17:43 04/10/2022

Cha mẹ nên làm gì để giúp con trưởng thành?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lan Phạm

Vì yêu thương con quá mức, nhiều ông bố, bà mẹ chưa đủ can đảm để trẻ được lớn, tự lập cũng như khám phá và phát huy hết khả năng của mình.

buong-tay-con3-7941
Cha mẹ cần để trẻ có tính tự lập. Ảnh minh họa.

Cha mẹ nào cũng mong con trưởng thành và có một cuộc sống hạnh phúc. Tuy nhiên, chính cách bao bọc, bảo vệ con quá mức khiến trẻ không thể lớn và không thể trưởng thành.

Để con bước ra khỏi vòng tay

Nhiều phụ huynh vì thương và xót con mà bao bọc, bảo vệ trẻ quá mức. Họ dường như không sẵn sàng buông tay để con được lớn. Họ hy vọng rằng, thông qua kinh nghiệm của cha mẹ, trẻ sẽ có bước đi đúng đắn.

Trong mắt cha mẹ, các con luôn nhỏ bé, yếu đuối. Vì vậy, cha mẹ dùng kinh nghiệm sống của mình giúp con bước đi, giảm khó khăn và thất bại trong cuộc sống cho trẻ. Tuy nhiên, thực tế, đôi lúc, trẻ cũng muốn được tự trải nghiệm cuộc sống và xử lý mọi tình huống xảy ra.

Không ít phụ huynh băn khoăn và đặt câu hỏi: Cách làm đúng đắn với trẻ là gì? Các chuyên gia cho biết, cha mẹ hãy để trẻ tin tưởng vào bản thân, có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Cha mẹ nên buông tay cho trẻ cơ hội tự trải nghiệm cuộc sống.

Đồng thời, phụ huynh hãy là người hướng dẫn trẻ tự nhận thức xã hội, tìm hiểu cuộc sống, trải nghiệm những khó khăn thất bại. Có như vậy, trẻ mới vượt qua mọi khó khăn, trở nên dũng cảm, kiên cường.

Trong cuốn sách “Kỷ luật mềm của trái tim”, tác giả Nguyễn Thị Thu đã kể câu chuyện về cách linh dương mẹ “buông tay” con.

“Chuyện kể rằng có một chú linh dương con ra đời vào một đêm trăng sáng. Tuy mới sinh ra, linh dương phải tập đứng lên dù ngã xuống tới ba mươi hai lần. Ngã, đứng dậy, lại ngã, lại đứng dậy cho đến khi tự đứng vững trên hai chân.

Ngày ngày, linh dương con ở bên mẹ, bắt chước mọi điều mẹ làm, ăn mọi thứ mẹ ăn. Một ngày nọ, cũng vào đêm trăng sáng, linh dương mẹ bảo linh dương con: ‘Con hãy nghe cho thật kĩ nhé. Tới lúc con lớn hơn, ra khỏi vòng tay bao bọc của mẹ, sẽ có muôn vàn khó khăn thử thách khiến con gục ngã. Khi ấy, hãy nhớ lại thời điểm con chào đời, dù ngã bao nhiêu lần con vẫn tự đứng dậy. Cứ mỗi lần ngã và đứng dậy, con lại mạnh mẽ hơn. Hãy khắc ghi trong tâm khảm rằng mình đã mạnh mẽ nhường nào nhé!’. Linh dương con gật đầu: ‘Vì có mẹ ở bên nên con không cảm thấy cô đơn’.

buong-tay-con2-8607
Nhiều phụ huynh không sẵn sàng để con lớn. Ảnh minh họa.

Mỗi ngày, linh dương con một phổng phao. Một ngày kia, chú tự mình đi dạo khắp quả núi và trở về nhà. Thấy mẹ đang đứng trên đỉnh đồi chờ mình, linh dương con vui mừng gọi to: ‘Mẹ ơi!’ rồi chạy đến bên mẹ. Nhưng… ‘Binh!’. Linh dương mẹ dùng sừng húc thật mạnh, đẩy linh dương con ra xa. Linh dương con vô cùng đau khổ, nhắc đi nhắc lại trong nước mắt không biết bao nhiêu lần câu: ‘Con ghét mẹ!’.

Đã đến lúc chú phải rời xa mẹ. Mặt trăng hiện ra, thì thầm bên tai linh dương câu nói của mẹ chú: ‘Nào, đứng lên con’. Linh dương con bước đi trong sự bảo vệ, theo sát của ánh trăng. Nó thầm thì: ‘Mẹ ơi, mẹ đừng lo lắng. Con có thể tự lập rồi. Con học được từ mẹ mọi điều và giờ đây con sẽ sống thật mạnh mẽ và có ích. Có ông trăng luôn theo dõi con nữa này. Lúc mới chào đời, con đã cố gắng rất nhiều để học cách đứng lên, và con sẽ luôn cố gắng như thế. Con cảm ơn mẹ’”.

“Liệu cha mẹ có thể noi gương linh dương mẹ, biết thời điểm “húc” con khỏi vòng tay mình, cho con cơ hội trưởng thành? Buông tay con quả thực rất khó khăn, nhưng là cách tốt nhất để trẻ tìm thấy con đường riêng cho bản thân, và cha mẹ có thể sống cuộc đời mình. Như cá rô phi ngậm con trong miệng để bảo bọc rồi nhả con ra ngay khi con đủ sức sinh tồn, những người làm cha mẹ cần học cách buông tay con để con tự do khám phá và khôn lớn.

Hãy tin rằng, con cái mạnh mẽ hơn chúng ta tưởng tượng rất nhiều, như chú linh dương non trong câu chuyện. Mỗi lần trẻ vấp ngã và tự đứng dậy, chính là một lần trẻ học cách thích nghi với cuộc đời”, tác giả Nguyễn Thị Thu chia sẻ.

buong-tay-con1-1823
Trẻ có thể tự làm một số việc phù hợp tuổi. Ảnh minh họa.

Không quá bao bọc con

Bên cạnh những đứa trẻ dựa dẫm vào ông bà, cha mẹ... không ít trẻ tự tin, tự lập. 10 tuổi nhưng bé Dương Trọng Đức (Ba Đình, Hà Nội) có vẻ trưởng thành hơn các bạn cùng lứa. Không chỉ tự lập, Đức còn chu đáo và biết quan tâm người khác, dù là những chi tiết nhỏ. Vì thế, ông bà, cha mẹ luôn cảm thấy vô cùng yên tâm về Đức.

“Khi còn nhỏ, tôi đã dạy con tự làm những việc phù hợp với tuổi. Giai đoạn con tự ăn được, tôi cho cháu tự bốc, sau đó là dùng thìa và cuối cùng dùng đũa. Khi con lớn hơn một chút, tôi hướng dẫn cháu tự vệ sinh cá nhân như mặc quần áo, tắm gội, dọn phòng... Tôi cũng dạy con cách tự soạn sách vở trước khi đi học”, chị Nguyễn Thanh Hậu - mẹ của Đức, chia sẻ.

Bên cạnh đó, nữ phụ huynh này cũng cho biết, gia đình chị không quá bao bọc con. Khi Đức lên lớp 4, cha mẹ đã hướng dẫn trẻ cách đi siêu thị, chọn đồ phụ giúp người lớn. Đức cũng có thể tự đi mua một số món đồ ở cửa hàng tạp hóa gần nhà. Đồng thời, để rèn cho con tính tự tin và năng động, vợ chồng chị Thanh Hậu cho con học thêm các môn như bóng rổ, đàn piano và lập trình.

“Tôi biết sở trường của con, nhưng vẫn cho cháu tự lựa chọn môn học mình thích. Bởi, tôi luôn tôn trọng những gì con thích trong khuôn khổ cho phép”, nữ phụ huynh cho biết.

Nhờ được “bước ra” thế giới bên ngoài từ sớm, tiếp xúc với nhiều người, quen bạn mới, Đức luôn tự tin trước đám đông. Năm nay, khi lên lớp 5, Đức thường xuyên được làm người dẫn chương trình trong các sự kiện do nhà trường tổ chức.

“Mình phải tạo điều kiện cho con phát huy khả năng tư duy, sáng tạo. Tôi không cần con quá xuất sắc, nhưng luôn hướng cho cháu trở nên tự tin, tự lập, phát huy khả năng. Để làm được như vậy, tôi chọn cách không quá bao bọc con”, chị Hậu chia sẻ.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh - Thạc sĩ Khoa học Giáo dục Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - chia sẻ: “Cha mẹ nào cũng mong con trưởng thành, thành công và có một cuộc sống hạnh phúc. Cha mẹ nào cũng mong con làm nên sự nghiệp, sau này có thể tự chủ trên đôi chân của mình trong hành trình cuộc sống. Tuy nhiên, chính cách chúng ta bao bọc, ôm ấp, bảo vệ con đã khiến con không thể lớn lên và không thể trưởng thành được trong cuộc đời”.

Theo chuyên gia này, khi cha mẹ buông tay, con sẽ trưởng thành. Buông tay là để cho con tự lập, tự khám phá và tự làm... Bởi, cho dù trẻ có làm sai, vấp ngã, mọi việc cũng sẽ ổn. Nhiều cha mẹ sẵn sàng nhìn thấy con của mình vấp ngã. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều cha mẹ không sẵn sàng nhìn thấy con bẩn, đổ mồ hôi, vất vả...

“Vậy nên, khi biết điều đó, chúng ta sẵn sàng giúp con để trẻ có cơ hội khám phá, được tự lập thì mới có cơ hội trưởng thành. Con sẽ không ỷ lại, không ký sinh ở bên bạn. Nhưng quan điểm của nhiều cha mẹ Việt rất thích hỗ trợ con, từ việc đeo cặp, soạn bài vở, chuẩn bị đồ cho trẻ... Các cha mẹ Việt rất thích làm hộ con. Sau này khi lớn, đã quen với việc ỷ lại vào bố mẹ và chỉ một chút khó khăn xảy ra, con sẽ gục ngã vì đã quen được giúp đỡ. Khi ấy, con sẽ lại tìm đến ta và cầu xin sự giúp đỡ. Trong cuộc đời, bạn không cần phải để lại cho con tiền, cho nhà, cho xe. Mà thứ phải để lại cho con là Bi - Trí - Dũng. Chắc chắn con sẽ biết ơn rất nhiều”, chuyên gia Nguyễn Thị Lanh cho biết.

Theo chuyên gia này, nhiều phụ huynh dành dụm tiền cả cuộc đời để cho con, nuôi con. Đồng thời, đầu tư cho con một công việc. Một số cha mẹ thậm chí sắm nhà, đất cho con. Khi trưởng thành, con chỉ cần đi làm mà không phải lo nghĩ gì. Song, bà Lanh dẫn chứng, ở nước ngoài, trẻ em 18 tuổi là có thể ra ở riêng, vay tiền ngân hàng để học đại học và tự kiếm tiền. Tuy nhiên, ở Việt Nam, không ít thanh niên 22 tuổi vẫn xin tiền cha mẹ. Những thanh niên đó sẽ rất khó trưởng thành.

“Chúng ta phải buông tay con ngay từ khi còn rất nhỏ để trẻ có tính tự lập, tính chủ động. Hãy buông tay, để con có cơ hội được trưởng thành trước khi quá muộn. Hãy cho con có cơ hội được sai lầm. Hãy cho con có cơ hội được tự lập. Hãy cho con có cơ hội được đi một mình trên đôi chân của con. Hãy cho con cơ hội được tự làm mọi việc của chúng. Hãy buông tay để con được trưởng thành”, chuyên gia Nguyễn Thị Lanh nhấn mạnh.

Theo Giaoducthoidai

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận