Con trẻ học cả những điều chúng ta không hề dạy
Tiếng Anh có câu “Children see, children do”, con trẻ nhìn và chúng làm theo. Chúng ta dạy trẻ không được nói dối bố mẹ nhưng chính chúng ta lại nói dối ngay trước mặt trẻ. Chúng ta giục trẻ đọc sách nhưng chính mình lại không đọc nổi một trang. Mọi việc chúng ta làm có sức mạnh hơn vạn lời răn dạy.
Năm 25 tuổi, tôi có mở một lớp học tiếng Anh nhỏ để dạy vào buổi chiều tối, xuất phát từ mong muốn của một số phụ huynh. Đó là những năm tháng hạnh phúc của tôi. Tôi được học hỏi, trải nghiệm và thấm thía nhiều bài học lớn trong đời.
Tôi đã tiếp xúc với rất nhiều phụ huynh và học sinh mỗi ngày. Nhưng có một người mẹ bé nhỏ mà tôi luôn nhớ mãi. Người chị mảnh dẻ đi trên chiếc xe đạp điện đến xin học cho con gái. Nhưng điều đáng nói ở đây là đến khi chị xin cho con nghỉ học.
Chị đưa con đến và đích thân xin phép tôi cho cháu nghỉ học vì hiện tại người con lớn học lớp 12 cần học thêm nhiều hơn bạn bé. Do vậy tạm thời gia đình không có điều kiện cho bạn bé hơn đi học tiếp. Chị đến hỏi xem cháu học mấy buổi rồi để hoàn thành học phí nốt. Tôi lắng nghe và đồng cảm.
Chị nói, tạm thời cháu có chị họ dạy nhưng nếu sau này có khả năng, gia đình lại cho cháu quay lại học cô.
Khi nhìn lại chuỗi ngày em học sinh đó đi học, tôi nhận ra, đó là một đứa trẻ trung thực và rất nghiêm túc. Mỗi lần nhà có việc bận là mẹ gọi điện xin cô nghỉ đàng hoàng. Nhưng số lần bạn ấy nghỉ rất ít.
Sau khi bạn ấy nghỉ một thời gian thì đầu năm học, tôi thấy mẹ bạn đến xin cho con học lại. Chị dẫn con đến và nói:
- Chị lại đến xin cho con học tiếp. Dù xin học hay xin nghỉ chị cũng muốn trực tiếp gặp cô xin phép.
Câu nói đó làm tôi vô cùng xúc động. Bởi khi đó số phụ huynh “có trước có sau” như vậy rất ít. Tôi đã từng biết những phụ huynh cho con đi học thì đến gặp nhưng lúc nghỉ thì không một lời tạm biệt, gọi điện không nghe máy.
Tiếng Anh có câu “Children see, children do”, con trẻ nhìn và chúng làm theo.
Chúng ta dạy trẻ không được nói dối bố mẹ nhưng chính chúng ta lại nói dối ngay trước mặt trẻ.
Chúng ta muốn trẻ đánh răng trước khi đi ngủ nhưng lại bữa nhớ bữa quên, tự cho phép bản thân lười nhác.
Chúng ta giục trẻ đọc sách nhưng chính mình lại không đọc nổi một trang.
Mọi việc chúng ta làm có sức mạnh hơn vạn lời răn dạy. Bởi con trẻ sẽ học theo, sẽ sao chép lại những gì chúng ta đã và đang sống mỗi ngày. Thế nên, tôi mới thấm thía câu: “Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”.
Quay trở lại câu chuyện về người mẹ nhỏ bé trên. Tôi tin đứa con gái của chị chắc chắn lớn lên sẽ là một người tử tế, đàng hoàng hơn rất nhiều những đứa trẻ tài năng mà nhân cách bị “đánh cắp”.
Từ những việc rất nhỏ thôi: Đến muộn thì báo trước, không đi học được thì xin phép, xin học được thì cũng xin nghỉ được, hành xử biết trước biết sau thì ai cũng sẽ tôn trọng. Trở thành một con người đàng hoàng có khi lại khó hơn trở thành một người giàu có.
Sự tôn trọng của chúng ta dành cho một ai đó không phải nhìn vào gia thế hay trang phục trên người đó, mà chính là ở những hành xử, phép tắc rất nhỏ mà nhiều người rất dễ bỏ qua hoặc có thể họ chưa may mắn được chỉ bảo cẩn thận từ nhỏ để rồi lớn lên cũng chưa biết tự giáo dục lại bản thân.
Càng trưởng thành về mặt tư tưởng, tôi càng nhận ra những hành xử rất nhỏ lại quyết định trực tiếp đến những thành tựu rất lớn.
Càng làm tốt những phép tắc nhỏ, chúng ta càng trở nên vững vàng và tự do.
Càng chỉn chu từ những hành động nhỏ, chúng ta càng không phải bận tâm nhiều về những đứa con của mình.
Câu chuyện người mẹ trên đã nhắc nhở tôi rất nhiều trên hành trình làm mẹ như thế.
Ghi theo chia sẻ của chị Đặng Yến Thu (Giáo viên tiếng Anh, hiện đang sống tại Thường Tín, Hà Nội).
Chuyên mục Tôi nói trên Tạp chí Trẻ em Việt Nam là nơi bày tỏ quan điểm, để Trẻ em nói, Cha mẹ nói, Chuyên gia nói xung quanh các vấn đề của cuộc sống thường ngày. Độc giả hãy cùng gửi bài viết, tâm sự, video, podcast chia sẻ suy nghĩ về cho chúng tôi nhé, để cùng lan toả yêu thương đến với con trẻ.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm Tạp chí Trẻ em Việt Nam. Gửi bài tại đây
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất