Bộ GD-ĐT đề nghị bỏ các phương thức xét tuyển đại học không hiệu quả
Bộ GD-ĐT cho biết, trong hơn 20 phương thức xét tuyển đại học, nhiều phương thức không hiệu quả, thậm chí gây mất công bằng.
Bộ GD-ĐT vừa tổ chức cuộc họp giao ban quý IV về công tác tuyển sinh và đào tạo khối đại học và cao đẳng sư phạm.
Trong báo cáo của Bộ GD-ĐT đã có những dự kiến phương hướng công tác tuyển sinh năm 2023 và từ năm 2025 khi có thí sinh tốt nghiệp chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Theo Bộ GD-ĐT, công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo về cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Bộ GD-ĐT đang đề nghị các trường đại học xem xét giảm phương thức tuyển sinh, theo hướng ít tác động đến thí sinh.
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, trong hơn 20 phương thức xét tuyển đại học, có nhiều phương thức không hiệu quả, thậm chí gây mất công bằng. Đặc biệt, khi nhìn phổ điểm, đối sánh giữa phương thức dựa trên học bạ và điểm tốt nghiệp THPT có sự chênh lệch đáng kể.
Do đó, các trường hết sức cân nhắc trong việc lựa chọn phương thức xét tuyển, đảm bảo hiệu quả, tin cậy, công bằng giữa các thí sinh. Cũng theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, trong 20 phương thức xét tuyển thì có 2 phương thức chiếm tỉ lệ cao nhập học/chỉ tiêu và tỉ lệ nhập học theo các phương thức. Đó là phương thức thi tốt nghiệp và xét học bạ.
Về kết quả xét tuyển theo các phương thức, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT có chỉ tiêu và tỉ lệ nhập học cao nhất (tỉ lệ nhập học theo chỉ tiêu là 93,82%; tỉ lệ nhập học theo các phương thức 52,38%), tiếp theo là phương thức xét học bạ (tỉ lệ nhập học theo chỉ tiêu 75,67%; tỉ lệ nhập học theo các phương thức 36,24%)...
Các lĩnh vực có tỉ lệ thí sinh (TS) trúng tuyển cao nhất là kinh doanh và quản lý (26%), máy tính và công nghệ thông tin (13%), nhân văn (9%), công nghệ kỹ thuật (9%)...; có 220 cơ sở đào tạo (CSĐT) sử dụng các phương thức xét tuyển sớm với 395.858 TS trúng tuyển.
Bộ GD-ĐT cho biết kỳ tuyển sinh năm 2022 vẫn còn những hạn chế. Đó là thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển; khó khăn trong truy nhập hệ thống thanh toán lệ phí trực tuyến; một số CSĐT đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển; gần 100.000 TS trúng tuyển nhưng không nhập học; một số CSĐT xét tuyển sớm chưa hiệu quả; TS phải đăng ký xét tuyển nhập học trên cả hệ thống chung và tại CSĐT…
Thống kê số liệu tuyển sinh 3 năm gần đây cho thấy phần lớn CSĐT đã tuyển được số lượng đạt tỉ lệ cao so với chỉ tiêu (bên cạnh đó cũng có một số CSĐT tuyển sinh khó khăn). Cụ thể, năm 2022 có 52 CSĐT tuyển sinh kém, năm 2021 và 2020 lần lượt là 34 và 46.
Bộ GD-ĐT nhận định các CSĐT tuyển kém chủ yếu là các trường tư thục chưa có đủ uy tín, thương hiệu mạnh và một số trường công lập, phân hiệu trường công lập không có lợi thế về địa điểm hoặc lĩnh vực đào tạo. Trừ một số trường hợp ngoại lệ, phần lớn CSĐT tuyển kém trong đợt 1 năm 2022 cũng tuyển kém trong 2 năm gần đây.
Theo Bộ GD-ĐT, trong 3 năm liền, 4 lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên và dịch vụ xã hội đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất. Cụ thể, ở đợt 1 năm 2022, nông lâm nghiệp và thủy sản 42,91%; khoa học sự sống 54,35%; khoa học tự nhiên 58,28%; dịch vụ xã hội 58,28%.
Năm 2023 dự kiến thí sinh chỉ chọn ngành không phải chọn phương thức. Hệ thống chung sẽ lọc tự động và gợi ý phương thức phù hợp, đạt điều kiện tốt nhất cho thí sinh, tránh việc phải lựa chọn nhiều cách xét tuyển.
Đồng thời, Bộ GD-ĐT sẽ hướng dẫn các trường rà soát, loại bỏ phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.
Bộ cũng đang rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh 2023, trong đó có thể xem xét không xét tuyển sớm như năm 2022, thực hiện xét tuyển chung một đợt, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1.
Các trường đại học cần sớm hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2023, hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng quy chế tuyển sinh hiện hành, tránh làm đưa ra phương thức tuyển sinh phức tạp, rắc rối với thí sinh.
Về phần mềm xét tuyển chung, Bộ đang tiếp tục chỉ đạo và thực hiện nâng cấp, bổ sung thêm chức năng cần thiết khác của phần mềm xét tuyển chung nhằm giảm thiểu sai sót, nhầm lẫn.
Năm 2023 dự kiến thí sinh chỉ chọn ngành không phải chọn phương thức. Hệ thống chung sẽ lọc tự động và gợi ý phương thức phù hợp, đạt điều kiện tốt nhất cho thí sinh, tránh việc phải lựa chọn nhiều cách xét tuyển.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất