Bộ Công an khuyến cáo không nên tin tưởng mù quáng vào người nổi tiếng để mua sữa
Kiến Văn
Bộ Công an khuyến cáo, không nên tin tưởng mù quáng vào các lời giới thiệu từ những người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên không gian mạng, cần chọn thương hiệu sữa uy tín, địa chỉ cụ thể, rõ ràng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã xác định có 12 sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng (sữa dạng bột), có chỉ tiêu chất lượng một số chất chính chỉ đạt dưới 70% so với mức công bố, được xác định là hàng giả (giả về chất lượng) và đang tiếp tục điều tra, làm rõ đối với 72 sản phẩm còn lại, đồng thời nêu cảnh báo:
Thứ nhất, không sử dụng 12 sản phẩm sữa đã được xác định là hàng giả và không nên sử dụng 72 sản phẩm sữa đang được tiếp tục điều tra của Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood.
Thứ hai, không nên tin tưởng mù quáng vào các lời giới thiệu từ những người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên không gian mạng, cần chọn thương hiệu sữa uy tín, địa chỉ cụ thể, rõ ràng.
Thứ ba, không mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kiểm tra bao bì sản phẩm, thông tin nhà sản xuất, hạn sử dụng, số lô.
Tờ VOV dẫn lời Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết: Đến nay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã xác định có 12 sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng (sữa dạng bột), có chỉ tiêu chất lượng một số chất chính chỉ đạt dưới 70% so với mức công bố, được xác định là hàng giả theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ; đang tiếp tục điều tra, làm rõ đối với 72 sản phẩm còn lại (Có danh sách sản phẩm kèm theo).
Liên quan đến vấn đề hiện nay có rất nhiều người nổi tiếng, có uy tín như biên tập viên đài truyền hình, diễn viên, KOL, bác sĩ... tham gia quảng cáo không đúng sự thật nhiều sản phẩm là thực phẩm, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên khẳng định: "Pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi quảng cáo sai sự thật, cung cấp thông tin không đúng hoặc gây nhầm lẫn về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, xuất xứ, bao bì và các yếu tố khác của sản phẩm, dịch vụ".
Sữa giả tràn lan, sức khỏe của nhiều trẻ em có nguy cơ bị đe dọa. Ảnh: VTV
Theo Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, đối với hành vi quảng cáo sai sự thật, căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, các cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính quy định tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo hoặc xử lý hình sự về các tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự (như: Tội "Quảng cáo gian dối", quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015, các tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả”..., quy định tại các Điều 192, 193, 194, 195 Bộ luật Hình sự; Tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự; Tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự...).
Trong thời gian tới, các đơn vị nghiệp vụ sẽ tập trung điều tra, xác minh, xử lý toàn diện, triệt để các hành vi có dấu hiệu tội phạm liên quan đến lĩnh vực quảng cáo để tăng sức răn đe, phòng ngừa.
Đồng thời rà soát sơ hở, thiếu sót, bất cập trong hệ thống pháp luật về lĩnh vực an toàn thực phẩm, kinh doanh thương mại, bảo vệ người tiêu dùng để tham mưu, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định, bịt kín các sơ hở, không để các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội, bảo vệ người tiêu dùng theo hướng chặt chẽ, cụ thể hơn, gắn trách nhiệm trực tiếp đối với cơ quan quản lý nhà nước, đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, quảng bá sản phẩm là thực phẩm.
Trong đó, đề xuất tăng mức hình phạt nghiêm khắc hơn đối với các hành vi phạm tội trong lĩnh vực này trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự.Bộ Công an sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động quảng cáo, kiểm duyệt nội dung quảng cáo trên các phương tiện truyền thông; yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phối hợp ngăn chặn nội dung quảng cáo vi phạm, kịp thời gỡ bỏ quảng cáo sai sự thật; đồng thời, đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông cùng vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quảng cáo trong cộng đồng, giúp người dân nhận diện các quảng cáo sai trái và biết cách tự bảo vệ mình.
Đối với các cá nhân nổi tiếng, có uy tín, ảnh hưởng trong xã hội và trên không gian mạng, Bộ Công an yêu cầu chấp hành nghiêm các quy định pháp luật khi tham gia quảng cáo; cẩn trọng và có trách nhiệm khi thực hiện các hợp đồng quảng bá, giới thiệu, công bố các sản phẩm do mình đại diện thương hiệu, tuyệt đối không được đưa ra các thông tin sai lệch, thổi phồng về tính năng, tác dụng của sản phẩm mà thiếu cơ sở, căn cứ khoa học và tài liệu chứng minh. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều được xác minh, điều tra triệt để, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Tờ vietnamnet dẫn lời bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng (Hà Nội) cho biết, các dấu hiệu phân biệt sữa giả như màu sắc bột, mùi vị, độ tan... chỉ mang tính tham khảo. Công nghệ làm giả ngày càng cao khiến người tiêu dùng dù cẩn trọng cũng có thể bị đánh lừa.
Biện pháp phòng ngừa khả dĩ nhất hiện nay vẫn là:
-Mua hàng tại các chuỗi sản xuất/phân phối chính hãng.
-Tránh hàng “xách tay”, gian hàng không xác minh trên mạng.
-Giữ lại hóa đơn và theo dõi phản ứng sau khi dùng.
Sữa giả chủ yếu dành cho đối tượng đặc biệt như trẻ nhỏ và người cao tuổi, bà bầu khi dùng có thể gây ra các rối loạn cho hệ tiêu hóa biểu hiện thường gặp như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy…
Ngoài ra, sữa giả còn ảnh hưởng đến tim mạch, tác động đến hệ miễn dịch và nguy cơ ngộ độc cấp tính, với các triệu chứng bao gồm nôn mửa dữ dội, co giật, sốt cao và thậm chí hôn mê. Ngộ độc mạn tính sữa giả có thể xảy ra khi sử dụng lâu dài, các chất độc hại như chì tích tụ lại trong cơ thể gây hại.
Trước đó, như Tạp chí Trẻ em Việt Nam phản ánh, nhiều phụ huynh đã bỏ ra số tiền không nhỏ để mua sữa Hiup với kỳ vọng con em mình tăng chiều cao như quảng cáo hứa hẹn. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, họ đã sớm nghi ngờ về chất lượng thực sự của sản phẩm. Đáng chú ý, Công ty TNHH Kinh doanh và Công nghệ Alama Việt Nam – đơn vị phân phối sữa Hiup – từng bị xử phạt vì quảng cáo sai sự thật.
Dù đã bị xử lý, nhưng gần đây, quảng cáo rầm rộ về sữa Hiup lại tiếp tục xuất hiện trên mạng xã hội, khẳng định rằng trẻ uống sữa này sẽ cao thêm từ 3 - 5cm chỉ sau 3 - 6 tháng, tùy vào thể trạng. Các bài viết quảng cáo vẫn tràn lan trên các hội nhóm như “Bỉm sữa tâm sự” và “Hội mẹ bỉm sữa thông thái”, tiếp tục dẫn dụ phụ huynh bằng những lời hứa không có căn cứ khoa học.
Đáng lo ngại hơn, không ít nhãn hàng quảng cáo này thường sử dụng hình ảnh người nổi tiếng – từ MC, diễn viên đến ca sĩ – nhằm tạo dựng lòng tin và tác động đến quyết định mua hàng, trong đó BTV Quang Minh và MC Vân Hugo đã bị cơ quan quản lý ra quyết định xử phạt với hành vi quảng cáo đưa thông tin sai lệch về sữa Hiup.
Một quảng cáo đánh lừa người tiêu dùng về sữa Hiup.