06:05 06/01/2025

Dạy con quản lý tiền lì xì thông minh: CEO Landora Group tiết lộ bí quyết gồm hai từ đắt giá

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Kiều Minh

CEO Landora Group Nguyễn Thị Trúc Quỳnh đã đúc kết được 2 từ khoá đắt giá giúp con trưởng thành trong quản lý tài chính ngay từ số tiền mừng tuổi mà con nhận được mỗi dịp Tết đến xuân về.

Bài viết này thuộc chuyên đề Cha mẹ có nên giữ tiền lì xì của con

Với chuyên đề "Cha mẹ có nên giữ tiền lì xì của con", Tạp chí Trẻ em Việt Nam hy vọng mang đến cho độc giả những góc nhìn nhân văn, đa chiều xung quanh câu chuyện lì xì ngày Tết.

Xem thêm

LTS: Mỗi dịp Tết đến, chủ đề cha mẹ có nên giữ tiền lì xì của con luôn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Một số cha mẹ cho rằng, việc giữ tiền có thể giúp đảm bảo an toàn tài sản, thậm chí được dùng chi tiêu cho các việc của cá nhân hoặc gia đình. Ở chiều ngược lại, cũng có nhiều cha mẹ lại nhấn mạnh tính quan trọng của việc khuyến khích tính tự lập, trách nhiệm tài chính cho trẻ và không giữ tiền lì xì của con.

Với mong muốn có thêm nhiều góc nhìn đa chiều, tìm ra các giải pháp phù hợp cho chủ đề gây nhiều tranh cãi những năm vừa qua, Tạp chí Trẻ em Việt Nam khởi đăng tuyến bài "Cha mẹ có nên giữ tiền lì xì của con?".

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

Tết đến, không khí rộn ràng của những ngày đầu năm luôn gắn liền với phong tục lì xì. Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Tạp chí Trẻ em Việt Nam, bà Nguyễn Thị Trúc Quỳnh - Tổng Giám đốc Landora Group, đã chia sẻ kinh nghiệm của mình về câu chuyện tiền lì xì ngày Tết, đồng thời gửi gắm những bài học ý nghĩa cho con trẻ từ phong tục này.

Đặc biệt, "minh bạch" và "tôn trọng" quyền sở hữu của trẻ là hai từ khoá đắt giá mà bà Nguyễn Thị Trúc Quỳnh đúc rút được trong quá trình đồng hành cùng con quản lý tiền lì xì.

Chị Quỳnh Landora Gro

"Cha mẹ nên minh bạch, tôn trọng quyền sở hữu của trẻ, đồng hành cùng con lập kế hoạch chi tiêu"

Theo quan điểm của bà, cha mẹ có nên giữ tiền lì xì Tết của con? Hướng xử lý tiền mừng tuổi của con như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Trúc Quỳnh: Cá nhân tôi cho rằng, ai làm cha mẹ thì trước đó cũng có một thời làm trẻ con, đều háo hức, hân hoan mỗi dịp Tết đến xuân về, được sắm sửa quần áo mới, quây quần bên gia đình, thưởng thức những bữa ăn ngon và mừng rỡ mỗi khi được nhận tiền lì xì mừng tuổi.

Theo tôi, tiền lì xì Tết là "tiền may mắn" và mang ý nghĩa đặc biệt đối với trẻ. Việc cha mẹ giữ tiền lì xì của con hay không phụ thuộc vào độ tuổi, nhận thức và khả năng quản lý tiền bạc của trẻ. Nếu con còn quá nhỏ, cha mẹ có thể giữ hộ, ghi lại số tiền để sau này trao lại cho con.

Cha mẹ nên minh bạch và tôn trọng quyền sở hữu của trẻ. Hãy giải thích rõ lý do và cách sử dụng tiền, khuyến khích trẻ tham gia quyết định, từ đó giúp trẻ học quản lý tài chính và phát triển trách nhiệm. Ví dụ, cha mẹ có thể cùng con thảo luận cách chia nhỏ tiền lì xì thành các phần như tiết kiệm, chi tiêu, và làm từ thiện.

Với các con mình, tôi dạy con cách tiết kiệm và chi tiêu hợp lý. Chẳng hạn, các con có thể bỏ tiền vào heo đất để tích lũy. Khi muốn mua món đồ yêu thích hoặc đắt tiền, các con sẽ sử dụng số tiền này, học cách lập kế hoạch tài chính và đưa ra quyết định có trách nhiệm.

Nếu cha mẹ thu hết tiền, trẻ có thể cảm thấy mất quyền kiểm soát và dẫn đến hành vi tiêu cực như giấu giếm hoặc chống đối. Thay vào đó, cha mẹ có thể thương lượng với trẻ, lập danh sách các khoản chi tiêu cần thiết trong năm và phân bổ tiền phù hợp theo từng tháng.

Quan trọng nhất, cha mẹ cần giải thích và cùng con thảo luận về giá trị của tiền bạc, ý nghĩa của việc tiết kiệm và chi tiêu đúng mục đích. Điều này giúp trẻ hình thành kỹ năng tài chính từ sớm, chuẩn bị cho tương lai.

Bà đã và sẽ dạy các con cách sử dụng tiền hợp lý ra sao để không bị lãng phí, đồng thời biết quan tâm tới người thân và cộng đồng?

Bà Nguyễn Thị Trúc Quỳnh: Theo tôi, việc dạy trẻ cách sử dụng tiền một cách hợp lý và ý thức về việc giúp đỡ người khác là một bài học quan trọng và lâu dài. Tôi cho rằng con cái là tấm gương phản chiếu lại những hình ảnh của cha mẹ, trẻ thường học theo các hành vi của cha mẹ, vì vậy các bậc cha mẹ phải luôn luôn gương mẫu làm gương cho trẻ. Bản thân cá nhân tôi luôn có một bảng chi tiêu tài chính rõ ràng hợp lý trong gia đình từng tuần từng tháng và tôi cũng luôn trò chuyện với các con của mình về vấn đề này.

Tôi muốn con hiểu rằng, tiền không tự nhiên có, mà cần làm việc chăm chỉ để kiếm được. Từ những khoản tiền nhỏ như tiền tiêu vặt hoặc tiền lì xì, tôi hướng dẫn các con lập kế hoạch chi tiêu, ví dụ mua sách, đồ dùng học tập, hoặc dành một phần để quyên góp giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Những hoạt động như vậy vừa giúp con nhận thức giá trị của đồng tiền vừa phát triển lòng nhân ái và trách nhiệm.

Bên cạnh đó, gia đình tôi thường tổ chức những chuyến đi từ thiện hoặc về quê thăm họ hàng. Qua những trải nghiệm thực tế này, các con học được cách quan tâm đến người khác, biết ơn và trân trọng cuộc sống. Khi các con có những hành vi tốt, tôi luôn khích lệ và khen ngợi, tạo động lực để con tiếp tục phát huy.

lì xì tết
Gia đình bà Trúc Quỳnh đặc biệt quan tâm tới việc dạy các con quan tâm tới người thân và cộng đồng (Ảnh: NVCC).

"Tôi khuyến khích các con lan toả yêu thương từ tiền lì xì"

Được biết, bà cùng với gia đình bà đã tham gia nhiều hoạt động từ thiện không? Bà dạy con điều gì qua các hoạt động đó?

Bà Nguyễn Thị Trúc Quỳnh: Gia đình tôi và các con thường xuyên tham gia vào các hoạt động từ thiện. Tôi luôn dạy các con mình, việc làm từ thiện phải luôn luôn xuất phát từ cái tâm trong sáng, không vụ lợi, không mưu cầu, và nên làm từ thiện một cách đúng đắn thông minh.

Các con may mắn hơn những bạn nhỏ khác, khi các con được sinh ra trong một gia đình no đủ hạnh phúc, nhưng xã hội còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Làm từ thiện giúp đỡ mọi người cũng là giúp đỡ cho chính bản thân mình được sống 

Qua các hoạt động từ thiện, tôi muốn các con học được lòng nhân ái, sự biết ơn, và trách nhiệm xã hội. Khi trẻ tự tay đóng gói quà hoặc trao tận tay những món quà cho người khó khăn, các con sẽ cảm nhận rõ ý nghĩa của việc cho đi. Tôi cũng khuyến khích các con chia sẻ những ý tưởng mới về cách giúp đỡ cộng đồng, từ đó phát triển kỹ năng làm việc nhóm, tư duy sáng tạo và khả năng giao tiếp. Những giá trị này không chỉ giúp ích cho các con trong hiện tại mà còn là hành trang quý báu cho tương lai.

Theo bà, tiền lì xì của con là tiền của con hay cha mẹ? Và việc cha mẹ minh bạch trong việc sử dụng tiền lì xì của con có ảnh hưởng như thế nào đến niềm tin và khả năng quản lý tài chính sau này của trẻ?

Bà Nguyễn Thị Trúc Quỳnh: Tiền lì xì thực chất là món quà may mắn mà trẻ nhận được từ người thân và bạn bè, nên nhiều người cho rằng, đó là tài sản riêng của trẻ và cần được sử dụng hoặc tiết kiệm vì lợi ích của trẻ. 

Minh bạch trong quản lý và sử dụng tiền lì xì đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng niềm tin cũng như khả năng quản lý tài chính của trẻ. Khi cha mẹ giải thích rõ lý do và cách sử dụng số tiền, trẻ sẽ cảm thấy được tôn trọng và tin tưởng. Sự minh bạch này không chỉ giúp trẻ hiểu rằng tiền bạc cần được sử dụng có kế hoạch, mà còn dạy trẻ cách tiết kiệm, chi tiêu đúng đắn và thậm chí cân nhắc đầu tư.

Ngoài ra, khi trẻ được tham gia vào quá trình quyết định sử dụng tiền lì xì, các con học được cách chịu trách nhiệm với những lựa chọn của mình. Điều này không chỉ phát triển kỹ năng quản lý tài chính mà còn tăng cường sự tự tin và tính độc lập của trẻ. Sự đồng hành của cha mẹ trong việc quản lý tiền lì xì còn gửi đi thông điệp, quyền sở hữu của trẻ được tôn trọng, từ đó xây dựng mối quan hệ gắn bó và bền vững trong gia đình.

tiền lì xì
"Ngoài việc dùng tiền lì xì cho các việc cá nhân, tôi muốn hướng con dùng lì xì để từ thiện, giúp đỡ các bạn yếu thế", Tổng Giám đốc Landora Group chia sẻ (Ảnh: NVCC).

Trong những dịp đặc biệt như Tết, bà có quy tắc hay thói quen nào để giúp các con hiểu rằng tiền lì xì không chỉ mang ý nghĩa vật chất mà còn là tình cảm và lời chúc từ người thân?

Bà Nguyễn Thị Trúc Quỳnh: Đúng vậy, tiền lì xì không đơn thuần là giá trị vật chất mà còn chứa đựng tình cảm và những lời chúc tốt đẹp từ người tặng. Để các con thấu hiểu câu chuyện tiền lì xì ngày Tết, tôi luôn dành thời gian giải thích cho các con về nguồn gốc và ý nghĩa của phong tục lì xì, nhấn mạnh rằng mỗi phong bao là lời chúc sức khỏe, may mắn và hạnh phúc từ người tặng. Tôi cũng khuyến khích các con bày tỏ lời cảm ơn chân thành khi nhận lì xì, để trẻ học cách trân trọng tình cảm và công sức của người khác.

Mỗi dịp Tết, gia đình tôi có thói quen quây quần mở lì xì cùng nhau, chia sẻ niềm vui và những lời chúc trong không khí ấm cúng. Trong những câu chuyện bên gia đình, tôi thường kể cho các con nghe về các phong tục truyền thống, giá trị của việc đoàn tụ và gắn bó. Điều này giúp các con hiểu rằng Tết không chỉ là dịp nhận lì xì mà còn là cơ hội để kết nối, tri ân và chia sẻ niềm vui với những người thân yêu.

Bên cạnh đó, tôi cũng dạy các con chia sẻ một phần tiền lì xì để giúp đỡ những người khó khăn, từ đó trẻ học được giá trị của sự cho đi và biết trân trọng những gì mình đang có. Trong những cuộc trò chuyện, tôi luôn nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất trong dịp Tết không phải là số tiền trong phong bao, mà là tình cảm, kỷ niệm và giá trị gia đình gắn liền với từng lời chúc và món quà. Những giá trị nhân văn, truyền thống và tình cảm này chính là điều tôi mong các con sẽ trân trọng và mang theo suốt đời.    

Chúc bà cùng gia đình đón mùa xuân luôn tràn ngập yêu thương và hạnh phúc!

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận