20:49 27/01/2023

Cộng đồng mạng thương tiếc cháu bé tử vong nghi hóc hạt bí ngày Tết

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Đêm 26/1, một cháu bé 3 tuổi nghi bị hóc hạt bí đã được đưa đến Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi trong tình trạng ho sặc, khó thở và đã tử vong vào sáng sớm hôm nay. Hàng loạt những dòng chia sẻ trên Facebook bày tỏ thương tiếc trước sự ra đi của em nhỏ.

Tài khoản Huyền Trần viết trên Facebook: "Đọc xong tin tức mà thấy thắt lòng, thương con, khổ thân con, giờ bố mẹ con biết sống sao? Chỉ biết chia buồn cùng gia đình, cầu mong con sớm siêu thoát".

Tài khoản Anh Phùng xót xa: "Thương quá! Chắc bé khó chịu lắm. Nhìn người mẹ khóc gục trên thi thể con mà đau lòng".

Tài khoản Bùi Thị Hoà nhấn mạnh: "Các phụ huynh cần phải biết hóc dị vật rất nguy hiểm".

Bên cạnh vô số cư dân mạng khác bày tỏ sự thương tiếc: “Ra đi thanh thản nhé con, xin chia buồn cùng gia đình!”, “Mong gia đình em vượt qua nỗi đau! Mong con về suối vàng hưởng an lạc”…, cũng có rất nhiều bình luận các phụ huynh khuyến cáo nhau về vụ việc trên.

hat bi
Nhiều người nhắc nhau cần giữ an toàn cho con hơn sau thông tin cháu bé nghi bị hóc hạt bí (Ảnh: Internet).

Tài khoản Quỳnh Anh đã nhắc nhở người thân của mình có con nhỏ trong một bài viết: "Đọc bài này xong mà sợ quá, từ nay không được cho con ăn hạt bí, hạt dưa nữa nhé…".

Tài khoản Nhật Anh chia sẻ: "Mấy em nhỏ hay lấy hạt dưa hạt bí nhai nguyên vỏ lắm, con mình cũng hay lượm hạt dưa nhai nguyên vỏ mà nó mới có 2 tuổi thôi, giờ sợ, không dám để trên bàn nữa".

Học cách sơ cứu khi con bị hóc các dị vật vào ngày Tết

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), lưu ý đến các bậc phụ huynh:

Khi bị hóc dị vật trẻ sẽ có biểu hiện tức thì như khó thở, ho sặc sụa, nhiều trường hợp chỉ cần từ 5-6 phút sẽ khiến bé ngừng thở, suy hô hấp dẫn tới tử vong. Vậy nên, khi phát hiện trẻ bị sặc sữa, sặc cháo, hay hóc dị vật (thực phẩm cứng, đồ vật nhỏ…), việc xử lý sơ cứu ban đầu là vô cùng quan trọng.

Cha mẹ hoặc người giữ trẻ cần bình tĩnh và xử lý sơ cứu lấy dị vật ra ngoài đường thở cho trẻ. Bên cạnh đó, có những loại dị vật sẽ trở thành dị vật bỏ quên. Trẻ sẽ chỉ đơn thuần đến bệnh viện vì những bệnh cảnh như khò khè, viêm phổi nhiều lần. Tình huống này cũng gây khó khăn trong việc chẩn đoán.

Trong trường hợp trẻ còn tỉnh táo, nói được, cha mẹ nên để trẻ đứng thẳng. Một người đứng ra sau lưng, ôm ngang thắt lưng bé, một tay tạo thành nắm đấm ấn mạnh lên vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên liên tiếp. 

Trường hợp trẻ hôn mê, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, nắm 2 bàn tay thành 2 nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ, ấn mạnh liên tiếp tới khi nào bé tỉnh.

Đối với trẻ nhỏ đặc biệt từ 6 tháng đến 4-5 tuổi rất dễ bị hóc dị vật. Khi ăn uống nên cho trẻ ngồi một chỗ, không nên nô đùa, làm động tác có phản xạ khi ăn là biện pháp ưu tiên phòng ngừa hàng đầu, khuyến khích bé nhè ra nếu chẳng may bị hóc.

Đối với những trẻ từ 2 tuổi trở lên, khi phát hiện bị hóc dị vật cần bế trẻ ôm vào trong bụng, lấy 3 ngón tay ấn mạnh 5 lần vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức). Làm động tác này tới khi nào bé thấy đỡ hơn, tỉnh táo hơn. Song song với việc đó là gọi xe cấp cứu.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận