Lỗ hổng chính sách nhìn từ vụ học sinh 5 tuổi tử vong trên xe đưa đón
Các trường tư thục tại Hà Nội và TP.HCM đang triển khai dịch vụ xe đưa đón học sinh hàng ngày, việc này được quản lý ra sao để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ?
Xe đưa đón học sinh, mạnh ai nấy làm
Từ sự cố cháu bé mầm non tại Thái Bình không qua khỏi do bị bỏ quên trên ô tô 11 giờ đồng hồ, dư luận đang đặt ra vấn đề quản lý an toàn các xe đưa đón học sinh ra sao?
Cách đây chưa lâu, vào tháng 6/2023, một học sinh lớp 1 Trường tiểu học Archimedes (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng bị bỏ quên trên xe ô tô. Sau chuyến tham quan, xe quay trở về trường vào buổi trưa, giáo viên đã không điểm danh dẫn tới bỏ sót một học sinh đang ngủ và sau 30 phút thì sự việc mới được phát hiện, học sinh được đưa trở lại trường và rất may là không xảy ra sự cố đáng tiếc.
Trước đó thì đã xảy ra vụ việc đau lòng khiến một bé trai là học sinh trường Gateway (quận Cầu Giấy) thiệt mạng, mà kết quả điều tra cũng khẳng định do bị bỏ quên trên ô tô nhiều giờ đồng hồ. Hiện nay, trường Gate way đã đổi tên thành Dewey và có mức thu học phí hàng năm cao ngất ngưởng.
Trong tháng 11/2021, liên tiếp xảy ra hai vụ tai nạn ở Sơn La và Đắk Lắk liên quan đến xe ô tô đưa đón, khiến 2 học sinh tử vong.
Khoảng 11 giờ ngày 22/11/2021, tại Quốc lộ 12 thuộc địa phận bản Mâm, xã Chiềng Sơ, tỉnh Sơn La, một ô tô 16 chỗ chở 19 học sinh sau giờ tan học bị bung chốt cửa khi đang lưu thông. Vụ tai nạn khiến 3 học sinh rơi xuống đường, làm 1 em tử vong và 2 em khác bị thương. Qua xác minh, tài xế Lò Văn Xịch chưa có giấy phép lái xe phù hợp, xe chở quá số người quy định và phương tiện đã sử dụng 16 năm.
Trước đó 3 tuần, trưa 2/11/2021, tại huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, một ô tô chở 30 học sinh tới Trường THCS Ama Trang Lơng đã gặp tai nạn khi tài xế quên đóng cửa xe. Khi đi đến đoạn đường thuộc thôn Ea Sim (xã Dliê Ya), một học sinh lớp 6C đứng gần cửa bị ngã xuống đường và bánh sau của xe cán qua người, khiến em tử vong tại chỗ.
Nhiều vụ tai nạn liên quan tới xe đưa đón học sinh khiến hàng triệu phụ huynh nơm nớp lo sợ cho hành trình di chuyển của con mỗi ngày.
Chỉ tính riêng tại Hà Nội, đến năm 2022 đã có hơn 100 trường, bao gồm cả công lập và tư thục triển khai dịch vụ xe đưa đón nhằm đảm bảo sự tiện lợi cho phụ huynh và học sinh, nhưng theo kiểu mạnh ai nấy làm.
Ví dụ tiêu biểu như Trường Đoàn Thị Điểm tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội triển khai hệ thống xe đưa đón học sinh từ nhiều khu vực trong thành phố như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ… Tuy nhiên, đã có một số vấn đề liên quan đến giấy phép của xe đưa đón, dẫn đến việc xe không đủ điều kiện đã bị xử phạt.
Tháng 9/2023, tại đường Hồ Tùng Mậu, tổ công tác liên ngành gồm Đội thanh tra giao thông đường bộ (Sở GTVT Hà Nội) phối hợp với tổ công tác Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an TP Hà Nội (PC06) kiểm tra các xe ô tô khách chở học sinh tại trường Liên cấp Newton (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội), phát hiện một số xe vi phạm.
Một loạt hệ thống các trường tư khác tại Hà Nội như Trường Quốc tế Liên Hợp Quốc Hà Nội (UNIS Hanoi), hệ thống giáo dục Marie Curie, Everest, FPT, Lomonoxop, Alpha school; trường Ban Mai, trường Lương Thế Vinh, Trường I sắc Niu Tơn, trường liên cấp Wellspring (quận Long Biên), trường liên cấp Thăng Long (hệ thống Bill gates) thuộc quận Hoàng Mai... trường Edison, trường Green field, Trường song ngữ Quốc tế MSIS (quận Tây Hồ) cũng cung cấp dịch vụ xe đưa đón từ nhiều khu vực cho học sinh.
Mỗi ngày hàng nghìn đứa trẻ ngồi trên các xe dịch vụ đưa đón của các trường nói trên chạy qua nhiều tuyến đường tại thành phố, vì vậy rất cần thiết phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan thực thi pháp luật, để đảm bảo an toàn sức khoẻ, tính mạng của trẻ em.
Tại TP. HCM, hàng loạt trường tư đều cung cấp dịch vụ đưa đón học sinh tới nhiều tuyến đường và khu vực như: Trường Quốc tế TP. Hồ Chí Minh (ISHCMC), Trường Quốc tế Tesla; trường liên cấp Victoria (Nhà Bè); Trường THCS và THPT Trí Đức, Trường Quốc tế Nam Sài Gòn (SSIS), Trường Quốc tế Australia, Trường Quốc tế Anh (BIS), Trường Quốc tế Mỹ (TAS)... cũng cung cấp dịch vụ xe đưa đón cho học sinh vào tất cả các ngày học trong tuần.
Cần siết chặt quy định nhằm bảo vệ an toàn cho trẻ nhỏ
Trao đổi với Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, nhận định: “Có thể thấy rằng đây không phải là vụ việc đầu tiên học sinh tử vong do bị bỏ quên trên xe ô tô. Trước đây cũng đã có một số vụ việc khiến dư luận xã hội bức xúc, gây hoang mang lo lắng cho các phụ huynh và ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục. Bởi vậy, cần phải có những giải pháp tích cực để đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường bằng xe buýt, bằng dịch vụ đưa đón học sinh.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn thương tâm như thế này, trong đó phải kể đến quy trình quy định trong việc đưa đón học sinh vẫn mang tính tự phát, chưa có một quy trình chuẩn, áp dụng thống nhất trong cả nước đối với các cấp học, bậc học trong việc đưa đón học sinh.
Chưa có quy định tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các phương tiện đưa đón học sinh. Chưa có quy định về tiêu chí tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ có trách nhiệm trong việc vận chuyển, đưa đón học sinh, phần lớn các cán bộ không được tập huấn các quy tắc đảm bảo an toàn, không có sự kiểm soát của cơ quan chức năng về chuyên môn nghiệp vụ, về kỹ năng cũng như trách nhiệm trong quá trình thực hiện việc đưa đón học sinh.
Chưa có cơ chế kiểm soát các phương tiện đưa đón học sinh cũng như kiểm soát chất lượng nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ đưa đón học sinh; chưa đáp ứng được điều kiện về hạ tầng cũng như phương tiện vận chuyển học sinh để đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển cũng như an toàn khi lên xuống xe.
Việc kiểm tra phát hiện xử lý vi phạm trong hoạt động đưa đón học sinh chưa được quan tâm đúng mức, chưa kịp thời phát hiện xử lý đối với các phương tiện không đủ điều kiện tiêu chuẩn an toàn, đối với các cán bộ không có kỹ năng nghiệp vụ, không có nhận thức đầy đủ về ý thức trách nhiệm trong công việc, không kiểm tra quy trình đưa đón học sinh của các cơ sở giáo dục, cơ chế kiểm soát đối với hoạt động này, chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm cũng còn tản mát, chưa có quy định cụ thể.
Ngoài ra, việc tuyển dụng lựa chọn cán bộ thực hiện nhiệm vụ đưa đón học sinh của các cơ sở giáo dục hiện nay còn qua loa đại khái, chưa đưa ra những tiêu chí tiêu chuẩn cụ thể, không có sự giám sát chặt chẽ và duy trì kỷ luật dẫn đến nhiều khi cán bộ lơ là, thiếu trách nhiệm và có thể gây ra nguy hiểm cho các em;
Điều kiện kinh tế của nhiều bậc phụ huynh còn khó khăn dẫn đến việc chưa quan tâm đúng mức với chất lượng phương tiện đưa đón học sinh, không có điều kiện để chi trả cho các phương tiện đưa đón học sinh có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn…”.
Luật sư Đào Quốc Hưng, Phó Giám đốc công ty luật ALS, cho rằng để giảm thiểu những vụ tai nạn đau lòng này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, bao gồm hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo vệ trẻ em, quy định cụ thể về tiêu chuẩn chất lượng phương tiện đưa đón và điều kiện cán bộ tham gia đưa đón học sinh.
Ví dụ như xe đưa đón học sinh có thể do cơ sở giáo dục tự tổ chức hoặc đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện. Các trường học tổ chức đưa đón phải thông báo đến cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải địa phương các thông tin như: hành trình, điểm dừng đón/trả, danh sách xe, lái xe, hình ảnh xe và màu sơn đặc trưng. Nếu có thay đổi, trường phải thông báo bổ sung. Khi đưa đón học sinh tiểu học và mầm non, trường phải bố trí một quản lý trên mỗi xe để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và đảm bảo an toàn suốt chuyến đi.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm quy tắc an toàn. Chỉ khi thực hiện đồng bộ các giải pháp về chính sách, con người, cơ chế, tiêu chí tiêu chuẩn và tài chính, mới có thể giảm thiểu những vụ tai nạn thương tâm này.
Những số liệu đáng báo động
Ngày 05/01/2024, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam đã tổ chức tọa đàm tham vấn về bảo vệ an toàn trẻ em để góp ý cho dự thảo Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, PGS.TS. Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phòng chống chấn thương, Trường Đại học Y tế Công cộng, đã chia sẻ kết quả nghiên cứu về sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô. Chỉ có 1,3% xe sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ, trong khi 22,8% xe có trẻ em ngồi ghế trước, vị trí nguy hiểm nếu không có dây an toàn. Ông Cường nhấn mạnh sự cần thiết phải có quy định và hướng dẫn về sử dụng thiết bị an toàn đạt chuẩn kỹ thuật cho trẻ em dưới 12 tuổi hoặc chiều cao dưới 150cm, cũng như không để trẻ dưới 12 tuổi ngồi ghế trước.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất