Nuôi dạy con không đòn roi, không quát mắng: Nền tảng vàng cho tâm hồn lớn khôn
Trong một thế giới đầy biến động, phương pháp nuôi dạy con không bạo lực đang trở thành kim chỉ nam của nhiều gia đình hiện đại. Tiến sĩ Mai Mỹ Hạnh, Phó trưởng khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh chia sẻ những góc nhìn sâu sắc về tầm quan trọng của việc kiến tạo môi trường yêu thương giúp con phát triển toàn diện.
PV: Thưa TS. Mai Mỹ Hạnh, nuôi dạy con bằng phương pháp kỷ luật tích cực sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển tâm lý và nhân cách lâu dài của trẻ? Ngược lại, nếu cha mẹ thường xuyên dùng lời nói hoặc hành vi tiêu cực, điều đó có thể gây ra những hệ quả gì đối với trẻ?
TS. Mai Mỹ Hạnh: Trong quá trình phát triển của trẻ em, gia đình là môi trường sống đầu tiên nhưng cũng là môi trường đặt nền móng sâu sắc đến tiến trình phát triển của trẻ. Nhiều nghiên cứu từ tâm lý học và xã hội học đã chỉ ra rằng, phong cách giáo dục và giao tiếp của cha mẹ có ảnh hưởng lớn đến tâm lý, đặc biệt là năng lực cảm xúc - xã hội của trẻ. Đây chính là yếu tố then chốt giúp con trưởng thành một cách lành mạnh.
Ví dụ, khi cha mẹ đặt kỳ vọng cao trong một môi trường tràn ngập yêu thương và sự hỗ trợ, trẻ sẽ phát triển tính độc lập trong khuôn khổ rõ ràng. Những đứa trẻ được nuôi dưỡng theo cách này thường rất tự tin, chủ động, có năng lực cảm xúc - xã hội vượt trội. Các em dễ dàng xây dựng những mối quan hệ lành mạnh, an toàn và ít bị ảnh hưởng tiêu cực từ bạn bè hay áp lực xã hội.
Ngược lại, nếu cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng nhưng lại thiếu vắng tình yêu thương và thường xuyên trừng phạt nặng nề mỗi khi con mắc lỗi, thì hậu quả sẽ rất khác. Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường như vậy thường trở nên rụt rè, thiếu tự tin, ít dám đưa ra quyết định và có lòng tự trọng thấp. Các em khó phát triển được năng lực cảm xúc - xã hội cần thiết, thậm chí có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần liên quan đến cảm xúc và hình ảnh bản thân.
![]()
TS. Mai Mỹ Hạnh cho rằng, thái độ của cha mẹ khi nóng giận chính là tấm gương để con học cách quản lý cảm xúc.
PV: Việc kiểm soát cảm xúc tiêu cực là một thách thức không nhỏ với nhiều phụ huynh, đặc biệt trong những lúc con không nghe lời hoặc mắc lỗi. Thưa bà, đâu là những lời khuyên hoặc phương pháp cụ thể giúp cha mẹ giữ được bình tĩnh, tránh nổi nóng trong những tình huống căng thẳng như vậy?
TS. Mai Mỹ Hạnh: Áp lực trong việc nuôi dạy con cái thường xuất hiện khi những đòi hỏi của việc giáo dục vượt quá khả năng và nguồn lực của cha mẹ, khiến họ cảm thấy khó khăn để định hướng con hiệu quả. Làm cha mẹ chưa bao giờ là dễ dàng. Họ phải trực tiếp đáp ứng mọi nhu cầu hàng ngày của con, từ chăm sóc thể chất, bữa ăn, học tập, đến đời sống tinh thần. Chính điều này dễ đẩy phụ huynh vào tình trạng căng thẳng.
Hơn nữa, áp lực này còn tác động lớn đến phong cách giáo dục của cha mẹ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi mức độ áp lực càng cao, phụ huynh càng có xu hướng nghiêng về phong cách giáo dục độc đoán. Cụ thể, họ thường đặt ra những nguyên tắc hà khắc, giám sát và kiểm soát con cái chặt chẽ. Bên cạnh đó, họ cũng dễ có những hành động cộc cằn, biểu lộ cảm xúc lạnh lùng, gay gắt và thường xuyên sử dụng các hình phạt thể chất trong quá trình nuôi dạy con.
Để nuôi dạy con hiệu quả, điều quan trọng nhất là cha mẹ phải tự điều chỉnh chính mình. Đầu tiên, hãy tiết chế những kỳ vọng quá cao và ngừng so sánh con với “con nhà người ta”. Thay vào đó, hãy chấp nhận và yêu thương con vì chính bản thân con, cho phép con được sống cuộc đời của mình, không phải gánh vác những ước mơ dang dở của cha mẹ.
Để giữ bình tĩnh, cha mẹ nên luôn tự hỏi: “Liệu tình huống này có đáng để mình làm tổn thương con không? Hậu quả sẽ là gì”. Thay vì chỉ trích lỗi lầm, hãy tập trung vào cách giúp con rút ra bài học kinh nghiệm và làm tốt hơn trong tương lai. Hãy nhìn nhận những ưu điểm và nỗ lực của con.

PV: Thay vì quát mắng hay đánh đòn, cha mẹ có thể áp dụng những phương pháp kỷ luật tích cực nào để vừa giúp trẻ nhận ra lỗi sai, vừa hình thành ý thức tự giác và trách nhiệm mà không làm tổn thương tâm lý của con? Bà có thể đưa ra một vài ví dụ minh họa thực tế không?
TS. Mai Mỹ Hạnh: Để thực hiện giáo dục con cái một cách tích cực, điều cốt lõi là cha mẹ cần bắt đầu bằng những cuộc trò chuyện dựa trên sự tôn trọng và lắng nghe. Trẻ nhỏ luôn khao khát được kết nối và trao đổi với người lớn, nhưng đôi khi, chính chúng ta lại vô tình “vụng về” trong việc thấu hiểu nhu cầu giao tiếp đó. Nhiều phụ huynh thường dùng các thiết bị điện tử như một giải pháp tạm thời để giữ con ngồi yên, ngăn con quấy khóc hay giúp việc cho ăn dễ dàng hơn, vô tình tạo khoảng cách.
Do đó, nền tảng của phương pháp giáo dục tích cực chính là sự lắng nghe và dành thời gian chất lượng bên con, nhằm tạo dựng sự kết nối và lòng tin vững chắc. Đây không chỉ là việc xử lý những tình huống đột xuất khi trẻ mắc lỗi, mà là một chuỗi tác động liên tục và đồng hành. Chúng ta không chỉ điều chỉnh trẻ khi con làm sai, mà còn cần động viên, khen ngợi khi con làm đúng, làm tốt. Thậm chí, ngay cả khi trẻ chưa hoàn thành xuất sắc, một lời động viên đúng lúc vẫn có thể trở thành động lực mạnh mẽ, giúp trẻ cố gắng và tự tin hơn.
Vì vậy, khi trẻ mắc lỗi, đừng vội vàng phán xét đơn lẻ tình huống. Thay vào đó, hãy bình tâm quan sát cả hành trình mà con đã cố gắng. Hãy chỉ ra những điều con đã làm tốt trước, sau đó mới góp ý và hướng dẫn cách làm đúng đắn hơn. Cuối cùng, hãy gửi gắm kỳ vọng và niềm tin rằng con có thể làm được, cùng nhau cam kết thực hiện và đưa ra phần thưởng khích lệ phù hợp.
Quan trọng hơn nữa, cha mẹ phải là tấm gương. Những cam kết đặt ra với trẻ cần được cha mẹ tuân thủ nghiêm túc thì các quy tắc trong gia đình mới thực sự có tác dụng. Khi gia đình có nề nếp, có văn hóa ứng xử chuẩn mực, đứa trẻ được nuôi dạy trong môi trường đó sẽ tự nhiên học được những điều hay lẽ phải từ sự quan sát và noi gương.

PV: Để xây dựng một môi trường gia đình mà tình yêu thương và sự tôn trọng là nền tảng, theo bà, đâu là những nguyên tắc “vàng” hoặc thói quen sinh hoạt hằng ngày mà cha mẹ có thể áp dụng để tăng cường sự gắn kết, thấu hiểu và tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ?
TS. Mai Mỹ Hạnh: Dù cuộc sống hiện đại có bận rộn đến đâu, cha mẹ vẫn nên ưu tiên dành thời gian chất lượng cho con. Mỗi ngày, chỉ cần duy trì 30–60 phút để trò chuyện, lắng nghe và đồng hành cùng con là đủ quý giá. Hãy hỏi con về một ngày ở trường, cùng con chia sẻ niềm vui hay lắng nghe những điều khiến con buồn.
Điều quan trọng là khi ở bên con, cha mẹ hãy thật sự hiện diện, gác lại điện thoại, công việc, và đặt trọn tâm trí vào con. Sự hiện diện bằng cả trái tim sẽ giúp con cảm nhận được tình yêu thương, sự thấu hiểu và an toàn từ gia đình.

Một học sinh từng chia sẻ với tôi: “Ba chở em đi chơi nhưng chỉ thả em ở đó rồi ngồi bấm điện thoại, để mình em tô tượng... Em ước gì ba mẹ chịu trò chuyện với em nhiều hơn”. Đôi khi, những điều tưởng như đơn giản lại chính là thứ mà trẻ cần nhất, nhưng lại dễ bị cha mẹ vô tình bỏ quên.
Hãy sống chậm lại một chút để thật sự dành thời gian cho con cái. Bởi tuổi thơ con chỉ đến một lần - đó là quãng thời gian vô tư, hồn nhiên nhất, khi trẻ cần nhiều nhất sự yêu thương, thấu hiểu và nâng đỡ về mặt cảm xúc.
Cha mẹ có thể có nhiều thế giới riêng, nhưng với con, cha mẹ chính là cả thế giới tuổi thơ. Vì vậy, hãy kết nối với con bằng những khoảnh khắc thực sự chất lượng: lắng nghe bằng trái tim, đồng hành bằng sự kiên nhẫn và động viên bằng tình yêu thương vô điều kiện.
Trân trọng cảm ơn bà về những chia sẻ ý nghĩa!
(Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện)
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất