Công nghệ len lỏi vào từng mái nhà: Khi tổ ấm đối mặt với khoảng trống kết nối
Những chiếc điện thoại, máy tính bảng, mạng xã hội và trò chơi trực tuyến đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hiện đại. Tuy nhiên, làn sóng công nghệ đang âm thầm tạo ra những “khoảng trống cảm xúc” ngay trong chính các gia đình việt - nơi lẽ ra phải là chốn gắn bó và sẻ chia.
Làn sóng công nghệ len lỏi vào từng gia đình
Chị Phạm Thu Trang ở Cầu Giấy, Hà Nội - mẹ của hai con đang học tiểu học - thường xuyên đối mặt với một thực tế quen thuộc trong nhiều gia đình hiện đại. Cứ tan học về, hai bé nhà chị lại nhanh chóng “biến mất” vào phòng riêng, đóng cửa và đắm chìm vào thế giới ảo của iPad, điện thoại. Game và mạng xã hội dường như chiếm trọn sự chú ý của các con, khiến việc gần gũi, tâm sự với cha mẹ trở nên hiếm hoi. “Có lần tôi gõ cửa phòng con chỉ để hỏi con thích ăn gì, mà bị nhắc lại: Mẹ phải tôn trọng quyền riêng tư ạ”, chị Trang chia sẻ.
Trớ trêu thay, dù sống chung dưới một mái nhà, chị Trang nhiều khi lại phải kết nối với con qua tin nhắn, cuộc gọi hay mạng xã hội thay vì những cuộc trò chuyện trực tiếp. Không chỉ riêng nhà chị Trang, hiện tượng này đang diễn ra phổ biến trong nhiều gia đình ngày nay. Cảnh tượng cả nhà quây quần bên mâm cơm ngày càng hiếm hoi, thay vào đó là mỗi người một thiết bị, một thế giới riêng.
Theo báo cáo Digital Việt Nam 2025 của Are Social & Meltwater, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet và mạng xã hội cao nhất thế giới. Đáng chú ý, khảo sát năm 2022 của UNICEF cho thấy, 82% trẻ từ 12-13 tuổi sử dụng Internet hàng ngày, con số này tăng lên 93% ở nhóm 14-15 tuổi. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (trước đây) cũng cho biết, trẻ em Việt Nam hiện dành trung bình từ 5-7 giờ mỗi ngày cho mạng xã hội.

Thế giới ảo - mặt trái của tiện ích
Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, TS. Chuyên gia tâm lý Giang Thiên Vũ nhận định, công nghệ mang đến vô vàn tiện ích cho các gia đình ngày nay. Nhờ Internet, việc tìm kiếm thông tin, học hỏi phương pháp nuôi dạy con khoa học trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Bản thân trẻ em cũng được tiếp cận kho tàng kiến thức khổng lồ, những trò chơi giáo dục giúp rèn luyện tư duy, hay các ứng dụng nâng cao khả năng ngoại ngữ. Thậm chí, công nghệ còn là phương tiện hiệu quả để các thành viên gia đình giải tỏa căng thẳng, tìm kiếm phút giây thư giãn sau những giờ học tập, làm việc mệt mỏi.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, TS. Giang Thiên Vũ cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, công nghệ đang âm thầm tạo ra những khoảng trống trong chính mái ấm. Các cuộc trò chuyện trực tiếp giữa người thân dần thưa thớt, sự lắng nghe và sẻ chia giữa cha mẹ, ông bà, con cháu cũng vì thế mà mai một. Đáng lo ngại hơn, nhiều người đang cảm thấy lẻ loi ngay trong căn nhà của mình. Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều gia đình đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt thời gian dành cho nhau và sự bùng nổ của công nghệ càng làm trầm trọng thêm vấn đề tương tác trực tiếp.

Chuyển mình từ “giám sát” sang “đồng hành” cùng con
Trong kỷ nguyên số, việc bảo vệ và tăng cường gắn kết gia đình đòi hỏi một chiến lược thông minh hơn là cấm đoán. Theo TS. Giang Thiên Vũ, mấu chốt nằm ở việc tối ưu hóa cách chúng ta sử dụng Internet, khai thác hiệu quả những mặt tích cực mà môi trường mạng mang lại. Đặc biệt với trẻ em, cha mẹ cần chủ động giảm thiểu rủi ro, đồng hành và hướng dẫn các em sử dụng công nghệ một cách đúng đắn, thay vì chỉ đơn thuần kiểm soát.

Khi trẻ em ngày càng hình thành “bản ngã số” sớm, phương pháp kiểm soát áp đặt không những kém hiệu quả mà còn vô tình tạo ra khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Nuôi dạy thông minh trong bối cảnh này đòi hỏi người lớn phải chuyển vai từ “người giám sát” sang “người đồng hành” dựa trên ba nguyên tắc cốt lõi.
Thứ nhất, cha mẹ cần lắng nghe chủ động và không phán xét. Khi trẻ chia sẻ về những trải nghiệm tiêu cực trên mạng, điều các em cần là sự đồng cảm và thấu hiểu, chứ không phải là sự hoảng loạn hay trách móc từ người lớn.
Thứ hai, thay vì áp đặt, hãy để trẻ tham gia vào việc xây dựng thời gian biểu, giới hạn truy cập và các nguyên tắc sử dụng. Đây là cách hiệu quả để rèn luyện năng lực tự điều chỉnh cho trẻ.
Thứ ba, cha mẹ hãy giúp trẻ phát triển năng lực cảm xúc và kỹ năng xử lý tình huống. Không chỉ đơn thuần cảnh báo về bắt nạt mạng hay lạm dụng, phụ huynh nên cùng trẻ thực hành các kịch bản phản ứng cụ thể, ví dụ như: nên làm gì khi bị công kích trực tuyến, cách tìm người giúp đỡ đáng tin cậy.

Để hướng dẫn con sử dụng công nghệ thông minh thay vì kiểm soát cứng nhắc, cha mẹ và nhà trường có thể áp dụng các phương pháp nuôi dạy hiện đại. Điều này bao gồm việc dạy trẻ kỹ năng tìm kiếm và kiểm chứng thông tin, lồng ghép các bài học về tin giả và cách thuật toán đề xuất nội dung vào các môn học hoặc hoạt động ngoại khóa.
Tuy nhiên, điều tối quan trọng và là nền tảng cho mọi phương pháp trên chính là người lớn phải làm gương. Cha mẹ cần ý thức sâu sắc về vai trò của mình trong việc định hình nhận thức và hành vi của con cái trong thế giới số. Bằng cách thể hiện phong cách sống số có trách nhiệm, sử dụng công nghệ một cách chừng mực, lành mạnh và có mục đích, người lớn sẽ tạo ra một hình mẫu tích cực để con cái học hỏi và noi theo. Chính sự gương mẫu của cha mẹ sẽ là bài học trực quan và hiệu quả nhất, giúp con hình thành thói quen và thái độ đúng đắn khi tương tác với công nghệ.
(Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện).
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất