Nhà giáo Nguyễn Văn Tám: “Lì xì ngày Tết là cơ hội vàng để dạy con thành người tử tế”
"Nếu nhìn sâu ở góc độ giáo dục thì cha mẹ sẽ nhận ra rằng, câu chuyện lì xì dịp Tết cổ truyền là một cơ hội vàng để dạy con trở thành người tử tế, có trách nhiệm với gia đình và xã hội", thầy Tám chia sẻ.
Bài viết này thuộc chuyên đề Cha mẹ có nên giữ tiền lì xì của con
Với chuyên đề "Cha mẹ có nên giữ tiền lì xì của con", Tạp chí Trẻ em Việt Nam hy vọng mang đến cho độc giả những góc nhìn nhân văn, đa chiều xung quanh câu chuyện lì xì ngày Tết.
LTS: Mỗi dịp Tết đến, chủ đề cha mẹ có nên giữ tiền lì xì của con luôn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Một số cha mẹ cho rằng, việc giữ tiền có thể giúp đảm bảo an toàn tài sản, thậm chí được dùng chi tiêu cho các việc của cá nhân hoặc gia đình. Ở chiều ngược lại, cũng có nhiều cha mẹ lại nhấn mạnh tính quan trọng của việc khuyến khích tính tự lập, trách nhiệm tài chính cho trẻ và không giữ tiền lì xì của con.
Với mong muốn có thêm nhiều góc nhìn đa chiều, tìm ra các giải pháp phù hợp cho chủ đề gây nhiều tranh cãi những năm vừa qua, Tạp chí Trẻ em Việt Nam khởi đăng tuyến bài "Cha mẹ có nên giữ tiền lì xì của con?".
Trân trọng gửi tới quý độc giả!
Dưới góc nhìn của một nhà giáo đã có hơn 30 năm gắn bó với giáo dục Thủ đô, thầy Nguyễn Văn Tám - Hiệu trưởng Trường THCS Lương Yên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ với Tạp chí Trẻ em Việt Nam những kinh nghiệm vô cùng quý giá về việc dạy con trẻ trở thành người tử tế, sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội, từ những phong bao lì xì ngày Tết.
Theo quan điểm của thầy, cha mẹ có nên giữ tiền lì xì Tết của con? Hướng xử lý tiền mừng tuổi của con nên làm như thế nào?
Nhà giáo Nguyễn Văn Tám: Tết cổ truyền của dân tộc ta có rất nhiều phong tục tốt đẹp hướng về nguồn cội, tạo ra một mối quan hệ gắn kết giữa gia đình, dòng họ, làng xã, hàng phố… Trong các phong tục đó, không thể không nói đến là tặng bao lì xì cùng những lời chúc của ông bà, cha mẹ, người thân cho con trẻ. Tuy nhiên, khá nhiều gia đình đang làm thiếu phần ngược lại là chưa dạy cho con trẻ biết được ý nghĩa sâu sắc của lì xì, đồng thời biết chuẩn bị để tặng và chúc sức khỏe cho ông bà, cha mẹ và người thân.
Vào dịp Tết đến, gia đình tôi đều hướng dẫn con chuẩn bị bao lì xì để chúc thọ, chúc sức khỏe và may mắn cho ông bà, cha mẹ, anh chị em họ hàng, người thân, bè bạn. Tất cả các thành viên trong gia đình tôi đều thực hiện điều này và trở thành truyền thống nhiều năm nay. Khi chúng ta duy trì điều này sẽ giúp con trẻ biết quan tâm chia sẻ và hơn hết là hiểu được đầy đủ về phong tục tặng và nhận bao lì xì ngày tết, làm cho phong tục này trở nên ý nghĩa và tốt đẹp hơn.
Quan điểm của tôi là không nên giữ tiền lì xì mà hãy giúp con biết cách lập phương án quản lý chi tiêu số tiền này, dạy con làm quen với quản lý tài chính cá nhân, xây dựng kế hoạch chi tiêu cho bản thân và gia đình. Cha mẹ cần quan tâm hướng dẫn, giám sát, góp ý thường xuyên và khi đứa trẻ được dạy cẩn thận thì sẽ chi tiêu không hoang phí, biết hình thành trách nhiệm với gia đình, người thân và cộng đồng ngay từ lúc còn nhỏ.
Thầy đã dạy các con (và học trò) cách sử dụng tiền hợp lý ra sao để không bị lãng phí, đồng thời biết quan tâm tới người thân, cộng đồng?
Nhà giáo Nguyễn Văn Tám: Từ nhiều năm trước đây khi các con còn nhỏ, tôi đã đồng hành cùng con xây dựng kế hoạch, quản lý, chi tiêu tiền mừng tuổi và các khoản tiền khác có được. Từ đó, con biết lập sổ ghi các khoản tiền có được, chi tiêu, theo dõi hàng tháng và tổng kết năm.
Tất nhiên là trong thời gian đầu, bố mẹ sẽ quan sát, góp ý giúp cho con để việc chi tiêu, quản lý tài chính cá nhân hợp lý, rồi dần dần con tự chủ được thì bắt đầu hướng dẫn con những việc lớn hơn phù hợp với độ tuổi. Ví dụ, có thể lập kế hoạch cho gia đình đi nghỉ hè đâu đó trong vài ngày hoặc tham gia một sự kiện nào đó có sử dụng kinh phí và các cháu đều làm rất tốt.
Từ lúc hai con gái của tôi học cấp hai, các cháu đã rất thành thạo trong quản lý chi tiêu cá nhân. Do đó, việc chi tiêu của con đều hợp lý, không hoang phí. Có những lần tôi đưa đi mua máy tính, mua xe, nhưng con nhất định chỉ mua những sản phẩm bằng nửa số tiền gia đình dự kiến cho phép và sử dụng suốt 3 năm THPT rồi tới khi vào đại học cũng nhất định không đổi.
Tôi đã từng chia sẻ nhiều về điều này với những người bạn và cha mẹ học sinh với mong muốn có thể gợi ý được kinh nghiệm giúp mỗi gia đình hướng dẫn các con thực hiện quản lý tài chính cá nhân. Bởi vì khi đứa trẻ được dạy cẩn thận từ nhỏ giống như chăm cây non, bao giờ cũng tốt hơn là bỏ mặc cho phát triển tự nhiên.
Theo thầy, cha mẹ minh bạch trong việc sử dụng tiền lì xì có ảnh hưởng như thế nào đến niềm tin và khả năng quản lý tài chính sau này của trẻ?
Nhà giáo Nguyễn Văn Tám: Về việc này có nhiều luồng thông tin, trong đó có nhiều cha mẹ quản lý (có khi còn gọi là thu) tiền lì xì của con với nhiều lý do của người lớn. Theo cá nhân tôi, việc này có thể làm cho sai lệch ý nghĩa của phong bao lì xì. Con trẻ sẽ hiểu sang khía cạnh đi nhận tiền cho cha mẹ.
Tuy nhiên, nếu buông xuôi để con trẻ giữ tiền lì xì mà không có hướng dẫn, định hướng, thậm chí quy định các mục được chi tiêu thì cũng có thể làm hư trẻ vì tiêu tiền không đúng mục đích.
Với kinh nghiệm cá nhân, tôi xin chia sẻ với các bậc cha mẹ hãy chọn cách xây dựng kế hoạch chi tiêu, kế hoạch tiết kiệm tiền mừng tuổi và quy định các mục chi tiêu mà con trẻ được phép như: Chi dùng cá nhân, tiết kiệm dự phòng khi rủi ro, phần làm từ thiện… Qua đó, sẽ giúp cho trẻ hình thành thói quen biết quản lý tài chính cá nhân và có cơ hội chia sẻ, trưởng thành.
Những điều tôi chia sẻ ngày hôm nay có lẽ đâu đó cũng đã từng có người nhắc đến. Thường thì chúng ta nói với nhau vài câu thoáng qua tưởng chừng rất nhỏ, nhưng kỳ thực nếu nhìn sâu hơn ở góc độ giáo dục một đứa trẻ, sẽ nhận ra rằng, đây là cơ hội vàng để dạy con trở thành người tử tế, có trách nhiệm với gia đình và xã hội.
Trân trọng cảm ơn chia sẻ của nhà giáo Nguyễn Văn Tám. Kính chúc thầy cùng gia đình đón Xuân Ất Tỵ an khang, hạnh phúc!
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất