Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nỗ lực phấn đấu nâng tầm vị thế và sự phát triển vì quyền trẻ em Việt Nam
Trước những chia sẻ của Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam và bà Nguyễn Thị Bích Liên - Giám đốc quốc gia tổ chức ChildFund Việt Nam, Chủ tịch Hội Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa khẳng định, trong thời gian tới, Hội sẽ phấn đấu nâng tầm phát triển.
Bài viết này thuộc chuyên đề Kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam
Trong 15 năm qua, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng, thúc đẩy sứ mệnh thực hiện quyền trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em Việt Nam được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, phát triển hài hòa.
Chiều 7/4, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (BVQTEVN) đã tổ chức buổi gặp mặt nhân dịp Kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Hội BVQTEVN (8/4/2008 - 8/4/2023).
Buổi gặp mặt diễn ra trong không khí đầm ấm cùng 2 chủ đề giao lưu. Sau phiên tọa đàm: “Hồi ức về những năm đầu thành lập Hội BVQTEVN”, chương trình tiếp nối với tọa đàm thứ 2 với chủ đề: “Hội BVQTEVN - Khẳng định vị thế và sự phát triển vì quyền trẻ em Việt Nam”.
Tọa đàm có sự tham gia của bà Nguyễn Thị Thanh Hoà - Nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội BVQTEVN, Nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - LĐ-TB&XH), bà Nguyễn Thị Bích Liên - Giám đốc quốc gia tổ chức ChildFund Việt Nam (CFVN).
“HỘI BVQTEVN LÀ CÁNH TAY NỐI DÀI,
ĐỒNG HÀNH CÙNG CÁC CƠ QUAN QUẢN LÍ NHÀ NƯỚC”
Mở đầu phiên toạ đàm, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em chia sẻ: “Trước khi nói câu chuyện của hiện tại và tương lai, cho phép tôi được nhắc lại thời điểm cách đây 15 năm. Qua câu chuyện của TS. Trần Thị Thanh Thanh, bà Ninh Thị Hồng, ông Đặng Quốc Tiến, chúng ta đã có được bức tranh tổng quát về những ngày đầu Hội BVQTEVN ra đời. Khi đó, tôi cũng là một trong những thành viên tham gia vào Ban vận động thành lập Hội”.
Trước câu hỏi, trong thời gian tới, Cục trưởng sẽ tham mưu Bộ LĐ-TB&XH hỗ trợ, tạo điều kiện thế nào để Hội BVQTEVN thực hiện tốt các nhiệm vụ theo quy định, ông Đặng Hoa Nam cho biết: “Như TS. Trần Thị Thanh Thanh chia sẻ, Hội BVQTEVN tiếp cận dựa trên quyền trẻ em. Thời gian gần đây, chúng ta đang nỗ lực giải quyết những vấn đề nóng của xã hội, đó là bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em.
Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 được Đại hội Đảng XIII thông qua, vấn đề được tiếp cận rộng hơn, chiến lược hơn đó là phát triển toàn diện cho trẻ em để các quyền của trẻ em được thúc đẩy và bảo vệ. Đó là câu chuyện chúng tôi muốn nhắc tới ngày hôm nay”.
Ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh, cụm từ mà quốc tế và Việt Nam thường sử dụng khi nói về quyền con người, quyền trẻ em đó là “thúc đẩy và bảo vệ”.
Đây cũng là trách nhiệm bao trùm đối với Hội BVQTE. Do đó, tính đấu tranh, phản biện của Hội sẽ nhiều hơn. Bảo vệ quyền không chỉ dừng lại ở bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em, mà còn phản biện xây dựng chính sách pháp luật, thực thi chính sách pháp luật và giám sát việc thực thi của các cơ quan quản lí Nhà nước, hệ thống chính trị,...
“Trong giai đoạn tiếp theo, lĩnh vực quản lí Nhà nước về trẻ em đang trao cho Bộ LĐ-TB&XH và nhiều Bộ, ngành khác nhiều trọng trách. Sứ mệnh của Bộ LĐ-TB&XH là điều phối thực hiện quyền trẻ em.
Hội BVQTEVN có phạm vi rất rộng về quyền trẻ em. Chúng tôi mong muốn Hội sẽ đồng hành nhiều hơn nữa cùng các Bộ, ngành, hệ thống Tư pháp, cơ quan chủ trì quản lí Nhà nước điều phối về trẻ em ở Bộ LĐ-TB&XH để chúng tôi thực hiện tốt trách nhiệm.
Hội BVQTEVN là cánh tay nối dài, đồng hành cùng các cơ quan quản lí Nhà nước. Tôi cho rằng, đối tượng đồng hành, tác động của Hội và chức năng phản biện, tham gia giám sát của Hội rất quan trọng để thực hiện chức năng, trách nhiệm bảo vệ quyền trẻ em. Hội cần tăng cường tính phản biện, đấu tranh nhiều hơn nữa.
Chúng tôi sẵn sàng đồng hành, ủng hộ để Hội thực hiện tốt hơn chức năng phản biện, nhắc nhở các cơ quan tổ chức, các Bộ ngành thực hiện trách nhiệm về bảo đảm quyền trẻ em cũng như giải quyết các vấn đề trẻ em”, ông Đặng Hoa Nam nói.
Ông bày tỏ sự kỳ vọng, chiến lược phát triển của Hội sắp tới không chỉ dừng ở việc đấu tranh, bảo vệ quyền trẻ em trong các vụ việc về xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ em mà còn nâng tầm trách nhiệm giải quyết các vấn đề của trẻ em. Từ đó đề ra các chiến lược, giải pháp giải quyết các vấn đề trẻ em một cách bền vững, đón đầu, phòng ngừa các vấn đề liên quan tới bảo đảm thực hiện quyền trẻ em.
CHILDFUND VIỆT NAM XÁC ĐỊNH
HỘI BVQTEVN LÀ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC
Đại diện CFVN - một trong những tổ chức có nhiều hoạt động, dự án hợp tác với Hội trong thời gian qua, bà Nguyễn Thị Bích Liên - Giám đốc quốc gia tổ chức CFVN cho biết: “CFVN xác định, Hội BVQTEVN đã - đang và sẽ tiếp tục là đối tác chiến lược của CFVN trong thời gian tới”.
Sứ mệnh của CFVN là tập trung vào trẻ em và dựa trên quyền trẻ em, liên quan tới những việc thực hiện quyền của trẻ em.
“Năm 2018, khi lần đầu biết đến Hội BVQTEVN, chúng tôi thực sự rất ấn tượng vì Hội đã xây dựng được một mạng lưới bao trùm cả nước, trong đó bao gồm cả hoạt động sôi nổi của các chi hội luật sư và rất nhiều hoạt động vì trẻ em khác. Đó chính xác là đối tác mà CFVN đang đi tìm. Rất may mắn CFVN và Hội BVQTEVN đã có cơ hội hợp tác”, bà Liên tâm sự.
Thời gian qua, trong quá trình xây dựng chiến lược 5 năm, CFVN cũng đã mời Hội góp ý, cùng lên kế hoạch hợp tác giai đoạn sắp tới.
Thông qua mạng lưới của Hội BVQTEVN, CFVN có thể mở rộng hoạt động tại nhiều địa phương mà CFVN không có văn phòng đại diện.
CFVN hướng tới mục tiêu tiếp tục thực hiện những dự án hai tổ chức đang kết hợp như xây dựng hệ thống tổng đài và năng lực cho tổng đài viên.
Ngoài ra sắp tới, khi thực hiện chương trình địa phương hóa với nhiều khóa học kỹ năng, xây dựng năng lực cho chính thành viên của mình và đối tác, CFVN mong muốn mời Hội đào tạo trong một số lĩnh vực.
CFVN mong rằng, trong kế hoạch chiến lược tương lai, khi có nguồn lực, Hội BVQTEVN có thể đưa ra những mục tiêu rõ ràng hơn về những quyền khác của trẻ em ngoài vấn đề bảo vệ để hai bên tiếp tục lên kế hoạch hợp tác.
CFVN cũng bày tỏ hy vọng trong 3 năm tới có thể cùng Hội mở thêm các chi hội địa phương để nối dài cánh tay thực hiện những dự án khác.
NHỮNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CỦA
HỘI BVQTEVN TRONG TƯƠNG LAI
Trước chia sẻ của Cục trưởng Đặng Hoa Nam và bà Nguyễn Thị Bích Liên - Giám đốc quốc gia tổ chức CFVN, Chủ tịch Hội BVQTEVN Nguyễn Thị Thanh Hòa khẳng định trong thời gian tới, Hội sẽ phấn đấu nâng tầm phát triển.
Thứ nhất, làm thế nào để có thể lồng ghép được các chỉ tiêu, mục tiêu về trẻ em trong các văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế đất nước, từ đó thúc đẩy các ngành, các cấp và mỗi người dân thực hiện. Bà Hoà nhận định, đây là cách xã hội hóa tốt nhất trong lĩnh vực trẻ em.
Thứ hai, làm thế nào để vấn đề trẻ em nói chung và bảo vệ quyền trẻ em phải được coi là nội dung đánh giá tác động khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Chúng ta đã có Luật Bình đẳng giới quy định việc đánh giá tác động về giới. Vấn đề trẻ em cũng phải được nhìn nhận ở từng góc độ, đánh giá.
“Khi tham gia các tọa đàm về đánh giá lồng ghép giới, tôi luôn đề cập tới vấn đề trẻ em, rất tiếc, Ủy ban Xã hội của Quốc hội không phụ trách vấn đề này. Bây giờ, làm thế nào để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng là cơ quan thẩm tra các vấn đề về trẻ em có được lồng ghép vào các văn bản quy phạm pháp luật hay không. Đó là vấn đề lớn, có thể vượt quá khả năng của một tổ chức xã hội”, bà Hoà nhấn mạnh.
“Bên cạnh đó, Hội mong muốn việc vận động các nguồn lực an sinh xã hội cũng là bảo vệ quyền trẻ em. Đó là quyền được sống, được phát triển. Tôi nhận thấy các chính sách, pháp luật về vấn đề chăm sóc sức khỏe và giáo dục của Việt Nam khá tiến bộ. Việc này cần phải được coi là một nhiệm vụ trọng tâm, ta cần phải đi bằng hai chân.
Tôi thấm thía ý kiến của ông Đặng Hoa Nam là phát biểu chính kiến không chỉ tập trung vào vụ việc cụ thể. Từ những vụ việc cụ thể cũng cần khái quát lên để rút ra như một bài học mà ta có thể nói từ thực tiễn đến lý luận chứ không đơn giản chỉ là cụ thể vụ A, vụ B”, bà Hoà bày tỏ.
Cuối cùng, bà Hoà nhấn mạnh, nói về trẻ em là nói tới gia đình, đó cũng là vấn đề cần tập trung. Quyền trẻ em không chỉ cho trẻ em mà còn cho chính cha mẹ là những người sát sao với trẻ em. Trong gia đình, cha mẹ không vi phạm tới quyền của trẻ em, chắc chắn trẻ em sẽ được bảo vệ. Chính vì vậy, Hội cần cố gắng nhiều hơn, lớn hơn với trách nhiệm và tầm của mình.
Hà Nội tháng 4/2023
Nội dung: Hà Chi
Ảnh: Hà Dương - Hoài Linh
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất