06:26 02/12/2022

Đau đầu 'cân đo đong đếm' chuyển trường cho con từ tư sang công

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Sự chêch lệch giữa học phí, khác biệt về cách giảng dạy, rèn luyện giữa trường công và trường tư là những lý do đang khiến nhiều phụ huynh đau đầu "cân đo đong đếm" việc chuyển trường học cho con từ tư sang công.

Giáo viên chiều lòng phụ huynh

Trả lời cho câu hỏi của PV về lý do chọn chuyển trường cho con từ trường tư sang trường công, chị Trần Thu Phương (Hà Nội) cho rằng, giáo viên trường tư ở lớp con chị không bao giờ la mắng hoặc uốn nắn nhiều học sinh để giữ công việc của họ. 

Theo chị, trường tư được quản lý theo kiểu doanh nghiệp, việc sa thải giáo viên rất dễ dàng, nên hầu như giáo viên nào cũng chiều học sinh và phụ huynh hết sức.

"Thường đứa trẻ được nuông chiều nhiều quá thì kết quả thế nào sẽ rõ. Còn ai nói trường tư dạy kỹ năng mềm tốt hơn thì chưa hẳn đã đúng, chỉ đúng ở việc bao bọc học sinh nhiều hơn thôi”, chị Phương cho hay.

“Cá nhân tôi học công lập từ mẫu giáo đến đại học nhưng khi đi học Thạc sĩ ở nước ngoài vẫn dễ dàng bắt nhịp được, tôi cũng không phải đi học dự bị như mọi người vẫn nghĩ”, chị bộc bạch.

Quan điểm của chị là học ở trường công tốt hơn hẳn trường tư vì 30 năm trước và bây giờ, số trường công không tăng, trong khi dân số ngày càng tăng, dẫn đến tỉ lệ cạnh tranh cao. Do vậy, các con phải cạnh tranh và nỗ lực nhiều để không bị tụt lại so với các bạn. Đây cũng là môi trường để các con rèn luyện bản thân dưới áp lực nên khi đi làm, khả năng chiến đấu cũng cao. 

Vì thế, mặc dù chị có thể cho con tiếp tục học trường tư,.. nhưng chị quyết định chuyển cho con sang học trường công vì muốn con phải có tinh thần nỗ lực, vượt khó, được va chạm, cạnh tranh nhiều vì con là con trai.

Bên cạnh đó, dù có nhiều áp lực về bài vở, điểm số, giáo viên nghiêm khắc nhưng nếu nhìn nhận tích cực thì thầy cô sẽ đánh giá năng lực con một cách công bằng, không ngại kiểm điểm, phê bình khi con mắc lỗi. Con được làm quen với áp lực. Học với các bạn có hoàn cảnh khác nhau cho con biết tôn trọng sự khác biệt.

Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, cô giáo T.L. - giáo viên tại một trường tư tại Hà Nội có quan điểm rằng, thực tế trường công vẫn tốt hơn...

“Có trường tư dạy theo kiểu "dụ" học sinh để lấy lòng phụ huynh, cứ học sinh đông là mừng, kinh doanh mà. Còn nếu muốn biết được chất lượng thật phụ huynh nên tìm hiểu kĩ vì điểm số hay đánh giá đều nằm trong tay họ”, chị T.L cho hay. 

Cha mẹ “cân đo đong đếm” chuyển trường cho con từ công sang tư
Tại trường công, học với các bạn có hoàn cảnh khác nhau cho con biết tôn trọng sự khác biệt (Ảnh minh hoạ: Thiết kế Hương Giang).

Học phí, chi phí đắt đỏ

Hết năm học vừa qua, chị Nguyễn Thuỷ Tiên (Hà Nội) đã chuyển con từ trường tư về trường công cạnh nhà vì chi phí trường tư quá đắt đỏ.

“Đầu tư cho con theo quan điểm cá nhân của tôi là theo chiều hướng tăng tiến nhưng nên cân đối mọi vấn đề như vị trí địa lý, tình hình tài chính, và con đường lâu dài. Bởi vì lương thì thấp mà các trường tư thì quá đắt đỏ, không đủ sức với mức lương viên chức của phụ huynh chúng tôi”.

Trước kia, vì không có nhiều thời gian nên vợ chồng chị quyết định cho con đi học bằng xe trường, sử dụng các dịch vụ bán trú ở trường. Riêng các khoản này, chưa kể tiền học, đã tiêu tốn của gia đình chị gần 30 triệu đồng/năm học.

Năm ngoái, đại dịch Covid-19 khiến công ty của chồng chị buộc phải cắt giảm nhân sự, chồng chị là một trong số đó. Đủ mọi gánh nặng kinh tế "đè" lên vai, gia đình chị buộc phải cắt giảm các khoản chi tiêu, trong đó có việc học của con ở trường tư.

"Tôi chuyển con về trường công không chỉ vì lý do thiếu tiền. Tôi đã manh nha ý định đó từ lâu, thời điểm kinh tế gia đình khó khăn như "giọt nước tràn ly" dẫn đến quyết định đó”.

Được biết, từ lâu chị đã muốn chuyển trường cho con về trường công gần nhà để con có thể tự đi học, đỡ vất vả cho cả con, cả ba mẹ và người thân nếu nhờ đi đón hộ.

Bên cạnh đó, chị Lê Huyền Thu (Hà Nội) cho biết, chị chỉ cho con học mầm non tư rồi lên cấp một, chị chuyển sang công. Vì nếu cấp một học trường tư rồi sang công con sẽ rất khó thích nghi. Thà thích nghi ngay từ lớp một còn sẽ đỡ bỡ ngỡ.

“Tôi chọn trường mầm non tư thục gần nhà tầm khoảng 5 triệu đồng/tháng để cho con được chăm, bố mẹ có thể dễ dàng sang kiểm tra con bất kì lúc nào”, chị Huyền Thu kể.

“Vì học tư kinh phí từ cấp một trở lên đều tầm 10 triệu/tháng đổ lên. Gia đình khá giả kinh tế thì thấy bình thường chứ như chúng tôi làm công ăn lương, chắt góp từng đồng mà phải tính toán chi phí học tư cho suốt 12 năm học thì đau đầu lắm.

Nên chọn công luôn từ lớp một và đầu tư học ngoài tiếng Anh dù con sẽ ít đi hẳn môi trường giao tiếp. Học trường tư cũng tốt nhưng bố mẹ xác định phải theo được đường dài, thậm chí là đến hết đường”, chị chia sẻ. 

Nghịch lý vào trường tư "văn ôn võ luyện" để chuyển cấp thi đỗ trường công

Công hay tư đều có ưu nhược điểm khác nhau. Trường tư học phí cao thì chất lượng cũng phải cao hơn, nhưng hầu như các trường tư vẫn chưa làm được điều đó. Đó là quan điểm của anh Phạm Hữu Công (Hà Nội). 

Anh chia sẻ: “Ai cũng muốn con mình được hưởng những dịch vụ tiện ích nhất tại trường tư, tuy nhiên, điều đó vô tình khiến con bị hạn chế trong việc phải phát triển các kỹ năng sống thông qua trải nghiệm thực tế. Việc học và nâng cao trình độ học sinh không được ưu tiên và chú trọng”.

“Tư cũng có 5-7 kiểu tư, một trong số đó là kiểu tư tập trung nhiều về học thuật. Các con học các trường kiểu này giống như lò luyện để cấp 2 vào chuyên. Mà chuyên 100% là công. Vậy lại là học công”, anh cho biết.

Ngoài ra, anh chia sẻ, hiện nay có rất nhiều bé học trường tư có yếu tố nước ngoài, được tiếp xúc tiếng Anh từ sớm nên sử dụng tiếng Anh rất tốt, tự nhiên. Nhưng anh khẳng định đấy chỉ là kỹ năng nói. Còn để sử dụng để đi học và đi làm thì nó phải là vấn đề ngữ pháp. Mà cái này thì anh tin tưởng trường công dạy rất chắc. 

Ở trường công, do việc quản lý giáo viên chặt chẽ nên không có tình trạng thầy cô dạy trên lớp sơ sài, dạy ở nhà là chủ yếu. Bởi thế, ngay trong từng bài giảng trên lớp đều được giáo viên chuẩn bị chu đáo.

Bên cạnh đó, cô giáo thường xuyên có sự liên lạc và trao đổi tình hình học tập của học sinh với gia đình. Nhà trường luôn đánh giá về sự tiến bộ của các em. Nhờ đó, chất lượng học tập của các em ngày một nâng lên rõ rệt. Phụ huynh khi gửi con vào học những ngôi trường như thế cũng yên tâm vì con cháu mình đang được dạy dỗ hết mình.

Chị Nguyễn Vũ Thùy Linh (Hà Nội) chia sẻ quan điểm: “Muốn thay đổi giáo dục tôi thấy không phải là việc tranh luận xem chọn trường công hay tư, nhiều hay ít tiền mà phải là hệ thống bài giảng như thế nào.

Giáo viên trình độ ra sao và một điều tiên quyết để các bố mẹ an tâm hơn là gần nhà và bớt gồng gánh kinh tế. Đây là ý kiến cá nhân của tôi sau khi đã được học cả trường công và tư từ cấp một lên đại học”.

>>Quý độc giả có quan điểm như thế nào về vấn đề trường công, trường tư? Kính mời quý độc giả để lại bình luận hoặc gửi bài viết về cho chúng tôi tại đây.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận