07:56 28/08/2022

Cha mẹ đồng hành cùng con sử dụng mạng xã hội an toàn

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Phạm Lan

Ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, nhiều kẻ xấu đã lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dùng mạng xã hội, đặc biệt là trẻ em đang ở tuổi hiếu kỳ, thích khám phá để dụ dỗ, lôi kéo các em  trao đổi các hình ảnh, clip nhạy cảm nhằm mục đích để tống tiền, chat sex.

Trẻ dễ bị dụ dỗ trên không gian mạng

Vào cuối tháng 6/2022, Công an tỉnh Bình Phước đã bắt giữ Hoàng Trung Kiên (17 tuổi, trú tại xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn) do ép buộc bé gái tên B (13 tuổi, ở huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) chat sex có trả phí qua dịch vụ gọi video Facebook Messenger.

Trong thời gian bị Kiên khống chế, cháu B phải thực hiện hàng chục cuộc gọi video trong tình trạng khỏa thân với các đối tượng có nhu cầu chat sex, mỗi cuộc gọi kéo dài từ 15-30 phút và được trả phí bằng thẻ cào điện thoại mệnh giá 50.000 hoặc 100.000 đồng, tùy thời lượng cuộc gọi.

Phát hiện con gái có biểu hiện bất thường, gia đình gặng hỏi thì em B. mới tiết lộ sự việc. Gia đình sau đó trình báo cơ quan công an.

Ngoài cháu B, Kiên còn dụ dỗ, ép buộc 2 bé gái 13 tuổi khác ở Kiên Giang và Lạng Sơn thực hiện hành vi trên.

chat-sex-7577
Các nhóm “chat sex” trên không gian mạng và đối tượng Hoàng Trung Kiên

Trước đó, nữ sinh T (ở Kon Tum) đã tham gia chơi game nhận quà là điện thoại iPhone 13 trên mạng . Sau khi liên hệ, T bị một đối tượng dụ dỗ quay clip nhạy cảm để nhận thưởng. Có clip, đối tượng đã chặn mọi liên lạc và dùng clip này để đe dọa, tống tiền T.

Sau khi nhận được thông tin, lực lượng công an đã vào cuộc điều tra, bắt giữ đối tượng Võ Huỳnh Thiện Tâm (19 tuổi, trú tại Đồng Tháp) và phát hiện trong tài khoản Facebook của đối tượng có tin nhắn tống tiền, ngoài clip của T còn nhiều clip khác.

Cần có sự đồng hành của cha mẹ

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH cho biết, Bộ đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Bộ quy tắc ứng xử bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và Cẩm nang số về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; xử lý kịp thời, quyết liệt đối với các hành vi vi phạm, các thông tin xấu, độc trên các mạng xã hội và kiên quyết yêu cầu những đơn vị này gỡ bỏ thông tin vi phạm, điển hình như: TIMMY TV, Thơ Nguyễn, Thuận Sanh Office, Team 2K9…

Trao đổi về hiện trạng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Theo khảo sát mới đây, trẻ em sử dụng mạng internet ngày càng nhiều. Ngoài thời gian dành cho việc học, trung bình trẻ em thường sử dụng từ 5 - 7 tiếng/ngày vào mạng xã hội.

“Thống kê từ tổng đài Bảo vệ trẻ em 111, các cuộc gọi tư vấn, hỗ trợ liên quan đến không gian mạng tăng trong thời gian gần đây. Cụ thể năm 2021 có 422 cuộc gọi, trong 7 tháng đầu năm có 266 cuộc gọi. Nhiều cuộc gọi liên quan đến tư vấn, hỗ trợ liên quan đến vấn đề xâm hại tình dục liên quan đến môi trường mạng”, bà Nguyễn Thị Nga cho biết.

Khảo sát của Cục Trẻ em và một số tổ chức quốc tế cho thấy, hầu hết việc biết kỹ năng bảo vệ trẻ em trên mạng là do tự tìm hiểu trên mạng hoặc truyền tai nhau. Còn giáo dục bài bản gần như chưa có.

Theo bà Nga, trong bối cảnh hiện nay, để giúp trẻ sử dụng internet được an toàn, cần có sự đồng hành của cha mẹ, nhà trường và cộng đồng.

tre
Các bậc cha mẹ, gia đình cần tìm hiểu, chia sẻ và hướng dẫn con em mình sử dụng mạng xã hội. Ảnh: Internet

Phân tích các vụ việc trên, ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết: Hiện nay, mạng xã hội đang phát triển tràn lan khó kiểm soát. Nhiều kẻ xấu đã lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dùng mạng xã hội, đặc biệt là trẻ em đang ở tuổi hiếu kỳ, thích khám phá để dụ dỗ, lôi kéo các em  trao đổi các hình ảnh, clip nhạy cảm nhằm mục đích để tống tiền, chat sex.

Do các em còn non nớt, suy nghĩ chưa chín chắn, không lường được tác hại, và thiếu kỹ năng, kinh nghiệm sử dụng mạng xã hội. Các em hầu như không biết rằng, đối tượng đã lưu trữ lại tất cả những hình ảnh khỏa thân đó để sử dụng vào mục đích xấu xa, để khống chế, ép buộc các em tham gia vào các hành vi đồi bại.

Theo Phó Chủ tịch Hà Đình Bốn, để hạn chế những hậu quả đáng tiếc xảy ra, các bậc cha mẹ, các gia đình cần tìm hiểu, chia sẻ và hướng dẫn con em mình sử dụng Internet, vào mạng xã hội một cách an toàn. Đặc biệt, phải dạy trẻ nhận biết tác hại, mặt trái của mạng xã hội, luôn cảnh giác với kẻ xấu, không giao lưu, kết bạn với người lạ, tránh xa các nội dung xấu độc, không tham gia, chia sẻ các hội nhóm lạ, có hành vi khiêu dâm.

Chắc hẳn các bậc cha mẹ cảm thấy không yên tâm khi không biết con mình làm gì trên mạng, song đó là công nghệ hiện đại các em cần phải tiếp cận phục vụ cho học tập và phát triển tư duy, cha mẹ không nên can thiệp thô bạo hoặc quá sâu vào việc của các em. Cha mẹ nên khéo léo chia sẻ, động viên các em nói ra mong muốn cũng như những gì nhận thấy qua mạng xã hội, để định hướng, kiểm soát tế nhị, uốn nắn kịp thời hành vi lệch lạc của con em.

Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ có kỹ năng, hiểu biết về công nghệ thông tin, những độc hại, mặt trái của công nghệ thông tin, mạng xã hội để quản lý, giáo dục con em.

Nhà trường đưa chương trình giáo dục kỹ năng, cách thức xử lý thông tin, tiếp cận thông tin, những tình huống xảy ra trong thực tiễn để các em phòng tránh.

Các cơ quan chức năng có các giải pháp đồng bộ để ngăn ngừa, phát hiện xử lý thật nghiêm minh đối với những kẻ có hành vi lợi dụng công nghệ, mạng xã hội để lừa dối, bóc lột, xâm hại tình dục trẻ em…

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận