Cha mẹ cần làm gì khi trẻ nghiện điện thoại?
Xã hội ngày càng phát triển, việc trẻ em sử dụng điện thoại thông minh đã không còn xa lạ. Tuy nhiên, việc quá lạm dụng đã khiến không ít trẻ bị nghiện điện thoại và dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc.
Những hệ lụy có thể gặp khi trẻ nghiện điện thoại
Nguy cơ mắc các bệnh về mắt
Đối với các thiết bị thông minh như điện thoại, ipad, máy tính đều tạo ra bức xạ HEV hay còn gọi là ánh sáng xanh. Trong khi đó mắt của trẻ nhỏ còn yếu nên sẽ dễ bị những bức xạ này tác động.
Khi xem điện thoại, mắt của trẻ phải xử lý quá nhiều thông tin từ hình ảnh, video,… chuyển động liên tiếp trên màn hình. Do đó nếu như sử dụng điện thoại quá lâu sẽ khiến trẻ xuất hiện tình trạng trẻ mỏi mắt, nhức mắt, khô mắt thêm vào đó là suy giảm thị lực và dễ mắc các bệnh về mắt. Không chỉ vậy, đèn flash của điện thoại cũng có thể là tác nhân khiến mắt trẻ bị tổn thương một cách nghiêm trọng. Nhất là khi chụp ảnh cho trẻ mà quên không tắt đèn flash thì rất có thể khiến bé đối diện với nguy cơ đau nhức, và mờ dần theo thời gian.
Trẻ gặp vấn đề về xương khớp
Khi sử dụng điện thoại, hầu hết trẻ đều ngồi bất động sai tư thế. Điều này là một trong những nguyên nhân khiến trẻ có thể gặp phải bệnh lý về xương khớp trong tương lai như đau nhức cổ, vai gáy, lệch cột sống…
Bên cạnh đó, khi trẻ sử dụng ngón tay bấm bàn phím liên tục cũng có thể khiến cho xương ngón tay, bàn tay cũng bị tổn thương không nhỏ, bởi lúc này xương khớp của trẻ vẫn chưa phát triển hoàn thiện.
Trẻ bị rơi vào tiêu cực và trầm cảm
Ngoài những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, việc trẻ nghiện điện thoại còn có nguy cơ dẫn đến những tác động nghiêm trọng về tinh thần. Bức xạ được phát ra từ điện thoại gây ra sự căng thẳng thần kinh não, tạo nên cảm giác hồi hộp, lo âu. Bên cạnh đó, sử dụng điện thoại quá nhiều khiến trẻ cô lập với những người xung quanh, dần dần dẫn đến trầm cảm.
Các nghiên cứu khoa học đã khẳng định dành thời gian quá nhiều cho smartphone là nguyên nhân tiêu biểu nhất gây ra trầm cảm thời gian gần đây. Trẻ em sử dụng điện thoại để chơi game, hoạt động giải trí còn có thể gây ra hội chứng bạo lực internet, hay thậm chí là tự tử.
Theo bác sỹ nhi Michael Cheng tại Ontario, Canada, các thiết bị điện tử khiến não bộ sớm nghiện dopamine, chất hóa học tạo cảm giác vui sướng. Kích thích liên tục từ màn hình khiến não tiết ra quá nhiều dopamine và adrenaline, vì thế smartphone dễ gây nghiện.
Hiệp hội Nhi khoa Canada khuyến nghị cha mẹ chỉ nên cho trẻ 4-6 tuổi sử dụng điện thoại thông minh trong 1h. Đồng thời, cha mẹ nên cảnh giác với những nội dung không phù hợp với lứa tuổi trên YouTube. Nguy hiểm nhất là khi cha mẹ trông con bằng smartphone mà không quản lý nội dung trẻ tiếp thu.
Cha mẹ cần làm gì khi trẻ nghiện điện thoại
Trong quá trình cha mẹ có thể sẽ phát hiện được trẻ nghiện điện thoại thông qua những dấu hiệu sau:
- Trẻ luôn nghĩ về game, internet, mạng xã hội, lúc nào cũng tìm tòi để chơi và sử dụng.- Cảm thấy bồn chồn, ủ rũ, khó chịu hoặc dễ bị kích thích khi giảm thời gian, không được chơi hay không được sử dụng.
- Sa sút học tập, giảm chất lượng cuộc sống, mất dần các mối quan hệ ý nghĩa do dành nhiều thời gian cho game, internet và mạng xã hội (không quan tâm đến người xung quanh, thu hẹp giao tiếp với mọi người)
- Chơi game, sử dụng internet hoặc mạng xã hội quá 6 giờ/ ngày (nghiện).
“Thế giới ảo” rất có thể dần thay thế “cuộc sống thật” và gây ra các vấn đề về sức khỏe, học tập cũng như các vấn đề về trạng thái như: căng thẳng, trầm cảm, lo âu hay rối loạn giác ngủ.
Cha mẹ cần làm gì?
Thật sự là không dễ dàng từ bỏ điện thoại, máy tính bảng vì trẻ vẫn cần nó để học tập, liên lạc với bạn bè... Vậy cần kiểm soát việc sử dụng điện thoại như thế nào?
Cha mẹ hãy đặt mục tiêu cho việc sử dụng điện thoại: Chỉ sử dụng điện thoại trong học tập, với một thời gian nhất định và thời điểm nhất định trong ngày.
Tắt điện thoại vào thời gian nhất định trong ngày; ví dụ khi đi tập thể dục, khi ăn, khi chơi với bạn bè, không mang điện thoại khi đi tắm hay đi vệ sinh…
Không mang điện thoại hoặc máy tính bảng khi đi ngủ: Ánh sáng xanh của màn hình điện thoại có thể làm gián đoạn giấc ngủ của trẻ nếu trẻ sử dụng nó trong thời gian hai giờ trước khi đi ngủ, tắt điện thoại và để điện thoại sạc ở phòng khác.
Thay vì đọc sách trên điện thoại, cho trẻ đọc sách giấy, sẽ tốt hơn cho giấc ngủ.
Thay việc sử dụng điện thoại bằng các hoạt động lành mạnh ví dụ như đọc sách, đi bộ, tập thể dục, gặp bạn bè…
Gỡ bỏ các phần mềm ứng dụng ở điện thoại, đặc biệt những ứng dụng trò chơi làm trẻ ham mê.
Đặc biệt cha mẹ nên dành thời gian để vui chơi, học tập cùng trẻ, giúp trẻ không có thời gian tiếp xúc với điện thoại hay máy tính bảng.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất