22:29 28/04/2023

Cần có 'vaccine' bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Tuệ Anh

Theo Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, có hơn 48% thanh thiếu niên đã từng bị bắt nạt trên môi trường mạng và hơn 13% trẻ em buộc phải tiếp xúc không mong muốn với các hình ảnh, thông tin có tính khiêu dâm.

Sáng ngày 28/4, Cục Trẻ em - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã phối hợp với Báo Đại biểu Nhân dân và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm với chủ để “Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”.

Tham dự tọa đàm có sự hiện diện của các khách mời: Bà Nguyễn Thị Mai Thoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; bà Leo Thị Lịch - Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) và đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), Văn phòng UNICEF khu vực Đông Á và Thái Bình dương, Báo Đại biểu Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam. 

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý Phát triển bền vững, có khoảng 96,9% trẻ em Việt Nam sử dụng internet. Cùng với đó, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam Bộ TT&TT cho biết, có hơn 48% thanh thiếu niên từng bị bắt nạt trên không gian mạng, hơn 13% trẻ em buộc phải tiếp xúc không mong muốn với các hình ảnh, thông tin có tính khiêu dâm.

Chỉ tính riêng trong năm 2022, Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 419 cuộc gọi báo cáo về hoạt động xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. 

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Mai Thoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, hiện nay, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được quy định trong Luật Trẻ em, Luật An toàn thông tin mạng, Nghị quyết 121/2020 Quốc hội khóa 14 và Quyết định 830/QĐ - TTg ngày 1/6/2021.

"Tuy nhiên, các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng ở nước ta vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ. Quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các ngành, các cấp, đơn vị cung cấp dịch vụ trực tuyến về phòng ngừa, bảo vệ khẩn cấp trẻ em bị xâm hại, bóc lột trên môi trường mạng còn chưa cụ thể rõ ràng. Thực tế này đòi hỏi cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng", bà Thoa nhấn mạnh. 

Nguồn: Thế Anh - Bá Lập - Thu Hiền

Truyền hình Vì trẻ em

Cũng trong khuôn khổ buổi tọa đàm, bà Leo Thị Lịch - Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nêu ý kiến, tỉ lệ phủ sóng internet tại miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang ngày càng tăng cao. Tuy nhiên trẻ em ở khu vực này chưa được quan tâm bảo vệ trước nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng.

"Điển hình là vụ việc gần đây xảy ra ở Lục Ngạn - Bắc Giang, một nữ sinh lớp 6 quen biết, nảy sinh tình cảm với bạn trai qua mạng xã hội, dẫn đến mang thai và tự sinh con trong nhà tắm mà gia đình không hề hay biết", bà Lịch cho biết.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em nhấn mạnh, hiện nay trẻ em đã trở thành đối tượng để nhóm tội phạm trên không gian mạng lợi dụng nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

"Trẻ em có nguy cơ cao rơi vào cạm bẫy của các nhóm đối tượng tội phạm mạng. Do vậy, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là việc làm cấp bách. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục trẻ em trở thành những công dân số.

Các em cần được giáo dục, trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng an toàn, biết tự bảo vệ mình trước sự tấn công của tội phạm mạng. Đó là những liều vaccine số hữu hiệu bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng", Cục trưởng Đặng Hoa Nam thông tin. 

Để hoàn thiện pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử.

Trong đó nhấn mạnh trách nhiệm bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên trên môi trường mạng là biện pháp quan trọng để phát triển internet đồng thời bổ sung các quy định về quản lý mạng xã hội, thời gian sử dụng mạng xã hội của trẻ em, quy định về cảnh báo thông tin độc hại với trẻ em, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục trong việc ngăn chặn thông tin độc hại, giám sát, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận