07:08 03/11/2022

0h con vẫn thức khuya làm bài, lén lút ôm điện thoại: Cha mẹ Việt điên đầu, sáng 'vắt chân lên cổ'

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hà Chi

Anh Phúc kể, có những ngày 23h-0h, con gái anh vẫn trốn bố mẹ thức khuya xem phim trên điện thoại. Bị bố mẹ phát hiện, bé nói "con đang bận đi trực” khi đang xem một bộ phim về đề tài bác sĩ...

Con trẻ cần được ngủ đủ 8 - 10 tiếng mỗi đêm, tùy theo độ tuổi để đảm bảo sự phát triển về toàn diện. Hiện nay, tình trạng trẻ thức khuya, ngủ muộn gia tăng khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng.

Con thức khuya cùng câu chuyện “dở khóc, dở cười”

Tại gia đình chị Vân (Long Biên, Hà Nội), cậu con trai 7 tuổi thường xuyên đi ngủ vào lúc 22h30, thậm chí nhiều hôm muộn hơn. Chia sẻ với PV Tạp chí điện tử Trẻ em Việt Nam về lí do kéo dài tình trạng trên, chị Vân cho biết, con cần hoàn thành các bài tập mà ban ngày chưa làm xong ở lớp.

Buổi tối con hay có lớp học thêm, khoảng thời gian về nhà còn phải hoàn thiện bài trên lớp nên đi ngủ muộn. Thực tế này kéo dài triền miên khiến buổi sáng dậy, con có phần mệt mỏi, cáu kỉnh vì thời gian ngủ chưa đủ, nhất là vào mùa đông.

“Con nói con thích hôm nào cũng là thứ Bảy và Chủ nhật. Sao con vừa nhắm mắt mà trời đã sáng rồi hả mẹ?”, chị Vân bật cười khi nhớ đến câu nói ngây ngô của cậu con trai.

Về lí do ngủ muộn, con trẻ có muôn vàn cách ứng phó khiến cha mẹ “đau đầu”. Anh Phúc (Hải Dương) chia sẻ, con gái anh cũng nhiều lần thức khuya. Có những ngày 23h-0h, con vẫn trốn bố mẹ xem phim trên điện thoại.

“Có lần bị bố mẹ phát hiện việc ngủ muộn, con nói rằng: “Con đang bận đi trực” khi đang xem một bộ phim về đề tài bác sĩ khiến bố mẹ “ngã ngửa”, anh Phúc tâm sự. 

Anh Phúc cho biết thêm, hiện cha mẹ đang giới hạn chỉ cho con chơi điện thoại và xem tivi 2 tiếng/ngày. Học xong con mới được sử dụng các thiết bị điện tử. Con sẽ đi ngủ lúc 22h để đảm bảo sức khỏe. Điện thoại của con, bố mẹ thu lại, sáng hôm sau mới trả.

Cha mẹ đau đầu khi con thức khuya, ngủ muộn 1
Việc đi ngủ muộn khiến buổi sáng dậy con có phần mệt mỏi và hay cáu kỉnh vì thời gian ngủ chưa đủ, nhất là vào mùa đông (Ảnh Vinmec.com).

Lý giải nguyên nhân con trẻ thức khuya xem tivi và điện thoại quá nhiều

Không phải bạn nhỏ nào thức khuya, đi ngủ muộn cũng vì lí do xem tivi và điện thoại. Tuy nhiên, hiện nay, tỉ lệ trẻ sử dụng điện thoại, xem tivi nhiều ngày càng tăng và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ ngủ muộn.

Theo cuộc khảo sát xã hội “Thực trạng sử dụng thiết bị thông minh ở trẻ em Việt Nam và nhận thức của phụ huynh” do Trung tâm Nghiên cứu văn hóa giáo dục và đời sống xã hội, trực thuộc Hội Dân tộc học - nhân học TPHCM thực hiện, đã chỉ ra, 19% trẻ dưới 3 tuổi tiếp cận thiết bị số, trẻ từ 3-5 tuổi chiếm 59%, trẻ 6-9 tuổi chiếm 20% và trẻ từ 10-12 tuổi chiếm 2%; trung bình trẻ dùng thiết bị số từ 30-60 phút/ngày. 

Chị Ánh (Mỹ Đình, Hà Nội) trên quan điểm cá nhân cho rằng, các bé xem tivi và điện thoại nhiều phần lớn là do học từ người lớn. Với xu hướng phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, sự tương tác trực tiếp giữa các thành viên trong gia đình lại ít đi. Công nghệ khiến những người ở xa gần nhau hơn nhưng cũng khiến những người gần nhau lại đẩy nhau ra xa...

“Ai cũng ngồi ôm lấy điện thoại, tivi hay ipad để xem thứ mình muốn, mình thích thì làm gì có thời gian ngồi tâm sự, chia sẻ với mọi người xung quanh”, chị Ánh thổ lộ.

Chị Vân (Long Biên, Hà Nội) lại nhận thấy, hiện nay, các con có rất ít không gian chơi và hoạt động, phải đi học thêm quá nhiều, căng thẳng chuyện học tập.

Bố mẹ đi làm, ít gia đình có điều kiện cho các con hoạt động ngoài trời. Hơn nữa, không gian vui chơi của các con bị xâm chiếm một cách nghiêm trọng bởi các dịch vụ cho thuê xe ô tô điện, dịch vụ trông xe ô tô.

Thiếu không gian hoạt động ngoài trời, vui chơi, nếu bố mẹ để các bé tự do chạy nhảy ngoài đường phố sẽ rất nguy hiểm. Vì lẽ đó, các bậc cha mẹ thường "nhốt" con trong nhà để đảm bảo an toàn.

Chị Vân nói thêm: “Các chủ đề trò chơi, hoạt hình trên tivi và điện thoại rất nhiều và đa dạng. Chỉ cần nhấp chuột là có cả thế giới phong phú, thu hút sự chú ý của con trẻ. Sức hấp dẫn của điện thoại, internet hiện nay khiến nhiều đứa trẻ bị nghiện, chìm đắm vào không gian ảo. Điều này có hệ quả rất nghiêm trọng tới sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ”.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận