14:23 21/10/2022

Câu hỏi của trẻ 3 tuổi có đáng giá hay không?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam KA

Bắt nguồn từ sự ngây ngô, hiếu động, tò mò trong khoảng thời gian mới có nhận thức về thế giới, trẻ con sẽ không ngừng đặt câu hỏi về sự vận hành, tác động xoay quanh đời sống của chúng. Đối tượng giải đáp nhu cầu tìm hiểu của chúng chính là ông, bà, bố, mẹ,...

Khi trẻ mới lớn, các câu hỏi vì sao luôn hình thành, hiện hữu trong tiềm thức của các con cũng như nhu cầu tìm kiếm, thu thập và tiếp nhận thông tin từ mọi người, mọi vật xung quanh. Thực ra đây là cơ chế phát triển cơ bản của loài người, tuy nhiên chúng sẽ giảm dần đi khi con người tiến dần tới độ tuổi trưởng thành. 

Điều này không có nghĩa là khi càng lớn thì sẽ càng bớt tò mò về những điều mới lạ nữa, mà chúng ta sẽ tự tìm tòi, khám phá bằng những kỹ năng, tư duy được bố mẹ cung cấp từ khi còn nhỏ. Chính vì thế, giai đoạn đầu của sự phát triển được cho là cần thiết và tối quan trọng trong việc hình thành tư duy não bộ của trẻ cho những giai đoạn phát triển về sau. 

Đây là việc không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực kiên trì của riêng bố mẹ mà còn là trách nhiệm giáo dục của những người lớn xung quanh, làm gương cho trẻ, đặc biệt là các thầy/cô giáo. 

unnamed

Cách trả lời câu hỏi của trẻ 

1. Hãy lắng nghe

Trên thực tế, không phải người lớn nào cũng kiên nhẫn trả lời hết câu hỏi của trẻ. Bởi bản tính tò mò, trẻ em thường thắc mắc từ những việc nhỏ nhất hoặc một việc gây ra sự biến đổi trong quỹ đạo của chúng như “Tại sao lá cây có màu xanh”, “Tại sao bố mẹ lại đi làm”, “Tại sao con phải thường xuyên đánh răng”,... 

Hãy để con hoàn thành hết câu hỏi của mình. Người lớn có trách nhiệm giải thích cho con bằng những từ ngữ dễ hiểu, thông tin phải ngắn gọn, rõ ràng. Tuy nhiên, thông tin cung cấp phải phù hợp với từng lứa tuổi, bởi trẻ lên 3 khác với trẻ 13 tuổi. Điều quan trọng là người lớn phải kiên nhẫn đồng hành cùng con qua giai đoạn phát triển này. 

2. Cách tiếp cận phải khác nhau 

Người lớn không thể sử dụng một phương pháp giáo dục qua cả một quá trình phát triển mà phải lựa theo độ tuổi để thay đổi cách dạy trẻ sao cho hợp lý. Đối với những trẻ từ 5 tuổi trở lên, thay vì trả lời hết các câu hỏi, đưa trẻ vào thế thụ động, thì bố mẹ nên cùng trẻ tìm hiểu về đối tượng mà trẻ đang thắc mắc và hứa sẽ thưởng cho con sau khi con tự mình giải quyết xong vấn đề. Điều này sẽ tạo động lực để con tự do tìm hiểu, khám phá thế giới, giúp hình thành nên lối tư duy độc lập, sở thích đọc sách, kỹ năng diễn thuyết sau này. 

Đặc biệt, người lớn phải là một tấm gương cho trẻ em. Khi không biết, hãy thành thực với trẻ và cùng trẻ tìm hiểu. Tránh thái độ trì hoãn cung cấp câu trả lời, bởi một thông tin khi để lâu sẽ dần biến thành “tin nguội”, trẻ sẽ mất hứng thú và không có nhu cầu giải quyết thông tin đó nữa. 

Những câu trả lời đại khái, không đúng nội dung hoặc phớt lờ câu hỏi của trẻ sẽ ảnh hưởng đến tần suất đặt câu hỏi và cơ chế tiếp nhận thông tin sẽ trở nên hời hợt hơn. 

Tác hại của việc phớt lờ câu hỏi và áp đặt quan điểm lên trẻ 

Không phải người lớn nào cũng đủ sâu sắc, nhạy cảm nên việc thấu hiểu trẻ em là việc cực kỳ khó. Tuy nhiên, nếu bố mẹ nào cũng cho rằng bản thân không đủ kiên nhẫn trong việc trả lời các câu hỏi của trẻ mà không đồng hành cùng con trong những giai đoạn đầu, thì vô hình trung cha mẹ đang tự tạo ra những “sản phẩm” có xu hướng tâm lý tiêu cực. Nhiều lần phớt lờ trẻ sẽ khiến chúng cho rằng lời nói của mình là không có giá, không được bố mẹ quan tâm. Sau khi lớn lên, những đứa trẻ này dễ bị rơi vào trạng thái thụ động, chờ đợi người khác lên tiếng mà không dám đưa ra quan điểm của mình. 

Có rất nhiều phụ huynh mang trong mình tư tưởng áp đặt, thể hiện qua việc bỏ qua những câu hỏi, ý kiến của con nhưng lại hi vọng, mong chờ chúng phải sống tự lập, có chính kiến khi trưởng thành. Những đứa trẻ này hoàn toàn không được cha mẹ trang bị kiến thức cơ bản khi còn bé và bị ảnh hưởng bởi bản tính ích kỷ, áp đặt. Hoặc cũng bởi thế mà trẻ dễ bị bốc đồng, phản ứng thái quá với những quan điểm hay sự áp đặt không phù hợp với suy nghĩ của chúng. 

PGS.TS Bùi Thị Hồng Thái - Khoa Tâm lý, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, cho biết: "Cả hai hình thức thụ động và chống đối này đều thể hiện sự mất cân bằng tâm lý của trẻ và càng khiến các em tăng cường sự mất kết nối về mặt tâm lý với môi trường sống của mình, bất luận là trong gia đình hay tại trường học" (1).

unnamed (1)

Cùng con phát triển, vì con và vì một xã hội mai sau 

Sau khi đi qua giai đoạn của những câu hỏi, trẻ sẽ được phân loại theo 2 xu hướng: 

  • Độc lập tìm tòi 
  • Thụ động, tự ti 

Khi trẻ bắt đầu có ý thức, cha mẹ nên cho trẻ tham gia vào những công việc nhỏ nhất như tự xếp đồ chơi, làm việc nhà,... đồng thời tiếp thu, lắng nghe ý kiến đóng góp của con. Tất cả những hành động tưởng chừng như nhỏ bé nhưng lại tạo ra cho trẻ một môi trường sống lành mạnh, an toàn, cảm giác được tôn trọng. Trái thơm của những nỗ lực này chính là giúp con định hình được tính cách, giá trị của bản thân, nâng cao lòng tự trọng và hình thành phong cách sống độc lập, mạnh mẽ.

Không chỉ cha mẹ, thầy cô cũng nên tôn trọng ý kiến, quan điểm của trẻ. Họ cần chấp nhận những cái mới trong suy nghĩ của một thế hệ mới và sẵn sàng hướng dẫn nếu những quan điểm được đưa ra chưa phù hợp. 

Người lớn không nên chế giễu, áp đặt quan điểm cá nhân lên trẻ em. Cha mẹ cần kiểm soát lời nói lẫn hành động khi quan điểm giữa 2 bên không tương đồng, đồng thời hướng dẫn con nhận thức về cách bày tỏ quan điểm lành mạnh, không độc hại. 

Nếu làm được những điều như vậy, cha mẹ và thầy cô đang đóng góp tích cực vào việc phát triển tư duy hiện đại của thế hệ trẻ tương lai, xây dựng một hệ thống giáo dục cởi mở, thân thiện. 

Tài liệu tham khảo: 

(1): https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/dung-phot-lo-loi-tre-20211120222500111.htm

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận