17:14 11/08/2022

Can thiệp sớm trẻ tự kỷ từ giai đoạn mầm non

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Phạm Lan

Nếu để trễ giai đoạn “vàng” – giai đoạn mầm non không can thiệp kịp thời cho trẻ thì các biện pháp can thiệp sau này sẽ rất khó khăn, thậm chí không hiệu quả, vì những hội chứng sẽ trở thành mãn tính.

Theo ông Lê Đình Tuấn - Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp và tiếp sức trẻ học hòa nhập (Đống Đa – Hà Nội), giai đoạn trẻ ở thời kỳ mầm non chủ yếu là sự phối hợp giữa gia đình và trung tâm giáo dục đặc biệt. Một số trẻ hòa nhập được ở trường mầm non thì sẽ phải phối hợp thêm với giáo viên mầm non.

Thời kỳ này là thời kỳ phát hiện sớm và can thiệp sớm, nhưng rất quan trọng với trẻ.

Một số tài liệu nghiên cứu gọi đây là giai đoạn "vàng" của trẻ, vì nếu trẻ được can thiệp đúng thì có tới 80% trẻ phục hồi được như trẻ thường.

80319186_508120699801202_
Trẻ đang học tại Trung tâm. Nguồn: TTCC

Để đạt được kết quả này, ông Lê Đình Tuấn khuyên cha mẹ có trẻ mắc tự kỷ nên thực hiện “5 điều Nên và 5 điều Không nên” như sau:

- 5 điều nên:

1. Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu không bình thường ngay từ lúc mới 6 tháng tuổi trở lên, thì gia đình nên đưa trẻ đi kiểm tra ở các cơ sở y tế có khoa tâm bệnh. Ở đó, các bác sĩ chuyên khoa thần kinh sẽ giúp gia đình nhận biết được tình trạng sức khỏe tâm thần của trẻ.

2. Khi đã nhận thức được tình trạng rối loạn của trẻ, gia đình nên đưa con đến các trung tâm can thiệp sớm để phối hợp với các cán bộ, nhân viên của trung tâm để can thiệp cho trẻ.

3. Gia đình nên chọn một thành viên có nhiều điều kiện gần gũi, chăm sóc trẻ để can thiệp cho trẻ sau khi đã thống nhất các biện pháp với trung tâm giáo dục đặc biệt.

4. Các thành viên trong gia đình nên có thái độ cảm thông với các hành vi bất thường của trẻ - đừng cho rằng là trẻ hư. Vì tuy sức khỏe thể chất của trẻ không có triệu chứng bất thường, nhưng do bị rối loạn phát triển nên trẻ có nhiều hành vi bất thường, khó chịu như trẻ bị ốm.

5. Nên tìm các trung tâm có uy tín, có các cán bộ, nhân viên yêu thương trẻ và có những chứng chỉ - bằng cấp về ngành giáo dục đặc biệt; Có những bằng chứng đã can thiệp có kết quả cho trẻ.

Về cơ sở vật chất, cần có những trang thiết bị tối thiểu như: hệ thống làm mát (quạt máy, điều hòa nhiệt độ..), có bếp ăn phục vụ trẻ những món ăn phù hợp.

Đặc biệt, các trang thiết bị nội thất phải được thiết kế đảm bảo an toàn cho trẻ. Cơ sở cần tránh xa đường giao thông, hồ ao,… Và, địa điểm gần với nơi ở của gia đình thì càng tốt.

- 5 điều không nên:

1. Cha mẹ trẻ không nên coi nhẹ những dấu hiệu không bình thường ở trẻ như: Trẻ khó ăn, khó ngủ, chậm nói, không chịu chơi… vì gia đình dễ mắc phải ảnh hưởng của quan niệm cũ là “có đầu có đuôi, nuôi lâu khắc lớn”.

Nếu để trễ giai đoạn “vàng” không can thiệp kịp thời cho trẻ thì các biện pháp can thiệp sau này sẽ rất khó khăn, thậm chí không hiệu quả, vì những hội chứng sẽ trở thành mãn tính.

2. Gia đình không nên quá quan trọng chọn những cơ sở có điều kiện cơ sở vật chất quá cao, với kinh phí quá đắt, không phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của gia đình. Vì, việc can thiệp cho trẻ này không cần có những trang thiết bị cao cấp, đắt tiền.

Mặt khác, nếu phụ huynh phải trả kinh phí cao không phù hợp với mức thu nhập của gia đình, thì nhiều gia đình dễ phải bỏ dở việc can thiệp. Như vậy đồng nghĩa với việc can thiệp sẽ không thành công. Bởi vì, can thiệp cho trẻ không thể tính theo tháng, theo ngày mà phải tính theo năm, nhiều năm mới có kết quả.

3. Khi phát hiện trẻ có vấn đề thì gia đình không nên hoang mang, thất vọng, cho rằng các hội chứng này hiện nay vẫn chưa có thuốc chữa và trẻ luôn có nguy cơ cao khi lớn lên trở thành người tâm thần.

Hiện nay tuy chưa có thuốc điều trị, nhưng đã có nhiều biện pháp không dùng thuốc nhưng vẫn phục hồi được cho trẻ hiệu quả, giúp trẻ hòa nhập được với gia đình và xã hội.

4. Khi thấy trẻ có những khả năng đặc biệt như: biết đọc sớm từ trước khi đi học, biết ngoại ngữ…thì gia đình không nên kỳ vọng vào những điều đặc biệt đó.

Chúng tôi đã chứng kiến một số trẻ có hiện tượng “đặc biệt” nhưng do không được can thiệp đúng nên hậu quả để lại rất xấu.

5. Gia đình không nên tự can thiệp, vì quá trình can thiệp, tác động cho trẻ là một quá trình cần có nhiều ngành khoa học tham gia như: bác sĩ nhi khoa, bác sĩ chỉnh âm, giáo viên can thiệp hành vi,… Vì vậy, gia đình không thể tự làm, mà chỉ nên đóng vai trò tích cực trong việc phối hợp giữa các bên liên quan.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận