Nguyên Cục trưởng Cục Trẻ em: “Các địa phương nên thấy xấu hổ nếu trẻ em còn chết đuối”
Ông Đặng Hoa Nam - Nguyên Cục trưởng Cục Trẻ em, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nói thẳng, các địa phương nên thấy xấu hổ nếu trẻ em vẫn còn thiệt mạng chỉ vì sự thiếu trách nhiệm trong quản lý.
Nội dung này được ông Đặng Hoa Nam - nguyên Cục trưởng Cục Trẻ em, Phó Chủ tịch Hội BVQTE Việt Nam chia sẻ tại buổi thảo luận chuyên đề ngày 18/7 tại Hà Nội do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức, nhân Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) và hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống đuối nước (25/7/2025).
Một sinh mạng trẻ thơ mất đi là một lời cảnh tỉnh cho chính quyền
Nguyên Cục trưởng Đặng Hoa Nam nhấn mạnh, truyền thông cần tập trung lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về tầm quan trọng của việc bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ đuối nước, xem đây là một phần thiết yếu trong việc đảm bảo quyền được sống an toàn của trẻ em. Các thông điệp như “Phòng chống đuối nước trẻ em là bảo đảm quyền sống của trẻ” hay “Đuối nước hoàn toàn có thể phòng, tránh, kéo dài” cần được truyền tải rộng rãi.
Bên cạnh đó, truyền thông cần đồng hành trong việc phổ biến chính sách, giải pháp phòng chống đuối nước một cách cụ thể đến từng cấp chính quyền, từng gia đình, từng giáo viên - những người trực tiếp tạo nên môi trường sống an toàn cho trẻ.
Một nội dung quan trọng là thúc đẩy địa phương đầu tư nghiêm túc, triển khai các mô hình can thiệp phù hợp thực tế mà ông Nam gửi thông điệp: “Ngân sách Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phòng chống đuối nước” và “Đầu tư phòng chống đuối nước là cứu sinh mạng trẻ em”.

“Đuối nước hoàn toàn có thể phòng ngừa và kéo giảm nếu gia đình, cộng đồng và chính quyền cơ sở thực sự quan tâm. Không thể tiếp tục coi những cái chết vì đuối nước là "do duyên, do số". Khi có sự vào cuộc quyết liệt, kết quả sẽ rất rõ rệt.
Những năm trước đây, dọc bờ sông Hồng, năm nào cũng xảy ra vài vụ đuối nước thương tâm. Nhưng gần đây, nhờ các biện pháp can thiệp đồng bộ của Hà Nội như xây dựng bể bơi tại trường học, tổ chức các lớp dạy bơi, nâng cao nhận thức cho phụ huynh - số vụ tai nạn đã giảm hẳn. Điều đó chứng minh: phòng chống đuối nước là việc làm được nếu chúng ta coi đó là ưu tiên”, ông Đặng Hoa Nam bày tỏ.
Để phòng chống đuối nước hiệu quả, ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh cần truyền thông sâu rộng về các biện pháp can thiệp thiết thực như: tạo môi trường an toàn cho trẻ, cảnh báo khu vực nguy hiểm, dạy bơi, trang bị kỹ năng ứng phó, cứu hộ và sơ cấp cứu, đồng thời thực thi nghiêm các quy định an toàn giao thông đường thủy.
Các thông điệp cần được làm nổi bật là: “Đuối nước có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng hoàn toàn phòng tránh được” và “Bài học một người, cứu mạng nhiều người”, như một lời nhắc nhở và kêu gọi cộng đồng hành động mạnh mẽ hơn vì sự an toàn và sinh mạng của trẻ em.
Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia tử vong cao do đuối nước
Tại buổi thảo luận, TS. Dương Khánh Vân, Cán bộ kỹ thuật Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam chia sẻ, đuối nước hiện nay là một gánh nặng y tế cộng đồng nghiêm trọng, đặc biệt đối với trẻ dưới 14 tuổi. Theo Báo cáo toàn cầu do WHO thu thập từ 139 quốc gia - trong khuôn khổ Nghị quyết 76 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về tăng cường hành động phòng chống đuối nước đã nhấn mạnh tính cấp thiết của các biện pháp can thiệp và chính sách bền vững nhằm cứu sống hàng trăm nghìn sinh mạng mỗi năm.

Theo báo cáo chính thức của Bộ Y tế Việt Nam gửi WHO, năm 2021 cả nước ghi nhận 4.019 ca tử vong do đuối nước, trong đó có 661 trẻ dưới 4 tuổi và 949 trẻ từ 5-14 tuổi. Tuy nhiên, WHO ước tính con số thực tế có thể lên đến 7.700 ca do chưa được thống kê đầy đủ.
“Tại nhóm tuổi 5 - 14, đuối nước là nguyên nhân tử vong đứng thứ ba, chỉ sau tai nạn giao thông và nhiễm trùng đường hô hấp. Bên cạnh đó, các yếu tố môi trường - như sống gần sông, hồ, ao, biển, biến đổi khí hậu, lũ lụt, hay thiếu giám sát trẻ em - đều góp phần gia tăng rủi ro”, bà Vân cho biết.
WHO khuyến nghị Việt Nam: cần tăng đầu tư cho chương trình phổ cập bơi, cải thiện thu thập và công khai số liệu tử vong, triển khai giám sát trẻ tại cộng đồng, lồng ghép phòng chống đuối nước vào giáo dục, y tế học đường và ứng phó thiên tai.
"Chỉ với 720.000 đồng, một sinh mạng trẻ em có thể được cứu"
Không chỉ là lời nhắc về hiểm họa dưới nước, Ngày Phòng chống đuối nước còn thúc đẩy những mô hình can thiệp đơn giản nhưng đầy hiệu quả.
Theo bà Đoàn Thu Huyền, Giám đốc quốc gia tại Việt Nam, Tổ chức Campaign For Tobacco-Free Kids, Hoa Kỳ, nghiên cứu từ năm 2017 cho thấy, phần lớn các vụ đuối nước xảy ra ở khu vực gần nhà, trong bán kính chỉ 3km. Thậm chí, có tới 42% trẻ em ở Ninh Bình bị đuối nước ngay tại ao, sân hoặc khu vực sinh hoạt của gia đình. Không ít trường hợp xảy ra ở những nơi nghèo khó, thiếu điều kiện tiếp cận thông tin, kỹ năng...

“Chúng tôi từng đến một đám tang của trẻ nhỏ đuối nước ở Lào Cai. Gia đình chỉ có một chiếc giường, vài bộ quần áo và đó là tất cả. Sự ám ảnh đó theo chúng tôi mãi...”, bà nghẹn ngào. Đáng chú ý, bà Đoàn Thu Huyền nhấn mạnh, truyền thông về phòng, chống đuối nước vẫn gặp khó khăn lớn do rào cản văn hóa, tâm lý và thói quen né tránh các chủ đề nhạy cảm.
“Thậm chí, có gia đình chọn im lặng, không tổ chức giỗ cho con vì nỗi đau quá lớn - điều đó khiến câu chuyện bị chìm vào quên lãng”, bà Đoàn Thu Huyền chia sẻ.
Truyền thông phòng chống đuối nước không chỉ là lời kêu gọi, mà là cách khơi dậy trách nhiệm cộng đồng, giúp kỹ năng bơi, nổi, xử lý tình huống nước trở nên phổ cập, chứ không chỉ là đặc quyền của trẻ em thành phố hay gia đình khá giả.
Theo thống kê từ chương trình, trong 7 năm qua đã có gần 80.000 trẻ em được đào tạo kỹ năng an toàn dưới nước, trong đó 32.000 em theo học chương trình chuẩn gồm 16 buổi, được theo dõi sát sao suốt quá trình học. Mỗi trẻ được đầu tư 720.000 đồng (khoảng 30-32 USD), nhưng hoàn toàn miễn phí cho gia đình.
“720.000 đồng là con số không lớn so với chi phí y tế hoặc cứu hộ khi xảy ra đuối nước. Đầu tư vào phòng ngừa, vào kỹ năng sống cho trẻ rõ ràng là cách hiệu quả nhất. Chúng ta đã có mô hình chứng minh hiệu quả suốt 7 năm. Giờ là lúc mở rộng quy mô, huy động đa dạng nguồn lực - từ doanh nghiệp, tổ chức xã hội, chính quyền địa phương, nhưng quan trọng nhất, phải bắt đầu từ chính gia đình, cộng đồng, với sự hỗ trợ ban đầu cho các hộ nghèo”, bà Huyền nhấn mạnh.
Bà cũng đưa ra thông điệp thiết thực: “Học bơi rất quan trọng, nhưng học cách nổi còn quan trọng hơn, vì trong tình huống khẩn cấp, khả năng nổi có thể cứu lấy sự sống”.
Bà bày tỏ mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục lan tỏa những mô hình hiệu quả đến cha mẹ, nhà làm chính sách, người vận động xã hội để việc phòng chống đuối nước không chỉ dừng lại ở vài địa phương, mà trở thành hành động quốc gia, bảo vệ sinh mạng quý giá của trẻ em Việt Nam.
Tại tọa đàm, các đại biểu được chia sẻ về những sai lầm phổ biến trong sơ cứu trẻ đuối nước theo kinh nghiệm dân gian. Sơ cấp cứu đúng cách là yếu tố then chốt giúp nạn nhân được cứu kịp thời, do đó mỗi người dân cần được trang bị kiến thức cơ bản. Bên cạnh đó, chính sách dạy bơi an toàn vẫn còn có sự bất bình đẳng giữa các địa phương, cả về ngân sách và điều kiện triển khai theo Chương trình mục tiêu quốc gia.

Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan chủ động đề xuất Quốc hội đưa mục tiêu phòng, chống đuối nước trẻ em vào các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đây là cách thiết thực để huy động nguồn lực từ Trung ương, bảo đảm giải quyết bài bản và lâu dài vấn đề đuối nước trẻ em.

HƯỚNG DẪN KỸ NĂNG CỨU ĐUỐI AN TOÀN CHO TRẺ EM
Tài liệu do Bộ LĐ - TB & XH, Quỹ từ thiện Bloomberg, tổ chức vận động chính sách y tế toàn cầu của Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế thế giới thực hiện (Chương trình Phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam).



LƯU Ý:
- Gọi thật to để người lớn tới giúp.
- Tuyệt đối không nhảy xuống cứu bạn. Nói chuyện để trấn an và giúp bạn bình tĩnh.
- Giúp đỡ bạn bằng cách đưa sào, gậy hoặc quăng dây, vật nổi như chai nước rỗng cho người gặp nạn.
- Gọi số điện thoại cấp cứu 115 để được trợ giúp.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất