Hạnh quyết tâm thay đổi, tìm ra nhiều cách thức tiếp cận với từng vấn đề của mỗi học sinh trong lớp. Điều đặc biệt quan trọng là dù có chuyện gì xảy ra, cô luôn cố gắng giữ bình tĩnh, tìm hiểu nguyên nhân và giải quyết dứt khoát triệt để theo hướng tích cực. Cô chủ động đăng ký tham gia các khoá học nâng cao nghiệp vụ, đầu tư, chuẩn bị những tiết sinh hoạt lớp để “học sinh nói về giáo viên – học sinh nói về học sinh”. Những buổi họp phụ huynh đổi mới cả hình thức lẫn nội dung, thực sự trở thành ngày hội của cả bố mẹ lẫn con cái. Trong các hoạt động của lớp, cô Hạnh khéo léo tổ chức, kết nối và động viên bố mẹ các con cùng tham gia.
“Trước kia, mỗi khi vào lớp, tôi hay bị căng thẳng và nôn nóng, mong muốn rèn luyện các con chăm ngoan. Nhưng tôi nhận ra, sự có mặt của mình hằng ngày trong lớp vô tình tạo nên bầu không khí ngột ngạt, nhiều học sinh dường như bị áp lực. Sau đó, tôi quyết định đứng từ xa để quan sát, cân nhắc và bỏ qua một số quy định chung của lớp, tôi đặt mình vào vị trí của học sinh và cho các con cơ hội để thay đổi. Trong những bài giảng văn của mình, tôi cũng thường đan xen một số câu chuyện ngắn vui, những tình huống hài hước”, cô Hạnh bộc bạch.
Bên cạnh đó, cô Hạnh luôn dành thời gian để tìm hiểu và lắng nghe, chia sẻ và cùng các em giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Từ đó, nhiều em có thay đổi về mặt tâm sinh lý, không khí lớp học ngày càng vui vẻ, phấn chấn, dần dần khoảng cách của cô và trò cứ ngày một rút ngắn lại.
Những ngày trời mưa rét tầm tã toàn bộ học sinh vẫn đi học đầy đủ, các bạn luôn nhiệt tình tham gia ngày hội đổi giấy lấy cây xanh, làm sạch môi trường, tặng quà cho các bệnh nhân ở viện E, nhiều tuần lớp được giữ cờ luân lưu, khen tặng về nề nếp tốt nhất. Điều bất ngờ nhất là toàn bộ học sinh lớp cô Hạnh đỗ tốt nghiệp vào đại học 100%, đặc biệt là Hương đã thi đỗ vào một trong những trường học tốp đầu tại Hà Nội.
"Mỗi học sinh đều có câu chuyện riêng, các em nổi loạn vì rất nhiều lý do. Trên chặng đường đồng hành cùng học sinh, tôi luôn dành tình cảm chân thành, không đem sự cấm đoán cứng nhắc để thay đổi các em. Có lẽ, chính sự chân thành của tôi đã cảm hoá được rất nhiều học trò. Từ những cô cậu ngỗ ngược, ham chơi, các em trở nên ngoan ngoãn, chỉn chu học hành, cha mẹ yên tâm. Hạnh phúc của tôi là những điều giản dị như thế", cô Hạnh tâm sự.
Có công mài sắt, có ngày nên kim
Những năm làm nghề với nhiều biến cố, có nụ cười và cả những giọt nước mắt, đã có lúc cô Bích Hạnh muốn bỏ cuộc vì học sinh gây bao căng thẳng, mất ăn mất ngủ. Nhưng “sinh nghề - tử nghiệp”, nhìn những đứa trẻ ngây thơ cô chẳng nỡ lòng dứt bỏ để rẽ sang lối khác.
“Cầu vồng trong sắc trắng không phải lúc nào cũng dễ dàng bắt gặp. Phải đi qua cơn mưa, phải biết chờ đợi đúng thời điểm, phải có sự kiên nhẫn và niềm tin, ta mới nhận ra bảy sắc cầu vồng trong vô sắc ánh sáng”, cô Hạnh thổ lộ.
Câu chuyện của nhà giáo Nguyễn Bích Hạnh có lẽ phần nào nhắc nhở mỗi chúng ta thấy được vai trò quan trọng của niềm tin trong cuộc sống. Nếu không có niềm tin và sự kiên trì của cô giáo có thể những đứa trẻ ấy sẽ mãi chìm trong tăm tối, trượt dài và rất có thể bị cả xã hội ghẻ lạnh. Bởi vậy, mỗi nhà giáo cũng đang gánh trên vai ý thức và trách nhiệm rất lớn, không chỉ là dạy kiến thức văn hoá mà còn định hướng rèn luyện kỹ năng sống, đồng hành, chia sẻ cùng học trò trên một hành trình dài, để rồi tự tin bước vào đời và trở thành người tử tế.
Cô Bích Hạnh bày tỏ quan điểm rằng, khi phụ huynh gửi gắm con em mình cho nhà trường, cho giáo viên, họ luôn đặt kỳ vọng rất lớn về sự thành công và tương lai tươi sáng của các em. Để đáp lại sự kỳ vọng đó, người giáo viên luôn phải cố gắng trau dồi chuyên môn, không ngừng nâng cao kỹ năng sư phạm: “Nếu xem xét và nhận định đúng về học sinh cá tính để có phương pháp giáo dục theo hướng phát triển toàn diện và đảm bảo việc phát huy năng lực, sở trường, tính cách của từng học sinh theo cá nhân hóa trong công tác giáo dục hiện đại ngày nay, ta sẽ thấy những ngọt ngào của vị sống và đắng cay ý nghĩa biết nhường nào”.
“Trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân, ông lái đò có đam mê nên đã luyện cho mình tay lái ra hoa. Khi chinh phục được dòng sông hung bạo, ngông ngược, nó trở nên thơ mộng, trữ tình, đằm thắm. Công việc dạy học cũng giống như cuộc vượt thác ghềnh đầy gian khổ kia, làm thế nào để giáo dục, giáo dưỡng, phát triển học sinh nói chung và học sinh cá tính nói riêng luôn là nỗi băn khoăn, trăn trở đối với giáo viên”, cô Hạnh chia sẻ.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất