06:09 23/06/2024

Đảm bảo tính nhân văn, giáo dục khi áp dụng các biện pháp trừng phạt với người chưa thành niên

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Kiến Văn

"Thực trạng của pháp luật hiện đang thiếu cách tiếp cận mang tính toàn diện và chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên", Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu ý kiến.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, ngày 21/6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên nhằm hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội; tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, cải thiện hành vi thông qua xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội; xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức và vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên.

Bảo đảm các quyền cơ bản của người chưa thành niên trong xử lý chuyển hướng, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; thu hút, huy động nguồn nhân lực có chuyên môn về công tác xã hội; tăng cường trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức hữu quan hỗ trợ, giám sát, giáo dục người chưa thành niên; thiết lập cơ sở giam giữ phù hợp với mục đích phục hồi, giáo dục và sự phát triển của người chưa thành niên; tăng cường cơ hội tái hòa nhập công đồng; xây dựng cơ chế giám sát, giáo dục, phục hồi hiệu quả, chuyên nghiệp, phù hợp với người chưa thành niên.

Trẻ em không phải người lớn thu nhỏ

Đóng góp ý kiến vào dự án luật, đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (đại biểu đoàn Bắc Kạn) đánh giá cao dự thảo luật đã thể hiện tinh thần đủ nghiêm khắc để bảo đảm an toàn cho cộng đồng, đồng thời đảm bảo tính nhân văn để mở đường cho các trẻ chưa thành niên nhận sai lầm, tự sửa chữa và tái hòa nhập cộng đồng.

daibieuquochoinguyenthithuy
Bà Nguyễn Thị Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (đại biểu đoàn Bắc Kạn). Ảnh: quochoi.vn

Góp ý đối với các nội dung cụ thể trong dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Thủy tán thành với việc ban hành một đạo luật toàn diện về tư pháp người chưa thành niên với phạm vi điều chỉnh bao gồm hình phạt và tố tụng hình sự, vì 3 lý do sau: 

Thứ nhất, xuất phát từ đặc điểm của người chưa thành niên là người chưa trưởng thành về mọi mặt, trong đó một tỉ lệ lớn người thành niên có hoàn cảnh gia đình rất éo le, là nguyên nhân xã hội trực tiếp dẫn đến hành vi lệch chuẩn vi phạm pháp luật.

Đại biểu Thủy cho biết thêm, trong tháng 3/2024 vừa qua, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức khảo sát tại 3/3 trường giáo dưỡng trong cả nước cho thấy, số lượng các cháu có hoàn cảnh gia đình đặc biệt như bố mẹ ly hôn, ly thân, bố mẹ phạm tội hoặc là mồ côi cha mẹ chiếm tỷ lệ rất lớn. Những đặc điểm đó đòi hỏi Nhà nước khi thiết kế các chính sách xử lý phải tính toán đầy đủ các đặc điểm, đặc thù của người chưa thành niên, cũng như phải cân nhắc toàn diện các nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh dẫn đến phạm tội để có những biện pháp có những chính sách thật phù hợp.

Thứ hai, thực trạng của pháp luật hiện đang thiếu cách tiếp cận mang tính toàn diện và chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên, cho nên vẫn còn tư tưởng lấy tư pháp của người lớn để xây dựng cho trẻ em, rồi sau đó điều chỉnh một chút, giảm trừ một chút, giảm nhẹ một chút, trong khi trẻ em không phải người lớn thu nhỏ, đặc biệt là trong khía cạnh tư pháp. 

Thứ ba, là hình phạt và tố tụng hình sự là hai vấn đề chính yếu của tư pháp hình sự. Nếu ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên mà không điều chỉnh hai vấn đề này thì người chưa thành niên hầu như sẽ không được hưởng chính sách gì từ luật này.

Bên cạnh đó, góp ý về vấn đề tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, quy định tách hay không tách phải phụ thuộc vào các chính sách cụ thể trong dự thảo Luật này, nhất là một số chính sách mới như: Về quy định rút ngắn thời hạn tiến hành tố tụng của trẻ em bằng một nửa thời hạn tố tụng của người lớn, trong vụ án có cả người lớn và trẻ em phạm tội mà không tách riêng trẻ em ra để giải quyết thì sẽ dẫn tới thời hạn tố tụng của người lớn vẫn còn, trong khi chưa thể kết thúc vụ án. Khi đó có nguy cơ rất cao rơi vào một trong những trường hợp phải bồi thường theo Điều 35 của Luật Bồi thường (do hết thời hạn điều tra mà chưa chứng minh được bị can phạm tội).

Về quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng vào trong thời gian giải quyết vụ án và về vấn đề bảo mật thông tin khi gộp chung cả người lớn và trẻ em giải quyết trong cùng một vụ án. Trẻ em sẽ phải tiếp xúc với tất cả các mưu mô, thủ đoạn phạm tội của người lớn và điều này không vì lợi ích tốt nhất đối với người chưa thành niên, cũng như là yêu cầu giáo dục cải tạo các em… Do đó cần tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội, nhằm đáp ứng được các yêu cầu mới về những tiến bộ trong dự thảo luật.

Nghiêm khắc và nhân văn

Qua thảo luận tại hội trường, các đại biểu cơ bản nhất trí cao với việc xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; xây dựng các quy định phù hợp với đặc thù lứa tuổi, tâm lý của người chưa thành niên, khắc phục những hạn chế của hệ thống pháp luật hiện hành; phù hợp với xu hướng chung và thông lệ của nhiều quốc gia trên thế giới.

Bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung trong dự thảo luật, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (đoàn Hà Tĩnh) đề cập đến quy định tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội ra giải quyết riêng quy định trong dự thảo luật.

Đại biểu Thu cho rằng, việc tách vụ án khi có người chưa thành niên phạm tội ra để giải quyết độc lập và ưu tiên giải quyết thủ tục rút gọn là cần thiết nhằm bảo đảm quyền lợi cho người chưa thành niên phạm tội, đúng với quy định chủ trương của Đảng, Nhà nước và Công ước về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Về nguyên tắc tách vụ án để giải quyết bằng các thủ tục thân thiện, đại biểu cho rằng, hiện tại những vụ án có người chưa thành niên thì tòa án đang phải xử ở phòng xử của người trưởng thành, không thể thực hiện được chính sách ưu việt, nhân văn cho người chưa thành niên.

Nếu để điều tra, truy tố, xét xử chung với người lớn sẽ vướng mắc, hạn chế khi phân công người tiến hành tố tụng để đấu tranh với chủ mưu, cầm đầu là đối tượng côn đồ chuyên nghiệp, đối tượng nguy hiểm.

phanthinguyetthu
Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (đoàn Hà Tĩnh). Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu cũng cho rằng, việc tách vụ án để bảo đảm xác định sự thật vụ án khách quan, đúng đắn nhất bởi khi ra tòa, đối mặt với đối tượng chủ mưu cầm đầu, đối tượng côn đồ, nguy hiểm… sẽ làm cho các em có tâm lý lo sợ, không dám khai đúng sự thật; có thể các em sẽ khai báo quanh co, sai sự thật vì sợ, vì vậy cần tách ra xử riêng.

Mặt khác, việc tách vụ án giải quyết riêng, vừa bảo đảm khách quan, khoa học, hiệu quả, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên, ngoài ra còn bảo đảm việc đánh giá, thống kê chính xác tình hình tội phạm, số liệu vụ việc, nguyên nhân dẫn đến người chưa thành niên phạm tội, từ đó các cơ quan quản lý nhà nước có những giải pháp phòng ngừa, hạn chế tội phạm ở lứa tuổi thanh thiếu niên hiệu quả hơn.

Cần quy định rõ việc thực hiện các biện pháp xử lý chuyển hướng

Cho ý kiến về biện pháp xử lý chuyển hướng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết, Điều 36 dự thảo luật hiện đang quy định về 12 biện pháp xử lý chuyển hướng, trong đó có 3 biện pháp theo đại biểu cần cân nhắc kỹ về tính khả thi, bao gồm biện pháp “cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới”, “hạn chế khung giờ đi lại” và “cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới”.

nguyenthivietnga
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương). Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Nga cho rằng, những biện pháp này nghe thì hợp lý nhưng thực tế đi vào thực hiện hiệu quả thì sẽ khó khăn, bởi không có nhân lực để hàng ngày, hàng giờ giám sát việc gặp ai, đi tới đâu, đi vào những khung giờ nào của người chưa thành niên, trong khi các biện pháp này, theo quy định của dự thảo luật có thời gian áp dụng ít nhất là 3 tháng cho tới 1 năm.

Để những biện pháp này có tính khả thi và hiệu quả, đại biểu Nga cho rằng, cần phải quy định rất rõ, đặc biệt là việc chuẩn bị nguồn nhân lực và trang thiết bị để phục vụ nhiệm vụ giám sát việc thực hiện các biện pháp xử lý chuyển hướng của người chưa thành niên phạm tội.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) cũng cho rằng, cần có đánh giá, làm sáng tỏ hơn tính khả thi, nguồn lực để thực hiện các biện pháp “cấm tiếp xúc, hạn chế khung giờ đi lại”, “quản thúc tại gia đình”, “cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội”.

Phát biểu giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, việc xử lý chuyển hướng trong dự thảo luật có nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn, đề nghị mở rộng độ tuổi áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng với người từ 12-14 tuổi.

Tuy nhiên, theo Bộ luật Hình sự hiện hành, người dưới 14 tuổi phạm tội không chịu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, độ tuổi được tính toán theo quy định hiện hành là không quy định đây là tội phạm.

Về điều kiện áp dụng, dự thảo luật quy định điều kiện "phải tự nguyện", với mục xử lý chuyển hướng là các cháu phải tự nguyện và thấy được thiếu sót của mình để thành tâm sửa chữa.

Điều kiện tự nguyện là bắt buộc, còn nếu các cháu đứng trước 2 lựa chọn khi đã bị tình nghi phạm tội, hoặc đồng ý chuyển hướng, hoặc đồng ý điều tra, truy tố, xét xử.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói: “Luật cho các cháu lựa chọn, nhưng tôi tin cả phụ huynh và các cháu đều lựa chọn biện pháp xử lý chuyển hướng. Nếu không tự nguyện sửa chữa theo cơ hội mà xã hội và luật pháp đưa ra, sẽ kích hoạt quy trình tố tụng về điều tra, truy tố, xét xử thông thường”.

Tại dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, Tòa án nhân dân tối cao đề xuất giảm mức phạt tù đối với người dưới 18 tuổi phạm tội so với quy định tại Bộ luật Hình sự.

Theo đó, Điều 105 (Tù có thời hạn) của dự thảo Luật quy định, đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 15 năm tù. Bộ luật Hình sự đang áp dụng là không quá 18 năm tù.

Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 9 năm tù. Bộ luật Hình sự đang áp dụng là không quá 12 năm tù.

Tuy nhiên, với trường hợp phạm 5 loại tội xâm phạm tính mạng sức khỏe và ma túy (giết người, hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi và tội sản xuất trái phép chất ma túy) thì mức hình phạt theo quy định của pháp luật hiện hành.

Dự thảo Luật giữ nguyên hệ thống hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn. Đồng thời, “không áp dụng hình phạt tù chung thân và tử hình đối với người chưa thành niên”; Bổ sung điều luật về hình phạt cảnh cáo cho người chưa thành niên khi phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng do vô ý và có tình tiết giảm nhẹ nhưng chưa đến mức miễn hình phạt.

 

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận